Lao Chải vươn lên giảm nghèo nhờ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội

Thời sự, Thời sự, Xã hội | 10:05:00 29/07/2020

TNV - Mấy năm gần đây, xã Lao Chải thuộc huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), giúp hàng trăm hộ nông dân có sinh kế ổn định, thoát nghèo bền vững. 5 năm gần đây, tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 8,4% mỗi năm.

Chủ động hướng dẫn bà con tiếp cận nguồn vốn

Theo ông Bùi Văn Hóa (Giám đốc NHCSXH huyện Mù Cang Chải), tính đến ngày 30/6/2020 tổng dư nợ xã Lao Chải đạt 45.489 triệu đồng, giải ngân tại điểm giao dịch xã đạt 100%, tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt 98%, tỷ lệ thu lãi đạt 100%; không có nợ quá hạn. Đặc biệt, xã Lao Chải là địa phương có dư nợ các chương trình tín dụng chính sách lớn nhất toàn tỉnh, huyện với tổng dư nợ chiếm 17,2% tổng dư nợ toàn huyện (gồm 14 xã, thị trấn).

Cứ vào ngày 19 hàng tháng, được xã cho mượn hội trường làm việc, NHCSXH
huyện lại tiến hành phiên giao dịch, đồng thời họp đánh giá kết quả hoạt động trong tháng
và triển khai công việc tháng sau. Ảnh: V. Hóa  

Buổi chiều một ngày giữa tháng Bẩy (năm 2020), giữa cái nắng nóng rần rật, tôi được anh Thắng (Phó Giám đốc NHCSXH Mùa Cang Chải) đích thân lái xe đưa tới xã Lao Chải năm cách trung tâm huyện chừng 10km.

Ông Lý A Lù (Phó Chủ tịch UBND xã) tiếp chuyện cho biết, Hội Nông dân xã là tổ chức hoạt động các nghiệp vụ ủy thác từ NHCSXH có hiệu quả nhất, dư nợ cao nhất; nhưng tiếc quá, hôm nay Chủ tịch Hội là Giàng A Tồng lại đi bản Cù Dì Sáng A huy động bà con sửa chữa nhà giúp cho gia đình Giàng A Cụ vừa bị trận mưa to hôm 13/7 vừa rồi làm sạt lở.

Được biết, hiện Hội Nông dân xã đang quản lý 15 Tổ TK&VV, 617 hộ vay vốn, tổng dư nợ đạt 25.236 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 55,5 % trên tổng dư nợ ủy thác toàn xã. Kế tiếp là Đoàn thanh niên đang quản lý 4 Tổ TK&VV, 201 hộ còn dư nợ, tổng dư nợ 7.871 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 17,3% ; Hội Cựu chiến binh quản lý 4 Tổ TK&VV, 178 hộ còn dư nợ, tổng dư nợ 7.091 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 15,6% ; Hội Phụ nữ quản lý 4 Tổ TK&VV, 136 hộ còn dư nợ, tổng dư nợ 5.292 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 11,6 % trên tổng dư nợ ủy thác.

Hộ Giàng A Sinh (bản Lao Chải) vay vốn NHCSXH nuôi trâu nhốt chuồng
và lợn đen, mang lại cuộc sống tươm tất cho gia đình. Ảnh: P. Quỳnh

Nhìn đồng hồ đã gần 4h chiều, mà bản Cồ Dì Sang A nằm cách trung tâm xã khoảng 11km, đường núi lại nhỏ hẹp cheo veo khó đi, không kịp về huyện trước lúc trời tối, nên ý định lên thăm các mô hình vay vốn làm ăn thoát nghèo ở bản Cồ Dì Sang A đành gác lại.

Được Ủy ban xã bố trí, chị Lưu Thị Huệ (cán bộ địa chính) và anh Giàng A Của (Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh) xã tận tình đưa chúng tôi lên bản Lao Chải, bản 100 % dân tộc Mông nằm trên đỉnh núi phía trước mặt.

Con đường nông thôn mới được đổ bê tông phẳng phiu, sạch sẽ và tương đối rộng, chạy quanh co lên tận đỉnh núi. Bởi đường xá khá thuận lợi, cảnh núi rừng xanh mát, và từ độ cao này dễ dàng phóng tầm mắt nhìn ra hồ thủy điện ở phía dưới, những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ bên đường, nên thi thoảng tôi lại gặp những chiếc xe hơi mang biển số Hà Nội đang đổ dốc, nét mặt mọi người thích thú, luôn dùng điện thoại quay clip và chụp ảnh.

Chiếc xe đang leo dốc thì anh Của ra hiệu dừng lại, đưa chúng tôi vào thăm mô hình chăn nuôi của Giàng A Sinh (38 tuổi). Nghe có khách tấm tắc khen 02 con trâu béo mượt đang cọc trong chuồng, anh Sinh đang ở trong nhà ngập ngừng bước ra. Nhìn thấy người quen đã giúp mình vay vốn, anh mạnh dạn dẫn tới thăm đàn lợn giống bản địa hơn chục con, mỗi con độ 20 – 30 kg đang ủn ỉn trong chuồng.

A Sinh kể, dăm năm trước giữa lúc đang thiếu vốn làm ăn, mình được tổ TK&VV hướng dẫn làm thủ tục vay NHCSXH 50 triệu đồng để mua 02 con trâu non và 02 lợn con về làm nái. Với phương thức chăn nuôi trâu vỗ béo dăm bảy tháng đến 01 năm, thấy được giá là bán và tiếp tục mua trâu ghé nhỏ hơn, ít tiền hơn về vỗ béo, sau gần 3 năm A Sinh đã trả hết nợ ngân hàng nhờ tiền lãi từ nuôi trâu vỗ béo, bán mấy lứa lợn con và trồng 01ha táo mèo. Đến nay, A Sinh đã mua đất, dựng nhà ở riêng và thoát nghèo; dự định vài năm tới sẽ dựng ngôi nhà mới khang trang hơn.

 Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình Giàng A Cộng (bản Lao Chải) đã ổn định
đời sống, tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Ảnh: P. Quỳnh

Rời ngôi nhà khá tươm tất tiện nghi sinh hoạt của A Sinh, chiếc xe lại tiếp tục leo dốc đưa chúng tôi lên khu dân cư ở gần đỉnh núi. Từ con đường trục chính chạy dọc bản, chúng tôi men theo lối đi nhỏ trải bê tông chừng dăm chục mét là tới khu chuồng trại nuôi trâu bò, lợn của thanh niên Giàng A Cộng (34 tuổi).

Tôi thắc mắc hỏi A Cộng: Nghe nói gia đình mình có 06 con trâu, sao trong chuồng chỉ thấy 01 con? Giàng A Cộng giải thích, 05 con trâu đang thả trong rừng là con cái, còn con đực này hay quậy phá nên phải nhốt ở chuồng cho ăn cỏ vỗ béo. Nhìn những bãi phân trâu còn mới và chi chít vết móng trâu để lại trên mặt chuồng, ai cũng tin và thấy có lý với lời nói thật thà của A Cộng.

Ngắm nhìn mấy ô chuồng nuôi lợn, có cả thảy 13 con toàn là giống lợn đen của người Mông, gồm 01 con nái, mấy con lợn nhỡ chuẩn bị xuất bán còn lại là sáu, bẩy chú lợn choai choai từ 10 – 20kg trông thật thích mắt. Chúng tôi nhẩm tính, với giá lợn đang cao, trừ con nái ra thì đàn lợn cũng có trị giá 30 – 35 triệu đồng. Được biết, tháng Ba năm nay gia đình anh đã bán 10 con lợn giống được trên 20 triệu đồng.

Cảnh đẹp ruộng bậc thang xã Lao Chải. Ảnh: Lưu Huệ

“Ngày đầu mới lấy vợ, ra ở riêng, muốn phát triển chăn nuôi nhưng chẳng biết hỏi vay vốn ở đâu, thấy vậy, năm 2015 anh Hảng A Sáu (Tổ trưởng tổ TK&VV) ở cùng bản đã tiến hành họp tổ và bình xét cho tôi được vay 50 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH”, anh Cộng nói với giọng đầy xúc động biết ơn.

Có vốn, A Cộng mua 01 con bà, 01 con trâu và 01 con lợn làm giống. Thấy A Cộng nhanh nhẹn tháo vát lại có bằng cao đẳng nên bà con bầu A Cộng làm trưởng bản, chàng trai trẻ càng phấn đấu làm ăn và tình nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo năm 2016. Được biết, đến tháng 6/2020, A Cộng đã trả hết khoản vay theo đúng kỳ hạn; kinh tế gia đình đã dư dả.

Nắm chắc tình hình làm ăn của bà con, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh

Trao đổi qua điện thoại, ông Giàng A Lử (Chủ tịch UBND xã) chia sẻ: Lao Chải là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn với 732 hộ nghèo (chiếm 46,1%) tổng số hộ toàn xã; hộ cận nghèo là 113 hộ (chiếm 7,12 %). Trên địa bàn xã đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 99%. Nên nhu cầu vay vốn của bà con là rất lớn, nhưng ngặt nỗi là bà con chưa biết cách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, và chưa tìm ra mô hình phát triển kinh tế gia đình hiệu quả.

Nhận thức rõ nguyên nhân này, cán bộ NHCSXH huyện luôn sát cánh cùng cán bộ xã và các tổ TK&VV nắm chắc tình hình làm ăn của bà con ở 14/14 bản; kịp thời bình xét, tạo thuận lợi để bà con vay nguồn vốn ưu đãi; vận động, hướng dẫn bà con tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt… để sử dụng vốn đúng mục đích, cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ vậy, hiện nay 1.132 hộ trong xã đã được sử dụng nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, phát triển chăn nuôi, sản xuất, trồng trọt đúng mục đích, cho hiệu quả kinh tế tốt; trong đó xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi vươn lên thành hộ giàu có, tiêu biểu như: mô hình chăn nuôi gà, vịt, dê, trâu của hộ Sùng A Khua (bản Đề Sủa)…; ông Giàng A Câu (bản Hồng Nhì Pá) nuôi 50 con lợn, 50 con dê, và 100 con gà vịt, cùng một số mô hình trồng cây ăn quả.

Mô hình chăn nuôi gà, vịt, dê, trâu cho hiệu quả kinh tế cao của hộ Sùng A Khua
(bản Đề Sủa). Ảnh: Đ. Thắng

Ông Hảng A Vàng (Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã) cho biết: Để đạt kết quả trên, Ủy ban nhân dân xã đã cương quyết chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác đôn đốc, nhắc nhở các Ban quản lý tổ TK&VV thực hiện nghiêm lịch giao dịch hàng tháng tại xã. Bố trí, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH huyện hội trường, bàn ghế làm việc nhằm phục vụ tốt nhất cho các hộ vay vốn, tổ trưởng tổ TK&VV đến giao dịch với Ngân hàng. Chỉ đạo tổ chức hội cấp xã, tổ trưởng tổ TK&VV chấp hành đúng giờ giao dịch, tham gia đầy đủ các buổi họp giao ban hàng tháng tại với NHCSXH huyện.

Ngoài ra, mấy năm qua 4 tổ chức (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên) nhận ủy thác trong xã đã phối hợp với NHCSXH huyện tổ chức được lớp tập huấn nghiệp vụ về quản lý vốn vay cho 60 người ở 27 Ban quản lý tổ TK&VV tham gia.

Cho nên, cán bộ các tổ TK&VV luôn nắm vững được nội dung công việc ủy thác, các chương trình cho vay, quy trình cho vay, hồ sơ vay vốn… và chủ động bình xét, hướng dẫn tạo thuận lợi để bà con vay vốn phát triển sản xuất cũng như nhắc nhở, kiểm tra bà con sử dụng đúng mục đích; thu lãi, thu tiết kiệm, kết nạp thành viên và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh./. 

Theo ông Trương Đăng Hùng (Trưởng phòng Lao động TB&XH huyện Mù Cang Chải): Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo xã Lao Chải là 73,1%, năm 2019 giảm xuống còn 46,1%; trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm được 53 hộ đạt trên 58% kế hoạch năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 8,4%/năm.

Được biết, Lao Chải là xã có tỷ lệ hộ nghèo lớn thứ 3 trong toàn huyện. Sau thị trấn, đây cũng là địa phương chịu tổn thất nặng nề do trận lũ lịch sử gây ra trên địa bàn huyện Mù Cang Chải vào tháng 8 năm 2017. 

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam