Cựu chiến binh gương mẫu vươn lên chiến thắng đói nghèo, làm giàu chính đáng

Thời sự, Thời sự, Xã hội | 14:14:00 18/03/2020

TNV - Theo ông Nguyễn Văn Mạnh (Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) 5 năm trước có đến trên 70% số cựu chiến binh (CCB) trong xã thuộc diện khó khăn và đặc biệt khó khăn, nhưng đến nay số CCB khó khăn chỉ còn 50% so với trước, số đặc biệt khó khăn còn 01 hộ do bị bệnh bại liệt; đồng thời xuất hiện hàng chục hộ có thu nhập khá giả. Đây là kết quả của phong trào cựu chiến binh gương mẫu vươn lên chiến thắng đói nghèo, làm giàu chính đáng và từ nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Mở lớp tập huấn, trang bị kiến thức cho hội viên

Với xuất phát điểm của một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên, dân cư ở phân tán, địa hình đi lại không thuận tiện, diện tích đất lâm nghiệp chiếm 76,43%, đất nông nghiệp ít và không tập trung nên gặp nhiều khó khăn trong phát triển vùng sản xuất tập trung. Đời sống của nhân dân chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp với chăn nuôi và phát triển dịch vụ nhỏ.

Anh Thành và lứa gà thứ 4 chuẩn bị xuất bán. Ảnh: P. Quỳnh

Là những người lính "Bộ đội cụ Hồ" hoàn thành nhiệm vụ trong Quân đội trở về địa phương, nhưng đa phần đều các CCB ở xã Hòa Cuông đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế do thiếu vốn sản xuất, thiếu việc làm và thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất kinh doanh; một số CCB bị bệnh tật và sức khỏe yếu.

Trước thực trạng đó, Hội CCB xã quyết tâm đẩy mạnh phong trào thi đua "Cựu Chiến binh gương mẫu", phát huy bản chất, truyền thống "Bộ đội cụ Hồ", nêu cao ý chí tự lực, tự cường quyết tâm phấn đấu vươn lên chiến thắng đói nghèo, làm giàu chính đáng.

Để giải quyết những tồn tại trên, Hội CCB xã phối hợp tổ chức tập huấn bồi dưỡng được 3 lớp cho 120 lượt hội viên tham gia chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; mở 4 lớp tập huấn nâng cao kiến thức làm kinh tế và sản xuất gắn với bảo vệ môi trường cho trên 70 lượt hội viên; đồng thời, 6 cán bộ và tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn (TKVV) được tập huấn nâng cao kiến thức vay vốn và quản lý vốn vay.

Ngoài ra, các cấp Hội tổ chức đưa hội viên đi thăm quan học tập những mô hình kinh tế sản xuất kinh doanh có hiệu quả ở trong và ngoài xã. Qua đó đã giúp hội viên nâng cao kiến thức, tiếp cận được những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, kinh nghiệm quản lý kinh tế, cách bảo quản chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá… từ đó đã vận dụng tốt vào công việc trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, dịch vụ đem lại nhiều kết quả.

Nhờ lứa gà thứ 3 gia đình anh Thành đã thoát nghèo và đầu tư thêm trại nuôi gà mới
với 5.000 con. Ảnh: P. Quỳnh

Cùng với hướng dẫn cung cách làm ăn phát triển kinh tế, Hội CCB xã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trấn Yên, thường xuyên cung cấp thông tin, hướng dẫn kịp thời cho CCB về những chương trình ưu đãi, chính sách hỗ trợ vốn thông qua hoạt động của các tổ TKVV, giúp cho CCB nghèo kịp thời vay được nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, sử dụng vào sản xuất kinh doanh có hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí, hoặc bị xâm tiêu.

Mặt khác, Hội CCB xã cũng khuyến khích các CCB chú ý đầu tư đổi mới trang thiết bị theo hướng phát triển công nghệ hiện đại, và ứng dụng khoa học trong sản xuất kinh doanh, tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao để thoát nghèo nhanh, vươn lên làm giàu bền vững.

Nhờ kịp thời được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, trong 5 năm qua nhiều CCB xã Hòa Cuông đã vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống; nhiều CCB đã mở rộng sản xuất trở lên giàu có, là những tấm gương phát triển kinh tế để mọi người học tập. Điển hình như hội viên Nịnh Văn Tâm, Đặng Minh Ngọc (dân tộc Cao Lan thuộc Chi hội thôn 1 và 2), hội viên Nguyễn Trọng Thắng, Vũ Đình Thập (dân tộc Kinh thuộc Chi hội thôn 3 và 4). Đây đều là các hộ vay vốn để trồng quế với diện tích trồng từ 3-10 ha, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng từ trồng rừng.

Tấm gương về phát triển chăn nuôi, có hội viên Nguyễn Đức Hội (Chi hội 02), Nguyễn Văn Thành (Chi hội 04), Nguyễn Văn Khiêm (Chi hội 06).. xây dựng mô hình trại nuôi gà thương phẩm mỗi lứa nuôi từ 5-10 nghìn con, trừ chi phí cho thu nhập mỗi trại từ 2-4 trăm triệu đồng/năm. Trong đó, CCB Nguyễn Văn Thành là tấm gương tiêu biểu về ý chí thoát nghèo.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,02%, gần 70 hộ có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm 

Trại chăn nuôi gà của anh Thành nằm sâu trong khu đồi rừng trồng quế bạt ngàn một màu xanh thẫm. Sau một hồi ì ạch leo dốc, chiếc xe máy của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trấn Yên và Chủ tịch Hội CCB xã Hòa Cuông cũng đưa chúng tôi đến nơi an toàn mà không gặp phải sự cố bất thường nào.

Đứng trước trại gà rộng 550 m2 với 5.000 con mỗi con khoảng 2kg chỉ đôi chục ngày nữa là xuất bán, “ông chủ” trại nhớ lại, sau khoảng 7 năm công tác trong Quân đội, cuối năm 2011 do hoàn cảnh gia đình khó khăn anh Thành xin phục viên; nhận thấy công việc lao động tự do và làm nương đồi thu nhập bếp bênh, năm 2016 anh dồn hết số tiền Quân đội hỗ trợ khi phục viên và tiền chắt chiu mấy năm lao động vất vả dành dụm được thuê máy san ủi đất, lập trại chăn nuôi gà.

Khi lứa gà đầu tiên 4.500 con đang lớn mơn mởn thì gặp bão to làm tốc mái và chết gần 700 con gà. Lứa đó gia đình anh Thành lỗ gần 100 triệu đồng và lâm vào tình trạng rất chán nản, khó khăn. Đang trong lúc túng quẫn thì Hội CCB xã đã động viên và tạo thuận lợi để anh vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Có vốn, năm 2018 anh bắt tay vào xuống giống lứa gà thứ 2 sau 01 năm phải dừng chăn nuôi để sửa chữa trại và vì thiếu vốn.

Ông trời như thử lòng kiên nhẫn của anh, nên lứa thứ 2 trại gà của anh lại bị thiệt hại vì bão, nhưng nhờ công tác chuẩn bị phòng chống tốt hơn nên vụ này gia đình anh vẫn có lãi gần 40 triệu đồng.

Những ngôi nhà mới xây khang trang, kinh tế dư dả của bà con xã Hòa Cuông nhờ vay vốn
Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng quế và chăn nuôi gà qui mô lớn. Ảnh: P. Quỳnh

Cuối năm 2019, lứa gà thứ 3 của anh không gặp rủi ro nào nên cho thu lãi trên 250 triệu đồng. Thắng lợi này không những đưa gia đình anh ra khỏi danh sách hộ nghèo mà còn làm anh phấn khởi vào lứa gà thứ 4 với 5.000 con hiện đang chuẩn bị được bán; đồng thời, vững tâm trích ra 200 triệu đồng đầu xây dựng thêm trại chăn nuôi thứ 2 rộng 530 m2  ở gần đó và đã vào lứa gà lai chọi 5.000 con từ đầu năm 2020. Hiện nay, lứa gà đầu tiên ở trại mới đã 50 ngày tuổi, sinh trưởng tốt, khoảng tháng rưỡi nữa được xuất bán, hứa hẹn mang về khoản lãi đáng kể để gia đình anh thoát nghèo bên vững, từng bước có cuộc sống khá giả.

Được biết, tính đến hết năm 2019, Hội CCB xã đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội 2,9 tỷ đồng, cho trên 60 hộ vay; hoạt động quản lý vốn vay ủy thác của 2 tổ TKVV do Hội CCB xã quản lý được phát huy tốt, đảm bảo sử dụng có hiệu quả, trả lãi và gốc đúng kỳ hạn; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu 0 %. Ngoài ra các cấp Hội còn tổ chức lao động, quyên góp quỹ Hội được 150 triệu đồng, tạo thêm công ăn việc làm cho hơn 30 lao động cho CCB và con em.   

Trong 5 năm qua, hàng chục tỷ đồng vốn vay từ các chương trình Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo động lực cho hàng trăm CCB phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập để thoát nghèo hoặc trở nên giàu có một cách bền vững. Đời sống của nhân dân và gia đình CCB trong xã được nâng lệt; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là CCB giảm từ 0,3% xuống còn 0,02%, gần 70 hộ có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm chiếm khoảng 1/3 tổng số CCB toàn xã.

Phần lớn các CCB đều có nhà cửa kiên cố, khang trang, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, con cái chăm sóc ăn học chu đáo, nhiều cháu được đào tạo qua các trường đại học, một số gia đình có con em đi du học nước ngoài; một số hội viên có tài sản giá trị (5 hộ có ô tô con trị giá từ 400 – 700 triệu đồng; 3 hộ có xe tải; 2 hộ có máy múc trị giá hơn 01 tỷ đồng). Điển hình như Chi hội CCB thôn 2 có 35 hội viên, số hội viên có đời sống khá, giàu chiếm 65%, chỉ còn 1 hộ nghèo theo tiêu chí mới./. 

 Ông Vũ Đình Thập (Trưởng thôn 4 kiêm tổ trưởng tổ TKVV do Hội CCB xã quản lý) cảm kích cho biết: Trước đây các CCB và bà con trong thôn vay vốn từ nhiều ngân hàng khác nhau để phát triển sản xuất thì nay tập trung chủ yếu vào Ngân hàng Chính sách xã hội, bởi thủ tục nhanh gọn, lãi suất ưu đãi, mức vay lớn hơn và thời gian vay được kéo dài hơn. Thành quả mà bà con và CCB có được là nhờ vào hoạt động tích cực của Hội CCB cũng như tinh thần sâu sát bám cơ sở của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

            Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam