Phù Yên tập trung phát triển các cụm công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới

Thời sự, Thời sự, Xã hội | 07:05:00 10/07/2020

TNV - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 – 2020, huyện Phù Yên (Sơn La) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. 15/18 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội đề ra. Kinh tế có bước tăng trưởng khá, làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị và nông thôn, đời sống của nhân dân được cải thiện, góp phần quan trọng đưa huyện Phù Yên được công nhận thoát nghèo vào năm 2018.

Kinh tế tăng trưởng khá, đưa Phù Yên thành huyện thoát nghèo

Trong bối cảnh còn có nhiều khó khăn, thách thức; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế, công tác di chuyển, sắp xếp ổn định dân cư vùng lòng hồ Thuỷ điện Hoà Bình gặp nhiều khó khăn; thiên tai, dịch bệnh khó lường... Nhưng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực.

Gắn nhãn hiệu cho sản phẩm “Cam Phù Yên”. Ảnh: PNN

Theo đó, nông, lâm nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá, tập trung; nhiều hợp tác xã (HTX), nhóm hộ, đầu tư lĩnh vực nông nghiệp được thành lập; xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả gắn với chuỗi sản phẩm OCOP; giảm diện tích cây lương thực kém hiệu quả để phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế; cải tạo vườn tạp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nhờ vậy, tổng giá trị sản phẩm năm 2020 ước đạt 1.146 tỷ đồng, tăng 97 tỷ đồng so với năm 2015. Diện tích cây lương thực có hạt 102.710 ha, TSL lương thực bình quân 75.796 tấn/năm, đạt 83,97% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; duy trì 316 ha chè, đạt 100% kế hoạch; phát triển diện tích cây ăn quả lên 2.800 ha, tăng 1.687 ha bằng 251% so với năm 2015; tích cực xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Cam Phù Yên”.

Chăn nuôi, thủy sản được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng kỹ thuật, chăn nuôi an toàn sinh học; phát triển đàn gia súc gắn với đầu tư trồng cỏ; mở rộng mô hình nuôi cá lồng tại vùng lòng hồ Thủy điện Hòa Bình. Đến nay, toàn huyện thành lập mới 05 HTX với 767 lồng cá, tổng sản lượng nuôi trồng đạt 1.100 tấn/năm; tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng, đàn gia súc tăng 8,5%, gia cầm tăng 36,8% so với năm 2015 và xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao.

Tổng diện tích rừng trồng mới đạt 2.389 ha, khoanh nuôi tái sinh đạt 2.342 ha, bảo vệ 57.108,6 ha rừng với độ che phủ là 46,3%, đạt 92,5% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIX đề ra.

Người lao động địa phương làm việc tại Công ty Cổ phần Giầy Ngọc Hà
khu vực huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. PHT

Bước đầu chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn thực hiện có hiệu quả. Huyện đã hoàn thành đầu tư nhà máy may Tâm Việt, nhà máy gạch Tuynel, xây dựng Nhà máy thủy điện Mường Bang, Nhà máy thủy điện Háng Đồng - Suối Tọ; đồng thời, mở rộng xí nghiệp giày da Ngọc Hà và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động, sản phẩm chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Tổng giá trị sản phẩm sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2020 ước đạt 1.575 tỷ đồng, tăng 479 tỷ đồng, chiếm 33,8% tỷ trọng kinh tế (tăng 3% so với năm 2015).

Công tác đầu tư xây dựng huy động trên 1.800 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và gần 100 tỷ đồng nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân; đầu tư xây mới và nâng cấp, sửa chữa 599 công trình (trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trục sở xã, thủy lợi,..); nâng tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 86%, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt 96%. Hoàn thành đầu tư 02 khu ở đô thị mới, góp phần đổi mới đô thị của huyện.

Đáng chú ý, dịch vụ du lịch tăng trưởng khá, được đầu tư mở rộng về quy mô, chất lượng, phục vụ lượng khách đến lưu trú du lịch hằng năm đạt khoảng 9.528 lượt người (khách nội địa 8.876 lượt người, khách quốc tế 652 lượt người). Năm 2019, có 13.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 7 tỷ đồng; hoàn thành và triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch bền vững huyện Phù Yên giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 Nuôi cá lồng tại hồ thủy điện Sông Đà. Ảnh: PNN

Từ năm 2015- 2019, huyện đã tập trung nguồn lực hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra với tổng số tiền 184.186 triệu đồng, trong đó: hỗ trợ 7.888 triệu đồng cho 588 nhà bị thiệt hại; 51,795 tấn gạo, 52,16 tấn giống lúa và hoa màu; hỗ trợ thiệt hại thủy sản 396,5 triệu đồng; 24.800 giống cây ăn quả; khắc phục 217 km đường giao thông, 189m cầu treo, 02 công trình với tổng số tiền 20.201 triệu đồng; sửa chữa 02 điểm trường học; nâng cấp, sửa chữa 45 công trình thủy lợi, 26 công trình nước sinh hoạt... từng bước ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân vùng thiên tai.

Trong công tác giảm nghèo bền vững, huyện Phù Yên đẩy mạnh phong trào giúp nhau làm kinh tế; hỗ trợ kỹ thuật, cây, con giống, vốn vay ưu đãi,... Đồng thời, giải quyết việc làm cho 14.707 người, 2.347 lao động được vay vốn tạo việc làm; 14.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài huyện với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng; đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 29,91% năm 2015 xuống còn 15,5% năm 2020, đạt chỉ tiêu đề ra. Tháng 3/2018, huyện Phù Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là huyện thoát nghèo.

Xây dựng nông thôn mới vượt chỉ tiêu 6 xã

Bốn tiểu vùng kinh tế trong huyện được quan tâm đầu tư, phát triển hợp lý các ngành nghề trên cơ sở khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế gắn với phát triển bền vững. Trong đó, tiểu vùng I gồm 06 xã vùng Mường tập trung hình thành vùng cây ăn quả, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm gắn với chuỗi giá trị hàng hóa (Cam Phù Yên, Chè Mường Do, Chanh leo); chăn nuôi đại gia súc, khoanh nuôi bảo vệ rừng và trồng rừng mới. Bước đầu hình thành điểm du lịch Suối Chiếu xã Mường Thải.

Cánh đồng Mường Tấc. Ảnh: Đức Tuấn

Tiểu vùng II (gồm 09 xã và thị trấn): Tập trung thâm canh lúa nước chất lượng cao theo hướng hữu cơ; hình thành vùng sản xuất hàng hóa: gạo Mường Tấc, tỏi (Gia Phù, Tường Phù), rau, củ, quả các xã Huy Bắc, Huy Tân; mở rộng và phát triển các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (Gia Phù, Quang Huy), xây dựng, phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch. Đây là vùng trung tâm và động lực phát triển kinh tế của huyện.

Tiểu vùng III (09 xã thuộc vùng hồ Sông Đà): Với lợi thế lòng hồ, chú trọng phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt và hình thành các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Phát triển chăn nuôi kết hợp với trồng cỏ, bảo vệ rừng tái sinh, trồng rừng, phát triển cây ăn quả (nhãn, xoài,...). Phát triển dịch vụ du lịch, vận tải đường sông, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân.

Tiểu vùng IV (03 xã vùng cao):Quan tâm đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước cho xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, xóa đói giảm nghèo, trồng rừng, bảo vệ rừng; dần chuyển đổi sang canh tác nương định canh, ruộng bậc thang, khai hoang ruộng nước, phát triển chăn nuôi gia súc (trâu, bò, dê....).

Gạo Phù Yên đóng gói xuất về Hà Nội. Ảnh: P Quỳnh

Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mớitheo phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”; huyện đã kết hợp có hiệu quả các nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước với huy động nội lực trong Nhân dân. Các phong trào “Phù Yên chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Ngày thứ bảy tình nguyện về cơ sở xây dựng nông thôn mới” đã mang lại hiệu quả thiết thực và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Trong 5 năm đã xây dựng, tu sửa 733 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 158,63 km, tổng kinh phí thực hiện là 312.055 triệu đồng (vốn ngân sách Nhà nước 209.471 triệu đồng; nguồn lực trong Nhân dân 102.471 triệu đồng); ngoài ra còn triển khai thực hiện 71 công trình khác. Các công trình đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống cho nhân dân.

Đến hết năm 2020 toàn huyện có 07/26 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 06 xã so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; có 19 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, không có xã đạt dưới 10 tiêu chí. Mức tiêu chí bình quân của huyện năm 2020 đạt 13,5 tiêu chí/xã (tăng 6,7 tiêu chí/xã so năm 2015). 

Đối với công tác di dân, huyện đã tiến hành di chuyển 191 hộ, hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng điểm tái định cư Suối Dinh 1, 2 xã Mường Bang, quy mô 90 hộ dân, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 20,730 tỷ đồng; hỗ trợ sản xuất cho 7.362 hộ nghèo vùng đề án 1460,; bố trí di chuyển dân bị ảnh hưởng thiên tai tại 06 điểm với tổng số 269 hộ của 5 xã đến nơi ở mới an toàn, đời sống của nhân dân từng bước ổn định.

Mặt khác, thực hiện chính sách hỗ trợ làm nhà ở cho người có công, huyện đã hỗ trợ kịp thời đến 1.376 nhà với tổng kinh phí 40.500 triệu đồng; hàng năm thực hiện chi trả trợ cấp cho trên 6.000 lượt đối tượng chính sách, 29.000 đối tượng Bảo trợ xã hội với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng.

Phấn đấu xây dựng Phù Yên thành huyện phát triển khá của tỉnh

Định hướng phát triển trong 5 năm tới, huyện Phù Yên xác định: “…tập trung mở rộng phát triển các cụm công nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phát triển mạnh du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, xây dựng nông thôn mới,…”  và  “… giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân;..” phấn đấu “… xây dựng Phù Yên thành huyện phát triển khá của tỉnh”.

 Cánh đồng tỏi xã Tường Phù. Ảnh: HTX

Với một số chỉ tiêu cơ bản như: Sản lượng lương thực có hạt trung bình đạt 65.000 tấn/năm; sản lượng nuôi trồng, đánh bắt thủy sản đạt 1.500 tấn/năm; phấn đấu có từ 10 sản phẩm trở lên được công nhận sản phẩm OCOP. Thành lập mới 32 doanh nghiệp, HTX, nâng tổng số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đạt 180 đơn vị. Xây dựng 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 12 xã; trong đó, ít nhất 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 bản kiểu mẫu.

 Đồng thời, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021- 2025 giảm bình quân 2,5%/năm. Số lượng lao động tại các cụm, khu công nghiệp trong và ngoài huyện đạt trên 20.000 người. Tỷ lệ che phủ rừng đạt ổn định 50%. Số lượt khách du lịch bình quân 20.000 lượt/năm, doanh thu đạt 12 tỷ đồng/năm…

Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tập trung vào các khâu đột phá sau: Phát triển nguồn nhân lực ở các ngành nghề phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, các ngành nghề có thế mạnh. Mở rộng sản xuất hàng hóa theo hướng hữu cơ, tập trung vào những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của huyện (“Cam Phù Yên”, “Gạo Phù Yên”, tỏi Phù Yên); phát triển chăn nuôi, cây dược liệu, trồng rừng, bảo vệ rừng, nuôi trồng thủy sản.

Tập trung đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm của huyện; các tuyến đường giao thông liên xã, xã xuống bản, liên bản và nội bản; thu hút đầu tư mở rộng các cụm công nghiệp (trọng tâm là nhà máy may Phù Yên, xí nghiệp giày da Ngọc Hà); tăng cường liên kết với các tỉnh bạn trong đào tạo, tuyển dụng, giải quyết việc làm cho người lao động. Phấn đấu đến năm 2025 trên 10 dự án có nhà đầu tư mới.

Theo đó, các giải pháp thực hiện là: Xây dựng vùng sản xuất lúa hữu cơ chất lượng cao tại các xã vùng Huy gắn với bảo tồn vùng canh tác lúa nước tại cánh đồng Mường Tấc; xây dựng, phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Phù Yên”;  hình thành các vùng sản xuất tập trung, cây ăn quả có múi, chanh leo có chất lượng và giá trị hàng hóa lớn; tận dụng tối đa mặt nước ao hồ để nuôi trồng thủy sản, phát triển các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản.

Tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn có trọng điểm, tránh lãng phí; phấn đấu không còn xã dưới 10 tiêu chí, có 10 sản phẩm được công nhận OCOP trở lên. Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ưu tiên trồng rừng sản xuất gắn với khai thác, chế biến các sản phẩm từ gỗ hợp lý, hiệu quả; quy hoạch và phát triển cây dược liệu gắn với khoanh nuôi bảo vệ rừng.

 Cảnh đẹp hồ Suối Chiếu. Ảnh: PNN

Đặc biệt, chú trọng tạo khâu đột phá trong phát triển du lịch, tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù: Du lịch cộng đồng bản Chiếu, du lịch sinh thái Đồi thông Noong Cốp, du lịch lòng hồ thủy điện Hòa Bình; tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử di tích kháng chiến chống Pháp tại bản Nhọt, xã Gia Phù; khu di tích lịch sử văn hóa Đình Chu.../.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam