Bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2020: Thời cơ vàng trong vận hội mới

TNV - Sáng ngày 19/6, Diễn đàn bất động sản công nghiệp lần thứ 2 với chủ đề “Thời cơ vàng trong vận hội mới” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và Tạp chí Thương gia phối hợp tổ chức đã chính thức diễn ra tại Hà Nội.

Tại Diễn đàn lần này nhiều vấn đề về thu hút  đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và phát triển bất động sản công nghiệp đã được phân tích. Trong bối cảnh nền kinh tế có triển vọng hồi phục sau đại dịch COVID-19, giới chuyên gia cho rằng đây là thời cơ để Việt Nam chuẩn bị tốt, trở thành điểm sáng thu hút nhiều dòng vốn đầu tư lớn.

Quang cảnh Diễn đàn

Các đại biểu đại diện các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và chuyên gia kinh tế khẳng định: Sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài đang diễn ra mạnh mẽ. Các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nhiều nước trên thế giới. Cơ hội đã đến, vấn đề đặt ra là ai sẽ nắm bắt được cơ hội này?

Đối với nước ta hiện nay, việc cần thiết là phải nhận diện được cơ hội và thách thức, thu hút đầu tư nước ngoài phải có tính chọn lọc. Để đón được các nhà đầu tư có chất lượng cao, nước ta cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính.

Tại Diễn đàn, ôn g Ngô Hữu Tiệp, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Thiết kế và Xây dựng Giza Việt Nam chia sẻ: Khó khăn của các nhà đầu tư khi vào Việt Nam ngay từ việc thành lập dự án đầu tư, tìm địa điểm đầu tư, làm thủ tục đầu tư và thủ tục xin cấp phép xây dựng, mất khá nhiều thời gian. “Làm thế nào để doanh nghiệp rút ngắn được quy trình này khi đầu tư vào Việt Nam, từ đó có thể nhanh chóng được cấp chứng nhận đầu tư để đi vào xây dựng và hoạt động sản xuất là một việc rất quan trọng”, ông Tiệp nhấn mạnh.

Cũng trong Diễn đàn lần này, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: Thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn điều chỉnh và phân khúc bất động sản công nghiệp nổi lên là một điểm sáng, tạo dựng được niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Dự báo trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, bất động sản công nghiệp sẽ trở  thành phân khúc có đà phát triển tốt, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế có triển vọng hồi phục sau đại dịch COVID-19, Việt Nam được xem là điểm đến an toàn của thế giới.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường là nhờ định hướng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu; xúc tiến thành lập các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm; tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây và việc sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp. Trong bối cảnh như trên, cùng với bất động sản nghỉ dưỡng có tiềm năng phục hồi và tăng trưởng trong trung và dài hạn, thị trường bất động sản công nghiệp nổi lên là phân khúc hấp dẫn nhất trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, các địa phương cũng cần đẩy nhanh và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng nền tảng thông qua thu hút nguồn lực tư nhân và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại những công trình trọng điểm; đẩy mạnh tái cấu trúc các khu công nghiệp hiện hữu và phát triển các khu công nghiệp mới gắn với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động; rà soát quy hoạch, ưu tiên phát triển bất động sản công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm có đủ điều kiện.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc kinh doanh, Quản lý hạ tầng Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Hải Phòng cho biết: Nếu như trước đây, nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện các dự án sản xuất tại Việt Nam, thì hiện nay, Việt Nam đón làn sóng nhà đầu tư công nghệ cao. Các nhà đầu tư nước ngoài nhắm vào lĩnh vực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, thông qua hợp tác với doanh nghiệp bất động sản trong nước, ví dụ thông qua hình thức thuê lại đất và thực hiện tổng thể một dự án lớn, cho thuê nhà xưởng hoặc các nhà máy xây sẵn, hoặc thực hiện các lĩnh vực liên quan đến Logistic và công nghiệp phụ trợ.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng: Nhà đầu tư nước ngoài sẽ thận trọng hơn đối với quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư hoặc thể hiện rõ nét hơn mong muốn đa dạng hóa địa điểm đầu tư. Để có được cơ hội yêu cầu quan trọng là chúng ta phải cải thiện hạ tầng phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, “cơ hội vàng” từ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đòi hỏi Việt Nam phải có những hành động nhanh, đúng trọng tâm và hiệu quả.

Còn theo ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Phát triển về số lượng và quy mô khu công nghiệp cần phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành; hình thành hệ thống khu công nghiệp nòng cốt với vai trò dẫn dắt sự phát triển các ngành công nghiệp.

Ông Trung khuyến nghị cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển khu công nghiệp; đổi mới mô hình khu công nghiệp hiện đại và phát triển một số mô hình khu công nghiệp mới theo hướng sinh thái hiệu quả cao hơn (khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp…); nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư.

Về phía địa phương, ông Phạm Minh Phương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế; Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, cho biết bất động sản công nghiệp Việt Nam đang trong thời kỳ “dọn tổ đón đại bàng.” Chính vì thế, giai đoạn này là thời cơ để Việt Nam chuẩn bị tốt, trở thành điểm sáng thu hút nhiều dòng vốn đầu tư.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn bất động công nghiệp lần thứ 2 đều có chung nhận định, phát triển hệ thống khu công nghiệp thế hệ mới với những tiêu chí rõ ràng về môi trường, cơ sở hạ tầng, minh bạch về tài chính, tạo được một “hệ sinh thái” giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp đó là việc cần thiết trong tình hình hiện nay.

Hoàng Hà

 

ảnh 2: Trong bối cảnh hiện nay, thị trường bất động sản công nghiệp được đánh giá là phân khúc có nhiều triển vọng.

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam