Sinh viên Báo chí hào hứng trải nghiệm làm báo bằng Smartphone

Giáo dục, Hướng nghiệp | 11:05:00 18/09/2019

TNV - Sáng 17/9, tại hội trường D, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã diễn ra buổi workshop “Làm báo bằng Smartphone: KHÓ hay DỄ?”.Bên cạnh nhiều kiến thức bổ ích, sinh viên trường Báo còn có cơ hội được trực tiếp tác nghiệp tại hiện trường thông qua những tình huống đầy bất ngờ song cũng không kém phần thú vị.

Nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng ngày thành lập khoa Phát thanh – Truyền hình cũng như chào đón tân sinh viên khóa mới, workshop “Làm báo bằng Smartphone: KHÓ hay DỄ” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn sinh viên.

Chương trình năm nay có sự tham gia của 3 vị diễn giả nổi tiếng: Thạc sĩ Đinh Ngọc Sơn – Phó trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và tuyên truyền; Đạo diễn Nguyễn Đức Hòa – Phó Trưởng ban Thanh thiếu niên VTV6; Nhà sản xuất – MC Trần Ngọc – kênh truyền hình giáo dục quốc gia VTV7. Đến với workshop lần này, các vị khách mời đã chia sẻ những câu chuyện đầy kỷ niệm trong quá trình làm nghề, những kiến thức cần có của một biên tập, một phóng viên.Đặc biệt là những kỹ năng bổ ích xoay quanh việc áp dụng công nghệ thông minh - smartphone để sản xuất các chương trình truyền hình.

Những chia sẻ đầy tâm huyết của các vị diễn giả

Mở đầu buổi trao đổi, Thạc sĩ Đinh Ngọc Sơn khẳng định: “Smartphone không chỉ là vấn đề của các bạn sinh viên truyền hình mà là mối quan tâm của toàn thế giới. Bởi nó là phương tiện vừa nhận vừa sản xuất thông tin”. Là một người thường xuyên sử dụng thiết bị di động trong quá trình giảng dạy và tác nghiệp, thầy đã chia sẻ cho các bạn sinh viên nhiều kĩ năng khi sử dụng các phần mềm quay, dựng để cho ra đời những video clip, những tác phẩm có chất lượng tốt thông qua smartphone. Từ việc định hướng nội dung, chọn bối cảnh đều phải được chọn lựa kỹ càng.

Cùng với sự phát triển của việc làm báo bằng điện thoại thông minh trên toàn thế giới, tại Việt Nam đã có những chương trình được sản xuất hoàn toàn trên thiết bị di động.“Điểm hẹn 10h” được phát trực tiếp trên fanpage VTV6 là một minh chứng.Bằng 4 chiếc điện thoại iphone, nhà sản xuất có thể dễ dàng kết nối các cảnh quay, tạo âm thanh để phát sóng một chương trình hoàn chỉnh.

Chia sẻ về những khó khăn khi làm truyền hình qua smartphone, Đạo diễn Nguyễn Đức Hòa cho biết: “Lỗi thường gặp nhất đó là kết nối bị gián đoạn khi trực tiếp bởi nền tảng mạng có lúc 4G nhưng khi chỉ có 3G và thậm chí là 2G. Tuy nhiên chương trình vẫn đạt được hiệu quả cao, là nơi chúng tôi được bày tỏ cảm xúc, nói chuyện cùng khán giả rất gần gũi, chân thực”.

Không chỉ được cung cấp những kiến thức cơ bản, sinh viên còn trực tiếp tham gia trải nghiệm quay và dựng video trên điện thoại thông minh, được lắng nghe nhận xét từ thầy Đinh Ngọc Sơn và đạo diễn Nguyễn Đức Hòa cùng MC Trần Ngọc. Không khó để nhận ra nét mặt hào hứng của các bạn sinh viên khi lần đầu được bắt tay làm nghề dưới sự chỉ bảo tận tình của 2 vị chuyên gia.

Thực hiện đưa tin hiện trường cùng MC Trần Ngọc

Với ngoại hình ưa nhìn cùng lối dẫn duyên dáng, MC Trần Ngọc đã trở thành gương mặt quen thuộc trên các chương trình VTV.Tham gia workshop lần này, anh đã đưa đến cho các bạn sinh viên một số kỹ năng khi thực hiện đưa tin hiện trường. Làm thế nào để cung cấp cho khán giả những hình ảnh ấn tượng, những thông tin được cập nhật liên tục? Làm thế nào để tương tác với người bạn dẫn cùng đồng hành, để có thể hợp tác một cách ăn ý với máy quay phim ?Tất cả những thắc mắc này đều được MC Trần Ngọc giải đáp cặn kẽ, tỉ mỉ, đáp ứng sự mong mỏi của nhiều sinh viên.

 Vận dụng kiến thức đã được chia sẻ, sinh viên Báo chí có cơ hội thực hành ngay tại hội trường với một tình huống được Ban tổ chức chuẩn bị. Trong vai phóng viên hiện trường đưa tin về vụ án mạng, các bạn sinh viên cần sản xuất một clip tin tức để truyền tải thông tin đến với độc giả một cách nhanh chóng, kịp thời. Tình huống đưa ra như một thử thách đối với những phóng viên tương lai, kích thích sự nhanh nhạy, khả năng ứng biến của tất cả các bạn.

Thảo Vy – sinh viên K39 khoa Quan hệ công chúng là người hoàn thành xuất sắc thử thách lần này, nhận được nhiều lời khen từ giám khảo Trần Ngọc. Vy chia sẻ: “Là sinh viên khoa Quan hệ công chúng nhưng bản thân em luôn có sự quan tâm đặc biệt đến các kĩ thuật quay phim, đặc biệt trong thời đại công nghệ như hiện nay. Sử dụng điện thoại thông minh để làm các clip, ấn phẩm truyền thông giúp mỗi cá nhân bắt kịp dần với xu hướng phát triển chung của thế giới”.

“Làm báo bằng smartphone: KHÓ hay DỄ?”

Kết thúc buổi workshop, cả 3 diễn giả cùng các bạn sinh viên đều đưa ra chung một quan điểm: Làm báo bằng smartphone vừa dễ lại vừa khó. Dễ là khi tất cả các thiết bị như máy quay phim, máy thu thanh đều được tích hợp trong chiếc điện thoại thông minh nhỏ gọn, dễ sử dụng. Song để thao tác một cách nhanh chóng trên thiết bị di động không phải là điều dàng, nó đòi hỏi nhà sản xuất phải bắt kịp xu thế của thời đại, nhanh chóng ứng dụng những khoa học công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất.

Buổi workshop đã đem đến những kiến thức bổ ích, giúp các bạn sinh viên củng cố thêm tình yêu, niềm đam mê với nghề báo cũng như vận dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất các tác phẩm báo chí nhanh nhạy và chất lượng.Kết thúc buổi workshop, BTC Sóng trẻ Festival đã phát động cuộc thi online “Tác nghiệp 24h”. Đây là cuộc thi tác nghiệp bằng smartphone trong vòng 24h, từ 0h - 23h59 ngày 18/9/2019. Đối tượng tham gia cuộc thi là tất cả các sinh viên trong Học viện. Các bạn sẽ phải sản xuất một tác phẩm truyền hình mang tính báo chí, thời sự với thời lượng tối đa 2 phút bằng chính chiếc điện thoại thông minh của mình. Cuộc thi sẽ chọn ra 3 sản phẩm xuất sắc nhất và trao giải, với tổng giá trị giải thưởng lên 45 triệu đồng.

PV

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam