Văn Chấn chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu và dịch vụ du lịch xanh, giàu bản sắc

Thời sự, Thời sự, Xã hội | 09:33:00 06/07/2020

TNV - Với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Trí tuệ - Phát triển”, Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện Văn Chấn (Yên Bái) lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 diễn ra từ ngày 8/7 – 10/7 khẳng định: 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn phát huy sức mạnh đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua trở ngại, nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tạo tiền đề để huyện phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.

Thực hiện thắng lợi 20/21 chỉ tiêu chủ yếu

Theo đó, huyện Văn Chấn đã thực hiện thắng lợi 20/21 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 08 chỉ tiêu vượt cao, 07 nhiệm vụ trọng tâm cơ bản hoàn thành. Kinh tế tiếp tục phát triển, cơ cấu dịch chuyển theo hướng tích cực: năm 2020, tỷ trọng nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 24,8%, giảm 4,2% so với năm 2015; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 43,4%, tăng 1,1%; tỷ trọng thương mại - dịch vụ chiếm 31,8%, tăng 3,1%. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá toàn diện, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 39,5% năm 2015 xuống còn 10,7% năm 2020, cao hơn 1,76%/năm so với mục tiêu Đại hội; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng, gấp1,8 lần so với năm 2015.

 Khu tái định cư ca bà con vùng lũ xã Sui Quyn. nh: T. Hương.

Mặc dù phải hứng chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra, nhưng huyện đã kịp thời huy động các lực lượng, nguồn lực khắc phục nhanh mọi hậu quả; xây dựng 19 khu tái định cư tập trung tại 11 xã và bố trí đất ở cho trên 600 hộ gia đình; khắc phục trên 100 km đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng.

Trong 05 năm đã đầu tư xây dựng, sửa chữa trên 800 công trình, trong đó, hoàn thành đưa vào sử dụng 18 công trình cầu bê tông cốt thép, kiên cố hóa thêm 270 km đường giao thông nông thôn, 100% thôn bản có đường đi lại bằng xe máy, tỷ lệ cứng hoá mặt đường đạt 50%; số thôn bản, tổ dân phố được sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 92%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 90,5%; tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố tăng 11,9% so với nhiệm kỳ trước.

Hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hóa có quy mô, sản lượng lớn

Đến năm 2020, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp thủy sản đạt 1.813 tỷ đồng, tăng 607 tỷ đồng so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 83,5%  xuống còn 72,6%, tăng tỷ trọng lâm nghiệp từ 14,1% lên 25%. Giá trị sản xuất trồng trọt bình quân đạt trên 70 triệu đồng/ha/năm, tăng trên 18,0 triệu đồng/ha so với năm 2015; nhiều diện tích canh tác đạt từ 200 - 250 triệu đồng/ha; TSL lương thực có hạt hằng năm đạt trên 65.000 tấn, đạt mục tiêu Đại hội.

Toàn cảnh khu nghỉ dưỡng LeChamp Tú Lệ. Ảnh: Thanh Miền

Đặc biệt, đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hóa có quy mô và sản lượng lớn như: Vùng lúa chất lượng cao 1.200 ha; vùng lúa nếp đặc sản Tú Lệ 100 ha, sản lượng 450 tấn/năm; vùng cây ăn quả có múi 2.000 ha, sản lượng 10.000 tấn/năm; vùng quế 8.400 ha, sản lượng vỏ quế tươi trên 7.500 tấn/năm; đàn gia súc chính 143.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6.800 tấn/năm, đạt 129,3% mục tiêu Đại hội; vùng chè nguyên liệu 4.950 ha, sản lượng chè búp tươi 54.000 tấn/năm (trong đó chè shan vùng cao 1.500 ha, sản lượng 6.500 tấn/năm).

Bình quân hằng năm trồng trên 3.500 ha rừng, đặc biệt trong 5 năm phát triển thêm 3.726,8 ha cây quế đã giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững, làm giàu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng từ rừng, nâng tỷ lệ tán che phủ rừng lên 58,1%, đạt mục tiêu Đại hội.

Các nông sản chủ lực của huyện như: cam, chè, cây dược liệu… được phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ; xây dựng chỉ dẫn địa lý gạo nếp Tú Lệ, ba ba gai Văn Chấn, nhãn hiệu tập thể cam Văn Chấn. Một số loại cây trồng mới đưa vào sản xuất, bước đầu có triển vọng như: cây chanh leo 20 ha, cây dâu tằm 50 ha, cây dược liệu 40 ha, cây bưởi da xanh 50 ha, cây na (Thái Lan, Đài Loan) 12,5 ha.

Văn Chấn vào mùa cam chín. Ảnh: P. Quỳnh.

Diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, từng bước trở thành những miền quê đáng sống. Trong 5 năm, tổng nguồn vốn huy động cho chương trình đạt trên 675,0 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn lồng ghép và huy động từ cộng đồng dân cư đạt 405,25 tỷ đồng (chiếm 60%). Đến hết năm 2020, đã có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gấp 3,3 lần so với mục tiêu Đại hội.

Xuất hiện một số sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Do chú trọng thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, nên đã xuất hiện một số sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu như: Chè Suối Giàng, thuốc đông dược, gạch không nung, cát nhân tạo.

Thơm mùa cốm nếp xã Tú lệ. Ảnh : Sầm Mới.

Một số lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh như: Chế biến nông lâm sản, vật liệu xây dựng, khai khoáng, thủy điện (chiếm 77,4% giá trị sản xuất công nghiệp) được đẩy mạnh phát triển. Đến nay, huyện Văn Chấn đã thu hút đầu tư xây dựng mới 05 nhà máy thủy điện, tổng công suất thiết kế 110,7 MW; hỗ trợ 12 doanh nghiệp cải tiến, đầu tư nâng cấp dây chuyền công nghệ.

Nhờ vậy, đã có trên 190 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 31 doanh nghiệp so với đầu nhiệm kỳ; trong đó chế biến chè 73 đơn vị, chế biến gỗ rừng trồng 53 đơn vị, khai thác khoáng sản 50 đơn vị, thủy điện 08 đơn vị, khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng 06 đơn vị, đã giải quyết việc làm ổn định cho trên 6.000 lao động tại địa phương.

Trải nghiệm đồi chè thôn Đồng Lú. Ảnh: Thanh Miền

Ngoài ra, huyện tiếp tục phát triển, xây dựng được một số làng nghề; khuyến khích phát triển các sản phẩm như sản xuất mây tre đan, chế tác đồ thủ công, mỹ nghệ, sản xuất cơ khí nhỏ và cơ khí nông nghiệp, dệt thổ cẩm. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 (theo giá so sánh 2010) đạt 1.460 tỷ đồng, tăng 510 tỷ đồng (54%) so với đầu nhiệm kỳ.

Vùng đất của chè ngon, trái ngọt và cốm nếp thơm

Văn Chấn được biết đến là vùng đất của chè ngon, trái ngọt và cốm nếp thơm. Bởi có vùng chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng nổi tiếng; có vùng cây ăn quả khá phong phú (cam, bưởi, na, nhãn, mận tam hoa,...),; có đặc sản gạo nếp Tú Lệ và mùa giã cốm nếp thơm vào tháng 9, tháng 10 hàng năm.

Ngoài ra, Văn Chấn còn sở hữu suối khoáng nóng bản Bon và những đồi chè bát ngát xanh, dễ làm xao lòng du khách, như đồi chè Thác Hoa, Trần Phú, Liên Sơn... Đây là tiềm năng, thế mạnh để địa phương kết hợp với vùng du lịch miền Tây của tỉnh, đưa du lịch phát triển có nhiều khởi sắc, dần trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.

Bà con bản Thái tắm khoáng xã Tú Lệ. Ảnh: P. Quỳnh

Được biết, trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, huyện Văn Chấn đã thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đang tiếp tục đầu tư vào những địa điểm du lịch đặc sắc, nổi trội trên địa bàn huyện, với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Huyện Văn Chấn hôm nay đang hình thành rõ nét các vùng du lịch được đầu tư hiện đại, là những điểm đến lý tưởng níu chân du khách tìm về trong một tương lai không xa, như: Khu du lịch nghỉ dưỡng LeChamp Tú Lệ, khu du lịch văn hóa trà Suối Giàng, khu du lịch bản Bon, Gia Hội...

Lượng khách du lịch và doanh thu từ dịch vụ du lịch tăng nhanh, năm 2020 ước đạt 90.000 lượt khách, doanh thu đạt 42 tỷ đồng, gấp 14 lần so với năm 2015.

Triển khai 05 chương trình trọng điểm

Là huyện có 2/3 số xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, nhưng trong 5 năm tới, Đảng bộ huyện xác định tập trung lãnh đạo phát huy nội lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, đến năm 2025 đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng trở lên, có thêm 10 xã đạt tiêu chí nông thôn mới và 04 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 03 xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhà máy sản xuất thuốc đông dược của Cty y học cổ truyền & đông dược Thế Gia tại
thị trấn Sơn Thịnh. Ảnh: H. Tầng

Đồng thời thực hiện 3 đột phá theo định hướng chung của tỉnh và triển khai 05 chương trình trọng điểm. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; thu hút và đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến sâu tập trung vào một số lĩnh vực như sản xuất, chế biến chè, dược liệu, cây ăn quả, gỗ rừng trồng; đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch xanh, bản sắc, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.

Theo đó, huyện sẽ mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao ở vùng thấp gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản,...; phát triển các sản phẩm đặc sản hữu cơ ở vùng cao gắn với du lịch nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.

Đối với các xã vùng cao, vùng thượng huyện được xác định, tập trung chính vào phát triển chè Shan, chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng, trồng quế, phát triển các cây, con bản địa. Đối với các xã vùng ngoài, vùng trong của huyện, tập trung phát triển trồng rừng, sản xuất chè, phát triển cây ăn quả có múi, chăn nuôi lợn, gia cầm và phát triển thủy đặc sản. 

 Cty TNHH Bình Thuận – doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh về sản xuất chè đen xuất khẩu.
Ảnh: P. Quỳnh

Kết hợp giữa tăng cường các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với nhân rộng mô hình thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (ocop). Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 04 chỉ dẫn địa lý, trên 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; hình thành 05 chuỗi sản phẩm chủ lực của huyện.

Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế; đến 2025, diện tích chè đạt gần 5.000 ha (trong đó có 1.700 ha chè Shan chất lượng cao, chè Shan hữu cơ đặc sản), diện tích cây ăn quả đạt trên 3.300 ha, diện tích quế đạt trên 8.000 ha; diện tích cây dược liệu đạt trên 1.000 ha.

Mặt khác, phát triển mạnh chăn nuôi theo hướng tập trung, áp dụng công nghệ, đảm bảo môi trường và an toàn dịch bệnh. Nâng cao năng lực các cơ sở chế biến lâm sản theo hướng chế biến sâu; phát triển trồng rừng gỗ lớn, rừng lâm nghiệp xã hội để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng; phấn đấu đến năm 2025 có trên 2.500 ha rừng cây gỗ lớn, tỷ lệ che phủ rừng đạt 59,2%.

Khuyến khích khởi nghiệp và hình thành lớp doanh nhân trẻ

Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế như: Điện năng, khoáng sản, chế biến nông lâm sản; phát triển công nghiệp nông thôn, sử dụng lao động tại địa phương. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số dự án thủy điện (Thủy điện Thác Cá, thủy điện Chấn Thịnh, Thủy điện Sài Lương), khai thác, chế biến khoáng sản và một số dự án khác.

Ưu tiên thu hút phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm từ chè, cây ăn quả và chế biến tinh dầu quế, dược liệu hướng tới nâng cao giá trị sản phẩm.

Cùng với gạo nếp Tú Lệ, chè Shan tuyết, ba ba gai là đặc sản của huyện Văn Chấn,
của tỉnh Yên Bái. Ảnh: P. Quỳnh
 

Hoàn chỉnh hạ tầng trong cụm công nghiệp, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất. Phát triển các làng nghề truyền thống gắn với du lịch trải nghiệm trồng và chế biến chè Suối Giàng, nếp tan Tú Lệ, chế tác đá cảnh. Phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 2.000 tỷ đồng.

Chú ý khai thác lợi thế các tuyến giao thông kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau khi hoàn thành đi vào sử dụng để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đặc trưng (chè shan tuyết, cam, nếp Tú Lệ,...) của huyện đến các địa phương; thúc đẩy các ngành dịch vụ, du lịch phát triển.

Ngoài ra, huyện cũng chú trọng phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái và bản sắc văn hóa. Thu hút đầu tư xây dựng tổ hợp nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái Suối Giàng; suối khoáng Sơn Thịnh; tiếp tục đầu tư mở rộng các hoạt động dịch vụ du lịch khu vực xã Tú Lệ. Phấn đấu đến năm 2025 đón trên 200.000 lượt khách du lịch (trong đó khách quốc tế chiếm từ 20% trở lên) doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 120 tỷ đồng.

Đồng thời tạo thuận lợi để phát triển mạnh các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân; khuyến khích khởi nghiệp, đặc biệt tập trung vào đối tượng thanh niên đã qua đào tạo cơ bản để hình thành các mô hình kinh tế, các doanh nghiệp và lớp doanh nhân trẻ./.

 Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam