Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà và hướng tới chế biến, xuất khẩu

Thời sự, Thời sự, Chính trị | 19:07:00 09/07/2019

TNV - Hồ Thác Bà là 1 trong 3 hồ nhân tạo lớn nhất cả nước, được hình thành năm 1971 với diện tích mặt nước là 19.050 ha, chiều dài 80 km, chiều rộng lớn nhất 30 km, mực nước dao động ở cốt 58 m, chứa khoảng 2,9 tỷ m3  nước. Ngoài sông Chảy, hồ Thác Bà còn có ngòi Hành, ngòi Cát,... đổ về cung cấp nước, tăng lượng phù sa và các loài sinh vật phù du, rất thuận lợi cho việc nuôi cá nước ngọt. Đây là tiềm năng, lợi thế vô cùng to lớn để huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái – địa phương quản lý hơn ¾ diện tích mặt hồ - phát triển nuôi trồng thủy sản.

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng Chủ tịch tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy
và đoàn công tác thăm cơ sở nuôi cá của Công ty T&T. Ảnh: T. Hưng.

Mặc dù nghề nuôi cá ở hồ Thác Bà đã và đang hình thành theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nhưng cho đến trước năm 2019, huyện Yên Bình vẫn chưa có doanh nghiệp liên kết với người dân để đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm ổn định; chưa có nhà máy chế biến thức ăn nuôi cá và chế biến thủy sản; chưa có phương tiện hiện đại để đánh bắt, bảo quản sản phẩm thủy sản; chưa xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận cá hồ Thác Bà; chưa có cơ quan quản lý sản xuất và tiêu thụ. Đây là những thách thức lớn đặt ra cho huyện Yên Bình cần sớm tìm lời giải?.

Xây dựng dự án chuỗi liên kết giá trị gắn với bao tiêu sản phẩm

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, huyện Yên Bình đã mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá lồng với quy mô lớn, nhằm khai thác có hiệu quả, tiềm năng mặt nước hồ Thác Bà để nuôi trồng thủy sản.


 Khu vực nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà của bà con xã Mỹ Gia. Ảnh: P. Quỳnh.

Do vậy, đến tháng 6/2019, trên địa bàn huyện đã có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 11 tổ hợp tác, cùng với trên 300 hộ dân nuôi cá lồng, nuôi cá quây lưới trên hồ Thác Bà; ngoài ra có khoảng 15% dân số ở 20 xã, thị trấn ven hồ sinh sống chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản (tôm, cá) từ hồ.

Theo Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Yên Bình, có hai hình thức nuôi cá ở hồ Thác Bà là nuôi cá trong lồng và nuôi cá trong eo ngách (dùng lưới chắn các eo ngách của hồ để nuôi cá) với 10 loại cá chính, trong đó: Trắm cỏ, rô phi vằn, nheo Mỹ, trắm đen, diêu hồng có sản lượng lớn và được nuôi phổ biến hơn cả.

Để thúc đẩy kinh tế vùng hồ Thác Bà phát triển, tỉnh Yên Bái đã có chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nuôi cá lồng có thể tích trên 100m3/lồng với định mức kinh phí hỗ trợ: 10 triệu đồng/lồng cho cá nhân; 5 triệu đồng/lồng cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi cá lồng với quy mô từ 30 lồng trở lên; và hỗ trợ 20.000đồng/m2 lưới để quây lưới nuôi cá ở các eo ngách trên hồ Thác Bà.

Theo đó, trong năm 2019 huyện Yên Bình được tỉnh hỗ trợ đầu tư mới 700 lồng nuôi cá và duyệt kinh phí hỗ trợ trên 6,7 tỷ đồng cho Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cá nuôi hồ Thác Bà do Công ty cổ phần nghiên cứu dịch vụ công nghệ T&T triển khai thực hiện trong 2 năm (2019 – 2020), với quy mô 205 lồng cá, 346 tấn/năm (gồm: Rô phi 224 tấn, diêu hồng 48 tấn, trắm đen 42 tấn).

Được biết, ngay từ đầu năm 2018,huyện đã xây dựng dự án phát triển thủy sản theo chuỗi liên kết giá trị gắn với bao tiêu sản phẩm, chế biến sâu để xuất khẩu sản phẩm cá Rô phi đơn tính, cá Diêu hồng sang thị trường các nước như: Mỹ, Châu Âu, Châu Phi… trong thời gian tới; nhằm từng bước tháo gỡ bài toán phát triển nuôi trồng thủy sản, đưa tỷ trọng thủy sản chiếm hơn 20% cơ cấu nông – lâm nghiệp của huyện (tăng > 2 lần so với trước năm 2015).

Trước đó, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Bình đã triển khai kỹ thuật nuôi cá nheo trong lồng trên hồ Thác Bà tại xã Vĩnh Kiên; xây dựng mô hình nuôi cá bằng cách quây lưới trên eo, ngách hồ Thác Bà…

Nhờ vậy, số lượng lồng nuôi cá, diện tích mặt nước quây lưới nuôi cá và tổng sản lượng thủy sản của huyện đều tăng lên nhanh chóng: Năm 2018, với 1.345 lồng nuôi cá và trên 230 ha diện tích mặt nước quây lưới nuôi cá, tổng sản lượng thủy sản của huyện đạt 7.520 tấn cao hơn năm 2016 là 4.000 tấn và vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện giai đoạn 2016 – 2020 hơn 1.750 tấn. Đến tháng 6/2019,số lồng nuôi cá đạt 1.750/1.545 lồng bằng 113,26 % KH năm; diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản là 950/950 ha bằng 100 % KH năm; sản lượng khai thác thủy sản (đánh bắt thủy sản tự nhiên trên hồ Thác Bà và đánh bắt từ nuôi trồng) ước đạt: 4.400/8.000 tấn bằng 55 % KH năm.

Xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận “Cá hồ Thác Bà”

Thăm quan mô hình nuôi cá lồng của HTX Hoàng Kim. Ảnh: T. Hưng.

Trước thực trạng cá nước ngọt được nuôi ở các ao, đầm, hồ vùng đồng bằng, vùng đông dân cư có nguồn nước nhiều ô nhiễm không đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, thì việc lựa chọn sản phẩm cá được nuôi ở các hồ chứa miền núi, thưa thớt dân cư, có nguồn nước trong sạch là một giải pháp hiệu quả để nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.

Bởi vậy, cá hồ Thác Bà được nuôi trong môi trường rộng lớn, nước trong sạch, nên được người tiêu dùng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận mong muốn tiêu thụ là rất cao. Mở ra cơ hội lớn để huyện Yên Bình đầu tư phát triển nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà một cách lâu dài, bền vững.

Để tránh tình trạng trà trộn cá từ các địa phương khác, đội lốt “Cá hồ Thác Bà” nhằm trục lợi, năm 2018, phòng Nông nghiệp& PTNT huyện Yên Bình đã chủ trì dự án: Xác lập quyền đối với Nhãn hiệu chứng nhận “Cá hồ Thác Bà” cho sản phẩm cá của hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái. Qua đó, nâng cao nhận thức cho người nuôi trồng thủy sản trong việc ứng dụng công nghệ mới, tăng năng suất và chất lượng, phòng ngừa bệnh dịch, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đặc biệt là các bãi cá đẻ tự nhiên, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường; đồng thời, đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng, bảo vệ Nhãn hiệu sản phẩm “Cá hồ Thác Bà”, làm cầu nối phát triển thị trường, cải thiện đời sống thu nhập cho chính đông đảo bà con ven hồ.

Được biết, Nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Cá hồ Thác Bà” đang được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định, sẽ hoàn tất cấp văn bằng vào tháng 9/2019. Sau khi được cấp Nhãn hiệu chứng nhận, UBND huyện Yên Bình đã có kế hoạch đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà theo hướng mở rộng quy mô lồng nuôi các loài cá được bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận, phục vụ cho chế biến xuất khẩu, làm gia tăng giá trị cho sản phẩm “Cá hồ Thác Bà”.

Tổ hợp tác nuôi cá lồng của Đoàn xã Mỹ Gia. Ảnh: HĐ.

Bước đầu, đơn vị chủ trì xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận “Cá hồ Thác Bà” ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một số siêu thị, công ty, cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và các địa phương lân cận. Hiện nay, Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản và thủy sản an toàn Việt Nam (UCA) đã hợp tác với đơn vị chủ trì để trưng bày sản phẩm cá hồ Thác Bà tại các cửa hàng UCAmart tại các thành phố : Hà Nội, Lào Cai, Việt Trì...

Theo Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Yên Bình, có hai hình thức nuôi cá ở hồ Thác Bà là nuôi cá trong lồng và nuôi cá trong eo ngách với nhiều loại cá, nhưng dự án chỉ chọn 7 loài cá nuôi trong lồng (rô phi vằn, diêu hồng, trắm cỏ, trắm đen, chép, ngạnh, nheo Mỹ) để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận. Bởi, hình thức nuôi lồng mới quản lý được xuất xứ giống cá, thức ăn, phòng trị bệnh và hạn chế được mùi bùn so với cá nuôi ở các eo ngách. Ngoài ra, đây là các loài cá được nuôi phổ biến, phù hợp với môi trường nước ở hồ Thác Bà; có sản lượng lớn, có giá trị và có tiềm năng thị trường tốt.

Ông Lã Tuấn Hưng (Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Bình) chia sẻ: Trong tháng 8/2019, UBND huyện sẽ tổ chức Hội thảo về chuỗi liên kết giá trị sản phẩm “Cá hồ Thác Bà” gắn với tiêu thụ, nhằm đưa Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cá hồ Thác Bà và Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Cá hồ Thác Bà” phát huy hiệu quả; khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và bà con nuôi trồng thủy sản tuân thủ nghiêm ngặt theo qui trình sản xuất VietGAP.

            Hiện, UBND tỉnh Yên Bái đang chỉ đạo các đơn vị trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó có sản xuất cá hồ Thác Bà thuộc chương trình nông thôn mới; nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế bền vững cho người sản xuất thủy sản; thúc đẩy nghề chế biến thủy sản như: cá phi lê, chả cá, cá kho, ruốc cá.. từ nguồn nguyên liệu cá sạch hồ Thác Bà, làm gia tăng giá trị của sản phẩm thủy sản, đa dạng sinh kế việc làm cho các hộ dân tại địa phương./.

         

Phạm Quỳnh 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam