Từ “Rừng Khộp” đến công viên “Hoà Bình”

Giải trí, Văn hóa | 08:45:00 19/09/2019

NXB Trẻ vừa xuất bản cuốn hồi ký “Rừng khộp mùa thay lá” của nhà văn Nguyễn Vũ Điền, cựu chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.

Cuốn hồi ký có 300 trang, nhưng cầm trên tay thấy nặng. Ấy là vì những điều tai nghe mắt thấy được ghi lại, của một người tham gia cuộc chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam kéo dài hơn 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Bút ký Rừng khộp mùa thay lá của nhà văn - Thiếu tá Nguyễn Vũ Điền

Tôi đọc một mạch cuốn hồi ký này, trong tâm thế hướng về những người bạn, lứa sinh viên 6971 (1969 vào Đại học – 1971 đi bộ đội) vừa kỷ niệm lần thứ 40 ngày nhập ngũ.

Ba tháng huấn luyện tân binh qua đi rất nhanh. Trong tâm trạng chờ đợi điều gì phải đến sẽ đến, Nguyễn Vũ Điền cùng những tân binh cùng lứa ngày ngày nhìn những đoàn tầu quân sự chở đầy lính trẻ xuôi vào Nam qua ga Phủ Lý (Hà Nam) với tâm trạng: vừa mong sẽ sớm trở thành “một hành khách trên một chuyến tàu như thế”, vừa mang "một nỗi niềm thật mông lung, bởi số phận mình thế nào thì đâu ai biết” (trang 33).

Có một sự thật là không có một người lính nào nghĩ đến chuyện “tụt tạt”.

Rồi cái ngày chờ đợi cũng đến: 30/11/1978.

Tạm biệt đất Bắc vào Nam của Nguyễn Vũ Điền là như vậy. Anh được biên chế là lính thông tin tiểu đoàn 6, trung đoàn 174, sư đoàn 5, thuộc Mặt trận 479 Campuchia. Nguyễn Vũ Điền đã trở thành lính thông tin. Anh bắt đầu phần thứ hai của cuốn hồi ký với tiêu đề “Những bước chân trong rừng khộp”.

Nhà văn Nguyễn Vũ Điền đã có những chia sẻ đầy xúc động về cuộc đời người lính. (Ảnh: Đỗ Quyên/TTTĐ)

Ai đã từng sống trên đất Tây Nguyên qua hai mùa mưa nắng đều biết đến rừng khộp – đây là một loại rừng thưa lá rộng, rụng theo mùa, đặc trưng của một số nước Đông Nam Á lục địa (có một mùa mưa úng nước và một mùa khô khắc nghiệt). Tạo thành rừng khộp tầng cao là những loại cây thuộc họ Dầu, bên dưới là các loại cây bụi cây cỏ. Mùa khô lá rụng trông như rừng chết. Nhưng vào mùa mưa phát triển rất nhanh. Nguyễn Vũ Điền cùng đồng đội đã sống, chiến đấu trong những cánh rừng như thế trên đất Campuchia.

Hồi ký “Rừng khộp mùa thay lá” đi sâu vào kể những trận chiến đấu tiêu biểu mà anh lính thông tin Nguyễn Vũ Điền được tham gia. Bắt đầu là “trận mở màn” của trung đoàn 174 đánh chiếm tỉnh lỵ Kratie, 5 giờ chiều ngày 28/12/1978. Đây là trận đánh trong một chiến dịch lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam đập tan các sư đoàn chủ lực của Pôn Pốt, tiến vào giải phóng và đất nước Campuchia, cứu nhân dân Campuchia khỏi hoạ diệt chủng và dẫn tới việc thành lập nước Cộng hoà nhân dân Campuchia. Và Nhà nước Campuchia đề nghị Việt Nam duy trì quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia để giúp nhân dân Campuchia hồi sinh, xây dựng cuộc sống mới từ “những cánh đồng chết”.

Đây là cuộc tiến công với quân binh chủng hợp thành và đã được Nguyễn Vũ Điền kể tỉ mỉ, chi tiết như trong một cuộc “tập trận” vậy. Còn từ đó trở đi, là hầu hết các cuộc hành quân đánh trận bằng đôi chân của người lính, trên vai là chiếc máy thông tin nặng trĩu và khẩu AK cầm tay, vượt qua những cánh rừng mùa khô không một giọt nước, mùa mưa nước ngập ngang lưng, phải chống chọi với cái đói, cái khát và những cái chết tức tưởi do dẫm phải mìn địch gài lại, bị phục kích, bị hoả lực bắn thẳng của quân địch. Qua đó, cuộc sống chiến đấu, tâm tư, tình cảm của người lính “quân tình nguyện Việt Nam” hiện lên rõ nét, sinh động và “đầy chất lính”. Từng chương, từng chương đi theo bước chân người lính. Hết "ngược dòng Mekong” giải phóng tỉnh lỵ Kratie, đến “lật cánh” theo bở Tây sông Mekong, cắt qua núi Chi, đánh chiếm Tang Krasang, hợp điểm cùng đội hình sư đoàn tại Kampong Thom và chiều muộn ngày 11/1/1979 làm chủ Sisophon, một thị xã lớn và có vị trí hết sức quan trọng về quân sự ở Tây Bắc Campuchia.

Bốn mươi năm sau, cựu chiến binh Nguyễn Vũ Điền mới có dịp quay lại Campuchia. Từ sự thôi thúc trong lòng, anh cùng đồng đội lần theo từng địa danh trong ký ức, khôi phục lại từng trận đánh, để kể lại trong cuốn sách của mình. Anh cũng như những người lính khác, không muốn những người đã hy sinh bị quên lãng. Bởi thế, những chương anh kể trong phần tiếp theo của cuốn hồi ký, có thể nói là “đầy máu và nước mắt”. “Trận huyết chiến tại phum Th mo Cô”; “Công kích Pailin”; “Trận phum Makak”; “Đường vào Cao Melai”…

Cuộc chiến 10 năm của quân tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia càng làm sáng tỏ một chân lý: đây là một cuộc chiến chính nghĩa. Sự chính nghĩa của cuộc chiến này tạo nên sức mạnh cho những người lính trẻ quân tình nguyện Việt Nam. Và dù phải chiến đấu ở xa Tổ quốc, nhưng họ luôn có Tổ quốc ở bên cạnh. Có thể trong từng cá nhân người lính, nhiều khi phải chiến đấu đơn độc giữa vòng vây kẻ địch, giữa rừng rậm núi cao, hy sinh không ai biết…nhưng bao giờ họ cũng nghĩ rằng gia đình, đồng đội, Tổ quốc đang tiếp thêm sức mạnh cho họ.

Và cuối cùng chúng ta đã thắng. Đất nước Campuchia, dân tộc Khmer đã hồi sinh.

Tháng 2/2018, Nguyễn Vũ Điền cùng Cựu chiến binh Trung đoàn 174 trở lại Campuchia. Anh tìm về phum Slo Cram gần Svay Chek, tìm gặp một người phụ nữ Khmer đã nhận anh làm “Con” và anh gọi bà là “Mẹ”. Bà, một phụ nữ có học vốn sống ở Thủ đô Phnom Penh, mai danh ẩn tích mà chạy dạt về đến vùng quê hẻo lánh này. Năm 1957, bà có sinh nhưng không giữ được một bé trai. Trước khi gặp bộ đội tình nguyện Việt Nam mấy tháng, bà nằm mơ thấy thần Bao Công với khuôn mặt đen sì, rẽ nước lên nói với bà rằng con của bà sắp về và nó sẽ về từ hướng đông. Bà nghĩ mãi về giấc mơ này và bà thấy hướng đông là hướng Việt Nam sang, vậy là con bà sẽ theo bộ đội Việt Nam trở về với bà…Bữa thấy Nguyễn Vũ Điền và một đồng đội đến chơi, bà đã thấy lạ bởi từ trước đến giờ có ai là người Việt đến nhà bà đâu. Qua hỏi chuyện bà biết Điền sinh năm 1958, ít hơn con bà một tuổi. Bữa Điền bị sốt, lúc đánh gió cho Điền, bà thấy một cái bớt ở lưng, giống cái bớt trên lưng con bà thời nhỏ nên bà bắt đầu liên tưởng đến giấc mơ kia…Rồi khi thấy Điền chọn tấm vải may quần màu tím than, màu vải mà chồng bà rất thích, là bà tin chắc đây chính là con bà…

Hai người nhận nhau là Mẹ - Con.

Câu chuyện “Người mẹ ân tình” được Nguyễn Vũ Điền kể với một giọng văn giản dị, chân thật và chính vì vậy làm người đọc xúc động. Không thế lực nào khoả lấp được, làm mờ đi tình cảm thắm thiết mà người dân Khmer dành cho quân tình nguyện Việt Nam. Cũng như tình cảm của những chàng lính trẻ Việt Nam dành cho những người dân hiền lành trên mảnh đất mà Pôn Pốt và bè lũ đã biến thành “mảnh đất chết”.

Người lính tình nguyện Việt Nam vào chiến đấu ở đất Campuchia khi rừng khộp bắt đầu thay lá. Mười năm là mười lần rừng khộp thay lá mới. Khi hoàn thành nhiệm vụ trở về Tổ quốc Việt Nam, tại Thủ đô Phnom Penh, các anh đã xây dựng một công viên nhỏ và trồng ở đó nhiều cây hoa thơm. Người dân Phnom Penh gọi đấy là “công viên Hoà Bình”. Tháng 7/2018, khi chúng tôi đến đặt lẵng hoa tại “Tượng đài hữu nghị Việt Nam – Campuchia”, một người dân Thủ đô đã dẫn chúng tôi qua công viên này và nói với giọng trìu mến “Hòa bình” là hạnh phúc mà quân tình nguyện Việt Nam để lại trên mảnh đất này../.

Thanh Vũ/VOV

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam