Diễn đàn công nghệ và năng lượng Việt Nam 2020

Công nghệ, Công nghệ, Số hóa | 14:06:00 17/09/2020

TNV - Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020 được tổ chức ngày 17 tháng 8 tại Hà Nội nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu làm chủ, ứng dụng và phát triển công nghệ với mục tiêu tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam.

Đồng thời Diễn đàn cũng là nơi để trao đổi về thách thức và giải pháp công nghệ trong phát triển ngành năng lượng. Thông qua đó góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó chúng ta sẽ: “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch;… ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỉ trọng điện than một cách hợp lý;…”. Mục tiêu: Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045.

 Khai thác năng lượng mặt trời tại Việt Nam

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ) là: Góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh: Giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng so với phương án phát triển bình thường (khoảng 5% vào năm 2020; 25% vào năm 2030 và khoảng 45% vào năm 2050); Giảm nhập khẩu nhiên liệu cho mục đích năng lượng: giảm khoảng 40 triệu tấn than và 3,7 triệu tấn sản phẩm dầu vào năm 2030; giảm khoảng 150 triệu tấn than và 10,5 triệu tấn sản phẩm dầu vào năm 2050…

Trong giai đoạn vừa qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực, bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu đáng ghi nhận: Cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện, chỉ số tiếp cận điện năng đứng thứ 27/190 quốc gia/vùng lãnh thổ; công nghiệp khai thác dầu khí và lọc hoá dầu phát triển mạnh sản lượng khai thác than thương phẩm tăng; thuỷ điện phát triển nhanh, gần đây điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao; Huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, ngành năng lượng trở thành ngành đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế: các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi; cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ; trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hoá và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hoá cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế,...

Tại Diễn đàn, trong bài tham luận về Chuyển dịch cơ cấu năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, gắn với pháttriển năng lượng bền vững, TS. Đinh Thế Phúc – Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chia sẻ về sự cần thiết của việc chuyển dịch năng lượng. Từ sản xuất, tiêu thụ các nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống như than, dầu, khí tự nhiên sang các nguồn năng lượng tái tạo, bền vững như gió, mặt trời, sinh khối...Điều này sẽ giúp mở rộng, đa dạng hóa các nguồn năng lượng; Giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; Giảm phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch…

 Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi tại xã Phước Minh (huyện Thuận Nam) tỉnh Ninh Thuận

Ông Trần Anh Tuấn - Thư ký World Energy Council Việt Nam cho biết: Ngày nay, thế giới đang bước vào một giai đoạn phát triển mới: sử dụng năng lượng sạch, phát triển bền vững cho tương lai. Các dạng năng lượng truyền thống, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, sẽ càng ngày càng cạn kiệt; thủy điện cũng bị suy giảm do biến đổi khí hậu làm khô kiệt nguồn nước. Vì vậy, phát triển các dạng năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, hydrogen,v.v…) sẽ là xu thế tất yếu của thời đại, nhằm tạo ra các nguồn năng lượng sạch, giá rẻ, ổn định và bảo vệ môi trường.

Ông cũng đưa ra một sô kiến nghị như:

Cùng với việc phát triển năng lượng gió và mặt trời, cần có cơ chế/chính sách phát triển năng lượng hydro.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy Hydro là nguồn năng lượng của tương lai vì nó sạch, giá rẻ (ban đầu nó đắt, cũng giống như điện thoại di động, sau này nó sẽ rẻ  bằng 1/3 giá điện hiện nay) và sẵn có.

Cần có cơ chế, chính sách phát triển các phương tiện chạy bằng điện (axi, xe khách, xe tải nhỏ) và các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hydro (xe khách, xe tải các loại, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay…)

Đây là xu hướng của thế giới mà chúng ta không thể đứng ngoài cuộc.

Áp dụng các biện pháp/công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm (tiết kiệm điên; đổi mới công nghệ; áp dụng kỹ thuật số trong sản xuất, truyền tải, phân phối điện,…)

Chúng ta đã có các biện pháp tiết kiệm điện. Cần thiết phải áp dụng kỹ thuật số trong sản xuất, truyền tải, phân phối điện,…

Sử dụng các Thiết bị lưu trữ năng lượng trong việc sản xuất và phân phối điện.

Tại Diễn đàn, đại diện nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ chia sẻ các nội dung liên quan tới chính sách phát triển hạ tầng bền vững và nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ về năng lượng: Chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển năng lượng bền vững; Xu hướng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam; Thúc đẩy hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực hoạch định chính sách phục vụ phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam; Phát triển hệ thống điện gắn với an ninh năng lượng quốc gia; Hydro trong xu hướng chuyển dịch năng lượng và khả năng sản xuất Hydro từ nguồn năng lượng tái tạo; Ưu tiên tín dụng cho các dự án năng lượng công nghệ cao,... Trong phiên Tọa đàm, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ sẽ cùng đại biểu tham dự chia sẻ, thảo luận về các chính sách, giải pháp, kinh nghiệm nghiên cứu làm chủ, ứng dụng công nghệ và triển khai các dự án trong lĩnh vực năng lượng.

Diễn đàn sẽ là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực năng lượng trao đổi, chia sẻ, kết nối nhằm phát triển bền vững, góp phần hiện thực hóa Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.

 Hải Hà

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam