Phòng ngừa một số bệnh lây truyền qua thực phẩm

Sức khỏe, Truyền thông - Y tế | 10:29:00 28/05/2019

TNV - Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 400 bệnh lây truyền qua thực phẩm không an toàn, trong đó thường gặp nhất và có thể gây thành dịch là tiêu chảy cấp, dịch tả, lỵ trực khuẩn, thương hàn, cúm A (H5N1)...

Những tác nhân gây bệnh lây truyền qua thực phẩm là do các nhóm vi khuẩn, virút, ký sinh trùng, hóa chất, hoặc các chất khác có mặt trong thực phẩm, nước có khả năng gây ra bệnh…

Những bệnh do vi khuẩn

Vi khuẩn xâm nhập qua thực phẩm gây ra những bệnh sau:

- Bệnh viêm dạ dày cấp và nhiễm độc toàn thân do ngoại độc tố tụ cầu vàng.

- Lỵ trực khuẩn: Là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính do vi khuẩn Shigella gây ra. Bệnh lây trực tiếp từ người sang người hoặc qua thức ăn, nước uống bị nhiễm bẩn. Biểu hiện của bệnh là sốt cao, đau bụng quặn từng cơn, phân lỏng nhầy máu, mót rặn… Bệnh thường lành tính nếu được điều trị sớm và đúng. Tuy nhiên ở thể nặng và thể tối độc, nếu điều trị không đúng và không kịp thời dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc hay sốc nhiễm trùng có thể gây tử vong.

- Dịch tả: Bệnh do vi khuẩn Vibrio cholerae gây ra, thường bùng phát ở những nơi đông người như nhà trẻ, trường học, khu công nghiệp hoặc những nơi môi trường sống bị ô nhiễm. Bệnh có thể gây thành dịch trong cộng đồng với tỷ lệ tử vong cao, nếu không được điều trị kịp thời sẽ tử vong do mất nước và rối loạn điện giải.

- Bệnh thương hàn: Là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, bệnh lây qua đường tiêu hóa do ăn phải thức ăn bị nhiễm vi khuẩn Salmonella typhi. Bệnh khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt rất cao, đau bụng vùng quanh rốn hoặc hố chậu phải, tiêu chảy nhiều, phân có nhầy máu. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột và dễ xảy ra tử vong.

Những bệnh do virút

Người bị nhiễm vi rút có thể lây sang người khác trước khi phát bệnh, chủ yếu là các bệnh sau:

- Tiêu chảy cấp: Lây truyền chủ yếu do sử dụng thức ăn nấu không chín kỹ, nước uống có nhiễm vi rút, rau sống bón bằng phân tươi mà không được rửa sạch hoặc trung gian ruồi nhặng. Biểu hiện của bệnh là tiêu chảy nhiều lần, có thể lợn cợn hay lỏng như nước, có màu vàng nâu/trắng đục; đau bụng, sốt, buồn nôn và nôn. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng mất nước, suy kiệt và có thể tử vong.

- Bệnh bại liệt: Vi rút nhiễm vào người qua đường ăn uống. Trong cơ thể, vi rút di chuyển qua đường máu tới cư trú ở não và tủy sống, gây tổn thương các tế bào thần kinh. Tổn thương gây liệt ở người bệnh, liệt mềm, không phục hồi sau khi chữa khỏi bệnh. Người bệnh thải trừ vi rút gây bệnh qua phân.

- Cúm A(H5N1): Vi rút cúm A(H5N1) tồn tại ở nhiều loại gia cầm, thủy cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cút và cả ở một số chim hoang dã. Ở ngoài môi trường, vi rút cúm A(H5N1) có thể tồn tại trong phân gia cầm tới hằng tháng, trong sản phẩm gia cầm bảo quản lạnh hằng năm. Vi rút cúm A(H5N1) có độc lực rất cao, lây sang người gây nên bệnh viêm phổi cấp tính với tỷ lệ tử vong cao.

- Viêm gan A: Vi rút được thải ra theo phân của người bị nhiễm hay người bệnh ra ngoài làm nhiễm thực phẩm hay nguồn nước. Người sử dụng thực phẩm hay nước bị nhiễm có thể sẽ nhiễm bệnh.

Những bệnh do ký sinh trùng

- Bệnh giun sán: Người ăn phải thịt lợn, thit bò có ấu trùng (sán dây bò, sán lợn gạo) chưa nấu chín, khi vào cơ thể thì ấu trùng sẽ phát triển thành sán trưởng thành ký sinh ở đường tiêu hóa và gây rối loạn tiêu hóa. Khi ăn cá nước ngọt như cá diếc, cá rô, cá chép, cá trôi… có nang trùng sán lá gan nhỏ chưa nấu chín thì nang trùng chuyển tới ống mật, lên gan và phát triển ở gan thành sán trưởng thành gây tổn thương gan mật. Một số ký sinh trùng khác như sán lá, giun đũa thâm nhập vào chuỗi thức ăn thông qua nước hoặc đất và có thể gây ô nhiễm cho thực phẩm.

- Bệnh lỵ amip ở đại tràng: Đau bụng dọc khung đại tràng, mót rặn, phân nhầy lẫn máu.

- Bệnh lỵ amip ngoài đại tràng: Gây áp xe gan, áp xe phổi, áp xe não do amip.

- Giun xoắn: Là một bệnh truyền nhiễm do giun Trichinella spiralis gây nên. Người bị nhiễm khi ăn thịt chứa ấu trùng loài Trichinella nấu tái, sống lây truyền từ lợn hoặc chuột sang người, chủ yếu qua đường ăn uống do ăn thịt lợn hoặc thịt các động vật hoang dã sống (nấu chưa chín) có chứa ấu trùng giun xoắn.

Cách phòng ngừa

Để phòng ngừa các bệnh lây truyền qua thực phẩm, cần thực hiện các biện pháp sau: Giữ vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân; sử dụng nước sạch và nguyên liệu tươi có nguồn gốc rõ ràng để chế biến thức ăn; để riêng thực phẩm sống và đã nấu chín; thực hiện ăn chín uống chín, không ăn các loại thịt sống hoặc chưa nấu chín; rửa sạch rau quả trước khi ăn; rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; không dùng phân tươi bón cây cối, hoa quả...

Ngoài ra, mỗi gia đình cần có một nhà tiêu hợp vệ sinh, không được phóng uế bừa bãi. Khi gia đình hoặc xung quanh có người bị tiêu chảy cấp cần báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời. Phân và chất thải của người bệnh phải đổ vào nhà vệ sinh, cho vôi bột hoặc cloramin B vào sau mỗi lần đi để sát khuẩn.

                                                                                             BS. Lê Thị Hồng Hạnh (BV Nhi Trung Ương)

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam