Đông Triều: Hình thành các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; trở thành điển hình nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên toàn quốc

Thời sự, Xã hội | 09:59:00 23/06/2020

TNV - Với tinh thần “đoàn kết, dân chủ, đổi mới và tiến công”, 5 năm qua Thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã chủ động, nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là những diễn biến phức tạp về thời tiết và dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi, đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững. Đảng bộ thị xã đã hoàn thành và hoàn thành vượt 14/14 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội thị xã lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng

Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, bình quân 5 năm tăng 15,2% /năm. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, dự kiến năm 2020 đạt 22.008 tỷ đồng, tăng gấp 2,03 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng dịch vụ tăng từ 26,4% lên 30,8%; công nghiệp - xây dựng giảm từ 62,7% xuống 62,4%; nông, lâm, thủy sản giảm từ 10,9% xuống 6,8% . Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 5.250 USD, tăng gấp 2,36 lần so với năm 2015; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 45,0 triệu đồng/người/năm, tăng 2,1 lần so với năm 2015. Tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm đạt 9.336 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với giai đoạn 2011-2015. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đạt 41.550 tỷ đồng, tăng bình quân 16,6%/năm.

Đầu xuân du khách hành hương về chùa Ngọa Vân – nơi thờ Phật hoàng Trân Nhân Tông. Ảnh: P. Quỳnh.

Sản lượng than trong 5 năm đạt 20,713 triệu tấn, bình quân tăng 19,7%/năm. Tổng công suất phát điện 4.000MW, tăng 2.000MW so với giai đoạn 2010 - 2015; lượng điện sản xuất trong 5 năm đạt 14,94 tỷ KWh, vượt mục tiêu đề ra.

Toàn thị xã có trên 120 doanh nghiệp sản xuất Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp, 1.500 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, giải quyết việc làm cho gần 18.000 lao động. Các cơ sở, doanh nghiệp được hỗ trợ để ổn định, phát triển sản xuất và đổi mới dây chuyền công nghệ, thay thế nguyên liệu truyền thống gắn với bảo vệ môi trường.

Gốm sứ Đông Triều. Ảnh: ST.

Từ đây, Đông Triều có điều kiện huy động nhiều nguồn lực cùng chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách người có công và quan tâm các đối tượng chính sách. Trong 5 năm qua, thị xã hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 1.919 hộ gia đình người có công với cách mạng, tổng số tiền là 80,65 tỷ đồng; huy động nguồn xã hội hóa xây mới 188 nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho hộ nghèo, hộ hưởng chính sách bảo trợ xã hội, người khuyết tật với tổng số tiền 9,873 tỷ đồng.Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2015-2020 được chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 1.066 hộ (năm 2015) xuống còn 31 hộ (năm 2019); đến hết năm 2020 trên thị xã không còn hộ nghèo. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 2.550 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 81,7%.

Dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới

Nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ thị xã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “tái cơ cấu ngành nông nghiệp” “xây dựng nông thôn mới”. Theo đó, từng bước phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ và hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ.

Những ngôi nhà khang trang bề thế ở xã Việt Dân. Ảnh: P. Quỳnh.

Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt 3,85%/năm; thực hiện có hiệu quả 08 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với diện tích 7.948 ha và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco diện tích 98 ha; diện tích lúa chất lượng cao đạt trên 93%. Sản lượng lương thực bình quân đạt gần 53.000 tấn, giá trị sản xuất trong trồng trọt đạt 487 tỷ đồng, tăng 1,15 lần so với năm 2015. Thu nhập bình quân một ha canh tác đạt 155 triệu đồng, tăng 42 triệu đồng so với năm 2015.

Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, tập trung, tổng sản lượng thịt các loại đạt 22.380 tấn, tổng giá trị sản xuất đạt 720,2 tỷ tăng 1,4 lần so với năm 2015. Duy trì 1.500 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, tổng sản lượng thủy sản năm 2020 ước đạt 8.050 tấn, tăng 1,39 lần so với năm 2015. Hệ thống đê điều, kênh mương thủy lợi được quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Tỷ lệ che phủ rừng từ 53% lên 54%, góp phần tích cực bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan và phát triển kinh tế.

Trồng rau thủy canh công nghệ cao ở phường Mạo Khê. Ảnh: BQNi.

Chương trình xây dựng Nông thôn mới được thực hiện có trọng tâm, trọng  điểm, với phương thức “tuyên truyền rộng, vận động sâu, cán bộ đi đầu, nhân dân hưởng ứng”, phong trào đã lan rộng khắp với nhiều cách làm hay “từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ thôn đến xã, từ làng ra đồng”. Tiêu biểu như mô hình “Thắp sáng đường quê” của Hội Cựu chiến binh; mô hình “Tổ phụ nữ thu gom rác thải” của Hội LHPN; mô hình “phân bón trả chậm cho nông dân trên địa bàn” của Hội Nông dân; mô hình ”vận động nhân dân trồng cây vụ đông” của Hội phụ nữ xã Bình Dương...

Đặc biệt, môi trường, cảnh quan tiếp tục được cải thiện “đường có hoa, nhà có số, phố có tên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; phong trào văn hóa văn nghệ phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đông Triều trở thành địa phương đầu tiên miền Bắc và là huyện thứ 4 của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2015; được Trung ương đánh giá là địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Việt Dân đạt nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của cả nước với các tiêu chí nổi bật về cảnh quan, môi trường và thu nhập từ mô hình sản xuất nông nghiệp. Đông Triều là 1 trong 10 huyện, thị xã trong toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ hoàn thành xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Làng quê Yên Đức. Ảnh: DL.

Phát triển công nghiệp mới để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, tự cân đối ngân sách

Nằm ở cửa ngõ, trong tuyến phát triển kinh tế phía Tây của tỉnh, thuận lợi phát triển giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt kết nối với các vùng kinh tế phát triển phía Bắc; mảnh đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng, cái nôi của phong trào cách mạng vùng than,... Do vậy, thị xã Đông Triều phấn đấu đến năm 2025 tự cân đối ngân sách và đạt tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc tỉnh, đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại I.

Một góc hồ Khe Chè. Ảnh: P. Quỳnh.

Nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đông Triều xác định phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững dựa trên ba trụ cột: Lấy thu hút sản xuất công nghiệp mới, hiện đại, tiên tiến để phát triển nhanh, tự cân đối ngân sách và dẫn dắt nông thôn. Lấy phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp, dịch vụ trong nông nghiệp; nông nghiệp sinh thái và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu làm nền tảng xây dựng xã hội phát triển bền vững. Lấy phát triển du lịch và dịch vụ trong du lịch làm đột phá để xây dựng giá trị thương hiệu và xây dựng Đông Triều trở thành trung tâm du lịch, văn hóa - lịch sử, tâm linh, sinh thái trải nghiệm đặc sắc, có sức hấp dẫn cao.

Xác định rõ các không gian phát triển trọng điểm: Khu vực phía Đông, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ mới, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Khu vực phía Tây, tập trung phát triển nông nghiệp tập trung; công nghiệp, dịch vụ và du lịch trong nông nghiệp, gắn với nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm đặc trưng. Khu vực phía Bắc, phát triển du lịch, văn hóa, tâm linh, sinh thái, trải nghiệm và nghỉ dưỡng cao cấp.

Sữa An Sinh – sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: T. Hà.

Theo đó, Đông Triều tập trung các giải pháp phát triển lĩnh vực công nghiệp mới, hiện đại, gắn với đầu tư hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư, nhất là đầu tư FDI vào các Khu công nghiệp Đông Triều; phát triển chuỗi các cơ sở công nghiệp, dịch vụ hậu cần, cảng thủy nội địa dọc sông Đá Bạch, sông Kinh Thầy từ Hồng Thái Đông đến Kim Sơn.

Trọng tâm là mở rộng Khu công nghiệp Đông Triều gắn với tuyến đường tốc độ cao Quảng Yên - Uông Bí - Đông Triều, kết nối với Hải phòng, Hải Dương; thu hút các nhà đầu tư lớn về sản xuất công nghiệp tiên tiến, công nghiệp phụ trợ, các lĩnh vực công nghiệp mới theo xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 và các Hiệp định thương mại tự do, có giá trị gia tăng lớn, thân thiện môi trường.

Đồng thời, thúc đẩy hiện đại hóa công nghệ khai thác than; đổi mới công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ theo hướng sản phẩm mới, vật liệu mỏng, tiết kiệm nguyên liệu. Hỗ trợ ngành than đẩy nhanh công tác GPMB các dự án, tiến tới chấm dứt khai thác than lộ thiên trong năm 2026.

Thu hút đầu tư vào công đoạn chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm đồ uống tại Hồng Phong, Thủy An, Đức Chính,...; đưa nhà máy cung ứng thức ăn gia súc, gia cầm tại Tràng Lương hoạt động theo hướng là đầu mối thu gom chế biến thực phẩm phục vụ công nghiệp, dịch vụ, du lịch của khu vực và xuất khẩu.

Từng bước đưa du lịch tới trở thành ngành kinh tế quan trọng

Với bề dày văn hóa, đậm đặc di tích nhà Trần và là thánh địa của Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, thị xã Đông Triều chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, gắn với phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có; phấn đấu đưa du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái từng bước trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế và tạo dựng thương hiệu địa phương.

 Du khách tấp nập đổ về Khu du lịch Quảng Ninh Gate. Ảnh: M. Thắng.

5 năm tới, Đông Triều hoàn chỉnh các quy hoạch liên quan đến Đề án tổng thể phát triển du lịch Đông Triều theo nguyên tắc lấy Thánh địa Ngọa Vân - Hồ Thiên làm trung tâm, cùng với hệ thống lăng, am, miếu, tháp... của nhà Trần, di tích lịch sử cách mạng Bắc Mã, Miếu Mỏ, để phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, phát triển các cơ sở nghiên cứu về Phật giáo, nhà Trần và các hoạt động lễ hội, trải nghiệm, Thiền, trị liệu. Thúc đẩy chuỗi liên kết hành trình nhà Trần và Thiền phái Trúc Lâm từ Đông Triều - Quảng Yên - Uông Bí (Quảng Ninh) tới Thái Bình, Nam Định, Hải Dương.

Dựa vào các vùng cảnh quan có giá trị tự nhiên đặc sắc như Đá Chồng, Khe Chè, Bến Châu,... một số điểm du lịch ven sông Cầm, Đạm Thủy để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, Sân golf, du lịch sinh thái. Phát triển du lịch trải nghiệm truyền thống làng quê, nông nghiệp, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển các vùng hoa, cây cảnh, khôi phục các nét văn hóa phi vật thể, làng nghề thủ công gốm sứ, mỹ nghệ, ẩm thực, sản phẩm OCOP, hình thành mạng lưới sản phẩm và dịch vụ du lịch đặc sắc, quà tặng, quà lưu niệm, trang phục đặc trưng riêng có mang thương hiệu Đông Triều.

Xây dựng chợ đầu mối tiêu thụ nông sản, hình thành các Trung tâm thương mại gắn với phố đi bộ, ẩm thực tại phường Đông Triều, Mạo Khê,... phát triển kinh tế ban đêm; mở rộng mô hình du lịch làng quê Yên Đức, Khu du lịch văn hóa dừng chân Cổng tỉnh. Xây dựng Khu công viên du lịch trải nghiệm và sản xuất nông nghiệp tại Hồng Phong, Thủy An,... Nhân rộng mô hình Người nông thôn mới kiểu mẫu làm du lịch cộng đồng.

Sản xuất nông nghiệp tập trung, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Phát huy vị trí dẫn đầu về sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2020 – 2025, Đông Triều xác định: Đẩy mạnh công tác quy hoạch, dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, gắn với dụng tiến bộ khoa học công nghệ, thị trường để nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP. Đồng thời gắn các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn với phát triển các mô hình liên kết hợp tác về đất đai, tài chính, sản xuất, chế biến trong sản xuất nông nghiệp; hình thành chuỗi khép kín, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuyến phố văn hóa Vĩnh Phú (phường Mạo Khê) dài 820m do 80 hộ dân hiến đất mở đường. Ảnh: P. Quỳnh.

Nhân rộng các mô hình sản xuất được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ cho các sản phẩm chủ lực; thiết lập đầu ra tiêu thụ sản phẩm bền vững với ngành Than, các cơ sở công nghiệp, khu du lịch trọng điểm của tỉnh và khu vực; ứng dụng công nghệ truy suất nguồn gốc cho 100% sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, xác lập dòng sản phẩm giá trị cao, hướng tới xuất khẩu.

Bên cạnh đó là hình thành các vùng trồng hoa, cây cảnh tại Bình Khê, An Sinh, Hồng Phong,... gắn với duy trì mở rộng Lễ hội Hoa - Cây cảnh Đông Triều; mở rộng diện tích cây vụ đông tại các địa phương có đất nông nghiệp lớn như Nguyễn Huệ, Hồng Phong, Hưng Đạo, Bình Dương,... Mặt khác, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng vùng chăn nuôi, giết mổ, chế biến tập trung; thu hút đầu tư hình thành Trung tâm cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi, tiến tới chấm dứt chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư.

Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức vào ngày 25 và 26/6/2020 nêu rõ: Phát triển mạnh mẽ các mô hình dịch vụ, du lịch, thương mại trong khu vực nông thôn; nhân rộng các mô hình “Nhà văn hóa mẫu”, “Tuyến đường mẫu”, “Hộ mẫu”, “Thôn mẫu”, “Khu mẫu”,...; phấn đấu xây dựng Đông Triều trở thành điển hình nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên toàn quốc, đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn gấp 1,8 lần so với năm 2020./.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam