Về cán bộ làm công tác dân vận trong tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lý luận trẻ | 09:06:00 08/01/2020

TNV - Khi nói về vấn đề “Ai phụ trách dân vận?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể, tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận. Cùng với sự khẳng định đó, Hồ Chí Minh chỉ ra những yêu cầu, phương cách mà người cán bộ phụ trách công tác dân vận phải tuân thủ nếu muốn đạt kết quả tốt. Những chỉ dẫn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành phương châm soi đường cho người cán bộ phụ trách công tác dân vận trong mọi giai đoạn của cách mạng Việt Nam. 

"Cán bộ" là một thuật ngữ được cho là du nhậpvào nước ta với hai nghĩa cơ bản là: Nghĩa thứ nhất là cái khung, cái khuôn (khung ảnh), nghĩa thứ hai là người nòng cốt, những người chỉ huy quân đội, trong một cơ quan tổ chức làm nòng cốt. Khi du nhập vào nước ta, thuật ngữ cán bộ đã biến đổi không còn nguyên nghĩa gốc, song hàm nghĩa bộ khung, người làm nòng cốt, người làm chỉ huy luôn được lưu giữ và nhận thức.Thuật ngữ "cán bộ" được sử dụng phổ biến ở Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi Đảng lãnh đạo nhân dân Tổng khởi nghĩa thắng lợi, giành lấy chính quyền nhà nước, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kể từ đây, Đảng trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội thực hiện những bước đầu tiên trong xây dựng chế độ mới, cuộc sống mới. Trong điều kiện đó, cán bộ là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trước yêu cầu vừa cấp bách, vừa có tính cơ bản lâu dài của sự nghiệp cách mạng.

Tiếp cận khái niệm cán bộ từ nhiều phương diện, có thể rút ra kết luận cần hiểu khái niệm cán bộ theo hai nghĩa:

Nghĩa rộng: Cán bộ là tất cả những người thoát ly, đảm đương một công việc nào đó hay giữ một chức trách, một cương vị trong Đảng, Nhà nước, cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp... hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách Nhà nước hoặc một phần từ ngân sách Nhà nước theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và những chính sách hiện hành của Nhà nước. Họ là những người công bộc của dân, phục vụ nhân dân.

Nghĩa hẹp: Cán bộ theo nghĩa hẹp vừa là cán bộ theo nghĩa rộng, vừa có nét đặc thù do bầu cử, đề bạt, cân nhắc, bổ nhiệm theo quy trình của công tác tổ chức cán bộ và các cấp quản lý ra quyết định, giao nhiệm vụ giữ cương vị trong bộ máy lãnh đạo của cơ quan Trung ương hoặc địa phương, hưởng phụ cấp của họ được hưởng từ ngân sách hoặc một phần từ ngân sách Nhà nước theo quy định của Nhà nước.

Tựu trung lại, “Cán bộ” là từ chỉ tất cả những người được đảm đương thực hiện, gánh vác một công việc, nhiệm vụ nào đó do Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể thông qua công tác tổ chức cán bộ và các cấp quản lý quyết định tuyển dụng, tiến cử, bổ nhiệm, đề bạt, cân nhắc giao cho, phân công cho nhiệm vụ nào đó để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Lương và phụ cấp của cán bộ được hưởng từ ngân sách hoặc một phần từ ngân sách Nhà nước theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, pháp lệnh của Nhà nước cùng với những chính sách cụ thể do Nhà nước ban hành.

Hồ Chí Minh khẳng định cán bộ là gốc của mọi việc. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém, có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong. Thành công hay thất bại của công tác dân vận xét đến cùng là do đội ngũ cán bộ làm công tác này quyết định.

Hồ Chí Minh là một cán bộ dân vận bậc thầy. Người bắt đầu công tác dân vận từ lúc ra đi tìm đường cứu nước, dạy các thủy thủ mù chữ trên tàu sang châu Âu; nhiều người sau đó trở thành cán bộ cách mạng.Xuất thân từ nhân dân một nước nô lệ, Hồ Chí Minh trước sau gắn bó với đồng bào, tin tưởng, quý trọng nhân dân, thấy sức mạnh vô cùng, vô tận của nhân dân. Người không bao giờ đặt mình lên trên nhân dân, trên Đảng, trên Nhà nước. Người xem mình chỉ là một người lính “Vâng lệnh quốc dân”. Người thường đối thoại bình đẳng với mọi người, không thích ra lệnh, lên lớp. Khác với các nhà yêu nước tiền bối, Hồ Chí Minh là người đầu tiên dạy người Việt Nam làm công tác vận động quần chúng kiểu mới, tức là khoa học, nghệ thuật vận động nhân dân.

Khi nói về Ai phụ trách công tác dân vận, Hồ Chí Minh xác định tất cả mọi người, trong đó đặc biệt nhấn mạnh 3 loại cán bộ: Cán bộ chính quyền, cán bộ đoàn thể, hội viên của các tổ chức nhân dân. Bên cạnh những yêu cầu chung, tùy đặc điểm, điều kiện của mỗi cán bộ mà có những yêu cầu riêng. Về các yêu cầu chung, người cán bộ muốn làm tốt công tác dân vận phải đảm bảo hiểu và đáp ứng được dân tâm, dân tình, dân sinh, dân ý. Muốn thế, Hồ Chí Minh yêu cầu “người phụ trách dân vận phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Óc nghĩ, được Hồ Chí Minh đặt ở vị trí hàng đầu. Điều này cho thấy Người đặc biệt chú ý đến tầm cao trí tuệ của người làm công tác dân vận. Hoạt động dân vận trước hết là sự hiểu biết về lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; khả năng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục quần chúng; nắm bắt được tâm tư, tình cảm của quần chúng để kịp thời tham mưu cho Đảng những chủ trương, giải pháp đúng đắn, kịp thời để phát huy tích cực và ngăn chặn mặt tiêu cực phát sinh trong quần chúng. Cán bộ dân vận phải tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước xây dựng, ban hành được các chủ trương, đường lối, chính sách hợp lòng dân, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phải có trình độ tổ chức phong trào cách mạng của quần chúng.

Mắt trông, là yêu cầu đặc biệt nghiêm ngặt đối với cán bộ dân vận. Cán bộ dân vận phải sát cơ sở, tuyệt đối không được quan liêu, chỉ ngồi nghe điện thoại, nhận báo cáo rồi nhận định, phán xét. Theo Hồ Chí Minh, muốn vận động quần chúng, muốn tham mưu được cho Đảng và Nhà nước về công tác vận động quần chúng cho thiết thực, đạt hiệu quả cao thì điều đặc biệt quan trọng là phải mục thị được sự việc liên quan đến chức năng nhiệm vụ công tác dân vận.

Tai nghe, đây là một phương pháp khoa học của công tác dân vận. Theo Hồ Chí Minh, người làm công tác dân vận phải nắm bắt kịp thời các thông tin quần chúng, phải biết nghe dân nói, phải hiểu được nguyện vọng chính đáng của dân và biết loại trừ những thông tin nhiễu, thiếu chân thực, không khách quan, không đúng sự thật. Nghe được dân nói, nhưng không rơi vào tình trạng theo đuôi quần chúng mà phải biểu thị được thái độ vừa cầu thị vừa định hướng dẫn dắt được quần chúng.

Chân đi, là một đòi hỏi bức thiết luôn đặt ra đối với cán bộ dân vận. Đây cũng là một yếu tố chống căn bệnh quan liêu, hành chính nặng về làm việc theo kiểu giấy tờ của các cơ quan. Như chúng ta đã biết, sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành thời gian đi cơ sở để khảo sát tình hình thực tế, lắng nghe ý kiến của dân và trực tiếp tháo gỡ những khó khăn nảy sinh trong dân. Xuống với dân như về gia đình mình, Người tuyệt đối không “cờ rong, trống mở” không xe đưa, xe đón, không báo trước. Người hết sức nghiêm khắc với bệnh tô vẽ, thổi phồng thành tích dẫn tới lừa dân, hại nước, dối trên, lừa dưới của một số cán bộ mắc bệnh thành tích. Xuống với dân, về với cơ sở Người rất cảm thông với những khó khăn mà cơ sở phải bươn trải do nước ta còn nghèo, dân trí còn thấp… nên khi góp ý, phê bình Người chỉ dùng những lời nhẹ nhàng nhưng lại hết sức cụ thể, sâu sắc. Bởi vậy, nên tác động của những chuyến đi thực tế của Người để lại ấn tượng sâu sắc với những tác dụng thiết thực, sinh động.

Miệng nói, là một phương pháp không thể thiếu của người làm công tác dân vận. Người cán bộ dân vận phải thường xuyên có trách nhiệm tuyên truyền và cổ động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, pháp luật, văn hoá, xã hội và an ninh quốc phòng. Theo Hồ Chí Minh, để dân hiểu, dân tin, dân ủng hộ và làm theo thì công tác tuyên truyền bằng miệng nói phải đúng và phải khéo. Nói với dân phải đơn giản, rõ ràng, thiết thực và cụ thể, tránh mệnh lệnh “Ta phải thế này, ta phải thế kia…”. Hơn thế, còn phải có thái độ mềm mỏng: Đối với người già, các bậc lão thành phải cung kính lễ độ, với đồng chí, đồng bào phải khiêm tốn, với phụ nữ phải đúng mực nghiêm trang, với nhi đồng phải thương yêu quý mến.

Theo Hồ Chí Minh, quần chúng của ta vốn không thuần nhất, nên đến với từng đối tượng, người cán bộ dân vận phải chọn cách thức phù hợp, nhưng điều đặc biệt quan tâm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ dân vận là đến với dân, nói với dân phải chân thành, bình đẳng, không độc thoại.

Tay làm, đây là một phương pháp hết sức quan trọng và thiết thực của cán bộ nói chung và cán bộ làm công tác dân vận nói riêng. Nói đi đôi với làm còn là phạm trù đạo đức đối với tất cả chúng ta. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Người có hàng loạt bài viết, bài nói phê phán những cán bộ, đảng viên “nói không đi đôi với làm”, “đánh trống bỏ dùi”. Như chúng ta đều biết, ở Hồ Chí Minh đạo đức thể hiện ở hành động, nói để làm, nói đi đôi với làm, nói về đạo đức đi đôi với thực hành bằng đạo đức, coi trọng hiệu quả công việc, lấy hiệu quả của công việc làm thước đo đạo đức. Người từng nói: “Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất”. Trong cuộc sống của mình Hồ Chí Minh luôn thực hành phương thức “nhân nhi giáo, ngôn nhi giáo”, tức là trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống và làm việc của mình, sau đó mới giáo dục bằng lời nói.

Sinh thời, Bác Hồ luôn nhắc nhở: Muốn thực sự làm người lãnh đạo, người chỉ huy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải hết sức giữ gìn và nêu gương bề mặt đạo đức. Bởi vì theo Người sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội và lòng tin của dân đối với Đảng không phải lý tưởng cao xa mà trước hết, cụ thể và trực tiếp nhất là ở tấm gương của những người cộng sản đang cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với dân, đặc biệt là những người có chức có quyền. Chỉ với điểm xuất phát như thế, cán bộ phụ trách công tác dân vận mới thực hiện đúng lời dạy “một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta và quần chúng”.

 Đỗ Thanh Nhàn – Lê Nhung

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam