Những chiêu thức vẽ dự án ma phổ biến nhất

TNV - Để bẫy người mua vào các dự án ma sau đó chiếm đoạt tài sản như của Alibaba, các công ty đã áp dụng rất nhiều chiêu thức, mánh khóe lừa đảo tinh vi.

Sau khi Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Alibaba) và em trai Nguyễn Thái Lĩnh (30 tuổi, Giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba) bị bắt với cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các cơ quan điều tra xác định có khoảng 6.700 người có thể là nạn nhân của Công ty địa ốc Alibaba, với số tiền giao dịch hơn 2.500 tỷ đồng tại 40 dự án.

Trước đó, công ty này đã vướng phải nhiều lùm xùm như: Nhân viên công ty đập phá xe đoàn cưỡng chế của UBND xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (ngày 13/6); đánh khách hàng bị thương (ngày 22/7); ông Nguyễn Thái Luyện bị phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng vì phát ngôn xúc phạm chủ tịch, công an xã (ngày 1/8); khai trương chi nhánh trái phép tại Biên Hòa, Đồng Nai (ngày 8/9).

Về các dự án của công ty này, theo điều tra, Công ty CP Địa ốc Alibaba và các công ty thành viên được thành lập, sau đó tự vẽ các dự án không có thật, không được cơ quan chức năng phê duyệt tại một số tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó huy động tiền của khách hàng để chiếm đoạt. Về phía khách hàng, các luật sư cho rằng, quyền lợi của họ sẽ được giải quyết trong vụ án hình sự hoặc khởi kiện ra tòa.

Nhiều chiêu thức, mánh khóe lừa đảo tinh vi được áp dụng để bẫy người mua vào các dự án ma

Việc mua phải dự án ma không còn là câu chuyện mới mà đã xảy ra từ vài năm trước. Để bẫy người mua vào các dự án "vịt trời", các công ty đã áp dụng rất nhiều chiêu thức, mánh khóe lừa đảo tinh vi. Chính vì thế, dù bất động sản là tài sản giá trị lớn, từ vài trăm đến hàng tỷ đồng nhưng nhiều người mua vẫn xuống tiền dù thấy có dấu hiệu bất thường.

Có thể kể đến một vài chiêu thức vẽ dự án ma phổ biến hiện nay như:

Thứ nhất là tìm các khu đất bỏ trống thường là đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất dính quy hoạch nhà nước, sau đó thỏa thuận với người mua bằng chiêu thức đặt cọc, hợp đồng ủy quyền, góp vốn, vi bằng...

Thứ hai là vẽ dự án trên giấy, xây đường đi, các công trình tạm bợ rồi giới thiệu mời gọi khách hàng. Nhiều đơn vị môi giới còn tổ chức cho nhân viên dẫn dụ khách hàng đến xem trực tiếp khu đất dự án, ở đó đã dàn sẵn cảnh người người chen nhau mua bán, ký hợp đồng và thanh toán tiền ngay trước mặt người đi xem đất nhằm tạo niềm tin đây là đất dự án thật.

Thứ ba là chiêu thức bán cho khách hàng bằng hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư. Nếu đất có dính quy hoạch thì hứa sẽ chạy quy hoạch cho khách hàng.

Thông thường, khi bán các dự án ma, các công ty sẽ thu tiền của khách hàng theo từng đợt. Khi khách hàng phát hiện tính pháp lý của dự án không giống như cam kết, hứa hẹn thì bị thanh lý hợp đồng và mất luôn số tiền đã đóng.

Do đó, để tránh rơi vào những rắc rối như những khách hàng của Alibaba, người mua nhà đất nên tìm hiểu kỹ tính pháp lý cũng như thông tin của dự án. Bàn về những vấn đề xoay quanh câu chuyện dự án ma, chương trình "Có hẹn với chuyên gia bất động sản" số 1 do chúng tôi thực hiện đã đi sâu vào phân tích và đưa ra những lời khuyên bổ ích cho người mua.

Khán giả quan tâm có thể xem toàn bộ chương trình Tại đây!

>>> Mua phải dự án ma, có đòi lại được tiền không?

Phùng Dung

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam