Giảm rủi ro để phát triển bền vững cho ngành gỗ Việt Nam

Doanh nhân, Hội nhập | 09:28:00 09/11/2019

TNV - Ngày 8/11 tại Hà Nội, các Hiệp hội: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), Hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Tổ chức Forest Trends cùng phối hợp tổ chức Hội thảo “Thực trạng XNK và chuyển dịch FDI ngành gỗ”.

Đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành gỗ tăng rất nhanh đặc biệt kể từ năm 2018 trở lại đây. Trong số các quốc gia đầu tư, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là quốc gia có số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư lớn. Con số thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy số doanh nghiệp FDI đăng ký mới trong 9 tháng đầu năm 2019 là 67, tương đương với con số cả năm 2018. Tổng số vốn đăng ký cũng tăng nhanh, chủ yếu là do sự xuất hiện của một số dự án mới có mức vốn đăng ký quy mô rất lớn từ Hàn Quốc, Hồng Kông và Trung Quốc. Lượng vốn đăng ký của các dự án mới trong 9 tháng đầu 2019 cao hơn 2,3 lần so với tổng vốn đăng ký của cả năm 2018.

Hội thảo“Thực trạng XNK và chuyển dịch FDI ngành gỗ” diễn ra vào sáng ngày 8/11

Tại hội thảo được tổ chức vào sáng nay, các chuyên gia cho biết, FDI có vai trò quan trọng đối với sự lớn mạnh của ngành gỗ Việt Nam. Con số thống kê xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2018 kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI năm 2018 đạt gần 3,96 tỷ USD, chiếm 46,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.

Đặc biệt, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu trong danh sách các quốc gia đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam. Trong 9 tháng đầu 2019, số dự án FDI từ Trung Quốc đầu tư mới vào Việt Nam là 40, chiếm gần 60% trong tổng số dự án đầu tư. Kế tiếp trong danh sách là Hồng Kông và Hàn Quốc.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam liên tiếp tục tăng. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2019 đạt gần 7,3 tỷ USD, tương đương 86% kim ngạch cả năm 2018. Tuy nhiên bức tranh thương mại gỗ toàn cầu hiện đang có nhiều thay đổi và điều này đang tác động trực tiếp đến ngành gỗ Việt Nam.

Có một số nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi, bao gồm thay đổi trong các yêu cầu về tính pháp lý của các mặt hàng gỗ tại các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện chưa có dấu hiện dừng lại cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản tạo ra những dịch chuyển về cung - cầu về sản phẩm hàng hóa. Ngành gỗ Việt Nam đã và đang có những ứng phó tích cực nhằm đáp ứng với các thay đổi này. Các ứng phó bao gồm các cơ chế chính sách mới tại cấp quốc gia và các thay đổi trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm mở rộng sản xuất, nắm bắt các cơ hội mới của thị trường.

Ngoài ra các thay đổi trong thương mại toàn cầu ở cấp vĩ mô cũng tạo ra một số rủi ro mới cho ngành gỗ Việt Nam. Báo cáo Giảm rủi ro để phát triển bền vững ngành gỗ Việt Nam ngoài việc cập nhật tình hình xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam tính đến hết Quý 3 của năm 2019 còn tập trung vào 2 loại hình rủi ro chính. Các rủi ro này bao gồm rủi ro trong gian lận thương mại và trong nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu. Loại hình rủi ro thứ nhất có xu hướng ngày càng phức tạp đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, với một số dấu hiệu cho thấy một số mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, lấy nhãn mác của Việt Nam và xuất khẩu vào Hoa Kỳ nhằm tránh các mức thuế mới mà Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng đối với các mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Loại hình rủi ro thứ 2 hình thành khi Chính phủ Việt Nam đang thực hiện cam kết đảm bảo toàn bộ các mặt hàng gỗ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu là sản phẩm hợp pháp, trong khi cung gỗ nguyên liệu đầu vào cho ngành gỗ hiện vẫn còn sử dụng một lượng cung lớn gỗ là rừng tự nhiên, được khai thác từ các quốc gia có hệ thống quản trị rừng yếu kém, ví dụ tại các nước Châu Phi, Campuchia hay Papua New Guine.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng: Ngành gỗ đang chứng kiến sự mở rộng đầu tư FDI trên cả 3 hình thức là các dự án đầu tư mới, dự án tăng vốn mở rộng sản xuất và góp vốn thông qua hình thức mua cổ phần. Gia tăng đầu tư FDI cho thấy ngành gỗ vẫn còn tính hấp dẫn của mình, thể hiện qua các điểm mạnh như giá nhân công thấp, tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào dễ dàng, cơ sở hạ tầng thuận lợi, ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới…

Sản xuất gỗ tự nhiên tại Việt Nam

Nhiều nghiên cứu cho rằng trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi, với các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ đang được mở rộng nhằm lấp chỗ trống cho các mặt hàng từ Trung Quốc. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng bên cạnh những lợi ích mà cuộc chiến này đem lại là các rủi ro mới. Trong ngành gỗ, đã có một số tín hiệu cho thấy gian lận thương mại. Gian lận thương mại cũng có thể diễn ra dưới hình thức “đầu tư chui” hay “đầu tư núp bóng” với doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, thuê nhà máy, nhà xưởng của Việt Nam, nhập khẩu hàng hóa sơ chế từ Trung Quốc vào sơ chế tại đây sau đó xuất khẩu sản phẩm vào Mỹ với nhãn mác Việt Nam. Đây là những rủi ro rất lớn cho ngành gỗ của Việt Nam.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch & Tổng thư ký Hiêp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: Để phát triển bền vững, bên cạnh những việc làm quan trọng khác (ví dụ như bền vững về nguồn nguyên liệu, nâng chất lượng nguồn nhân lực, thiết lập và tăng cường kết nối giữa 2 khối), ngành gỗ cần phải có những cơ chế chính sách hữu hiệu để giảm các rủi ro trong đầu tư FDI. Chính phủ thực hiện kiểm soát rủi ro trong FDI có thể bắt đầu bằng việc rà soát cả 3 loại hình đầu tư, bao gồm đầu tư mới, các dự án tăng vốn và dự án mua cổ phần;  Chính phủ cần thu thập thông tin về tình trạng “đầu tư chui”, “đầu tư núp bóng”. Các hiệp hội gỗ địa phương là một trong những kênh thông tin quan trọng và hữu hiệu để thu thập thông tin về các hình thức đầu tư này nhằm cung cấp cho các cơ quan quản lý. Thông qua các thành viên của mình, các hiệp hội nắm bắt được thực trạng các doanh nghiệp ngoại hiện đang có các hoạt động thuê thiết bị, nhà xưởng, nhân công từ các doanh nghiệp nội để sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu.

Chính phủ cần tạo kênh kết nối trực tiếp với đại diện các hiệp hội, nhằm cập nhật thông tin về thực trạng đầu tư, từ đó đưa ra các cơ chế, chính sách can thiệp kịp thời nhằm hạn chế các rủi ro. Chính phủ cũng cần có cơ chế cho phép các hiệp hội gỗ mở rộng thành viên của mình, với các doanh nghiệp FDI có thể trở thành thành viên chính thức. Như vậy thông tin từ các doanh nghiệp FDI giúp cho các hiệp hội nắm bắt được các thông tin có chất lượng về thực trạng đầu tư FDI, bao gồm thông tin về các hoạt động “đầu tư chui”, “đầu tư núp bóng”. Nguồn thông tin này có vai trò quan trọng, giúp cho các cơ quan quản lý hình thành các “bộ lọc” hiệu quả trong kiểm soát đầu tư FDI trong ngành. Điều này góp phần giúp ngành phát triển bền vững trong tương lai.

An Nhiên

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam