Vẫn còn nhiều bất cập khi hướng nghiệp cho học sinh ở nông thôn

Giáo dục, Giáo dục, Hướng nghiệp | 08:00:00 10/10/2019

TNV - Hiện nay công tác hướng nghiệp cho thanh, thiếu niên đã được chú trọng, song vẫn còn nhiều hạn chế. Ở các trường THPT, việc hướng nghiệp gần như chỉ thực hiện nội dung tư vấn tuyển sinh.

Trong các buổi hướng nghiệp, việc trao đổi giữa học sinh và các chuyên gia tư vấn chỉ xoay quanh vấn đề chọn khối nào? chọn trường nào? Những hoạt động hướng nghiệp gần như là cho phép một cơ sở đào tạo nào đó đến “tư vấn” nhưng thực chất chỉ là giới thiệu về trường và các ngành đào tạo, phục vụ cho việc tuyển sinh của cơ sở đó. Về phía gia đình, nói một cách công bằng, cha mẹ nào cũng lo lắng cho con ở giai đoạn chuyển tiếp này. Gia đình nào cũng mong con mình tốt nghiệp sẽ có một tương lai tươi sáng. Nhưng tựu chung vẫn theo xu hướng bố mẹ hướng con cái theo một ngành nghề nào đó mà họ mong muốn, để rồi nhồi nhét kiến thức, bằng mọi giá để con mình đậu đại học. Còn với các em học sinh thì chọn ngành nghề theo mong muốn của gia đình, hay theo xu hướng số đông, theo bạn bè. Với cách hướng nghiệp như vậy dẫn đến kết quả là học sinh chủ yếu quan tâm thi vào trường nào, khoa nào, khối nào. Và phần lớn trong các buổi hướng nghiệp câu hỏi được các bạn học sinh quan tâm nhất là: “Trường đó có những khối gì? điểm chuẩn bao nhiêu? em học khối này thì thi vào trường nào?

Ngày nay, để bước chân vào ngưỡng cửa đại học và có được tấm bằng cử nhân hay kỹ sư... không khó, song học như thế nào và ra trường làm gì mới là việc phải bàn. Theo thống kê của Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, năm 2019, có 370 đơn vị đăng ký xét tuyển. Tổng số thí sinh tham gia thi THPT quốc gia là 887.104 em, trong đó có 653.278 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Tổng số chỉ tiêu tuyển sinh đại học của các trường năm 2019 là 489.637 chỉ tiêu. Số chỉ tiêu này tăng 7% so với năm 2018. Nếu như trước kia, khi mà các trường đại học, cao đẳng trong cả nước chỉ tính trên đầu ngón tay thì nay các trường đại học “mọc lên như nấm”, coi dạy học là một nghề kinh doanh và đương nhiên là tuyển sinh cũng rất dễ dãi. Thế mới có chuyện, sau khi công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, ngoài các trường có uy tín, chất lượng thực hiện việc xét tuyển theo chất lượng và chuyên ngành đào tạo, thì nhiều trường đại học cũng tung ra đủ các hình thức chào mời như gọi điện hay gửi giấy báo trúng tuyển đến tận nhà. Trong khi đó, mối quan tâm của các bậc phụ huynh bao giờ cũng là làm thế nào để con em mình đi được đến cái đích cuối cùng là giảng đường đại học. Vậy nên ngay cả khi biết con mình sức học chỉ ở mức trung bình cũng quyết cho con vào một trường đại học, cao đẳng nào đó, chứ không chịu để con đi học nghề.

Thực tế cho thấy, ngay từ độ tuổi 15-16 các em đã có đủ nhận thức và sức khỏe để theo học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp. Nếu bắt đầu luôn với chương trình học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS thì các bạn học sinh chỉ cần tốn thời gian tối đa 3 năm là hoàn tất luôn chương trình THPT và cả chương trình nghề. Thời gian đó chỉ vừa ngang bằng với số năm học cấp 3 chính quy, như vậy đã tiết kiệm cho chính bản thân học sinh từ 1 – 2 năm. Với những học sinh mà trình độ không tương xứng, điều kiện gia đình còn khó khăn thì tốt nhất nên chọn học nghề thay vì học đại học, bởi vì trải qua 4 năm học, vừa tốn kém chi phí vừa mất đi cơ hội việc làm. Với khoảng thời gian này, các bạn có thể ra làm nghề sớm để tích lũy kinh nghiệm, tạo lợi thế thăng tiến trong công việc hoặc có thể học tiếp chuyên sâu về lĩnh vực mà mình mong muốn theo đuổi.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, quý I-2019 cả nước có 1.059.000 người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, trong đó số người thất nghiệp có trình độ cao đẳng là hơn 65.000 người, trung cấp là 52.700 người, đại học là hơn 124.000 người. Tình trạng cử nhân ra trường thất nghiệp là vấn đề “nóng” trong nhiều năm trở lại đây. Bấp bênh hoặc không xin nổi việc dựa vào bằng cấp, nhiều cử nhân phải bươn chải đủ mọi công việc để mưu sinh. Như vậy, có rất nhiều trường hợp sinh viên tốt nghiệp nhưng lại làm một ngành nghề không tương xứng với bằng cấp dẫn đến thiếu kiến thức chuyên sâu, thiếu kinh nghiệm thực tế, mức lương thấp, cơ hội thăng tiến không nhiều. Có nhiều người xem công việc làm trái ngành nghề là giải pháp “lấy ngắn nuôi dài”, chờ một thời gian cho đến khi tìm được công việc làm đúng ngành.

Hướng nghiệp cho thanh, thiếu niên là vấn đề luôn được xã hội quan tâm, nhất là trong điều kiện thị trường lao động có sự cạnh tranh và biến động khá mạnh. Hướng nghiệp không chỉ đơn giản là việc chọn một nghề cụ thể mà là việc mưu sinh, việc khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Có thể khẳng định rằng, hướng nghiệp chính là sự định hướng cho cuộc sống tương lai, nó chính là khâu đầu tiên và đặc biệt quan trọng đến cuộc đời lập nghiệp của mỗi con người. Thế nên việc hướng nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự quan tâm hỗ trợ định hướng đúng mức từ gia đình, nhà trường cũng như nhiều tổ chức xã hội. Để các em nhìn nhận bản thân và đưa ra được sự lựa chọn tốt nhất cho bản thân trong tương lai.

   Nguyễn Lai

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam