Ông Bảy anh hùng trở về bầu trời với nụ cười hiền hậu

Lý luận trẻ | 15:05:00 24/09/2019

TNV - "Tao đâu có ngờ, tao chưa bao giờ nghĩ sẽ lái máy bay", kính thưa ông, tôi lại không ngờ một thanh niên 17 tuổi như ông mới học hết lớp ba thì bỏ học lại trở thành một phi công tài năng của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Năm 1936, cậu bé Bảy ra đời trong khu vườn thuộc ấp Hậu Thành, xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp với tên khai sinh Nguyễn Văn Hoa. Vì tên giống con gái, và người Nam Bộ hay gọi tên theo thứ tự trong gia đình nên Nguyễn Văn Bảy dần trở thành tên chính.

Vì không muốn lập gia đình sớm, ông trốn cha mẹ đi theo cách mạng. Thời ấy, bộ đội tối tối thường xuống xóm để tuyên truyền. "Tao nghe tao thích. Hồi đó 17 tuổi nói đến cách mạng mình đâu có biết gì đâu. Chỉ biết đánh thằng áp bức dân mình, phải chống lại và đánh lại những thằng đó", ông Bảy nói.

Năm 1960, ông được lựa chọn binh sĩ đào tạo trở thành phi công, những người tuyển chọn ông rất tinh tường.

Tôi tự hỏi, ngày ông cùng 33 chiến sĩ sang Trung Quốc học lái máy bay, Bác Hồ đã gặp riêng, căn dặn ông điều gì nhưng có thể những lời dặn riêng ấy đã trở thành phương châm sống trong suốt cuộc đời của ông: "Ở đây có chú nào người miền Nam thì giơ tay lên cho Bác biết", Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trước đoàn học viên trước giờ lên đường sang Trung Quốc, trong đoàn chỉ có hai chiến sĩ phi công là người miền Nam.

Năm 1965, tốp phi công đầu tiên của Việt Nam từ Trung Quốc lái máy bay về Gia Lâm. Ông Bảy được biên chế ở Trung đoàn không quân tiêm kích 923 và tham gia tham chiến trận đầu tiên trên vùng trời Bắc Sơn - Chi Lăng.

Ông Bảy tham gia chiến đấu 13 trận, năm 1966 và 1967, 7 lần ông bóp cò thì 7 máy bay Mỹ bị bắn hạ. Chưa lần nào ông phải nhảy dù. Chiến công đầu tiên được xác lập vào ngày 21/6/1966, ông bắn hạ máy bay F8 Crusader của phi đội 211 do Cole Black điều khiển.

Cựu phi công Mỹ, Đại tá, TS Marshall L.Michel III từng chia sẻ: "Chúng tôi nghĩ rằng đã rất may mắn khi ông Bảy không tham gia không chiến từ năm 1967, bởi nếu ông tiếp tục ngắm bắn trên không thì ắt sẽ còn nhiều máy bay của chúng tôi bốc cháy hơn nữa”, chia sẻ này đặt ra một câu hỏi lớn cho người viết - năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Quân chủng phòng không không quân không để ông tham gia không chiến, chuyển sang huấn luyện cho lực lượng phi công trẻ, ở đây có sự trùng hợp với nhận định từ phía Quân đội Mỹ, nếu ông tiếp tục chiến đấu "...ắt sẽ còn nhiều máy bay của chúng tôi bốc cháy hơn nữa".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký, phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang cho ông sau lần bắn rơi máy bay thứ 7 của Mỹ, ông kính trọng Bác Hồ, khóc rất nhiều khi Bác mất, ông quyết định để chòm râu giống Bác như Bác ở bên ông mãi vây. Ông từng tâm sự: "Ngày Bác Hồ mất, tui được túc trực phía sau. Ngày truy điệu Bác, tui chỉ huy 12 chiếc Mig -17 bay đưa tiễn Bác. Tui thành phi công cũng nhờ Bác. Bác đến thăm, nói các chú cố gắng, sau này giải phóng chở Bác vào thăm miền Nam".

Năm 1990, sau 36 năm phục vụ cách mạng, Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy trở về cuộc sống của người nông dân, sùm vầy bên cháu con. Ngoài chiến trường ông tinh tường, mạnh mẽ bao nhiêu, về với cuộc sống của người nông dân nam bộ ông lại bình dị đến lạ thường, chẳng ai ngờ rằng ông Bảy là một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES - danh hiệu có từ Chiến tranh thế giới thứ hai dành cho những phi công lái máy bay quân sự có thành tích bắn hạ trên năm máy bay của đối phương.

Tìm hiểu những bức ảnh của ông từ trong quá khứ và cho đến trước ngày ông tạ thế, tôi nhận thấy ở ông một tinh thần lạc quan, nó bọc lộ rất rõ nét qua nụ cười đôn hậu, sảng khoái, cùng với đó là những sải tay như đôi cánh đại bàng dũng mãnh. Ông ra đi cùng với nụ cười ấy, tuổi 83, một cuộc đời đã được sống xứng đáng đến từng ngày, từng giờ.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn có một chia sẻ: "Tôi được thành đạt như ngày hôm nay, một trong những động lực đó chính là phấn đấu, học tập theo tấm gương của thần tượng Nguyễn Văn Bảy. Dù bác không trực tiếp dạy nhưng trong đầu tôi luôn nghĩ và luôn coi bác là người thầy trong con đường binh nghiệp của mình cũng như trong cuộc sống, ứng xử".

Nhớ lại câu nói của ông: "Sinh ra trên đất Lai Vung là nông dân, sẽ về lại Lai Vung làm nông dân", câu nói ấy đẹp như chân lý, như sự thật và đã được ông tô đẹp hơn nữa bằng những năm tháng từ giã đời binh nghiệp, như câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi:

"Đất nghèo nuôi những anh hùng

Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên

Đạp quân thù xuống đất đen

Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa"

Ông Bảy! nụ cười, sự dang rộng đôi cánh tay như ôm cả đất trời của ông tiếp tục thôi thúc thế hệ trẻ chúng tôi luôn tự tin, lạc quan, yêu đời, sống xứng đáng với niềm tin và hy vọng của bao thế hệ anh hùng. Tôi vui vì đã hoàn thành được bài viết mà suốt cả đêm không thể chợp mắt, như một lời tri ân, một nén nhang lòng tỏ lòng thành kính, kính gửi đến Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy.

Nguyễn Ngọc 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam