Doanh nghiệp có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm?

Bạn đọc, Hộp thư bạn đọc | 07:35:00 20/07/2020

Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.

Ông Phạm Trần Hiền (TPHCM) làm việc tại doanh nghiệp Nhà nước. Trong thời gian dịch Covid-19, công ty ông thực hiện giãn cách ngày làm việc. Theo đó, nghỉ từ ngày 1/4/2020 đến ngày 15/4/2020. Sau đó công ty ban hành văn bản gia hạn nghỉ đến ngày 29/4/2020.

Công ty thông báo những ngày nghỉ sẽ chấm công trừ ngày phép năm, ai hết phép sẽ tính thời gian giãn việc và nhận 75% lương. Từ ngày 4/5/2020, công ty thông báo, tất cả nhân viên phải đăng ký nghỉ hết phép năm, nếu không nghỉ hết công ty sẽ không thanh toán tiền những ngày phép không nghỉ (trong thỏa ước lao động của công ty ông Hiền và trong Bộ luật Lao động quy định nếu người lao động không nghỉ hết phép thì người sử dụng lao động thanh toán bằng tiền).

Ông Hiền hỏi, người sử dụng lao động có quyền bắt buộc người lao động nghỉ phép không? Người sử dụng lao động có quyền bắt người lao động đăng ký nghỉ phép trước từ đầu năm không? Nếu người lao động không đăng ký nghỉ phép có bị xử lý kỷ luật không?

Các chức danh như thành viên Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên tại công ty có được Nhà nước quy định ngày nghỉ phép không? Các chế độ về ngày phép của cán bộ công chức quản lý doanh nghiệp được quy định ra sao?

Về vấn đề này, Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Tại Khoản 2 Điều 111 Bộ luật Lao động quy định: “Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động”.

Như vậy, người sử dụng lao động quyết định việc thực hiện chế độ nghỉ hằng năm (thời điểm nghỉ hằng năm, thời gian nghỉ cụ thể...).

Trong trường hợp nghỉ giãn cách xã hội, người sử dụng lao động tham khảo ý kiến của người lao động trước khi quyết định lịch nghỉ hằng năm và thông báo trước cho người lao động là phù hợp quy định của pháp luật lao động.

Ngoài ra đề nghị ông tham khảo Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL ngày 25/3/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

Về quy định ngày nghỉ phép cho các chức danh như thành viên Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên: Tại Điều 5 Bộ luật Lao động quy định quyền của người lao động là được nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương… (người lao động được định nghĩa tại Điều 3 Bộ luật Lao động, là người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động).

Tại Khoản 1 Điều 111 quy định, “Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương”.

Điều 13 Luật Cán bộ, công chức quy định, “Cán bộ, công chức được nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, nghỉ để giải quyết việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động”.

Đề nghị ông nghiên cứu thực hiện theo quy định pháp luật, liên hệ với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại địa phương để được hỗ trợ pháp lý theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Chinhphu.vn

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam