TNV - Khi mới thành lập, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) có 11 xã và 1 thị trấn, với diện tích tự nhiên 84.911 ha; dân số 35.955 người và qua các lần điều chỉnh địa giới hành chính, hiện nay huyện còn 7 xã, 1 thị trấn, với diện tích thực tế là 77.155,42 ha, có 25.717 hộ, 115.981 người, với 3 dân tộc: Kinh, Khmer và Hoa.
Trải qua 2 cuộc chiến tranh, U Minh bị tàn phá bởi bom đạn, chất độc hoá học, nên khi bắt tay vào xây dựng huyện gặp nhiều khó khăn thách thức.Tuy nhiên, chính quyền và nhân dân U Minh vẫn không lùi bước và quyết tâm xây dựng lại quê hương.
Khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, làm cho kinh tế của huyện không ngừng tăng trưởng
Trên cơ sở xác định nông nghiệp giữ vị trí hàng đầu trong cơ cấu kinh tế, huyện đã tiến hành nhiều biện pháp thiết thực như: mở rộng diện tích khai hoang phục hoá, giao quyền sử dụng đất cho nông dân. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều công trình thuỷ lợi kết hợp với giao thông được nạo vét và đào mới, để tiêu úng, xổ phèn, ngăn mặn, giữ ngọt, nhằm chuyển từ độc canh cây lúa sang đa canh theo hướng sản xuất hàng hoá; đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, thay đổi cơ cấu giống, mùa vụ, đưa diện tích đất trồng lúa từ 6.000 ha năm 1979 lên 27.00 ha năm 2018; từ làm lúa 1 vụ tăng lên 2 vụ, năng suất bình quân từ 1,4 tấn/ha, lên trên 4 tấn/ha; sản lượng lương thực từ 24.000 tấn, tăng lên 130.151 tấn. Cùng với cây lúa việc cải tạo vườn tạp trồng cây lấy gỗ, cây ăn trái và rau màu được quan tâm đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Ông Dư Bé Ba - Phó bí thư, chủ tịch UBND huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Huyện U Minh có bờ biển dài 31 km, với ngư trường rộng lớn trên 20.000km2, có nhiều loài hải sản có giá trị xuất khẩu cao. Nghề khai thác biển được người dân U Minh bám trụ từ bao đời nay và hoạt động có hiệu quả sau khi cửa biển Khánh Hội, Hương Mai được nạo vét mở rộng; khu kinh tế cửa biển Khánh Hội được hình thành, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ sửa chữa nghề biển ra đời; số tàu đánh bắt xa bờ tăng nhanh, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của huyện. Công việc khắc phục hậu quả của cơn bão 5 năm 1997 được sự quan tâm phối hợp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả đã khôi phục và phát triển dịch vụ khai thác biển ở địa phương. Hiện toàn huyện có đội tàu khai thác biển trên 800 phương tiện đánh bắt thủy hải sản lớn, nhỏ; trong đó có 50% phương tiện có công suất lớn, được trang bi ngư cụ hiện đại, có khả năng đánh bắt xa bờ. Sản lượng khai thác biển năm 2018 được 29.600 tấn. Để bảo vệ ngư trường và biên giới trên biển, huyện đã kết hợp chặt với đồn biên phòng Khánh Hội, đồn biên phòng Khánh Tiến và Hải đội 5, xây dựng được lực lượng tổ chức tuần tra, canh gác trên biển; đồng thời huyện đã xây dựng và triển khai Kế hoạch chiến lược phát triển biển đến năm 2020.
Nghề nuôi tôm quảng canh, nuôi cá đồng, cá hồ ao phát triển mạnh, từ hơn 10 ngàn ha đất nhiễm phèn mặn, hoang hóa nay trở thành vùng đất sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ tôm có hiệu quả và hiện nay diện tích khoanh nuôi trên 37.500 ha, trong đó nuôi tôm 21.000 ha, nuôi cá đồng và cá hồ ao 15.000 ha, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2018 trên 60.000 tấn, góp phần đáng kể vào tăng thu nhập chung của huyện.
Nói đến U Minh, người ta thường nghĩ đến rừng tràm, cây tràm không chỉ là cây đặc trưng cho địa danh U Minh mà còn có những giá trị lớn lao khác. Đất rừng U Minh có trữ lượng lớn gỗ tràm, các loài động thực vật và khoáng sản quý hiếm dưới tán rừng; để bảo vệ tài nguyên, khoáng sản rừng, huyện đã phối hợp với ngành chủ quản, cùng với chủ rừng, triển khai và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách bảo vệ và phát triển rừng như: hoàn thành hệ thống đê bao; hệ thống kênh đào phân khu phục vụ cho bảo vệ, khai thác và phòng, chống cháy rừng; kết hợp với trên xây dựng Vườn Quốc gia U Minh hạ và khu du lịch sinh thái Sông Trẹm, bước đầu tạo dựng được điểm, địa chỉ và thu hút được một lượng khách du lịch đáng kể và ngày 26 tháng 5 năm 2009, vườn quốc gia U Minh Hạ được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Tổ chức quản lý tốt rừng tập trung với diện tích trên 30 ngàn ha và diện tích rừng phòng hộ biển tây, đưa tỷ lệ che phủ của rừng lên 44,44%; tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ và phát triển các loài động thực vật dưới tán rừng. Hàng năm diện tích rừng đưa vào khai thác từ 20.000 - 20.500 ha, khối lượng lâm sản cung cấp cho thị trường hàng năm từ 195.000 - 250.000 m3 gỗ, củi; công tác bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua huyện đã triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách của Đảng và nhà nước được triển khai kịp thời đến các hộ dân cư sống trong lâm phần. Công tác phòng cháy chữa cháy rừng luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả với phương châm “bốn tại chỗ”.Trong công tác bảo vệ và phát triển rừng huyện luôn tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh để hoàn thiên hệ thống để bao giữ rừng.
Công thương nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng có bước phát triển với tốc độ khá nhanh, làm thay đổi hẳn diện mạo của U Minh.
Khi mới thành lập, khu trung tâm huyện chỉ có 4 ngôi nhà dân, vài ba “quán cóc”, giờ đây nhà cửa, chợ quán, cơ quan công sở đông đúc được xây dựng cơ bản và bán cơ bản; toàn huyện có 4 chợ, 172 doanh nghiệp với hơn 1.200 cơ sở sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là trên địa bàn còn có Cụm công nghiệp khí - điện - đạm Khánh An do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam vận hành khai thác đã đưa bộ mặt nông thôn huyện ngày càng khởi sắc; đồng thời huyện đang kết hợp tỉnh tích cực triển khai xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị mới Khánh An, đây là điều kiện thuận lợi, là động lực để U Minh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ.
U Minh có địa hình giao thông thuỷ - bộ rất phức tạp, kênh rạch chằng chịt, chịu sự tác động mạnh của thời tiết và thuỷ triều gây khó khăn cho phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân. Trăn trở trước thực trạng đó, Đảng bộ xác định xây dựng giao thông - thuỷ lợi là huyết mạch, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Toàn huyện có 167,5 km đường ô tô, 574 km đường giao thông nông thôn và trên 300 cây cầu bê tông chiều dài trên 632m, nối liền các trục giao thông chính từ tỉnh đến huyện và từ huyện đến xã - thị trấn bằng xe ôtô; từ xã đến ấp và liên ấp, khóm bằng xe môtô đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đi lại của Nhân dân. Hệ thống lưới điện được đầu tư và phát triển.
Cùng với giao thông đường bộ, hầu hết các tuyến kênh, rạch trên địa bàn huyện được nạo vét, đào mới bằng cơ giới, hệ thống đê bao, cống thoát nước đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng xổ phèn cho trồng lúa và nuôi tôm cá. Đây là những công trình kinh tế “đa mục tiêu”; mỗi công trình được thi công thì đồng đất nơi đó lại màu mở, “lên hạng”; mở rộng giao thông thuỷ - bộ, nối liền xóm - ấp, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất và đi lại của người dân.
Công tác thu ngân sách trên địa bàn có sự chuyển biến đáng kể: năm 1979, có số thu 426 triệu đồng, đến năm 2018 có số thu trên 43 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào công tác thu ngân sách Nhà nước, đáp ứng kịp thời các khoản chi cần thiết cho các hoạt động của huyện. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 1.800 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người từ 9,3 triệu đồng năm 2008 lên 37 triệu đồng/người năm 2018. Cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông - ngư - lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Trong đó: nông, ngư, lâm nghiệp 47,3%; công nghiệp, xây dựng 22,5%; dịch vụ 30,2%.
Sự nghiệp giáo dục đào tạo, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác chăm lo các đối tượng chính sách có nhiều chuyển biến đáng kể
Ngay sau khi thành lập, huyện U Minh đã dành ưu tiên hàng đầu cho phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Từ cơ sở ban đầu chỉ có 3 trường tiểu học bằng cây lá tạm, đến nay qui mô giáo dục và hệ thống trường lớp được phát triển đều khắp đến khu dân cư, huyện có 45 cơ sở trường học (gồm có 9 trường mẫu giáo, mầm non, 21 trường tiểu học, 4 trường TH và THCS, 8 trường THCS và 3 trường THPT), trong đó có 59,5% cơ sở trường đạt chuẩn quốc gia và có 18.734 học sinh ở 4 cấp học; năm học 2017-2018 toàn huyện có trên 99,7% học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS, 99,9% học sinh tốt nghiệp THPT, đội ngũ giáo viên ở các ngành học, bậc học phát triển đủ về số lượng và chất lượng tăng dần theo hướng chuẩn hóa. Huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia về công tác phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ vào năm 1997 và công nhận phổ cập giáo dục THCS vào năm 2004; hiện nay huyện vẫn duy trì đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục ở bậc mầm non, tiểu học và THCS; trong đó bậc tiểu học chuẩn phổ cập mức độ 3; THCS đạt chuẩn mức độ 2; tỷ lệ trẻ đi học đúng độ tuổi chiếm trên 98%, giảm đáng kể học sinh bỏ học; tỷ lệ học sinh khá giỏi ngày càng tăng. Tỷ lệ đảng viên trong ngành giáo dục tăng nhanh, hiện có 898 đảng viên, có 45 chi bộ giáo dục.
Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với nước, huyện luôn quan tâm chỉ đạo việc giải quyết các chính sách cho người có công. Đã xét duyệt và đề nghị công nhận 1.747 thương binh, bệnh binh, liệt sỹ; hoàn thành 175 hồ sơ phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng và đã có quyết định công nhận 172 mẹ; 2.818 hồ sơ theo Quyết định 290, 188 và 279 hồ sơ đối tượng bị nhiễm chất độc da cam; xây dựng hoàn thành các hạng mục công trình nghĩa trang liệt sỹ và quy tập 698 hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang liệt sĩ huyện; xây dựng, sửa chữa và nâng cấp 8 nhà bia ghi danh liệt sĩ ở các xã, thị trấn. Phong trào lập quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, chăm sóc gia đình chính sách đã đi vào chiều sâu, mang tính xã hội hoá cao, mỗi năm số tiền đóng góp vào quỹ hàng tỷ đồng. Đến nay, huyện đã xây dựng, sữa chữa và hỗ trợ 1.083 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, 1.179 căn nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng kinh phí trên 90 tỷ đồng.
Ghi nhận công ơn của các anh hùng liệt sỹ, được Đảng bộ và nhân dân U Minh khắc sâu vào 2 câu đối ở cổng nghĩa trang liệt sỹ huyện:
“Rừng U Minh muôn đời ghi nghĩa lớn
Sông Cái Tàu vạn thuở nhớ ơn sâu”
Sau 40 năm, U Minh đã thay đổi và phát triển với nhiều thành tựu, đó là kết tinh từ truyền thống yêu quê hương đất nước, với tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, cần cù sáng tạo, vượt khó trong lao động, sản xuất và công tác của Đảng bộ, quân, dân huyện nhà; sự ủng hộ cổ vũ của các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài huyện, của bạn bè, đồng chí, của những người con U Minh đang sinh sống, làm việc xa quê hương, đã được Nhà nước phong tặng Huân chương lao động hạng 2 cho Đảng bộ và quân, dân huyện U Minh; Chính phủ và UBND tỉnh tặng Bằng khen cho nhiều tập thể và cá nhân.
Tấn Tài