Diễn đàn Đối đầu thương mại Mỹ - Trung và hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU

Doanh nhân, Hội nhập, Thời sự, Kinh tế | 10:05:00 12/07/2019

TNV - Tình hình kinh tế thế giới nửa đầu năm 2019 có nhiều biến động khi tăng trưởng có xu hướng chậm lại nhanh hơn so với dự kiến, rủi ro và bất ổn gia tăng, nhất là xung đột thương mại, điều chỉnh chính sách giữa các nước lớn và những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mới đây cảnh báo tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu tiếp tục suy yếu. Theo báo cáo Chỉ số triển vọng thương mại thế giới (WTOI) công bố ngày 20/5, chỉ số về thương mại hàng hóa thế giới (gồm 7 thông số về thương mại) vẫn ở mức 96,3 (các chỉ số dưới ngưỡng 100 là dấu hiệu cho thấy xu hướng thương mại tăng trưởng thấp) và vẫn là mức thấp nhất kể từ năm 2010. WTO cảnh báo triển vọng thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục theo đà đi xuống nếu cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung Quốc không có dấu hiệu hạ nhiệt và các nước thất bại trong việc điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô nhằm đáp ứng với tình hình thế giới.

 Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM)
phát biểu tại buổi họp báo

Còn theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2019 của Tổng cục Thống kê, kinh tế – xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Tuy nhiên, nền kinh tế 6 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực chậm lại.

Phát biểu tại buổi Họp báo thông tin về Diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết: Việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) ngày 30/6/2019 là một bước đi quan trọng trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.

“Hơn nữa, Hiệp định này được ký kết trong bối cảnh kinh tế – thương mại toàn cầu đang đứng trước những thách thức to lớn từ cạnh tranh chiến lược và tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương và yêu cầu cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm thích ứng hơn với sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hoá, kinh tế số và thương mại điện tử”, ông nhấn mạnh thêm.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang tiếp diễn khó lường. Đầu tháng 5, Mỹ đã chính thức nâng thuế quan từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và khởi động trình tự pháp lý để áp thuế 25% đối với thêm 300 tỷ USD mặt hàng nhập khẩu nữa từ Trung Quốc. Trung Quốc đã tuyên bố bắt đầu tăng mức thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ từ ngày 1/6/2019 với các mức 25%, 20% hoặc 10%; đồng thời giữ nguyên nhóm đã áp thuế 5% trước đây. Tiếp đó, ngày 15/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành chính tuyên bố cấm các công ty Mỹ sử dụng các thiết bị nước ngoài gây nguy hại đến an ninh quốc gia, mở đường cho việc cô lập hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày 20/5, Chính phủ Mỹ đã tạm hoãn thực thi lệnh cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc cho tới giữa tháng 8 tới nhằm giảm thiểu những rắc rối gây ra cho khách hàng của hãng công nghệ này trên thế giới.

Vậy giữa cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc thì cơ hội và rủi ro nào sẽ tới đối với nền kinh tế của Việt Nam? Trong một tham luận về vấn đề này TS. Nguyễn Hoàng Dũng và Ths. Phùng Tuấn Thành (Khoa Kinh tế đối ngoại, trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Việt Nam là một trong năm nước trên thế giới có chi phí sản xuất thấp nhất trên thế giới. Do đó, khi hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ bị áp mức thuế cao thì các công ty sẽ có xu hướng chuyển cơ sở sản xuất tại Trung Quốc qua quốc gia khác, và Việt Nam, một quốc gia liền kề Trung Quốc, sẽ luôn được ưu tiên trong danh sách lựa chọn.

Những tin tức truyền thông cho biết các hãng sản xuất lớn của Hàn Quốc bao gồm Samsung Electronics, Hyundai Motor, Kia Motors và LG Electronics đang chuyển cơ sở sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc, trong đó Samsung Electronics đã thu hẹp quy mô sản xuất của nhà máy cuối cùng tại Trung Quốc và phân nửa số lượng điện thoại di động cho thị trường toàn cầu của hãng hiện đang được sản xuất tại Việt Nam. Những hãng sản xuất lớn khác cũng đang cân nhắc chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc như hãng sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới Giant, hãng Intel và đối tác sản xuất chính của Apple là Foxconn. Số liệu thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đạt 20,7 tỷ USD trong bốn tháng đầu năm 2019, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giày dép đạt kim ngạch 2 tỷ USD (tăng 13,5%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,42 tỷ USD (tăng 34,7%), điện thoại đạt 3,32 tỷ USD (tăng 94,4%).

Mặc dù xung đột giữa hai nền kinh tế trên thế giới mở ra những cơ hội nhất định cho nền kinh tế Việt Nam nhưng đồng thời cũng tiềm tàng những rủi ro. Nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận toàn diện và kịp thời với diễn biến mau lẹ và sâu sắc của cạnh tranh chiến lược và tranh chấp thương mại Mỹ – Trung cũng như điều chỉnh chiến lược kinh doanh khi EVFTA có hiệu lực, Hiệp hội Thương mại điện tử phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức Diễn đàn “Đối đầu Thương mại Mỹ – Trung và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU” vào ngày 18/7 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Diễn đàn có sự nhiều diễn giả uy tín và tham gia sâu trong các lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy về quan hệ quốc tế và kinh tế, quản lý nhà nước, đàm phán kinh tế quốc tế, xúc tiến thương mại, kinh doanh xuất nhập khẩu,…Diễn đàn ưu tiên trao đổi việc khai thác cơ hội từ xuất khẩu trực tuyến. Nhiều chuyên gia và các đơn vị cung cấp các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu sẽ chia sẻ những thông tin mới nhất tới các đại biểu tham dự diễn đàn.

T.Hiếu

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam