Yên Bái: Tái cơ cấu ngành chè, để chè là cây trồng chủ lực của tỉnh

Thời sự, Xã hội | 16:37:00 16/05/2019

TNV - Tái cơ cấu ngành chè Yên Bái theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững các mối quan hệ giữa trồng chè - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Sắp xếp các cơ sở chế biến, đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh chè là mục tiêu mà tỉnh Yên Bái đang nỗ lực thực hiện để chè là 1 trong 10 cây trồng chủ lực.

Diện tích, sản lượng có xu hướng giảm, nhiều cơ sở chế biến chè thiếu nguồn nguyên liệu

Theo số liệu Cục Thống kê Yên Bái, từ năm 2015 đến nay, diện tích, sản lượng và chất lượng chè búp tươi trên địa bàn tỉnh Yên Bái liên tục giảm và có xu hướng tiếp tục giảm. Theo đó mỗi năm, diện tích giảm trung bình trên 1.000 ha, sản lượng chè búp tươi giảm hơn 6.500 tấn. Một số vùng sản xuất chè truyền thống tại huyện Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên và các xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn đang xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ phải phá bỏ.

Tính đến năm 2018, tổng diện tích chè trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái còn 7.819,9 ha (trong đó, diện tích cho sản phẩm là 7.052,9 ha); sản lượng chè búp tươi 65.866,8 tấn; năng suất 93,38 tạ/ha. Sản lượng chè khô chế biến 14.700 tấn (chè đen 12.500 tấn, chè xanh 2.200 tấn); tổng giá trị sản phẩm qua chế biến ước đạt trên 350 tỷ đồng; thu nộp ngân sách đạt trên 25 tỷ đồng. 

 Chè shan cổ thụ Suối Giàng nức tiếng thơm ngon – đặc sản của núi rừng Yên Bái. Ảnh: P. Quỳnh.

Nguyên nhân do những diện tích chè già cỗi, hiệu quả kinh tế thấp nên người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả và một phần diện tích giảm do thu hồi đất để làm các công trình giao thông, dân cư.

Đây là nguyên nhân chính làm cho trên địa bàn tỉnh còn 61/115 cơ sở chế biến chè hoạt động, nhưng chỉ có khoảng 10 đơn vị đủ nguyên liệu để sản xuất ổn định, các cơ sở còn lại sản lượng chỉ đạt 30- 50% so với năm 2016, một số đơn vị không có nguyên liệu chế biến. Để bổ sung nguồn nguyên liệu một số đơn vị đã chủ động thu mua từ các tỉnh lân cận (Phú Thọ, Tuyên Quang), nhưng sản lượng không lớn. Một số doanh nghiệp đã dừng chế biến chè búp tươi, chuyển sang thu mua chè bán thành phẩm để sàng cắt, phân loại làm thương mại.

Ngành chè Yên Bái đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Đó là: Bà con chưa thực hiện nghiêm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; chi phí vật tư, nhân công, nguyên nhiên vật liệu tăng cao, giá bán còn thấp, thị trường tiêu thụ chưa bền vững; thiết bị, cơ sở hạ tầng chắp vá không đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; sản phẩm chủ yếu là bán thành phẩm, sản phẩm thô, chất lượng thấp, không đủ khả năng xuất khẩu trực tiếp mà phải bán cho các đơn vị chế biến trong nước để đấu trộn bán cho các thị trường dễ tính, giá rẻ; kéo theo đời sống, thu nhập của người trồng chè thấp...

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém 

Chính quyền địa phương các cấp và các doanh nghiệp chế biến chưa có chính sách phát triển vùng nguyên liệu một cách hiệu quả, bền vững. Hầu hết các đơn vị chế biến chưa xây dựng được mối liên kết đầu tư - thu mua nguyên liệu với các hộ trồng chè; do đó không chủ động được nguyên liệu để sản xuất.

Công tác quản lý sử dụng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hoạt động khuyến nông còn bị buông lỏng, kém hiệu quả.

Diện tích chè của tỉnh chủ yếu được trồng từ những năm 1970-1980, đến nay đã hết một chu kỳ khai thác, nhưng trong 10 năm qua toàn tỉnh mới đầu tư trồng mới, trồng cải tạo được trên 5 nghìn ha (chiếm khoảng 45% diện tích so với năm 2005). Hiệu quả kinh tế của những diện tích chè già cỗi hoặc giống cũ còn thấp, các hộ gia đình thiếu lao động, nên đã chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao, hoặc ít đầu tư chăm sóc như cây ăn quả, cây lâm nghiệp, quế. 

 

Công ty TNHH chè Bình Thuận đặc biệt quan tâm đầu tư máy móc thiết bị
để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Ảnh: P. Quỳnh.

Bên cạnh đó là tình trạng thu hái chè sai quy trình kỹ thuật, người trồng chè chạy theo số lượng, không quan tâm đến chất lượng và quy chuẩn hái chè; chè hái quá lứa, hái quá dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của cây; việc thu hái dồn dập trong cùng thời gian gây tình trạng thừa thiếu nguyên liệu, không chủ động cho chế biến; chất lượng chè búp tươi xấu, tỷ lệ thu hồi mặt hàng cấp cao giảm, tỷ lệ xơ gỗ và phế phẩm tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, chất lượng chè thành phẩm kém, do đó giá bán chè thấp, khó khăn trong tiêu thụ. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến giá chè búp tươi không thể tăng cao được.

Những giải pháp chủ yếu

Tái cơ cấu ngành chè Yên Bái theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững các mối quan hệ giữa trồng chè - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Sắp xếp các cơ sở chế biến, đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh chè là mục tiêu mà tỉnh Yên Bái đang nỗ lực thực hiện để chè là 1 trong 10 cây trồng chủ lực.

Theo đó, tỉnh triển khai hỗ trợ bà con trồng thay thế 200 diện tích chè già cỗi ở những nơi có diện tích tập trung từ 05 ha trở lên tại huyện Văn Chấn (150 ha) và huyện Trấn Yên (50 ha), bằng các giống có năng suất, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của thị trường. Quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định cho các cơ sở chế biến; phấn đấu đến năm 2020 các đơn vị chế biến có vùng nguyên liệu ổn định.

Đồng thời, bố trí kinh phí khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và sở hữu trí tuệ; phấn đấu 100% sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng tỷ lệ sản phẩm chè xanh, chè đặc sản, chè hữu cơ đạt trên 30%. Tiếp tục thực hiện đề án phát triển chè Shan – sản phẩm đặc sản - tại các huyện vùng cao; năm 2018 trồng mới 150 ha. 

 Vùng nguyên liệu của Công ty Cổ phần chè Nghĩa Lộ. Ảnh: P. Quỳnh.

 Áp dụng các biện pháp kỹ thuật có hiệu quả trong thâm canh như: Đốn, hái đúng thời vụ, tủ gốc giữ ẩm, trồng cây che bóng và tăng cường bón phân hữu cơ, phân vi sinh cho cây chè. Thực hiện tốt quy trình chăm sóc đối với diện tích chè thu hái bằng máy, đảm bảo hái đúng kỹ thuật, phẩm cấp chè, không hái quá sâu ảnh hưởng đến chất lượng nương chè. Điều tiết sản lượng thu hái để đảm bảo chất lượng nguyên liệu và cung cấp ổn định cho chế biến. 

Xây dựng mô hình thí điểm đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về khuyến nông chè tại một số xã, huyện trọng điểm sản xuất chè. Từ đó nghiên cứu xây dựng mô hình liên kết cung cấp dịch vụ kỹ thuật giữa cán bộ khuyến nông - cơ sở chế biến - hộ trồng chè.

Hướng dẫn, hỗ trợ các hộ trồng chè liên kết thành các Tổ hợp tác, Hợp tác xã sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc các chứng nhận nông nghiệp khác và ký hợp đồng liên kết với các cơ sở chế biến.

Quan tâm, rà soát năng lực của các đơn vị chế biến, từ đó có biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả; xử lý nghiêm theo quy định pháp luật những cơ sở không đủ điều kiện sản xuất. Hỗ trợ các đơn vị chế biến xây dựng vùng nguyên liệu; đối với những đơn vị không được giao đất xây dựng vùng nguyên liệu thì phải tổ chức liên kết đầu tư với các hộ trồng chè, vùng nguyên liệu được xác định theo hợp đồng đầu tư - thu mua nguyên liệu giữa đơn vị và các hộ trồng chè.

Những điểm sáng cần được phát huy và nhân rộng

Theo ông Phạm Đình Vinh (Phó Chi cục trưởng - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Yên Bái), trong điều kiện bếp bênh của cây chè, nhiều cơ sở chế biến phải đóng cửa, nhiều cơ sở hoạt động cầm chừng, thì Công ty Cổ phần chè Nghĩa Lộ và Công ty TNHH chè Bình Thuận vẫn ổn định nguồn nguyên liệu để phát triển sản xuất - đây là những điểm sáng cần được phát huy và nhân rộng.

Theo đó, hơn chục năm nay, với chính sách đưa công tác khuyến nông đến tận hộ, cam kết thu mua hết sản phẩm theo giá thị trường, cho các hộ trồng chè vay ứng hàng tỷ đồng đầu tư thâm canh, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật và hỗ trợ 20% giá cho bà con trồng chè, chú trọng trồng mới và trồng thay thế chè già cỗi. Công ty Cổ phần chè Nghĩa Lộ đã liên kết với 680 hộ, tạo vùng nguyên liệu ổn định có diện tích 533 ha, mỗi năm thu mua khoảng 8.000 tấn chè búp tươi, sản xuất ra khoảng 1.800 tấn chè đen tiêu thụ ở thị trường quốc tế, mỗi năm cho doanh thu 50 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước từ 4 - 4,5 tỷ đồng. Giám đốc Nguyễn Thành Vinh cho biết. 

 Phó Giám đốc Nguyễn Phú Linh vận hành máy thu chè và đảo chè tự động do
Công ty tự nghiên cứu chế tạo, mỗi năm tiết kiệm trên 200 triệu đồng. Ảnh: P. Quỳnh.

Đối với Công ty TNHH chè Bình Thuận, Phó Giám đốc Nguyễn Phú Linh bật mí: Để ổn định nguồn nguyên liệu và phát triển sản xuất, từ năm 2013 Công ty đã chú ý liên kết với bà con trồng chè trong xã tạo thành chuỗi sản phẩm; cam kết thu mua hết, tăng thêm vào giá mua 200 đồng/kg và trả tiền ngay; cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ phun thuốc BVTV. Đặc biệt, quan tâm đầu tư máy móc thiết bị để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh; tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, bằng cách gia nhập R.A – Tổ chức nông nghiệp bền vững quốc tế toàn cầu - sản xuất hàng chục sản phẩm chè đen khác nhau theo tiêu chuẩn quốc tế, mở rộng tiêu thụ với các đối tác lớn như: Tập đoàn Finlay, Công ty XNK Nam Anh,Uninever, Công ty Tản Viên./.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam