Cựu Chiến binh xã Hồng Phong chạy máy lạnh nuôi con ngo ngoe, thu nhập gấp 4 – 5 lần cấy lúa

Thời sự, Xã hội | 10:13:00 13/07/2020

TNV - Như vậy, so với khoản thu khoảng 6 - 7 triệu đồng cũng từ hơn 4 sào ruộng cấy lúa (đã trừ đi chi phí mạ giống, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón các loại…) thì khoản thu ngót 30 triệu đồng từ trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế cao gấp từ 4 – 5 lần, ông Tráng phân tích.

Chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm; đầu tư, mở rộng sản xuất

Xã Hồng phong là địa phương có nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm từ những năm Pháp thuộc của thế kỷ 20, trải qua nhiều giai đoạn chăn nuôi từ phân tán, nhỏ lẻ đến tập trung theo kế hoạch của hợp tác xã nhưng năng suất vẫn èo uột chỉ từ 20-25kg kén/sào dâu, nhiều khi gặp phải thời tiết bất lợi con tằm bị bủng, trong mang cả noong tằm đổ đi mà xót bao công sức của bà con đêm ngày chăm sóc.

 Những nương dâu xanh mát.

Hoàn thành nghĩa vụ quân đội, xuất ngũ trở về địa phương phát triển kinh tế gia đình và xây dựng quê hương, thấm được khó khăn đó, nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của những người giàu bí quyết chăn tằm như lão nông dân Vũ Văn Hiếu, cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Thế và Trần Văn Chức nhận ra rằng: Muốn con tằm phát triển tốt, cho kén tằm năng suất cao, phải chủ động được nhiệt độ, độ ẩm cho phù hợp với độ tuổi phát triển của con tằm; tránh việc phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên thời tiết như trước đây.

Với suy nghĩ đó, 2 ông là một trong số ít người ở xã đi tiên phong lắp máy điều hòa nhiệt độ cho phòng nuôi tằm. Từ khi làm chủ được nhiệt độ, độ ẩm không khí kết hợp với đầu tư thêm trang bị như máy thái dâu, ẩm kế…chất lượng và sản lượng con tằm nâng lên rõ rệt; mỗi vụ các ông cung cấp hàng ngàn nong tằm nuôi mô hình cho bà con và đồng đội cựu chiến binh trong xã.

Hồng Phong là xã nằm ở phía Tây Nam của huyền Vũ Thư, tiếp giáp sông Hồng. Tổng diện tích tự nhiên 775,56 ha; trong đó đất nông nghiệp 445,14 ha, đất trồng dâu nuôi tằm 257 ha (chiếm gần 58%). Ngành nghề chủ yếu của nhân dân trong xã là trồng dâu nuôi tằm và trồng lúa. Hiện toàn xã có trên 1.000 hộ nuôi tằm (chiếm gần 42%), trong đó trên 85% hộ gia đình áp dụng mô hình nuôi tằm trong phòng có điều hòa nhiệt độ.

Ông Trịnh Văn Khanh (Chủ tịch UBND xã Hồng Phong) cho biết: Toàn bộ diện tích trồng dâu của xã được chăm bón phát triển tốt, bà con đang phát huy thế mạnh về sản xuất kén tằm. Mô hình nuôi tằm con tập trung tiếp tục được áp dụng với 13 hộ gia đình nuôi tằm con cung cấp tằm giống cho các hộ dân trong xã; 11 đại lý thu mua và bao tiêu sản phẩm kén tằm làm ra. Năng suất kén trên vòng trứng trung bình đạt 9-10kg/vòng, sản lượng kén 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 180 tấn (giá trị hơn 17 tỷ đồng).

Sản xuất kén tằm đến thời điểm hiện tại đạt năng suất, sản lượng rất cao, nông dân trong xã đang phấn khởi tập trung cho sản xuất, đa phần các hộ nuôi tằm đạt 4 – 6 tạ kén, nhiều hộ nuôi đạt gần 1 tấn kén, một số hộ đạt 1 – 1,5 tấn kén/năm.

Do nuôi tằm đều phải sử dụng điều hòa nhiệt độ, mức điện năng tiêu thụ lại lớn, khi thanh toán tiền điện phải trả theo mức điện bậc thang, làm ảnh hưởng lớn đến phát triển sản xuất của bà con (điện năng tiêu thụ trung bình trên 600kw/hộ, số tiền phải thanh toán từ 1 – 2 triệu đồng/hộ/tháng vào những tháng nóng cao điểm). Nên địa phương đã kiến nghị với Điện lực Thành phố Thái Bình xem xét để bán điện cho nông dân nuôi tằm xã Hồng Phong với mức điện giá?!.

Thấy rõ hiệu quả của việc nuôi tằm trong phòng điều hòa, Hội Cựu Chiến binh xã Hồng Phong đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên đầu tư lắp máy điều hòa để nuôi tằm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho gia đình. Một số hội viên có khó khăn, được Hội huy động các hội viên giúp vốn và tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Vì vậy, đến nay 95% số CCB nuôi tằm đều chạy máy điều hòa, góp phần nâng cao năng suất kén tằm lên 40-45kg kén/sào dâu, cung cấp nguồn nguyên liệu và thực phẩm sạch cho thị trường.

Từ đây, nhiều gia đình hội viên đã mở rộng sản xuất, cho sản lượng kén tằm xuất bán mỗi năm từ 1 – 1, 5 tấn, thu về 100 – 150 triệu đồng (trong khi chi phí con giống chỉ chiếm khoảng 1%). Tiêu biểu như: Hội viên Trần Thanh Xuân (Chi hội thôn Thái Phú Đoài), Trần Nguyên (Chi hội thôn Thái Phú Thọ), Lê Phúc Nhượng (Chi hội thôn Tương Đông), Đinh Xuân Thu (Chi hội thôn Đoàn Kết), Trần Xuân Liệu (Chi hội thôn Kênh Đào)…

Được sự giới thiệu của Hội Cựu Chiến binh huyện Vũ Thư, chúng tôi về xã Hồng Phong vào một ngày mưa tháng 6. Sau những ngày nắng nóng khủng khiếp, cơn mưa dù chưa thật lớn, nhưng cũng đủ làm dịu đi cái nóng đến nghẹt thở; những nương dâu bên đường dường như cũng xanh mát hơn, vui mừng rung rinh cành lá như vẫy chào.

Tại nhà bà Vũ Thị Sâm (Chi hội Cựu Chiến binh thôn Thái Phú Đoài) có cả bà Quý, ông Phú – đều là những cựu chiến binh cùng thôn. Thấy mọi người đang tụ tập nói cười rôm rả, tôi buột miệng hỏi: Cháu tưởng nuôi tằm bận rộn lắm, sao các bác có vẻ nhàn rỗi vậy?

“Trước đây thì quả là như vậy, “nuôi tằm ăn cơm đứng”; nhưng bây giờ thì khác lắm rồi, thức ăn thì đã có máy thái, cứ cho tằm ăn no, bật điều hòa ngủ sâu giấc, con tằm khỏe mạnh thì mỗi ngày chỉ còn cho ăn dăm bữa, giảm hẳn một nửa số bữa so với trước kia”, bà Sâm cười vui vẻ và nhanh nhảu nói.

Phòng chạy điều hòa nuôi tằm của gia đình bà Sâm.

Vậy nên, tuy nhà chỉ có một mình (chồng và các con thường xuyên đi làm ăn xa), nhưng năm nào bà cũng nuôi khoảng trăm noong tằm, cho sản lượng khoảng 4 tạ kén, thu về gần 40 triệu đồng. Ngoài ra, bà còn là Chi hội trưởng CCB thôn, năng nổ trong việc phát động hội viên xây dựng quỹ vòng tay đồng đội để duy trì hoạt động và thăm hỏi động viên, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 60 triệu đồng trong 5 năm vừa qua.

Đặc biệt, bà còn tháo vát kêu gọi tài trợ, tổ chức cho 67 hội viên của Chi hội đi thăm Khu di tích lịch sử Đền Hùng, K9 - Đá Chông Hà tây, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm lại chiến trường xưa Điện biên phủ. Cũng như luôn tích cực đi đầu tham gia xây dựng nông thôn mới, ủng hộ: Quỹ người nghèo, quỹ trẻ thơ, quỹ phòng chống đại dịch Covid -19…

Xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu

Theo bà Vũ Thị Sâm, Chi hội CCB thôn Thái Phú Đoài có 67 hội viên, thì có hơn 80% quân số tham gia làm nghề trồng dâu nuôi tằm; trong đó có nhiều tấm gương tiêu biểu là thương bệnh binh, tuy tuổi cao sức khỏe yếu do từng vào chiến trường chiến đấu nhưng vẫn đạt năng suất sản lượng cao, điển hình như: Cựu chiến binh Nguyễn Công Tráng - bệnh binh hạng 2/3, CCB Lưu Văn Sâm - thương binh hạng 4/4, CCB Vũ Ngọc Lệ - chiến sỹ thành cổ Quảng Trị,.. Đặc biệt, phải kể đến mô hình nuôi tằm con tập trung để chuyển giao con giống lại cho hàng chục hộ gia đình trong xã, đem lại hiệu quả kinh tế cao như CCB Trần Văn Thế.

Bà Sâm, bà Quý cũng nhanh tay mang lá dâu vào giúp vợ chồng ông Tráng
cho những noong tằm đang ngo ngoe đòi ăn.

Đưa chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Công Tráng - bệnh binh hạng 2/3 tham gia chiến đấu tại chiến trường Camphuchia – đúng lúc vợ chồng ông cho những noong tằm đang ngo ngoe đòi ăn, thấy vậy bà Sâm, bà Quý cũng nhanh tay mang lá dâu vào giúp.

Nhà chỉ có hai ông bà, bởi mấy người con đều công tác, lập nghiệp ở miền Nam, nên cũng giống như phần đa số hộ dân trong xã, có hơn 4 sào ruộng ông bà trồng dâu hết và túc tắc hái lá chăn tằm vui thú tháng ngày tuổi già cùng bà con, đồng đội.

Ông Tráng tâm sự: Vụ tằm thường kéo dài từ tháng Ba đến tháng Chín (âm lịch) hàng năm; thời gian còn lại thì đi chơi xa thăm con cháu, bạn bè. Tuy mấy sào ruộng trồng dâu hết, nhưng mùa nào thức lấy, gia đình tôi cũng như bà con trong thôn đều trồng các loại rau, màu xen giữa những hàng dâu để cải thiện cuộc sống.

Nếu tính chi ly ra thì tiền bán hơn 01 tấn phân tằm mỗi năm thu cũng đủ để trả tiền điện dùng điều hòa cả năm để nuôi tằm; còn hơn 4 sào dâu cung cấp lá đủ nuôi gần 90 noong tằm, cho sản lượng kén bình quân đạt 350 kg/năm, thu được ngót 30 triệu đồng (sau khi đã trừ chi phí con giống và mấy bao phân bón ruộng). Như vậy, so với khoản thu khoảng 6 – 7 triệu đồng cũng từ hơn 4 sào ruộng cấy lúa (đã trừ đi chi phí mạ giống, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón các loại…) thì trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế cao gấp từ 4 – 5 lần, ông Tráng phân tích.

Chủ tịch Hội CCB xã Hồng Phong – Lê Văn Đồng cho biết: Nhờ ý chí tự lực tự cường giúp nhau phát triển kinh tế, những CCB rời tay súng trở về quê hương với hành trang chỉ là chiếc ba lô, không vốn liếng, không kinh nghiệm sản xuất, hầu hết gia cảnh khó khăn, nhưng với phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ” khó khăn nào cũng vượt qua, lại được sự giúp đỡ động viên của đồng đội, gia đình và xã hội, các CCB xã Hồng Phong đã vượt lên chính mình. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong Hội giảm từ 5,1% (năm 2014) xuống còn 0,22% (năm 2019), tỷ lệ hộ khá và giàu tăng lên rõ rệt.

Thăm quan mô hình ông Trần Thanh Xuân (thôn Thái Phú Đoài) – hộ tiêu biểu nuôi tằm với sản lượng lớn.

Đồng thời xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới như : CCB Trần Văn Thước (Chi hội thôn Nghĩa Tường) ủng hộ 23 triệu đồng, CCB Phạm Công Nhàn ủng hộ 10 triệu đồng và 40 m2 đất, CCB Lưu Hồng Thái ủng hộ 10 triệu đồng và còn rất nhiều đồng chí ủng hộ từ 5 - 10 triệu đồng.

Ngoài ra, hàng năm Hội đều tổ chức nói chuyện và giáo dục truyền thống cho học sinh trong xã; phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức các giải bóng đá thiếu niên hè, tổ chức Tết trung thu và nhiều hoạt động khác. Đặc biệt, Hội CCB xã Hồng Phong đã thành lập tổ hòa giải tại cơ sở thôn Tương Đông và hòa giải thành công 5 vụ, hàn gắn mối đoàn kết tình làng nghĩa xóm; được tổ chức Hội cấp trên khen thưởng về thành tích trong công tác hòa giải tại cơ sở; được Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, UBND tỉnh Thái Bình và Hội CCB tỉnh tặng bằng khen./. 

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam