Hoài niệm đẹp về Tết Sài Gòn xưa

Giải trí, Văn hóa | 08:30:00 26/01/2020

Tết trong Nam mộc mạc sơ sài, không như Tết miền Trung và ngoài Bắc...

“Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai/ Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay/ Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này/ Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi”. Giai điệu và ca từ của nhạc sĩ Y Vân đã khiến bao người quyến luyến, yêu dấu lấy Sài Gòn.

Thế thì, Tết Sài Gòn xưa có nét gì độc đáo?

Trước hết phải khẳng định rằng, vùng đất phương Nam chói chang nắng ấm, trong đó có Sài Gòn buổi ban đầu là nơi “đất lành chim đậu” của nhiều lớp người trong đó có lưu dân người Việt đến từ miền Bắc, miền Trung. Do đó, nét văn hóa Sài Gòn cũng nằm trong dòng chảy của một khối giang san Việt Nam thống nhất. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nét riêng do cư dân nơi này tạo ra nhằm thích ứng với nhịp sống mới, phong thổ mới.

Ảnh minh họa

Khi nghĩ về Tết trong Nam, nhà nghiên cứu trứ danh Vương Hồng Sển cho rằng: “Tuy cùng một gốc nhưng nước Việt Nam ta, Bắc – Nam – Trung vẫn thưởng Tết không đâu giống với đâu: Tết trong Nam mộc mạc sơ sài, không như Tết miền Trung và ngoài Bắc, trước đây giữ nhiều lễ phép và kiêng cữ… Nhưng đã là ‘ăn Tết’ đúng ý nghĩa tục lệ ông bà để lại thì đâu cũng như nhau, dùng dịp Tết nhứt để mừng đoàn tụ gia đình, tưởng niệm cúng vái tổ tiên đã khuất.” (Đặc san Sử Địa, 1967)

Với người Sài Gòn xưa, vào đêm giao thừa, ngoài Lăng Ông Bà Chiểu thì các chùa như Chùa Ông, Chùa Bà… là nơi đông đúc người dân tìm đến cầu may, khấn vái những điều tốt lành cho gia đạo, cầu bình yên cho sơn hà xã tắc. Trong năm dù có giận hờn, oán ghét nhưng ngày đầu năm gặp nhau thì họ lại nhoẻn miệng cười, làm lành với nhau, điều này cho thấy người Sài Gòn không để bụng giận lâu.

Ở chợ, các tiểu thương thường tếu táo bảo, chơi Tết là chơi “hết mùng cho tới mền”, tức là từ mùng Một đến mùng Mười là hết Tết nhưng đến rằm tháng Giêng lại là cuộc hành hương tìm đến chùa chiền cầu mua may bán đắt. Nói thì nói thế, chứ thật ra ở Sài Gòn hầu như chỉ sau mùng Một Tết là quán xá lại khai trương nhằm đáp ứng nhu cầu ăn uống “nhanh, gọn, lẹ” của cư dân nơi đây. Đây cũng là một đặc trưng của tính cách người Sài Gòn.

Ngày xưa có quan niệm “Mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba Tết thầy”, ở Sài Gòn cũng vậy. Quà cáp cũng biếu xén lẫn nhau, nhưng biếu trước Tết nhằm thể hiện sự quý trọng, lễ nghĩa, ai giúp mình trong năm thì đây là dịp bày tỏ lòng biết ơn. Bói ngày Tết thì đâu cũng xem bói, nhưng trong Nam còn có bói tuồng, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giải thích: “Xem hát ngày đầu năm để biết năm ấy hên, xui thế nào. Bói tuồng phải vào rạp giữa khi hát”. Ta hiểu là họ vào ngẫu nhiên, căn cứ vào tuồng tích, tình huống đang diễn ra để đoán già, đoán non về tương lai sắp đến. Điều này cũng dễ hiểu, vì so với các tỉnh thành khác, Sài Gòn vẫn là nơi có nhiều gánh hát, rạp hát nhất. Ngoài ra người ta còn bói, đoán điềm lành dữ qua hoa mai, chẳng hạn, trong ngày Tết cánh hoa nở, héo rụng như thế nào… Mà ở đây, ngày Tết ngày nhất không thể thiếu hoa mai chưng trong nhà. Sắc vàng rực rỡ trong nắng ấm đầu xuân càng khiến lòng người thêm rạo rực, hân hoan.

Du xuân chơi Tết ngày xửa ngày xưa không thể thiếu trò chơi đánh đu. Trong Gia Định thành thông chí, nhà nghiên cứu Trịnh Hoài Đức cho biết: “Tết Nguyên đán ở Gia Định có trò chơi đánh đu, nhưng khác với thể thức đu ở Trung Quốc… Có người hiếu sự, treo những khăn, quạt, tiền bạc để làm vật thưởng, ai đu lên cao đến chỗ treo vật thưởng ấy, nhanh tay chộp lấy, được tiếng là xuất chúng, nếu rủi tuột tay ngã xuống thì bị thương, có khi rất nặng. Cho nên việc treo thưởng ấy không nên làm nữa. Có khi hai người hoặc ba, bốn người cùng đu một lượt nhưng trai cùng đu với trai, gái cùng đu với gái, trai gái không đu chung với nhau”.

Chi tiết “trai gái không đu chung với nhau” cho thấy cách chơi ở đây khác ngoài Bắc mà nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã miêu tả dí dỏm: “Trai du gối hạc khom khom cật/ Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”. Không những thế, “Lại có trò chơi vân xa thu tiên (tục gọi là đu tiên)… Trông thấy y phục phơ phất như bầy tiên bay múa trong mây mù rất đẹp mắt, cuộc chơi này khởi sự buổi mai Nguyên đán cho đến đêm rằm tháng Giêng mới thôi”.

Có một điều thú vị, nếu ngoài Bắc vào đêm giao thừa có lệ trẻ em đi hát “xúc xắc xúc xẻ”, thì ở Sài Gòn lại có một hình thức chúc Tết cũng tương tự, theo Gia Định thành thông chí: “Đêm 28 tháng Chạp, Na nhân (tục gọi là Nậu sắc bùa) đánh trống mọi, gõ phách, một đoàn năm, mười người đi theo dọc đường, thấy nhà hào phú thì đẩy cửa ngõ vào dán lá bùa nơi cửa, niệm thần chú, rồi nổi trống phách lên, hát những lời chúc mừng, chủ nhà dùng cỗ bàn chè rượu khoản đãi và gói tiền thưởng tạ, xong nhà này lại qua nhà khác, cũng làm như vậy, cho đến trừ tịch mới thôi, ấy là có ý đuổi tà ma, tiễn cũ rước mới”.

Tết Sài Gòn từ xưa tới nay không thể thiếu hoa. Những nhà vườn ở Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Đức… và từ các nhà vườn từ các tỉnh miền Tây cũng có mặt cung cấp hoa kiểng đa dạng đủ màu sắc rực rỡ, bắt mắt. Các cây kiểng như tắc, mai, mai chiếu thủy, lão mai, sanh, si, lan, vạn thọ, cúc… luôn hấp dẫn khách thưởng xuân vui Tết. Dọc bến Bình Đông vào những ngày cuối năm, nay vẫn còn hình ảnh tấp nập tàu bè bán hoa như đã từng có từ ngày xửa ngày xưa. Rồi một trong những dấu ấn khiến người Sài Gòn xưa yêu thích, tha hồ ngắm hoa ngày Tết vẫn là du xuân ở đường Nguyễn Huệ mà nay đã trở thành đường hoa truyền thống hằng năm.

Về trái cây ngày Tết, như đã biết là người miền Nam nói chung luôn chuộng các loại trái cây mà âm của nó đọc lên là “cầu vừa đủ xài”. Thời chiến tranh, ở các chợ Sài Gòn còn có trái bom Mỹ (táo tây) du nhập vào nhưng chẳng ai khoái mua về chưng ba ngày Tết, chỉ vì bom (pomme - tiếng Pháp) trùng âm với bom đạn, e xúi quẩy. Thậm chí có nhà còn loại bỏ luôn cả trái sung, trái tắc dù nó chẳng tội tình gì cũng chỉ vì khi đọc lên gợi nhớ đến… xung khắc, xung đột hoặc tắc tị, bế tắc.

Một trong những nét đẹp trong văn hóa Tết Sài Gòn còn là báo xuân. Hình thức in đẹp hơn, số trang nhiều hơn, có báo còn in tặng kèm ảnh nghệ sĩ, diễn viên mà công chúng ái mộ như quà chúc Tết. Đặc biệt là báo nào cũng xuất hiện mục Sớ Táo Quân nhằm trình bày về những chuyện quan trọng trong năm qua một cách khôi hài và tinh tế.

Với các trò vui chơi, thưởng thức nghệ thuật không thể quên nét độc đáo là múa lân – sư – rồng, nhất trên vùng Chợ Lớn. Kỹ thuật múa của các nghệ nhân này đã đạt đến sự tinh xảo, điêu luyện. Việc chủ nhà treo thưởng thật cao, mắc phong bì tiền thưởng với vị trí khó lấy, khó gỡ đối với họ chỉ là chuyện nhỏ.

Ta hãy nghe nhà nghiên cứu Phạm Côn Sơn thuật lại một động tác mà cứ ngỡ khó tin là thật: “Cũng có lúc người ta cho lân ăn một món đặc biệt gọi là ‘Thanh long Bạch hổ’, kỳ thật không ‘rồng xanh cọp trắng’ gì cả mà chỉ là một con cá lóc và một con cua biển. Cá và cua được bỏ vào trong một cái chậu cây có vành đai sắt, đổ nước xâm xấp. Đường kính chậu thường là 50 phân. Người múa lân đứng trên vành chậu múa theo điệu nhạc có khi chỉ đứng một chân. Có lúc một chân đặt xuống đất, một chân trên vành chậu. Chậu không hề nghiêng đổ. Khi tiếng nhạc dồn dập, thúc bách, người múa ngồi xuống cả thân mình chui tọt vào chiếc đầu lân, với tư thế co cụm. Anh ta gập mình cúi đầu xuống nước nhanh tay dùng những ngón điêu luyện và cứng như thép bóp chết cả cá và cua rồi luồn về phía sau cho người giữ đuôi lân tìm cách thủ tiêu đi như trò ảo thuật”.

Nét đẹp Sài Gòn xưa khiến nhiều người nhớ nhất, theo tôi vẫn là một loại trái cây đã đi vào câu đố:

Vỏ xanh ruột đỏ hột đen

Hoa vàng lá biếc, đố em trái gì?

Là trái dưa hấu. Vào dịp cuối năm ở ngoài chợ, thậm chí trong chòi cất tạm lề đường, người ta chất dưa hấu cao nghễu nghện. Tha hồ mua, tha hồ chọn. Vỏ xanh, ruột lại đỏ, ăn mát dịu có khả năng giải khát ở vùng đất nắng ấm nên người Sài Gòn rất ưa thích. Nhà thơ Diệp Minh Tuyền đã có cảm hứng thi vị:

Ruột dưa đỏ như môi

Em đang cười nhấp nhánh

Thử dưa, miệng anh cắn

Ngọt thấm vào ruột gan

Biết là đã giáp năm

Biết xuân về rồi đó

Tết theo màu dưa đỏ

Về hồng hào quê hương.

Nhìn chung, hương vị Tết Sài Gòn xưa vẫn còn đó, ít ra vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những người đã từng và sẽ còn cất lên tiếng hát: “Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này/ Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi”./.

PV/VOV

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam