Tranh giành chủ quyền tại Bắc Cực có trở thành cuộc chiến quy mô lớn?

Thời sự, Thế giới | 07:10:00 15/07/2019

Trên thực tế, có nhiều bất đồng giữa các nước ở khu vực Bắc Cực vào thời điểm hiện tại và tiềm ẩn những nguy cơ trở thành cuộc xung đột lớn.

Các lớp băng dày tại Bắc cực đang tan chảy. Điều này không chỉ mang lại cơ hội kinh tế mới cho các quốc gia vùng Bắc cực mà còn khiến sự cạnh tranh giữa họ trở nên khốc liệt hơn. Câu hỏi đặt ra là liệu những lợi ích đối nghịch nhau có thể dẫn đến một cuộc chiến quy mô lớn tại Bắc cực?


Nguồn tài nguyên Bắc Cực đang thu hút nhiều sự quan tâm.Nguồn: US Navy.

Cuộc tranh giành khu vực giàu tài nguyên này không chỉ có sự tham gia của các quốc gia quanh Bắc cực như Mỹ, Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch mà còn cả những cường quốc ở các khu vực khác như Trung Quốc. Nghiên cứu vùng này cực giờ đây không còn là một bộ môn khoa học thuần túy mà đã chuyển sang khía cạnh kinh tế, dẫn đến nhiều cuộc tranh luận chính trị gay gắt giữa các quốc gia liên quan.

Sự trở lại của Nga tại Bắc cực

Vào những năm 1990, quy mô của hầu hết các đơn vị quân đội Nga đồn trú tại Bắc cực đều bị thu hẹp. Về cơ bản, không có sự hiện diện của quân đội dọc theo bờ biển trải dài từ Murmansk đến Chukotka. Nga đã mất kiểm soát phần lớn khu vực rộng lớn này.

Hiện nay, Nga đang quay trở lại đầu tư vào Bắc cực với việc sử dụng các giải pháp công nghệ mới để củng cố cho các tuyên bố của mình. Các lực lượng vũ trang Nga đang gia tăng nhanh chóng tiềm lực quân sự và sự hiện diện tại Bắc cực. Moscow có hạm đội tàu phá băng lớn nhất thế giới tại đây và hiện giờ đang đẩy mạnh xây dựng các căn cứ quân sự, sân bay, cải thiện hệ thống hỗ trợ trên không, hệ thống bảo vệ phòng không và nâng cấp radar.

Nhưng không chỉ có Nga, các quốc gia khác ở vùng Bắc cực cũng tham gia vào cuộc chạy đua. Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu những xung đột về lợi ích trong khu vực có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh quy mô lớn hay không. Trên thực tế, có nhiều bất đồng giữa các nước ở khu vực Bắc cực vào thời điểm hiện tại và một số bất đồng đó tiềm ẩn những nguy hiểm.

Cần phải lưu ý rằng, ranh giới giữa các vùng đặc quyền kinh tế ở Bắc cực vẫn chưa được xác định rõ ràng do sự mơ hồ của một số điều khoản trong luật pháp quốc tế và điều này đã dẫn đến những cách hiểu khác nhau cũng như làm nảy sinh nhiều bất đồng.

Vấn đề quan trọng tiếp theo tại Bắc cực là sự tranh cãi về chủ quyền của các quốc gia đối với “hành lang Đông Bắc” (NEP) hay tuyến đường biển phương Bắc theo cách gọi của Nga. Tuyến đường này đang ngày càng trở nên dễ tiếp cận với tàu thuyền thương mại do lớp băng bề mặt tan dần.

Thời gian gần đây, Mỹ đã nhiều lần lên tiếng hạn chế sự hiện diện của Nga và thúc đẩy ý tưởng biến NEP thành một tuyến đường quốc tế, phản đối việc biến tuyến đường này thành một phần thuộc cơ sở hạ tầng giao thông quốc gia của Nga. Bên cạnh đó, Mỹ cũng tìm cách tăng cường hoạt động tại Bắc cực. Một trong những chiến lược được Mỹ sử dụng là triển khai một số lượng lớn các đơn vị bảo vệ bờ biển trong khu vực.

Về phía Nga, Moscow cho rằng nước này có chủ quyền đối với NEP, vốn chạy qua vùng đặc quyền kinh tế của họ và bất cứ tàu thuyền nào muốn sử dụng tuyến đường này cũng cần phải có sự cho phép của Moscow. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định, lập trường của Nga đối với NEP chưa thực sự thuyết phục, đôi khi vẫn xuất hiện một số cáo buộc cho rằng Moscow vi phạm luật hàng hải quốc tế, đi ngược lại với quy tắc sử dụng biển và đại dương một cách hòa bình.

Sự khác biệt về quan điểm giữa các nước liên quan có khả năng dẫn đến những sự cố nghiêm trọng. Thử tưởng tượng kịch bản tàu hải quân Mỹ đi qua NEP và tuyên bố rằng họ sử dụng tuyến đường này dựa trên nguyên tắc tự do hàng hải. Khi đó, nhiều sự cố có thể xảy ra như đụng độ giữa các tàu thuyền hay nỗ lực để buộc tàu thuyền phải chuyển hướng.

Các vấn đề quân sự

Có nhiều vấn đề quân sự tại Bắc cực. Vào giữa những năm 1990, Nga đã phát triển học thuyết Pháo đài chiến lược phía bắc, trong đó vạch ra các biện pháp đặc biệt để duy trì khả năng sống sót của tàu ngầm mang tên lửa chiến lược. Ý tưởng là tạo ra các khu vực an toàn quanh những tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo, với sự hỗ trợ từ trên biển và trên không cùng như các hệ thống chiếu sáng cố định dưới nước. Nếu học thuyết này được triển khai, chắc chắn sẽ vấp phải sự thách thức từ Mỹ và đối mặt với nhiều sức ép nghiêm trọng khác.

Nhưng Mỹ cũng đang trong tình huống tương tự. Họ có những khu vực tương đối nhỏ nơi neo đậu các tàu ngầm hạt nhân và họ sử dụng tất cả các phương tiện cùng với nguồn lực sẵn có để bảo vệ những khu vực này.

NATO rất quan tâm đến Bắc cực. Vì thế, bên này mặt trận sẽ là Mỹ, Na Uy, Canada, Greenland và Đan Mạch. Ở phía bên kia sẽ là Nga. Trung Quốc giờ đây cũng muốn tham gia cuộc chơi. Nước này đang tìm cách có được một chỗ đứng tại Bắc cực với hy vọng tới một thời điểm nào đó có thể sử dụng các tuyến đường phía bắc phục vụ cho mục đích vận chuyển hàng hóa thương mại khi điều kiện khí hậu cho phép.

Về cơ bản, mọi quốc gia phát triển đều muốn khai thác lợi ích tại Bắc cực, chỉ là không phải ai cũng công khai thừa nhận điều đó. Khi miếng bánh Bắc cực vẫn còn nằm trên bàn, mỗi nước đều mong muốn được nhận lấy một phần của nó.

Để phân tích khả năng xảy ra một cuộc chiến quy mô lớn tại Bắc cực, cần phải ghi nhớ yếu tố quan trọng là bất cứ cuộc xung đột nào giữa các bên liên quan trong khu vực này đều có nguy cơ biến thành một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Xung đột tại Bắc cực sẽ giống xung đột trên Biển Đông và Vịnh Persian?

Tình hình tại Bắc cực sẽ thay đổi đáng kể nếu băng tiếp tục tan chảy với tốc độ nhanh. “Hành lang Tây Bắc” có thể không còn bị bao phủ bởi băng trong vòng 40 đến 50 năm tới. Đây là một tuyến đường biển đi qua Bắc Băng Dương, dọc theo bờ biển phía bắc của lục địa Bắc Mỹ, đi qua các quần đảo Bắc cực của Canada. Đó sẽ là con đường ngắn nhất đi từ Thượng Hải đến New York.

Nếu băng tan chảy hoàn toàn, tuyến đường này chắc chắn sẽ gặp phải những vấn đề tương tự như “Hành lang Đông Bắc”. Mỹ nhiều khả năng sẽ tuyên bố chủ quyền đối với “Hành lang Tây Bắc”, còn Trung Quốc sẽ cáo buộc tuyên bố này vi phạm luật lệ hàng hải và đi ngược lại với quyền tự do hàng hải.

Xét về mặt địa chính trị, bất kỳ tình huống nào xảy ra ở Bắc Băng Dương sẽ tương tự như những tình huống mà chúng ta đang chứng kiến ở Vịnh Persian hay tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Cũng cần phải lưu ý rằng, hầu hết những quốc gia tham gia “cuộc chơi” tại Bắc cực đều là các cường quốc hạt nhân có tiềm lực quân sự lớn hoặc là thành viên của một liên minh quân sự quyền lực. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ cơ chế răn đe sẽ được áp dụng nếu có bất cứ điều gì xảy ra. Nhưng ít có khả năng các cường quốc hạt nhân sẽ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân để giải quyết vấn đề, thay vào đó họ sử dụng một số cơ chế khác. Các cơ chế đó sẽ khiến tình hình nằm trong tầm kiểm soát và không leo thang thành một cuộc chiến toàn diện bởi cuộc chiến này có thể chuyển thành chiến tranh hạt nhân ở giai đoạn hai.

Sẽ không có một cuộc chiến quy mô lớn và cũng không có một cuộc chiến tranh truyền thống với tuyên bố chính thức hay ban bố tình trạng thiết quân luật. Nhưng số vụ tranh chấp chủ quyền chắc chắn sẽ gia tăng. Và cũng không có lý do để tin rằng, tình hình sẽ khác biệt so với những gì diễn ra tại Biển Đông, Vịnh Persian hay tại Địa Trung Hải – những nơi căng thẳng thường xuyên leo thang./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo RT

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam