Hội thảo văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu

Doanh nhân, Doanh nhân, | 19:31:00 11/09/2020

 TNV - Nhằm tổ chức một diễn đàn đa chiều về văn hóa doanh nghiệp gắn với phát triển thương hiệu, đưa ra các ý kiến đóng góp để từ đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, Báo Văn hóa phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức “Hội thảo Văn hóa Doanh nghiệp và Phát triển Thương hiệu” tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ngày 11 tháng 09  tại Hà Nội

Xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với xây dựng văn hóa doanh nghiệp đặc biệt là truyền thông nội bộ đang là chủ đề quan trọng và được sự quan tâm của các tổ chức quan tâm đến phát triển bền vững. Nội dung chính của Hội thảo tập trung vào quan hệ tương tác giữa xây dựng văn hóa doanh nghiệp góp phần tích cực vào phát triển thương hiệu của doanh nghiệp, từ đó phát triển kinh doanh một cách bền vững.

Vào những năm 1970, sau sự thành công rực rỡ của các công ty Nhật và đặc biệt đã thành công vang dội trên đất Mỹ, các công ty Mỹ bắt đầu đi nghiên cứu và quan tâm đến văn hoá doanh nghiệp; vốn được coi là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào sự thành công của các công ty Nhật trên khắp thế giới. Vào đầu thập kỷ 90 người ta bắt đầu đi nghiên cứu và tìm hiểu sâu về văn hoá doanh nghiệp. Đặc biệt vào những năm gần đây, khái niệm văn hoá doanh nghiệp ngày càng sử dụng phổ biến, văn hoá doanh nghiệp đã và đang được nhắc tới như là một “tiêu chí” để đánh giá doanh nghiệp; cũng có quan niệm mới cho rằng, văn hoá doanh nghiệp chính là “tài sản vô hình” của mỗi doanh nghiệp.

Tại Hội thảo PGS.TS Dương Thị Liễu – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh chia sẻ: Văn hóa doanh nghiệp là một trong những công cụ quan trọng nhất của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc quản lý điều hành, là yếu tố căn bản trong công tác quản trị doanh nghiệp để dẫn dắt sự phát triển bền vững trong thời kỳ cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Văn hóa doanh nghiệp là bản sắc riêng, là tư tưởng và niềm tin phát triển của doanh nghiệp. Đó luôn là năng lực cạnh tranh và sức mạnh riêng có để các doanh nghiệp phát triển mạnh, bền vững, không chỉ trong hiện tại mà đặc biệt là trong kỷ nguyên 4.0.

Vậy trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang biến đổi toàn cầu, liệu có cần thiết phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp nữa hay không? Câu trả lời là rất cần thiết, bởi các lý do sau:

Trong cách mạng công nghiệp 4.0, khi công nghệ phát triển nhảy vọt, robot và trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người từ những công việc chân tay tới khả năng đánh giá tổng thể hay kỹ năng quản lýthì Robot vẫn không thể thay thế con người bởi những giá trị đặc trưng của con người là niềm tin, đạo đức, sự tương tác và kết nối…Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được việc đưa ra quyết định về chiến lược của công ty, hay về hoà giải khi có tranh chấp... Có nghĩa là con người vẫn còn chỗ đứng trong nhiều lĩnh vực cụ thể, yếu tố con người, nguồn lực con người vẫn không thể thiếu trong cuộc cách mạng này, mà chừng nào còn sự xuất hiện của con người thì chừng đó yếu tố văn hóa vẫn tồn tại. Với văn hóa, con người sẽ không trở thành nô lệ cho robot.Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI Việt Nam: Văn hóa doanh nghiệp là “cái neo” nhân văn trong thời CMCN 4.0 đang diễn ra như vũ bão, thiếu cái neo nhân bản thì sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ có thể dẫn đến thảm họa cho con người, doanh nghiệp và xã hội.Chính các doanh nhân sẽ vẫn là người thắp lửa và lo phần hồn và cốt cách cho doanh nghiệp, chăm lo các giá trị đạo đức, nhân văn của doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp cần giá trị đạo đức và niềm tin - một giá trị riêng của con người mà robot không có được. Trong CMCN 4.0, xây dựng văn hóa doanh nghiệp có nghĩa là tạo dựng giá trị, niềm tin chung vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong môi trường với sự tham gia của các chủ thể đa dạng hơn, bao gồm con người và robot, chứ không chỉ là con người với con người như trước kia, sự tương tác giữa các chủ thể với thế giới bên ngoài cũng đa chiều hơn. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời 4.0 tốt sẽ giúp hài hòa và tạo sự hợp tác - tương tác tốt giữa con người với robot trong công việc, từ đó, tận dụng được cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0  mang lại.

Trong sự bùng nổ của cuộc CMCN 4.0, mọi công nghệ, thiết kế hay sự sáng tạo đều có thể được chuyển giao hoặc sao chép nhanh chóng và dễ dàng. Ngay cả trong lĩnh vực nhân tài, cũng có thể tận dụng trí tuệ và kỹ năng của những người giỏi nhất thế giới để tạo ra những sản phẩm tốt nhất. Nhưng duy chỉ trừ một thứ duy nhất không thể sao chép hay ăncắp được, đó chính là văn hóa doanh nghiệp.  Điều này cho thấy, văn hóa doanh nghiệp là bộ “gen” giải mã bản sắc riêng và là nguồn cội tạo ra sự khác biệt lớn nhất cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp thời kỳ CMCN 4.0. Và mặc nhiên điều này luôn được coi là năng lực cạnh tranh và sức mạnh riêng có để các doanh nghiệp phát triển mạnh, bền vững, không chỉ hiện tại mà đặc biệt là trong kỷ nguyên 4.0 với những ứng dụng công nghệ cao và sự sao chép có thể chỉ trong “nháy mắt”.

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Thành - Đồng sáng lập học viện truyền thông Elite PR School và giám đốc điều hành công ty tư vấn chiến lược CSCI INDOCHINA cho rằng: Ngay từ khi thành lập, văn hoá doanh nghiệp đã tồn tại. Nó tự nhiên như không khí người ta hít thở. Nói như Schein thì văn hoá doanh nghiệp được khám phá, sáng tạo ra trong quá trình những con người trong doanh nghiệp tìm cách thích ứng với bên ngoài và hội nhập bên trong. Văn hoá doanh nghiệp phải được bắt nguồn từ điều mà vì nó doanh nghiệp tồn tại.

Theo tác giả Shane Green, trong cuốn Văn hoá doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số “Trải nghiệm khách hàng là sự phản ánh những gì đang diễn ra bên trong doanh nghiệp dù doanh nghiệp có muốn phản ánh hay không”. Văn hoá doanh nghiệp phù hợp sẽ tạo ra những cảm xúc tích cực để khách hàng có thể cảm nhận thấy, ghi nhận, ghi nhớ. Văn hoá doanh nghiệp cởi mở, kích thích sự sáng tạo, tôn trọng con người, liên tục cải tiến, đặt khách hàng vào trung tâm của mọi hoạt động sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, ông cho biết thêm.

Doanh nghiệp có cạnh tranh thành công trong thời kỳ 4.0 hay không sẽ không chỉ dựa trên sự đầu tư vào công nghệ, mà còn phải dựa trên sự đầu tư vào văn hóa doanh nghiệp. Điều đó sẽ trở thành xu thế mới mà các doanh nghiệp cần thực sự chú trọng cho chiến lược đầu tư của mình.Và hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần nhận thức văn hóa doanh nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng trong quản trị công ty, là tinh thần cốt lõi, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời CMCN 4.0. Tuy nhiên, văn hóa không phải là thứ có thể xây dựng sau một đêm mà đòi hỏi doanh nghiệp phải kiên trì cùng với một kế hoạch phù hợp chiến lược phát triển của mình.

Hải Hà

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam