Người cán bộ tìm sinh kế mới cho bà con nông dân

Thời sự, Thời sự, Xã hội | 10:50:00 05/04/2020

TNV - Nhận nhiệm vụ mới, đảng viên Trần Sỹ Hứng luôn trăn trở suy nghĩ: Cần phải tìm hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn cấy lúa, trồng ngô trên những mảnh ruộng của bà con nông dân. Và tín hiệu thành công ban đầu của mô hình trồng dưa lưới và dưa lê kim hồng vương đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân, hăng hái mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống; và hơn thế là củng cố niềm tin của nhân dân với đảng bằng những việc làm cụ thể gắn với sinh kế của người dân.

Trăn trở tìm hướng đi mới có hiệu quả cho nông dân

Từ một giáo viên có hơn 8 năm dạy tin học ở một xã vùng biên huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, duyên phận thế nào đầu năm 2011 anh được điều về làm quản trị dữ liệu đảng viên rồi công tác quản lý đảng viên thuộc Ban tổ chức Huyện ủy Yên Châu, do cán bộ phụ trách công việc này mới được điều lên Tỉnh ủy công tác. Sau 6 năm công tác ở Huyện ủy, anh được tổ chức luân chuyển về làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu vào tháng 11 năm 2017.

Đảng viên Trần Sỹ Hứng hướng dẫn thanh niên Đông cách bấm ngọn, tỉa lá để nuôi quả. Ảnh: P. Quỳnh.

Nhận nhiệm vụ mới, đảng viên Trần Sỹ Hứng luôn trăn trở suy nghĩ: Cần phải tìm hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn cấy lúa, trồng ngô trên những mảnh ruộng của bà con nông dân. Qua nhiều ngày cặm cụi tìm hiểu thông tin trên mạng thấy trồng dưa lướidưa lê kim hồng vương cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các cây trồng khác và có thể trồng được ở ngoài trời với chi phí đầu tư không quá lớn, năm 2018 Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu Trần Sỹ Hứng đã mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm trên mảnh đất gần 1.000 m2 của gia đình.

Vụ đầu tiên thất bại khi cây giống mới 21 ngày tuổi thì bị bệnh nở cổ rễ, thối thân. Vụ thứ 2 vào thời điểm giữa năm 2019, cây sinh trưởng tốt, ra quả đều, trọng lượng trung bình 01 kg/quả và chỉ 2 tuần nữa cho thu hoạch thì gặp mưa to, sau mấy ngày bận rộn công việc mới ra thăm đã thấy cả ruộng dưa bị bệnh sương mai cháy hết lá, nên không cứu được – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện nhớ lại.

 Vợ anh Đông đang trồng giống dưa mới ở thửa ruộng thứ tư, nâng diện tích trồng dưa lưới và dưa lê
kim hồng vương của gia đình ở vụ này lên 2.500 m. Ảnh: P. Quỳnh.

Tuy thất bại, nhưng cả 2 vụ đã cho ông Hứng nhiều bài quý và tìm ra được nguyên nhân thất bại. Cuối năm 2019, trong một dịp đi xã Chiềng Đông triển khai cho bà con trồng măng tây, ông đã gặp được chàng thanh niên Hoàng Văn Đông ở bản Luông Mé, xã Chiềng Đông – người có chung suy nghĩ với mình và dám táo bạo thử nghiệm cây trồng mới vào đồng ruộng với mong muốn cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Để củng cố niềm tin cho gia đình anh Đông, ông Hứng đầu tư toàn bộ cây giống, kỹ thuật và đường ống tưới nước nhỏ giọt, còn anh Đông góp ruộng, góp công làm đất, gieo trồng và chăm sóc. Tháng 11 năm 2019, mảnh ruộng 600 m2 trước đây trồng 01 vụ lúa, 02 vụ ngô của gia đình Hoàng Văn Đông - chàng trai người dân tộc Thái – được làm đất kỹ lưỡng và trồng thử nghiệm 1.000 cây dưa lưới và dưa lê kim hồng vương.

Thành quả bước đầu rất đáng khích lệ của người nông dân cần mẫn bám đồng ruộng
và người cán bộ, đảng viên giàu tâm huyết đã trải qua 2 vụ thất bại (ông Hứng – bên trái; anh Đông – bên phải). Ảnh: NVCC.

Sau khoảng 90 ngày miệt mài chăm sóc, cây dưa phát triển tương đối tốt và đã cho trái thu hoạch. Với 620 cây còn sống, mỗi cây để 01 trái, mỗi trái nặng 0,9 kg đến 1,4 kg, sản lượng dưa thu được 720 kg, giá bán 60.000 đồng/kg, anh Đông thu về 43.200.000 đồng, trừ đi các chi phí về giống, phân bón, hệ thống tưới nhỏ giọt (14.500.000 đồng), còn lại 28.700.000 đồng. Anh Đông nhẩm tính, so với trồng 01 vụ lúa và 02 vụ ngô nếp ròng rã trong cả năm trời thì chỉ 01 vụ dưa đã cho lãi gấp 5-6 lần.

Đây là thành quả bước đầu rất đáng khích lệ của sự kết hợp điểm mạnh giữa người nông dân hàng ngày cần mẫn bám đồng ruộng và kinh nghiệm, kỹ thuật tích lũy được của người cán bộ, đảng viên giàu tâm huyết đã trải qua 2 vụ thất bại.

Thôi thúc bà con mở rộng diện tích trồng giống dưa mới

Bên ruộng dưa đang cho quả bằng nắm tay, chàng nông dân bản Thái 26 tuổi Hoàng Văn Đông vui mừng bật mí, thấy vụ dưa đầu tiên cho thu hoạch cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng khác, nên đã đầu tư trồng tiếp vụ thứ 2 và đưa thêm 3 mảnh ruộng nữa sang trồng giống dưa mới, nâng tổng diện tích trồng dưa lưới và dưa lê kim hồng vương của gia đình lên 2.500 m2 .

Nâng niu quả dưa lưới. Ảnh: NVCC.

Theo chân chàng trai trẻ hay lam hay làm, giàu ý chí tự lập vươn lên, chúng tôi đến thửa ruộng thứ tư của Đông khi đất đã làm xong, bạt đã phủ và ở đó cô vợ trẻ của Đông cùng cậu em trai đang cẩn thận, nâng niu từng cây dưa giống từ bầu ra trồng lên ruộng. Tuy nhem nhuốc trong bộ đồ lao động suốt từ sáng tới chiều trên đồng ruộng, nhưng ánh mắt, gương mặt của vợ chồng Đông và em trai vẫn rạng rỡ niềm tin vào thành quả lao động của mình.

Tận mắt thấy ruộng dưa của gia đình Đông cho quả màu vàng và hình lưới rất đẹp mắt, ruột màu vàng đỏ, ăn ngọt mát ngon hơn hẳn các loại dưa khác, giá bán lại cao và không đủ cung cấp ra thị trường, đã thôi thúc chị Lò Thị Hương ở cùng bản Luông Mé quyết tâm chuyển đổi thửa ruộng 800 m2 cấy 2 vụ lúa, 01 vụ ngô của mình sang trồng dưa lưới.

Những trái dưa lê kim hồng vương vàng ươm, ngọt mát. Ảnh: NVCC.

Được cán bộ Hứng tận tình tư vấn về kỹ thuật và giống, được thanh niên Đông giúp lắp đặt đường ống tưới nước, đầu tháng 2-2020, ruộng dưa của chị đã hoàn thành với chi phí khoảng 5 triệu đồng. Đến đầu tháng 4 này, ruộng dưa đã cho quả to bằng bát ăn cơm nằm lấp ló bên những chiếc lá phủ kín ruộng. Chỉ vài chục ngày nữa thôi, hứa hẹn sẽ cho gia đình chị vụ thu hoạch kha khá.

Tuy mới trồng dưa lưới chưa tròn một vụ, nhưng chị Hương đã thuộc vanh vách các kỹ thuật phơi đất, ủ phân, trộn vôi, phủ bạt cũng như cách trồng, chăm sóc, tỉa lá, bấm ngọn và theo dõi mức nước…sao cho cây dưa không bị mắc phải bệnh sương mai, nở cổ rễ, thối cây… Chị Hương chia sẻ, khó nhất là thời điểm cây còn nhỏ, dễ bị mắc các bệnh và chết, nên phải hàng ngày bám ruộng và thực hiện chăm sóc, tưới nước theo đúng qui trình kỹ thuật.

 Nhiều du khách ở nơi xa tìm đến tận nơi để thăm quan và đặt mua. Ảnh: NVCC. 

Được biết, từ thành công trồng dưa lưới và dưa lê kim hồng vương vụ đông năm 2019 của gia đình thanh niên Đông, vụ xuân năm 2020 Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho thêm 3 hộ gia đình người Thái ở bản Luông Mé và bản Huổi Phù xã Chiềng Đông làm theo, nâng diện tích trồng khảo nghiệm cây dưa lưới và dưa lê kim hồng vương trong huyện lên 5.000 m2 .

Đây là vụ thứ 2 cây dưa giống mới được đảng viên Trần Sỹ Hứng tư vấn chuyển giao kỹ thuật cho bà con, nhưng tín hiệu thành công ban đầu của mô hình này đã tạo niềm tin và sự hưởng ứng trong nhân dân, mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường, cải thiện đời sống; và hơn thế là củng cố niềm tin của nhân dân với đảng bằng những việc làm cụ thể gắn với sinh kế của người dân./.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu cho biết: Cây dưa lưới và dưa lê kim hồng vương thường được trồng trong nhà kính, chế độ chăm sóc rất khó khăn, cây dưa rất dễ mắc bệnh; khi đưa cây dưa lưới ra cánh đồng trồng càng gặp nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng phải trồng lại, bởi cây dưa rất dễ mắc bệnh nấm sương mai, giả sương mai, nở cổ dễ, thối thân khi gặp thời tiết lạnh dưới 10 độ, sương muối và mưa kéo dài.

Vụ xuân 2020, cây dưa đã trồng đang sinh trưởng tốt và cho trái (sau khoảng 30 ngày nữa là thu hoạch). Qua tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm, cho thấy cây dưa lưới có khả năng sinh trưởng tốt và cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn xã Chiêng Đông. Nếu kết quả vụ này thành công, Hội Nông dân huyện tiếp tục triển khai, vận động bà con mở rộng diện tích trồng dưa thêm 01 ha tại các xã Chiềng Đông, Chiềng Sàng, vì các xã này có diện tích ruộng pha cát rất thích hợp với sự phát triển của cây dưa.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam