Vân Hồ gắn xây dựng nông thôn mới với hỗ trợ liên kết doanh nghiệp - nông dân

Thời sự, Xã hội | 19:15:00 02/01/2020

TNV - Theo ông Nguyễn Huy Anh (Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ): Năm 2020, huyện tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Lựa chọn các cây, con chủ lực là thế mạnh của địa phương để tập trung phát triển hàng hóa; đặc biệt, tập trung xây dựng, hình thành vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến rau củ quả, hoa quả như Công ty TNHH IC FOOD SonLa, Công ty cổ phần chế biến thực phẩm công nghệ cao (Tập đoàn TH), Công ty cổ phần Nafood Tây Bắc...

Diện tích cây ăn quả 3.850 ha, sản lượng quả đạt 9.500 tấn/năm

Vân Hồ là huyện miền núi, biên giới thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Sơn La, là một trong 29 huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2018 – 2020 với số hộ nghèo năm 2015 là 7.067 = 50,87%, năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 40,35%.

 Mướt xanh vùng chè tập trung ở xã Chiềng Khoa. (ảnh: PNN)

Bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc, trong năm 2019, huyện Vân Hồ tiếp tục chuyển đổi cây trồng trên dốc sang trồng cây ăn quả và cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; chuyển đổi đất lúa 1 vụ sang trồng rau, củ phục vụ nguyên liệu cho nhà máy chế biến trên địa bàn; đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; nhờ vậy,tổng số hộ nghèo toàn huyện năm 2019 giảm còn 5.038 hộ = 33,94%.

Với cách làm lấy người dân, lấy thôn bản làm chủ thể xây dựng nông thôn mới, trong năm 2019, huyện Vân Hồ đã tổ chức 04 lớp tập huấn về xây dựng nông thôn mới gắn với “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” cho 60 cán bộ, hội viên phụ nữ xã Chiềng Khoa; 01 lớp truyền thông về nâng cao nhận thức về công tác sử dụng, thu gom thuốc bảo vệ thực vật tại xã Tân Xuân với 120 lượt người; tập huấn cho 21 học viên về thành lập nhóm tiết kiệm tự quản thôn bản tại các xã Vân Hồ, Quang Minh, Chiềng Yên; vận động hội viên phụ nữ đào 1.548 hố rác phục vụ phân loại rác thải sinh hoạt.

 Phát triển chăn nuôi gia cầm. (ảnh: PNN).

Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp tổ chức Hội nghị tuyên truyền về Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" cho cán bộ cấp huyện, xã và các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn; cử 30 cán bộ xã Chiềng Khoa, Vân Hồ tập huấn về nâng cao năng lực cho cán bộ xã, bản xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới; tập huấn cho 11 đại biểu xã Tân Xuân về xây dựng xã nông thôn mới khu vực biên giới; phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức 04 hội nghị tuyên truyền sáng lập viên HTX tại các xã Mường Men, Tân Xuân, Quang Minh, Liên Hòa; tổ chức 07 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại 7 xã với 245 học viên tham gia.

Nhờ vậy, năm vừa qua phong trào thi đua "Vân Hồ chung sức xây dựng nông thôn mới", tiếp tục vận động nhân dân hiến đất, tiền, ngày công lao động để thực hiện làm đường điện, xây dựng nhà văn hóa, trường học, làm đường giao thông nông thôn, tu sữa, nạo vét mương phai, công trình thủy lợi và thực hiện các chủ trương dự án phục vụ công tác thu hút đầu tư trên địa bàn huyện; vận động các tổ chức đóng góp cây xanh phục vụ công tác trồng cây phân tán, tạo bóng mát, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp trên địa bàn huyện có trị giá hơn 13 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 11/2019, toàn huyện có 8/14 xã đạt 10 tiêu chí trở lên, 6/14 xã đạt từ 7 - 9 tiêu chí; bình quân toàn huyện đạt 10,64 tiêu chí/xã, tăng 3,78 tiêu chí/xã so với năm 2015. Đặc biệt, xã Chiềng Khoa mới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào những ngày cuối năm 2019 và sẽ tổ chức đón mừng vào đầu năm 2020. Đây là xã đầu tiên của huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới, về đích trước 01 năm so với nghị quyết của huyện đề ra. Huyện Vân Hồ phấn đấu năm 2020 có thêm xãVân Hồ đạt chuẩn nông thôn mới.

 Đầu tư nhà kính sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGrap. (ảnh: PNN)

Trong năm 2019, huyện Vân Hồ tập trung sữa chữa các tuyến đường chịu ảnh hưởng của mưa lũ, đảm bảo giao thông đi lại cho nhân dân; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm (đường Quốc lộ 6 - Trung tâm hành chính - chính trị huyện, đường Chiềng Yên - Quang Minh, đường liên xã Lóng Luông đi xã Pà Cò (huyện Mai Châu - Hoà bình), các tuyến nội bộ khu trung tâm Hành chính - Chính trị huyện); lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới 21 tuyến đường liên bản, 04 tuyến đường nội đồng, 05 công trình cầu, cống giao thông. Trong giai đoạn 2015-2019, đã thực hiện đầu tư 299 tuyến đường với tổng chiều dài 122,6 km, trong đó: Đường trục bản, liên bản 51 tuyến, chiều dài thực hiện 33,17 km; đường ngõ, xóm 247 tuyến, chiều dài thực hiện 88,95 km.

Đồng thời, ra quân làm thủy lợi mùa khô, khắc phục các công trình thủy lợi bị ảnh hưởng của mưa lũ, khơi thông các công trình bị vùi lấp; đầu tư, nâng cấp, sửa chữa 28 công trình thủy lợi, nước sinh hoạt đảm bảo điều kiện cho hoạt động dân sinh, sản xuất, phòng chống thiên tai. Khởi công 9 công trình lớp học, bếp ăn cho học sinh; 30 công trình nhà văn hóa, trụ sở làm việc xã, bản.

HTX sản xuất rau an toàn Vân Hồ chuẩn bị xuất hàng về Hà Nội. (ảnh: P. Quỳnh)

Đến nay, trên địa bàn huyện 13/14 xã có nhà văn hóa đạt chuẩn; 124/124 bản có nhà văn hóa, trong đó 115 nhà văn hóa đạt chuẩn, 88 bản có sân phục vụ sinh hoạt cộng đồng đạt chuẩn. Tổng diện tích cây ăn quả đạt: 3.850 ha (diện tích trồng mới năm 2019 là 891 ha); sản lượng quả ước đạt: 9.500 tấn/năm. Tổng diện tích trồng rau đạt: 695 ha, sản lượng rau đạt: 8.939 tấn. Huyện đã xây dựng kế hoạch, đăng ký 01 sản phẩm (hồng sấy giẻo) làm điểm sản phẩm OCOP.

Hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất

Từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, năm 2019 huyện thực hiệnhỗ trợ gần 3 tỷ đồng các dự án phát triển sản xuất sản phẩm xoài nhãn bơ, cây có múi năm thứ 2; dự án củng cố nâng cấp chuỗi giá trị rau an toàn các loại năm thứ 2; dự án phát triển cây chanh leo liên kết theo chuỗi giá trị; dự án củng cố và nâng cấp chuỗi giá trị chè tại xã Chiềng Khoa; dự án phát triển nuôi cá lồng lòng hồ thủy điện liên kết theo chuỗi giá trị; với các hạng mục như bao bì, tem nhãn mác, điểm bán hàng, thuê gian hàng, cấp giấy chứng nhận an toàn…Trong năm 2019, huyện đã thành lập thêm 06 HTX, nâng tổng số HTX trên địa bàn huyện lên 45 HTX.

 Bà con hăng hái hiến đất, tiền, ngày công lao động xây dựng nông thôn mới. (ảnh: PNN)

Ngoài ra, UBND huyện đã phê duyệt Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trồng cây ăn quả tại các xã Vân Hồ, Lóng Luông với tổng số diện tích là 55,2 ha; các xã Chiềng Xuân, Suối Bàng, Mường Men, Tân Xuân, Xuân Nha, Tô Múa, Chiềng Yên, Quang Minh, Chiềng Khoa, Mường Tè, Song Khủa, Liên Hòa với tổng số diện tích là 480 ha. Đang thực hiện các Dự án hỗ trợ các loại ăn quả (hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,...) tại xã Chiềng Xuân, Suối Bàng, Tô Múa, Chiềng Yên, Song Khủa, Liên Hòa với tổng số diện tích là 210 ha; Dự án hỗ trợ vật tư thiết bị dụng cụ sản xuất (máy phát cỏ, máy bừa, cày đất, máy tuốt lúa,..., ) tại các xã Liên Hòa, Chiềng Yên, Suối Bàng với tổng số hộ nghèo tham gia 116 hộ.

 Những con đường nông thôn mới được chăm nom sạch, đẹp. (ảnh: PNN)

Để hình thành vùng chuyên canh tập trung, năm 2019 huyện triển khai trồng mới 4,35ha cây chanh leo tại bản Lũng Xá, bản Tà Dê, xã Lóng Luông (cấp phát 2.175 cây giống chanh leo); hỗ trợ 35 hộ trồng 22 ha xoài Đài Loan tại bản Sa Lai, xã Tân Xuân, hiện cây xoài sinh trưởng và phát triển tốt, đã ra lộc mới, tỷ lệ sống đạt 98%; hỗ trợ trồng bắp cải trái vụ tại xã Tô Múa, quy mô 1,5ha, với 4 hộ tham gia; kết quả bắp cải đã cho thu hoạch, trọng lượng đạt 1-1,2kg/cây, giá bán 5.000  - 8.000 đồng/kg, được HTX rau Tâm Đức hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. Hiện bà con tiếp tục gieo trồng lứa bắp cải mới trên diện tích đã thu hoạch.

Theo ông Nguyễn Huy Anh (Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ): Năm 2020, huyện tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Lựa chọn các cây, con chủ lực là thế mạnh của địa phương để tập trung phát triển hàng hóa; đặc biệt, tập trung xây dựng, hình thành vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến rau củ quả, hoa quả như Công ty TNHH IC FOOD SonLa, Công ty cổ phần chế biến thực phẩm công nghệ cao (Tập đoàn TH), Công ty cổ phần Nafood Tây Bắc...

 Cơ sở vật chất trường mầm non, nhà văn hóa được xây mới khang trang. (ảnh: PNN)

Đồng thời, gắn công tác xây dựng nông thôn mới với thu hút, khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp nông thôn, hỗ trợ liên kết doanh nghiệp - nông dân; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trực tiếp thuê ruộng đất đầu tư sản xuất hoặc liên kết sản xuất với nông dân trong tổ chức sản xuất và chế biến, tiêu thụ nông sản. Hoàn thành chuyển đổi diện tích đất trồng cây cao su kém hiệu quả, đôn đốc các Dự án đầu tư phát triển nông nghiệp của Công ty Cổ phần chăn nuôi Minh Thúy, Công ty Cổ phần khoa học hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc, Hợp tác xã Nông nghiệp Hải Dương,.. triển khai thực hiện.

Ngoài ra, huyện Vân Hồ cũng đặt mục tiêu mỗi xã thành lập mới từ 1-2 HTX chuyên ngành làm đầu mối đại diện cho nông dân tham gia liên kết với doanh nghiệp; và định hướng triển khai Chương trình OCOP đến năm 2025 theo hướng phát triển cộng đồng, sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn gắn với phát triển các hình thức du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng và tâm linh.


 Nét đẹp văn hóa và thiên nhiên Vân Hồ thu hút đông đảo nhân dân và du khách tới thăm.
(ảnh: PNN) 

Trong năm 2020, huyện Vân Hồ phấn đấu 14/14 xã xây dựng nông thôn mới đạt từ 10 tiêu chí trở lên; bình quân đạt 13,64 tiêu chí/xã; phấn đấu 02 xã đạt 19 tiêu chí và về đích nông thôn mới (xã Vân Hồ, Chiềng Khoa).

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm từ 4-5% trở lên.

95% hộ dân thuộc địa bàn bản nghèo, xã nghèo được tiếp cận cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật, kinh nghiệm sản xuất, tình hình kinh tế xã hội thông qua hình thức báo chí, các xuất bản ấn phẩm và các sản phẩm truyền thông khác.

Tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thành các hạng mục công trình hạ tầng nông thôn để nâng dần tỷ lệ và đạt các tiêu chí về cơ sở hạ tầng. Đặc biệt ưu tiên làm trước các công trình thiết yếu, trực tiếp phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân như thủy lợi, giao thông, nước sạch, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa.

Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ làm nhà tình thương, đại đoàn kết và làm nhà cho người có công với cách mạng... Huy động nguồn xã hội hóa, kết hợp nguồn lực hỗ trợ theo phương châm "Hộ gia đình tự làm, Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ". Phấn đấu năm 2020, có 10/14 xã đạt tiêu chí về nhà ở.

 Phấn đấu tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt từ 25% trở lên.

Tích cực vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT); ở mỗi xã đến hết năm 2020 phải có tối thiểu 90% dân số có thẻ BHYT.

Đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn nhằm nâng cao tỷ lệ hộ được sử dụng hợp vệ sinh trên địa bàn huyện từ 95% trở lên.

Từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý, thu gom, xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân.

        

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam