Chính phủ điện tử: Nâng cao khả năng phục vụ người dân, doanh nghiệp

Thời sự, Chính trị | 07:05:00 27/07/2019

Việc triển khai Chính phủ điện tử (CPĐT) là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan Nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN), góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Sáng 26/7, Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2019 với chủ đề “Phát triển Cổng Dịch vụ công quốc gia và giải pháp tích hợp hệ thống thông tin một cửa điện tử góp phần nâng cao khả năng phục vụ người dân và DN” do VPCP, Bộ TT&TT, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chủ trì đã diễn ra tại Thừa Thiên-Huế.

Hội thảo nhằm bàn về những giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, góp phần làm chuyển biến mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân, DN theo hướng ứng dụng CNTT và thể hiện rõ tinh thần Chính phủ phục vụ.

Thể hiện rõ tinh thần phục vụ của Chính phủ

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh không nằm ngoài xu hướng tất yếu của phát triển CPĐT trên thế giới, Việt Nam đã triển khai xây dựng CPĐT từ những năm 2000, tuy nhiên kết quả đạt được còn khiêm tốn. Theo xếp hạng về CPĐT của LHQ năm 2018, Việt Nam đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 6/11 khu vực Đông Nam Á.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Gia Huy

Nhận thức xu hướng mới đang diễn ra sôi động tại rất nhiều quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm xây dựng CPĐT thông qua việc ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP vào tháng 3/2019 về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 nhằm thống nhất quan điểm xây dựng CPĐT phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính và ứng dụng CNTT. Mục tiêu hướng tới là hoàn thiện nền tảng CPĐT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, DN.

Tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia CPĐT với các Ban Chỉ đạo CPĐT, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương ngày 23/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CPĐT nhấn mạnh: “CPĐT là vấn đề mới, khó, nếu không có quyết tâm, không bỏ nếp cũ thì khó thành công”, chúng ta phải “quyết tâm làm cho được CPĐT” mà thực chất là giải quyết 4 mối quan hệ, gồm 2 quan hệ với bên ngoài (Chính phủ với người dân, Chính phủ với DN) và 2 quan hệ nội bộ (giữa các cơ quan Chính phủ với nhau, giữa Chính phủ với cán bộ công chức).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho rằng chủ đề của hội thảo rất đúng trong bối cảnh hiện nay khi VPCP, Bộ TT&TT cùng các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng CPĐT với quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, phải “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”. Sau gần 4 tháng triển khai Nghị quyết 17, về cơ bản đã hoàn thành được các nhiệm vụ quan trọng được giao trong 6 tháng đầu năm 2019.

Cụ thể, công tác xây dựng thể chế đã có những kết quả nhất định; việc tháo gỡ những khó khăn trong cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ CNTT đã được xem xét thấu đáo; đã vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai CPĐT như Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), đang khẩn trương thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc và đưa vào vận hành trong tháng 11/2019 phục vụ người dân và DN; công tác bảo đảm an toàn, an ninh được nhận thức đẩy đủ hơn và đã có những cải thiện tích cực.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh với phương châm thực hiện CPĐT phải lấy người dân, DN làm trung tâm, thì việc cung cấp thông tin và dịch vụ công phải thuận tiện dựa trên nền tảng số tới mọi người mọi lúc, mọi nơi, nhằm cụ thể hóa tinh thần phục vụ của Chính phủ.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thăm quan triển lãm của các DN về CNTT. Ảnh: VGP/Gia Huy

Đề cao nguyên tắc lấy người dùng là trung tâm

Hội thảo quốc gia về CPĐT tại Thừa Thiên-Huế giới thiệu lộ trình phát triển Cổng Dịch vụ công và Khung kiến trúc CPĐT giai đoạn 2020-2025 của Chính phủ; giới thiệu các mô hình kết hợp smart city và CPĐT của các nước phát triển trên thế giới; giới thiệu mô hình, kênh phát triển CPĐT tại các quốc gia phát triển; giới thiệu các hình thức hợp tác quốc tế nhằm phát triển CPĐT và thành phố thông minh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam; giới thiệu các giải pháp xây dựng và hiện đại hoá cổng dịch vụ công trực tuyến, trong đó trọng điểm là giải pháp định danh điện tử và thanh toán không tiền mặt trong dịch vụ công trực tuyến và bảo mật cho CPĐT...

Với nguyên tắc lấy người dùng là trung tâm, người dân, DN được đặt ưu tiên là đối tượng phục vụ, đến nay việc xây dựng hạ tầng CPĐT tại Việt Nam đã có nhiều bước tiến quan trọng. Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo Khung kiến trúc CPĐT phiên bản 2.0 và đưa ra dự thảo quyết định ban hành mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức thống nhất theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu của tất cả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đã được triển khai tích cực, tiêu biểu như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội, tài chính, tài nguyên môi trường... tạo nền tảng dữ liệu đồng nhất cho hệ thống CPĐT vận hành.

Bộ TT&TT cũng đã triển khai kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước đến các đơn vị (100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố; 93,4% quận, huyện, thị xã); nâng cấp băng thông, bảo đảm lưu lượng truyền tải, song song với bảo đảm an ninh bảo mật cho hệ thống.

Các hệ thống thông tin phục vụ người dân, DN cũng có nhiều bước tiến. Hiện nay, VPCP đang tập trung thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc gia với 4 nội dung chính: Nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; tích hợp dịch vụ công trực tuyến bảo đảm phục vụ người dân, DN; cung cấp nền tảng đăng nhập, thanh toán trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến; nâng cấp hệ thống phản ánh, kiến nghị.

Hiện nay, VPCP đang tích cực cùng Bộ TT&TT, các doanh nghiệp giỏi về CNTT để quyết tâm đưa Cổng Dịch vụ công quốc gia vào vận hành thử nghiệm trong tháng 9 và chính thức vận hành vào tháng 11 năm nay. Trước mắt ưu tiên làm các dịch vụ công thiết yếu với người dân, DN theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hội thảo cũng tiến hành các phiên thảo luận chuyên đề như: "Chuyển đổi số hoạt động quản lý Nhà nước góp phần hoàn thiện Chính phủ số: Mô hình, giải pháp và công nghệ", "Cải cách, tinh giản thủ tục hành chính góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ công trực tuyến".

Gia Huy/Chinhphu

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam