Lâm Thượng hối hả vào mùa măng mai

Du lịch, Hồn việt, Thời sự, Xã hội | 14:10:00 31/08/2019

 TNV - Bất cứ chỗ nào giại nắng cũng được bà con tận dụng để phơi măng. Măng phơi trong sân, măng phơi ngoài ngõ, măng phơi ra vườn, măng phơi bên ruộng lúa tươi xanh, măng vươn cả ra những phên lứa đặt trên mặt ao, luống hoa…

Cây mũi nhọn thế mạnh của huyện

Đã từ lâu, măng mai đã trở thành món ngon nổi tiếng của đất Lục Yên, tỉnh Yên Bái với mùi vị thơm ngon, giòn, được đồng bào Tày nơi đây coi là đặc sản dùng để thết đãi khách quý khi đến nhà và vào mỗi dịp gia đình có việc cỗ bàn đình đám hay khi thôn bản có hội hè, tết nhất.

 Khí hậu, thổ nhưỡng của Lâm Thượng rất phù hợp cho tre mai phát triển.

Cây tre mai được bà con trồng nhiều nhất ở các xã Lâm Thượng, Mai Sơn, Khánh Thiện và Tân Phượng. Theo số liệu Phòng Nông nghiệp&PTNT huyện Lục Yên, hiện cây tre mai có diện tích là 607,8 ha; trong đó, riêng xã Lâm Thượng cây măng mai đã có diện tích là 350 ha, với 280 ha đang cho thu hái sản phẩm, còn lại 70 ha trồng mới.

Ở xã Lâm Thượng, diện tích măng mai tập trung chủ yếu ở các thôn: Nặm Chắn, Khéo Lẹng, Thâm Pất, Nà Kèn - Nặm Trọ; một số ít diện tích ở các thôn khác trên địa bàn xã.

 Củ măng mập mạp, nặng trung bình 4kg, có củ nặng 8kg.

Hiện cả xã có 642 hộ dân (chiếm trên 44% số hộ trong toàn xã) tham gia trồng cây măng mai, cũng nhờ có cây tre mai mà hàng trăm lao động trong xã có thêm việc làm và thu nhập, nhiều hộ đã có sinh kế để thoát nghèo, nhiều hộ đã trở nên khá giả thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như: Hộ ông Trần Văn Tự, Hoàng Văn Ghi, Trần Văn Quỳ...

Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng Hoàng Kim Thành cho biết: Mỗi năm trên địa bàn xã thu hoạch được trên 4.200 tấn măng củ tươi, tổng doanh thu đạt từ 15 - 16 tỷ đồng tùy theo thời giá mỗi năm; trong đó 2/3 sản lượng là xuất bán củ tươi cho thương lái thu mua về cung cấp cho các cơ sở chế biến măng ớt tươi và mang khô ở khắp trong tỉnh, 1/3 sản lượng còn lại được bà con địa phương để lại làm ra măng mai khô chỉ dùng để gia đình ăn hay làm quà.

Mải miết gọt măng ngay trong rừng.

Nhưng từ dăm năm trở lại đây đã xuất hiện nhiều hộ gia đình sản xuất măng mai khô để bán, cải thiện cuộc sống. Trong xã đã có 02 Hợp tác xã được thành lập, liên kết hàng chục nông hộ cùng hoạt động sản xuất sản phẩm măng mai trên địa bàn xã theo chuỗi giá trị, nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm măng mai – đặc sản của địa phương.

Theo chị Lương Vân Hường (Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp&PTNT huyện Lục Yên), măng mai không những được huyện Lục Yên xác định là đặc sản mà còn là cây mũi nhọn thế mạnh của huyện cùng với các nông sản khác như: Lạc đỏ, vịt bầu Lâm Thượng, cam sành… giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Phòng Nông nghiệp đang triển khai kế hoạch hỗ trợ bà con xây dựng nhãn hiệu tập thể Măng mai Lục Yên trong năm 2020; đồng thời, phối hợp với Công ty Cổ Phần Nông sản Thực phẩm Sạch Tây Bắc (Vsapat Tay Bac) thực hiện Dự án “Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm măng Mai Lục Yên” từ tháng 6/2019 đến tháng 12/2020.

 Vất vả gồng gánh, chở măng về nhà.

Làm măng cũng lắm đỗi gian nan

Trung tuần tháng Tám, khi mùa thu hái măng rộ nhất cũng là lúc tôi đến với Lâm Thượng – Lục Yên. Sau cơn mưa chiều hôm trước, hôm nay trời nắng gắt, oi ả, rất thuận lợi cho bà con đi thu hái măng và phơi măng.

Trẻ nhỏ, người già đều hối hả phơi măng.

Dọc đường về thôn Khéo Lẹng, nơi có nhiều hộ sản xuất măng mai khô nhất xã. Đi tới đâu tôi cũng bắt gặp không khí trẻ già đang nhễ nhại mồ hôi đào măng, gọt măng và phơi măng. Một không khí hối hả, khẩn trương tận dụng từng giờ nắng, ngày nắng để kịp cho những chuyến hàng, kịp cho đóng gói bảo quản măng khô cung ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm.

Măng vươn cả trên mặt ao.

Bất cứ chỗ nào giại nắng cũng được bà con tận dụng để phơi măng. Măng phơi trong sân, măng phơi ngoài ngõ, măng phơi ra vườn, măng phơi bên ruộng lúa tươi xanh, măng vươn cả ra những phên lứa đặt trên mặt ao, luống hoa…

Giàn phơi măng đặt trên những khóm hoa.

Ông Trần Văn Tự (dân tộc Tày thôn Khéo Lẹng) vừa đi chở măng đã luộc ở trên núi về chia sẻ, công việc thu hái và làm ra măng khô phụ thuộc vào thời tiết và vất vả lắm, cứ 11- 12kg củ tươi mới cho 1kg măng khô. Vào mùa măng, gia đình ông có 6 người, thì 4 người phải thường xuyên ăn ngủ ở lán trên núi để hàng ngày đào măng, gọt măng và luộc măng; còn ông thì cứ 5 giờ sáng đã dậy đi gùi măng mới luộc xong lúc nửa đêm xuống chân núi, đóng bao chở về cho vợ ở nhà làm nhiệm vụ phơi măng.

 Những củ măng trắng nõn, căng tròn.

Trời càng nắng to, mọi người càng hối hả phơi măng, đảo măng, tách măng. Măng khi luộc phải để nguyên cả củ, trong quá trình phơi mới tách dần kẻo măng bị thối hỏng; thông thường cứ 10 nắng là được mẻ măng khô - vợ ông Tự nói thêm.

 Nồi luộc măng to nhất xã, mỗi mẻ luộc 5 tạ do Tổ chức Tầm Nhìn tặng cho HTX
thanh niên Lâm Thượng.

 Được biết, gia đình ông Tự là một trong số ít hộ sản xuất măng mai khô nhiều nhất xã, có đời sống tươm tất và ngôi nhà sàn khang trang mới xây cất cũng chủ yếu nhờ trồng 1.000 gốc tre mai lấy măng và làm măng khô.

 Bà Thiêng (thôn Tông Pình Cại) kiểm tra kỹ càng từng măng khô trước khi đóng gói.

Chỉ mới nghe thôi đã thấy các công đoạn thu hái măng, làm măng cũng lắm đỗi gian nan, vất vả; khi được tận mắt thấy bà con chạy đi chạy lại quần quật cả ngày leo núi, ra vườn… giữa cái nắng chang chang đến hoa mắt, mới thấy hết được nỗi nhọc nhằn của bà con, mỗi miếng măng khô tuy nhẹ bẫng nhưng nặng trĩu biết bao giọt mồ hôi!..

Măng tràn ra bên ruộng lúa non xanh.

Đi tới đâu cũng chỉ có nắng và măng.

 Măng tươi để bên đường, được thu gom xuất về các cơ sở chế biến.

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam