Ba Chẽ quyết tâm trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu

Thời sự, Xã hội | 15:51:00 18/06/2020

TNV - Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Ba Chẽ lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 sẽ diễn ra trong 2 ngày (25 và 26/6/2020) với quyết tâm đưa huyện Ba Chẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh Quảng Ninh.

Tỷ lệ che phủ rừng đạt 72% - đứng đầu toàn tỉnh

Báo cáo Chính trị trình Đại hội khẳng định: 5 năm qua,nhờ hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được tinh gọn, phát huy hiệu lực, hiệu quả nên kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá và phát triển tương đối toàn diện; cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, nâng cao chất lượng, quy mô các ngành kinh tế; thu hút mọi nguồn lực xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng cùng lãnh đạo Trung ương, các tỉnh, thành phố khen ngợi
sản phẩm Trà hoa vàng của huyện Ba Chẽ.

Theo đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 15,3%, vượt 0,3% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra; trong đó, giá trị sản xuất ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp tăng bình quân 9,12%, Công nghiệp - Xây dựng tăng 19,6%, Dịch vụ tăng 17,8%. Quy mô giá trị các ngành kinh tế tăng nhanh, đến năm 2020 đạt 1.260 tỷ đồng tăng 618 tỷ đồng, gấp 1,96 lần so với năm 2015. Tỷ trọng ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp chiếm 41,7%; Công nghiệp - Xây dựng 33,3%; Dịch vụ: 25%.

Từ năm 2015 đến năm 2019, ngân sách huyện đã thực hiện tiết kiệm 32 tỷ đồng chi thường xuyên để dự phòng tăng lương, đầu tư. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn được cải thiện, ước đến hết năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng (tương đương 1.695 USD) tăng 17,8 triệu đồng so với năm 2015, vượt 13% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội XXIV đặt ra.

Ông Đàm Văn Cường xã Thanh Sơn (Ba Chẽ) chăm sóc vườn Trà hoa vàng
đã giúp gia đình ông cải thiện cuộc sống.

Với tổng mức đầu tư hạ tầng 1.770 tỷ đồng, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện nước và các công trình công cộng... được đầu tư đồng bộ. Hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối đến các huyện, thành phố lân cận. Giao thông kết nối giữa huyện với các xã và thôn bản được bê tông hóa 100%.

Cải cách hành chính tiếp tục đượcthực hiện quyết liệt với việc đưa trụ sở Trung tâm hành chính công cấp huyện vào sử dụng; 100% bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã, thị trấn được đầu tư đồng bộ hiện đại, liên thông xử lý thủ tục hành chính, giải quyết trực tuyến và trả kết quả cho người dân từ xã đến huyện; thời gian giải quyết TTHC giảm 41% so với quy định, các chỉ số đều tăng so với cùng kỳ, nhiều chỉ số duy trì hạng tốt trong Tỉnh.

Xác định kinh tế lâm nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo việc làm và thu nhập chủ yếu cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện  Đề án phát triển cây dược liệu đến năm 2030Đề án trồng rừng gỗ lớn đến năm 2025, góp phần hình thành và từng bước phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn và vùng dược liệu tập trung. Trong 5 năm, huyện đã trồng được 16.400 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 68,2% năm 2015 lên 72% năm 2020, tăng 3,8% và đứng đầu toàn tỉnh.

Phát triển Trà hoa vàng thành sản phẩm OCOP quốc gia

Triển khai chương trình 135, đề án 196 gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2015-2020 huyện đã huy động 1.120 tỷ đồng, trong đó xã hội hóa 150 tỷ đồng. Với cách làm chủ động, sáng tạo, đến năm 2019 Ba Chẽ đã hoàn thành chương trình 135, đưa 6/6 xã, 49/49 thôn ra khỏi diện ĐBKK về đích trước một năm so với lộ trình đề án tỉnh đặt ra; ước hết năm 2020 có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100% mục tiêu Nghị quyết, vượt 03 xã so với kế hoạch của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 ước đạt 37,5 triệu đồng/năm, tăng 20 triệu đồng so với năm 2015.

Ông Trần Văn Bảo thôn Pha Lán, xã Thanh Lâm chia sẻ kinh nghiệm trồng Ba kích tím.

Thực hiện chương trình mỗi xã phường - một sản phẩm (OCOP), đến nay Ba Chẽ đã thành lập và phát triển 09 tổ chức kinh tế tham gia chương trình; củng cố, nâng cao chất lượng 09 sản phẩm đã có; triển khai xây dựng dự án phát triển 02 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh: Ba kích, Trà hoa vàng, trong đó định hướng phát triển Trà hoa vàng thành sản phẩm OCOP quốc gia; và có 10 sản phẩm đạt sao cấp tỉnh (đầu nhiệm kỳ chưa có sản phẩm đạt sao).

Một số ngành nghề mới phát triển, như: Chế biến thực phẩm, gạch không nung, chế biến gỗ rừng trồng. Cụm công nghiệp Nam Sơn, đã có 05 nhà máy đi vào sản xuất ổn định với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 140 tỷ đồng, đóng góp thu ngân sách và tạo việc làm mới cho hàng trăm lao động trong và ngoài huyện.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục cải thiện. Huyện thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Năm 2019, huyện xếp thứ 3/14 địa phương về tiêu chí năng lực cạnh tranh do UBND tỉnh xếp hạng. Đến năm 2020, có tổng số 31 nhà đầu tư đến tìm hiểu, xúc tiến đầu tư vào địa bàn, trong đó 12 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả.

 Diện mạo nông thôn mới ở thôn Đồng Doong, xã Minh Cầm khang trang giữa màu xanh
của núi rừng đại ngàn xanh.

Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, tỷ lệ học sinh giỏi và giáo dục mũi nhọn được nâng lên, huyện đã có học sinh đạt giải huy chương đồng quốc gia môn vật lý qua mạng, giải nhất, nhì văn hóa cấp tỉnh khối Trung học cơ sở.

Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố, phát triển, Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế được mở rộng, cải tạo, nâng cấp, đầu tư trang, thiết bị theo hướng hiện đại, tổng đầu tư từ ngân sách trên 110 tỷ đồng. 100% các xã, thị trấn  đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% thôn, bản có cán bộ y tế; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ hàng năm đạt trên 98%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 98%...

Các thiết chế văn hoá được đầu tư, nâng cấp và phát huy hiệu quả: 100% số xã, 72/73 thôn, khu phố có nhà văn hóa khang trang; đầu tư mới các sân bóng đá nhân tạo, bể bơi, nhà thi đấu đa năng. Mạng lưới thông tin liên lạc, dịch vụ bưu chính, viễn thông phục vụ nhân dân mở rộng tới 100% thôn, bản; mật độ thuê bao điện thoại di động đạt 117 máy/100 dân, thuê bao Internet là 14 thuê bao/100 dân.

Đề án phát triển Du lịch huyện Ba Chẽ, Đề án bảo tồn bản sắc văn hóa người Dao gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn cùng với tổ chức tốt các lễ hội truyền thống... đã thu hút ngày càng đông du khách tới thăm quan, trải nghiệm; bình quân khoảng 27.500 lượt người/năm, tăng 20.000 lượt người so đầu nhiệm kỳ.

Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lâm nghiệp, dược liệu

Nhờ kinh tế phát triển, an sinh xã hội bảo đảm,đời sống đồng bào các dân tộc nâng lên rõ rệt. Đặc biệt từ năm 2017 đến năm 2019 có trên 200 hộ nghèo viết đơn tự nguyện thoát nghèo, phong trào đã lan tỏa trong toàn huyện, đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm mạnh từ 34,69% năm 2015 xuống còn 2,13% năm 2019 (giảm 32,56% so với năm 2015), bình quân mỗi năm giảm 8%, vượt chỉ tiêu đề ra.

Rừng gỗ lớn của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Chẽ tại thôn Nam Kim, xã Đồn Đạc.
Ảnh: N. Hoàng.

Đã có trên 802 hộ gia đình người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà ở với kinh phí 23,85 tỷ đồng. Giai đoạn 2015-2020, trên địa bàn huyện có 1.605 hộ xây mới và cải tạo nhà ở, kinh phí trên 630 tỷ đồng, góp phần nâng tổng số nhà kiên cố theo chuẩn toàn huyện năm 2020 lên 89,7% cao hơn đầu nhiệm kỳ 33,2%. Đồng thời, xây dựng mới 05 khu xử lý rác thải tập trung; nâng tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đô thị đạt 99%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 93% tăng 38% so với năm 2015.

Nhằm khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh về rừng và đất lâm nghiệp, nhiệm kỳ 2020 – 2025, huyện Ba Chẽ tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của BTV Tỉnh ủy về phát triển Lâm nghiệp bền vững gắn với thực hiện Đề án phát triển rừng trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện; triển khai chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực trồng, chế biến gỗ rừng trồng và dược liệu (có ít nhất 01 doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu sản phẩm lâm nghiệp vào địa bàn huyện).

Doanh nghiệp BNA Ba Chẽ chế biến tôm tại Khu công nghiệp Nam Sơn. 

Phấn đấu trồng rừng tập trung đạt 15.000 ha, trong đó: trồng rừng gỗ lớn 3.800 ha tạo vùng nguyên liệu gỗ ứng dụng công nghiệp chế biến lâm sản với công nghiệp chế biến sâu và hướng tới xuất khẩu, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sản xuất giống cây lâm nghiệp, xây dựng chứng chỉ rừng bền vững FSC, xây dựng liên kết sản xuất. Nâng độ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 72%, góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.

Mặt khác, chú trọng bảo tồn và phát triển một số loài dược liệu quý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn dược liệu trên địa bàn đi đôi với phát triển vùng trồng dược liệu tập trung. Huy động, lồng ghép các nguồn vốn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, hộ gia đình, cá nhân tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ, ưu đãi để phát triển dược liệu. Phấn đấu đến năm 2025, phát triển thêm 800 ha dược liệu (Ba kích 384 ha, Trà hòa vàng 189 ha, Dược liệu khác 227 ha) tuân thủ tiêu chuẩn GACP –WHO, gắn với hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Đưa huyện Ba Chẽ trở thành vùng sản xuất kinh doanh dược liệu trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh.

5 năm tới, Ba Chẽ cũng chú trọng đầu tư phát triển sản xuất gắn với thực hiện chương trình OCOP, ứng dụng KHCN vào sản xuất để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững; phát triển thêm 01 cụm công nghiệp để thu hút nhà đầu tư vào các lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, chế biến dược liệu, sản xuất vật liệu xây dựng. Hoàn thiện hạ tầng Cụm công nghiệp Nam Sơn, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp lấp đầy diện tích Cụm công nghiệp, trong đó có 05 nhà máy chế biến hải sản, thực phẩm chất lượng cao vào hoạt động có quy mô lớn nhất tỉnh với công suất 17.400 tấn/năm. Chủ động, tích cực hỗ trợ đầu tư, bố trí quỹ đất để tiếp nhận các cơ sở sản xuất CN – TTCN tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả phải di dời ra khỏi khu vực đô thị, trung tâm dân cư.

Đến năm 2025, huyện Ba Chẽ phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng (tương đương 3.500 USD); có ít nhất 2/7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (Lương Mông, Minh Cầm), 4/7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Thanh Lâm, Lương Mông, Minh Cầm, Nam Sơn); trồng rừng tập trung bình quân đạt 3.000 ha/năm và duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng từ 72 - 73%./..

Bài: Phạm Quỳnh, ảnh do huyện Ba Chẽ cung cấp

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam