Hà Nội - tình yêu và nỗi nhớ của Trần Văn Cường

Giải trí, Giải trí, Văn hóa | 15:57:00 07/08/2020

TNV - Hà Nội có nhiều mùa để nhớ nhưng có lẽ khi viết về Hà Nội, nhà thơ nào cũng dành cho mùa thu những tình cảm đặc biệt. Mùa thu Hà Nội cũng có một đặc quyền đẹp nhất trong thơ Trần Văn Cường.

Có một thành phố đã đi vào thơ văn, nhạc họa một cách tự nhiên, đa màu và nhiều cảm xúc, ấy là Hà Nội. Nói như các văn nghệ sĩ thì Hà Nội đã khiến các nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ “tốn văn, tốn chữ, tốn nhạc, tốn màu”. Mỗi người nghệ sĩ có một cách rất riêng để bày tỏ tình yêu đối với Hà Nội, Trần Văn Cường cũng vậy. Anh không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, đây chỉ là một địa danh anh đặt chân đến trong một vài lần công tác nhưng Hà Nội đã trở thành niềm thương nỗi nhớ trong anh. Bài thơ “Hà Nội - tình yêu và nỗi nhớ” được ra đời từ những cảm xúc ấy.

Tác giả Trần Văn Cường

Mở đầu bài thơ, tác giả viết:

Hà Nội ơi!

Ta xa nhau mấy độ thu rồi

Hương hoa sữa vẫn nồng nàn góc phố

Nghe hương cốm thoảng về trong gió

Tóc em bay biết mấy xuân ngời

Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Không phải ngẫu nhiên chúng ta nhớ thương, lưu luyến một địa danh nào đó nếu như nó không gắn với những kỷ niệm của riêng mình. Trần Văn Cường gửi tình yêu đối với Hà Nội bởi ở đó có những kỷ niệm đẹp về một thời anh đã từng mộng mơ.

Câu cảm thán “Hà Nội ơi!” không chỉ là tiếng gọi mà còn là tiếng lòng tác giả khi nỗi nhớ kìm nén chợt bật nên thành lời. Tác giả sử dụng mùa thu làm đơn vị đo lường có tính biểu trưng về thời gian. Nhân vật trữ tình trong bài thơ này không nhớ nổi thời gian chia xa người con gái ấy là bao lâu, “mấy độ thu rồi” không phải là thời gian cụ thể, nhưng chắc hẳn thời gian ấy đã lùi vào quá khứ xa xăm lắm, và hai người đã xa nhau từ rất lâu rồi. Và nỗi nhớ cũng không thể nào đong đếm bằng thời gian cụ thể. Câu thơ, vì thế, càng giàu cảm xúc hơn nhờ tài khéo léo sử dụng ngôn từ ước lượng của tác giả.

Hà Nội có nhiều mùa để nhớ nhưng có lẽ khi viết về Hà Nội, nhà thơ nào cũng dành cho mùa thu những tình cảm đặc biệt. Mùa thu Hà Nội cũng có một đặc quyền đẹp nhất trong thơ Trần Văn Cường. Trong “Hà Nội - tình yêu và nỗi nhớ”, ta thấy một  mùa thu Hà Nội dịu dàng mà lay động, nhẹ nhàng mà sâu sắc với hoa sữa thơm hương “nồng nàn góc phố”, với hương cốm thoảng về trong gió heo may. Chỉ điểm qua một chút thôi nhưng mùa thu Hà Nội đã hiện lên với bao hình ảnh đặc trưng qua ngòi bút đặc tả tinh tế của tác giả. Và trên cái nền đó, hình ảnh “em” đã hiện lên với bao sắc xuân ngời đầy sức sống.

Để rồi ký ức về em lại hiện ra trước mắt nhân vật trữ tình: đó là những kỷ niệm cùng em dạo quanh phố phường Hà Nội, ngắm những cánh hoa sưa trắng tinh khôi vương trên mái chùa Một Cột, để mỗi lần nhớ Hà Nội là mỗi lần “anh” lại thêm ngẩn ngơ đắm chìm trong vẻ đẹp của hoa sưa, để sống lại những kỷ niệm ngọt ngào với “em”. Nhớ những chiều thu sánh vai em dạo bước bên Hồ Tây lộng gió, nhớ lời thề trao nhau giữa buổi chiều tím hoàng hôn. Ta thấy, cách lựa chọn không gian và thời gian của Trần Văn Cường ở đây đều rất “tình”:

Em ngọt ngào sánh bước bên anh

Hoa sưa vương mái chùa Một Cột

Phút thẹn thùng làn môi xinh e ấp

Trao hẹn thề giữa chiều tím hoàng hôn

Tôi đặc biệt thích câu thơ “Hoa sưa vương mái chùa Một Cột”. Hà Nội đã đi vào thơ của Trần Văn Cường thật tinh tế! Không phải là hoa sưa “rụng” hay hoa sưa “rơi” mà là hoa sưa “vương’. “Vương” vừa là động từ, vừa là tính từ, vừa hữu hình lại vừa vô hình, rất phù hợp để diễn tả cảm xúc, nhất là những cảm xúc gợi nên từ kỷ niệm, khiến cho người đọc cũng cộng hưởng niềm khắc khoải, nhung nhớ cùng với nhân vật trữ tình.

Và ta thấy, mỗi khổ thơ trong bài đều có sự hiện diện của “em”. Nhớ Hà Nội là bởi có hình bóng em, có tình em. Cho nên, tác giả đã đặt nhan đề bài thơ là Hà Nội - tình yêu và nỗi nhớ là vì lẽ đó.

Ở bài thơ này, mạch cảm xúc được Trần Văn Cường thể hiện trên trục thời gian tuyến tính: những ngày bên em - ngày chia tay nhau - và hiện tại khi “em” chỉ còn trong ký ức. Mỗi khổ thơ, mỗi khúc đoạn thời gian ấy gắn với một nỗi niềm, một cảm xúc riêng. Nếu quá khứ - những ngày bên em trở về trong hoài niệm của tác giả về những kỷ niệm ngọt ngào thuở ban đầu: “phút thẹn thùng làn môi xinh e ấp” thì ngày chia tay nhau lại chìm vào cảm xúc lưu luyến, vấn vương:

Anh đi xa mang theo dáng Thủ đô

Cả dáng em chiều chiều bỡ ngỡ

Bài thơ xưa anh viết còn dang dở

Của mối tình khờ dại tuổi đôi mươi

Đọc hai câu thơ đầu của khổ thơ này, bất chợt khiến tôi nhớ tới câu thơ “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” (Tây tiến) của nhà thơ Quang Dũng. Dường như Hà Nội và thiếu nữ luôn nằm trong mối liên tưởng của người nghệ sĩ bởi sự yêu kiều, thơ mộng. Dáng em và dáng Thủ đô đã theo nhân vật trữ tình đến suốt cuộc đời: “Hà Nội và em theo suốt cuộc đời tôi”. Hai câu sau tác giả nhắc đến những kỷ niệm rất đẹp qua sự dang dở của bài thơ anh viết ngày xưa và qua mối tình thuở đôi mươi. “Thuở đôi mươi” là một cụm từ phiếm chỉ, để nói lên độ tuổi đẹp nhất, sung sức nhất của tuổi trẻ, và mối tình giữa anh và em vẫn còn khờ dại, lời tỏ tình vẫn còn dang dở bởi ngày xưa anh chưa dám thổ lộ hết cùng em cũng giống như bài thơ anh viết tặng em năm nào. Nhưng chính vì còn dang dở mà nó mới đẹp, mới đầy sự nuối tiếc trong anh khi “em” chỉ còn là nỗi nhớ, chỉ còn là niềm lưu luyến mãi khôn nguôi.

Bài thơ khép lại bằng những tình cảm ngọt ngào, nồng nàn, lắng đọng trong tâm hồn nhân vật trữ tình và niềm mong ước giản đơn nhưng rất chính đáng là một ngày được sánh bước cùng em ôn lại ký ức thuở ban đầu trên mảnh đất thủ đô tươi đẹp:

Ta trao em vị ngọt trong lành

Con phố nhỏ lưu lời thề vụng dại

Nồng nàn môi em, nồng nàn tim ta mãi

Ước một ngày về chốn cũ cùng em

“Hà Nội - tình yêu và nỗi nhớ” đã đưa người đọc chìm vào dòng ký ức, được sống chậm lại và cảm nhận một Hà Nội trữ tĩnh, yên bình, với mùa thu lãng mạn, với 36 phố phường vọng về trong lịch sử, với tháp rùa cổ kính soi bóng xuống Hồ Gươm và trên hết là tình yêu trong sáng thuở đôi mươi của nhân vật trữ tình.

Đọc bài thơ “Hà Nội - tình yêu và nỗi nhớ” của Trần Văn Cường, chắc hẳn mỗi người sẽ tìm được cho mình một cảm giác bình yên, sâu lắng và đặc biệt là nhìn thấy bóng dáng của mình trong đó. Bài thơ đi vào lòng người một cách tự nhiên, ấn tượng, chất chứa nhiều cảm xúc về tình cảm lứa đôi và một tình yêu da diết, vĩnh hằng đối với “Thành Phố Vì Hòa Bình” - Thủ đô ngàn năm văn hiến của chúng ta.

Tôi cho rằng những vần thơ này sẽ “sống mãi với thời gian” bởi sự mới mẻ về nội dung và cách sử dụng từ ngữ cũng như dụng ý nghệ thuật tài tình của tác giả Trần Văn Cường.

Quế Hương

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam