Tấm lòng hướng về cộng đồng của sinh viên trường báo: Lương Kỳ Duyên - Đại sứ “Đại dương xanh”

Giáo dục | 08:38:00 13/08/2019

TNV - Hành trình tìm kiếm Đại sứ “Đại dương xanh” là một hành trình mang ý nghĩa nhân văn, nhằm tìm kiếm những Đại sứ vì cộng đồng. Những Đại sứ sẽ mang lại những giá trị thiết thực qua với các dự án hỗ trợ cộng đồng, truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu cũng như quảng bá hình ảnh biển đảo Việt Nam.

Hành trình tìm kiếm Đại sứ “Đại dương xanh” lần thứ nhất vừa lựa chọn 03 gương mặt Đại sứ tiêu biểu. Bên cạnh 02 Đại sứ được nhiều người biết đến, đó là nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng và doanh nhân Nguyễn Văn Sang, cô sinh viên năm nhất của Học viện Báo chí và Tuyên truyền Lương Kỳ Duyên là một gương mặt hoàn toàn mới. 


 Lương Kỳ Duyên – Đại sứ “Đại Dương xanh”2019 là hình ảnh đẹp được các
bạn trẻ Việt Nam và thế giới ngưỡng mộ.

Trong thời điểm thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng, người trẻ trên toàn thế giới nói chung đang nóng với các hoạt động “Chống rác thải nhựa”, phóng viên Tạp chí Thanh niên có buổi trò chuyện với tân Đại sứ “Đại dương xanh”, xin được chia sẻ với bạn đọc cả nước.

PV: Chào Duyên, bạn có thể giới thiệu bản thân mình được không?

Kỳ Duyên: Em xin kính chào các độc giả Tạp chí Thanh niên. Em là Lương Kỳ Duyên hiện em đã kết thúc năm thứ nhất tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đồng thời, em cũng đang là Đại sứ “Đại dương xanh” đương nhiệm.

PV: Được biết, vừa qua bạn đạt danh hiệu Đại sứ Đại dương xanh, bạn có thể chia sẻ hành trình đến với danh hiệu đó không?

Kỳ Duyên: Em thường có thói quen tìm hiểu các thông tin về môi trường, biển đảo và thích tham gia đóng góp chút ít công sức của mình trong những công việc, phong trào về làm sạch môi trường sống. Mặc dù không sinh ra ở vùng biển, nhưng qua các phương tiện truyền thông và những chuyến đi thực tế, em hiểu được thực trạng và mức độ ô nhiễm của môi trường biển, đặc biệt là vấn đề rác thải rắn… Thế rồi trong một lần tình cờ đọc báo, em biết được thông tin về cuộc thi “Hành trình tìm kiếm Đại sứ Đại dương xanh” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động. Nhận thấy, đây là một cuộc thi vừa có ý nghĩa thiết thực, vừa có thể truyền tải được những trăn trở của em về vấn đề môi trường, về tình yêu biển đảo, về niềm khao khát tạo dựng một môi trường sống trong lành. Em biết, “Hành trình tìm kiếm Đại sứ Đại dương xanh” chính là cơ hội để em thực hiện mơ ước và thể hiện tình yêu của mình dành cho biển đảo và môi trường. Em bắt đầu lên ý tưởng và ngoài những hiểu biết của mình, em thường xuyên cập nhật thêm thông tin trên báo chí, mạng xã hội và cả những người có hiểu biết sâu rộng về môi trường, biển đảo. Từ đó, em tổng hợp lại và thực hiện một bản dự án hoàn chỉnh, hiệu quả, có tính khả thi cao. Đó là dự án: "Cùng chung tay giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt, sản phẩm nhựa dùng một lần tại các trường Đại học trên phạm vi cả nước".

PV: Bạn có thể chia sẻ điểm nổi bật, đặc biệt của dự án của bạn để đưa bạn đến với danh hiệu Đại sứ đại dương xanh không?

Kỳ Duyên: Dự án của em được bắt đầu từ việc tập trung xây dựng tài liệu tuyên truyền về các biện pháp có thể áp dụng để giảm thói quen tiêu thụ tài nguyên và hướng dẫn các biện pháp phân loại, tái chế, tái sử dụng đối với chất thải rắn sinh hoạt, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Tiếp đó, em phối hợp tổ

chức tuyên truyền, ra quân hưởng ứng phong trào thu gom rác thải ở các khu vực ô nhiễm dành cho học sinh, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng; phối hợp tổ chức cuộc thi hùng biện “3R và sinh viên” dành cho sinh viên trong và ngoài Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội; phối hợp và giới thiệu về các sản phẩm thay thế cho nhựa và túi nilon tại các triển lãm, hội chợ… Em còn tổ chức cuộc thi Ảnh “Thực hiện 3R thường nhật” trên Facebook với chi phí thấp và sức lan tỏa cao trong cộng đồng. Ngoài ra, em còn phối hợp phát động Cuộc vận động thực hiện 3R (Giảm thiểu - Tái chế - Tái sử dụng) khu vực nông thôn trên toàn quốc. Đồng thời, xây dựng một Fanpage để tạo ra môi trường tương tác chung, nơi đó mọi người có thể chia sẻ những thông tin về bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và hải đả; cùng nhau chia sẻ, đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp thiết thực để bảo vệ môi trường và gìn giữ màu xanh của biển đảo quê hương.

Em tin tưởng rằng, dự án của mình sẽ giúp nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của giới trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên về bảo vệ môi trường và bảo vệ môi trường biển; giảm lượng rác thải ra môi trường, dọn rác ở các địa điểm ô nhiễm, vận động thu gom và xử lý đúng cách đối với rác thải nhựa dùng một lần tại các trường đại học. Ngoài ra còn góp phần giảm thiểu lượng chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa dùng một lần ra môi trường, cũng là giảm thiểu lượng ô nhiễm do các chất thải này gây ra, đặc biệt là đối với đại dương xanh của chúng ta. Mỗi bạn sinh viên sẽ là một chiến sĩ trên mặt trận này, ý thức bảo vệ môi trường sẽ được ngấm sâu và trở thành hành động thiết thực không chỉ trong giảm thiểu nhựa và nilon mà còn trong các hoạt động bảo vệ môi trường khác.

PV: Là một sinh viên, là người trẻ, khi nhận được danh hiệu cao quý này, khó khăn, thách thức của bạn là gì?

Kỳ Duyên: Là một người trẻ, đồng thời cũng vinh dự được trở thành Đại sứ “Đại dương xanh”, em càng hiểu rõ hơn trách nhiệm và sứ mệnh của mình với công cuộc bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển đảo. Mọi người thường nói, làm công việc vì cộng đồng thường là phải chịu vất vả nhưng với em làm việc này thì  không hề cảm thấy khó khăn. Tuy nhiên, để làm tốt trọng trách của một Đại sứ thì em phải tự đặt ra cho mình những thách thức đối với khả năng của bản thân, để có thể khai thác hết năng lực của bản thân giúp ích cho cộng đồng. Để có thể làm tốt vai trò của mình, trước tiên bản thân em cần phải liên tục cập nhật và trau dồi sự hiểu biết sâu rộng về môi trường, về biển đảo quê hương, luôn có ý thức và hành động đúng đắn, chuẩn mực trong việc bảo vệ môi trường. Đồng thời, truyền cảm hứng và ảnh hưởng của mình rộng rãi đến cộng đồng về tầm quan trọng, cũng như ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, đặc biệt là với thế hệ thanh thiếu niên hiện nay. Cùng với đó là trách nhiệm và nghĩa vụ tìm kiếm các giải pháp, biện pháp giúp hạn chế tối ưu và thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần.

Em cũng mong muốn dự án của mình sẽ góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân các vùng ven biển; thay đổi hành vi của người dân, thiết lập thói quen thực hiện việc giảm thiểu và xử lý đúng cách chất thải rắn sinh hoạt; thay đổi thói quen sử dụng nhựa dùng một lần; giảm ô nhiễm môi trường do các loại chất thải này và từ đó lan tỏa những hành động thân thiện với môi trường tới cả nước

 

PV: Được biết bạn là sinh viên của trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bạn có thể chia sẻ về nghề nghiệp tương lai của bạn không?

Kỳ Duyên: Ngay từ ngày bé, em đã có mong muốn được đem những thông tin, những kiến thức mà mình biết đến được tới mọi người trong xã hội. Và nghề báo chính là công việc thực sự lý tưởng để giúp em có thể đạt được mong muốn của mình. Khi lựa chọn trường Báo để học tập và nghiên cứu, em luôn nỗ lực cố gắng học hỏi thật nhiều, cũng như rèn luyện đạo đức và sự hiểu biết xã hội để trong tương lai có thể trở thành nhà báo chân chính, giúp ích cho đất nước và nhân dân. Ngoài việc chuyên cần học tập ở trường, em còn tích cực tham gia học hỏi, trau dồi ở một số toà soạn, đài truyền hình với mong muốn sẽ có đủ hành trang, đủ sự vững vàng để theo đuổi công việc mà mình mơ ước.

PV: Theo bạn, thế hệ trẻ cần làm gì để góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường, nhất là với Phong trào Chống rác thải nhựa hiện đang rất “nóng” trên toàn quốc và cả thế giới?

Kỳ Duyên: Trong công cuộc Chống rác thải nhựa - Cứu Trái đất, giới trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chiếm tới 2/3 dân số cả nước, giới trẻ là hy vọng cho hiện tại và tương lai trong việc bảo vệ môi trường. Điều đáng mừng là Phong trào Chống rác thải nhựa hiện đang được giới trẻ rất hưởng ứng. Chúng ta có thể dễ dàng thấy không ít những bài báo, những bản tin ca ngợi những dự án, những hành động đẹp về môi trường, có sức lan toả rộng tới cộng đồng của người trẻ. Có thể kể đến Dự án “Tái chế rác thải nhựa thành sợi filament in 3D” của Trương Bội Linh (23 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cùng tiến sĩ Nguyễn Trà My và các sinh viên khóa dưới. Hay dự án “SOS – Save our sea” đầy sức lan toả của nhiếp ảnh gia Lekima Hùng, anh đã đi 7000km và chụp lại toàn bộ hình ảnh rác thải nhựa trên khắp các bãi biển.

Bằng tinh thần nhiệt huyết, tư duy sáng tạo và ý thức không ngừng học hỏi, những người trẻ như chúng em chính là những nhân tố không thể thiếu trong việc làm sạch Trái đất. Dù là dùng sức người hay dùng trí tuệ, chúng em luôn sẵn sàng đóng góp công sức của mình để làm sạch và bảo vệ Trái Đất – ngôi nhà chung của chúng ta./.

                                                                                                    Đỗ Sơn

Ảnh 2: Lương Kỳ Duyên vinh dự được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao tặng danh hiệu Đại sứ “Đại dương xanh” năm 2019.

Ảnh 3:  Lương Kỳ Duyên – Đại sứ “Đại Dương xanh”2019  dự lễ ra quân phòng chống rác thải nhựa.  

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam