Xây dựng thành phố Phúc Yên sớm trở thành trung tâm kinh tế, đô thị, dịch vụ, du lịch và giáo dục của khu vực

Thời sự, Thời sự, Chính trị | 09:18:00 29/07/2020

TNV - Trên cơ sở những kết quả đạt được, Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ thành phố Phúc Yên lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025, dự kiến diễn ra từ ngày 3 – 5/8 khẳng định: “… khát vọng và quyết tâm xây dựng thành phố Phúc Yên sớm trở thành đô thị loại II và trở thành trung tâm kinh tế, đô thị; trung tâm về dịch vụ, du lịch và giáo dục của tỉnh và khu vực”.

Công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy và công nghiệp phụ trợ là chủ lực

Thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc có thế mạnh về phát triển công nghiệp, nhưng do tác động rất lớn từ chính sách giảm thuế nhập khẩu linh kiện và ô tô nguyên chiếc từ 40% năm 2016 xuống còn 30% năm 2017 dẫn đến sản lượng tiêu thụ và giá xe lắp ráp trong nước giảm mạnh, cùng với đại dịch Covid – 19… đã làm cho nhịp độ tăng trưởng ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy và công nghiệp phụ trợ của thành phố bị sụt giảm đáng kể, giá trị sản xuất không đạt chỉ tiêu kế hoạch.

 Dây chuyền lắp ráp ô tô tại Toyta Việt Nam (TP Phúc Yên). Ảnh: Hoàng Cúc.

Tuy nhiên, nhiệm kỳ 2015 - 2020 thành phố thu được kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, kinh tế trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng, giá trị sản xuất của các ngành kinh tế bình quân tăng 3,28%. Tổng giá trị sản xuất của các ngành kinh tế ước đạt 478,15 ngàn tỷ đồng; đến cuối năm 2020, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng ước đạt 94 ngàn tỷ đồng, ngành dịch vụ, du lịch đạt 6 ngàn tỷ đồng, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 490 tỷ đồng. Tỷ trọng: Công nghiệp, xây dựng 93,53% - dịch vụ 5,97% - nông, lâm, thuỷ sản 0,50%.

Hiện thành phố có 1.248 doanh nghiệp đang hoạt động và có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm “Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”. Riêng 5 năm qua, thành phố thành lập mới 725 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 4.104 tỷ đồng; cấp mới 3.394 giấy đăng ký kinh doanh cho hộ gia đình; có 325 doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động.

Sản xuất rau an toàn. Ảnh: Lâm Tài

Trong đó, thành phố xác định phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy và công nghiệp phụ trợ là ngành chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế; các sản phẩm gạch ốp, lát, công nghiệp hàng tiêu dùng tiếp tục phát triển, mở rộng thị trường. Công tác xây dựng cơ bản, các dự án trọng điểm, xây dựng kết cấu hạ tầng, các khu đô thị, dịch vụ, thương mại; khu, cụm công nghiệp được tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ.

Bên cạnh đó, Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế đưa du lịch, dịch vụ trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương. Khu du lịch Đại Lải, các khu nghỉ dưỡng tại xã Ngọc Thanh được quan tâm đầu tư. Hoạt động của khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại lải Resort, Paradise Resort; Sân gôn Đại Lải… đã có những đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Hiện tại, trên địa bàn đã và đang hình thành 11 khu đô thị, 6 trung tâm thương mại, siêu thị, 4 chợ cùng hệ thống các cửa hàng tiện ích phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa của Nhân dân. Hệ thống ngân hàng phát triển mạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh tiếp cận vốn vay, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống. Các hoạt động dịch vụ viễn thông, điện, nước phát triển mạnh; dịch vụ vận tải đa dạng; trong đó, dịch vụ tắc xi phát triển rộng khắp, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân. Tổng giá trị sản xuất các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch trong nhiệm kỳ ước đạt 23,74 ngàn tỷ đồng, tăng 13,16% so với nhiệm kỳ trước.

Hoàn thànhnhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Ngành sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, thành phố đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng và mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp hữu cơ và huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Tuy diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm 2,57%/năm nhưng năng suất các loại cây trồng đều tăng do áp dụng các tiến bộ mới về giống và kỹ thuật canh tác. Việc cơ giới hóa trong khâu làm đất chiếm 95% tổng diện tích, thu hoạch lúa bằng máy đạt trên 70%.

Cánh đồng hoa ly xã Ngọc Thanh. (Ảnh: Phòng Văn hóa cung cấp)

Các cây trồng có giá trị kinh tế cao được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; đã hình thành vùng chuyên canh trồng hoa tại xã Cao Minh 3ha, xã Ngọc Thanh 17ha. Đồng thời, hình thành một số trang trại sản xuất tập trung về chăn nuôi lợn; chăn nuôi gia cầm chuyên trứng, chuyên thịt và xây dựng được 01 mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ thịt lợn.

Mặt khác, thành phố đang hoàn thiện quy trình sản xuất và phát triển thương hiệu Tương Khả Do của phường Nam Viêm; thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học trồng thử nghiệm cây Sâm bổ trên vùng đất phù sa và đất đồi; hình thành 3 mô hình sản xuất rau, quả an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP và 4 hợp tác xã liên kết chuỗi với đơn vị bao tiêu sản phẩm.

Làng sản xuất tương Khả Do. Ảnh: Lâm Tài

Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục phát triển; rừng trồng tập trung đạt 60 ha/năm, cây phân tán đạt 150 ha/năm, tăng bình quân 2,92%/năm; khoán quản lý bảo vệ rừng 3,76 ngàn ha/năm; sản lượng gỗ khai thác đạt bình quân 800 m3, tăng bình quân 1,93%/năm; gieo ươm cây giống đạt 2 triệu cây hàng năm; tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 26,4% năm 2016 lên 31,1% năm 2019.

Diện tích nuôi trồng thủy sản ổn định khoảng 300 ha/năm; sản lượng thủy sản tăng bình quân 1,84%/năm, một số tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, giống cá mới được đưa vào sản xuất đạt năng suất, chất lượng. Nhiều diện tích mặt nước ao, hồ được khai thác, diện tích nuôi thâm canh được duy trì; giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt 155 triệu đồng/ha. Tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 2,42 ngàn tỷ đồng, tăng 3,01% so với nhiệm kỳ trước.

Đảo ngọc xanh trên hồ Đại Lải.

Đặc biệt, thành phố đã huy động và tập trung mọi nguồn lực hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2017, thị xã được UBND tỉnh quyết định công nhận 4/4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%); năm 2018, xã Tiền Châu và xã Nam Viêm trở thành phường, thị xã Phúc Yên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Năm 2019, thành phố được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 đạt 144,495 ngàn tỷ đồng, bình quân tăng 16,6%/năm, vượt mục tiêu đại hội (MTĐH từ 8-10%). Thu nhập bình quân đầu người tính đến năm 2019 đạt 57,96 triệu đồng/người/năm.

Một trong 2 địa phương đầu tiên trong tỉnh có 100% trường học đạt chuẩn quốc gia.

Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố tập trung triển khai nhiều dự án xây dựng trọng điểm của tỉnh, huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Theo đó, đã triển khai 20 dự án chỉnh trang đô thị với tổng số vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, trong đó, có 12 dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, 8 dự án giao thông hoàn thành đưa vào sử dụng; quan tâm xây dựng không gian công cộng đô thị phục vụ sinh hoạt cho cộng đồng dân cư; đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa 42 dự án thuộc ngành giáo dục với kinh phí bình quân chiếm 30% ngân sách đầu tư xây dựng của thành phố, góp phần hoàn thành tiêu chí trường chuẩn quốc gia.

Các tuyến đường tỉnh lộ 301, 308, 310 với tổng chiều dài 28,5km; đường Nguyễn Tất Thành dài 7,7km, nhiều dự án giao thông trọng điểm được đầu tư phục vụ phát triển kinh tế của thành phố và các vùng lân cận đã phát huy hiệu quả cao. Hệ thống điện chiếu sáng được quan tâm đầu tư trên 158 tuyến đường; các khu vực công cộng được chiếu sáng đạt trên 95%; đèn trang trí tại các giao lộ chính và các khu trung tâm trong đô thị đã và đang được triển khai, góp phần tạo cảnh quan chung cho đô thị.

Thành phố Phúc Yên – diện mạo đô thị trẻ và hiện đại. (Ảnh: Phòng Văn hóa cung cấp)

Trong những năm qua sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thành phố Phúc Yên đã đạt được một số thành tựu nhất định. 100% nhà trường đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá học sinh; triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Chất lượng học sinh giỏi giữ ổn định, nhiều học sinh đạt giải cấp tỉnh, cấp quốc gia. Học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm đạt 99,3%, tăng 1,3% so với nhiệm kỳ trước. Thành phố Phúc Yên tự hào là một trong 2 địa phương đầu tiên trong tỉnh có 100% trường học đạt chuẩn quốc gia.

Các chỉ tiêu về y tế đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trụ sở Trung tâm y tế, mạng lưới y tế trên địa bàn thành phố được quan tâm đầu tư và phát triển; Trung tâm y tế được xây dựng cơ bản hoàn thành; các cơ sở y tế của Trung ương và tỉnh đóng trên địa bàn trở thành điểm sáng trong công tác khám, chữa bệnh phục vụ Nhân dân trong khu vực

Trong nhiệm kỳ, thành phố đã giải quyết được trên 12.500 lao động có việc làm mới, xuất khẩu lao động trên 600 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối nhiệm kỳ đạt trên 80%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,05% (đầu nhiệm kỳ) xuống còn 0,55%, (vượt MTĐH).

Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc trẻ em, thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng. Thành phố đã xây mới, sửa chữa nhà cho 109 hộ có công khó khăn về nhà ở; thăm hỏi và tặng quà các đối tượng chính sách với số tiền trên 18 tỷ đồng; Ngân sách thành phố cấp 1,8 tỷ đồng để thực hiện các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em.

Ngoài ra, đã hướng dẫn và xét duyệt trên 1.200 người được hưởng chế độ Bảo trợ xã hội; chi trả gần 20 tỷ đồng/năm cho trên 2.700 người được hưởng chế độ; cấp 10.788 lượt thẻ BHYT cho số nhân khẩu nghèo và cận nghèo; cấp 8.313 lượt thẻ BHYT cho đối tượng Bảo trợ xã hội.

Đưa du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ thành phố Phúc Yên lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025, dự kiến diễn ra từ ngày 3 – 5/8/2020 khẳng định: “… khát vọng và quyết tâm xây dựng thành phố Phúc Yên sớm trở thành đô thị loại II và trở thành trung tâm kinh tế, đô thị; trung tâm về dịch vụ, du lịch và giáo dục của tỉnh và khu vực.

Công trình thanh niên “Trang trí cột điện” của tuổi trẻ thành phố. Ảnh: V. Linh

Để thực hiện mục tiêu này, thành phố tiếp tục xác định: Công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy, các sản phẩm phụ trợ là ngành kinh tế chủ lực; tạo thuận lợi để công ty Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Toyota Boshoku Hà Nội mở rộng sản xuất kinh doanh. Phát triển ngành công nghiệp sản xuất gạch ốp lát, xây dựng; quan tâm phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng. Phấn đấu trong nhiệm kỳ các dự án sẽ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Có giải pháp đột phá để phát triển dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng Đại Lải và một phần xã Ngọc Thanh trở thành khu du lịch, dịch vụ cao cấp. Phát triển mạnh mô hình dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, đầu tư xây dựng mô hình Trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm phục vụ du lịch tại các khu du lịch, nghỉ dưỡng.

Quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh; phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, hướng đến các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ phục vụ dân cư đô thị. Từng bước xây dựng một số mô hình sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu gắn với du lịch, dịch vụ của thành phố.

Phát triển các khu đô thị dọc 2 bên đường Nguyễn Tất Thành; các vị trí đấu giá quyền sử dụng đất ở các phường, xã. Tập trung giải phóng mặt bằng, xây dựng Khu trung tâm Chính trị - Hành chính và công viên cây xanh thành phố; hoàn thành việc xây dựng các khu đô thị chất lượng cao, như: Khu đô thị Hùng Vương - Tiền Châu, Xuân Hòa, Nam Phúc Yên, TMS Land... để thu hút công dân, chuyên gia giỏi nước ngoài và trong nước đến sinh sống, làm việc.

Sân golf Đại Lải . (Ảnh: Phòng Văn hóa cung cấp)

Đề xuất xây dựng nút giao IC2 cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại Nam Viêm, đường Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Cừ giai đoạn 2 kết nối với Sóc Sơn và sân bay Nội Bài; đường Vành đai 5 (Đèo Nhe - Thái Nguyên), tạo lợi thế cho các khu công nghiệp, dịch vụ logictis, du lịch và các đô thị hiện đại tại Phúc Yên phát triển.

Chú trọng thu hút đầu tư phát triển nhanh dịch vụ y tế, giáo dục ngoài công lập; ưu tiên xây dựng các cơ ở y tế, bệnh viện quốc tế, bệnh viện dưỡng lão chuyên ngành; các cơ sở giáo dục liên cấp, song ngữ chất lượng cao. Nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn của các bậc học; phấn đấu chất lượng giáo dục của thành phố luôn đứng trong tốp 3 của tỉnh. Khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư các loại hình giáo dục tư thục chất lượng cao.

Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, bên cạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm Đảng bộ thành phố cũng tập trung thực hiện 3 khâu đột phá: (1) Tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực thi công vụ. (2) Quyết liệt chỉ đạo giải quyết dứt điểm những điểm nghẽn trong công tác bồi thường, GPMB; tập trung nguồn lực đầu tư có trọng điểm các công trình hạ tầng kỹ thuật làm thay đổi căn bản diện mạo, tạo điểm nhấn cho đô thị Phúc Yên. (3) Thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư vào đô thị, dịch vụ, du lịch; đưa du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố./.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam