Tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Doanh nhân, Hội nhập | 08:46:00 22/09/2020

Sáng nay (21/9), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự và chủ trì buổi lễ ký kết 3 bên giữa Bộ Công Thương, tỉnh Bắc Ninh và Samsung Việt Nam về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Để ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị Samsung toàn cầu

Mục tiêu của thảo thuận hợp tác này là đến năm 2025, tỉ lệ đóng góp của các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vào giá trị sản xuất công nghiệp do Samsung tạo ra sẽ tăng lên hằng năm thông qua việc thực hiện các chương trình hợp tác.

Về chương trình tư vấn, Samsung sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Bắc Ninh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc cải thiện sản xuất và quản lý chất lượng.

Về chương trình phát triển nhà cung ứng, theo biên bản ký kết, doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được ưu tiên cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, bao gồm các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như: Lương thực, nông sản, thực phẩm; dịch vụ y tế; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; cung ứng thiết bị phụ tùng sửa chữa thay thế và vật tư tiêu hao; dịch vụ vận tải… nếu đáp ứng đủ các yêu cầu về nhà cung cấp của Samsung. Các nhà cung ứng Việt Nam hiện hữu nếu bảo đảm tiêu chuẩn của Samsung sẽ được ưu tiên cung ứng những linh kiện có giá trị cao và số lượng lớn, có xem xét tới năng lực cung ứng và nhu cầu của Samsung.

Theo ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam, dựa trên nền tảng triết lý kinh doanh "Theo đuổi đồng thịnh vượng", Samsung Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với Chính phủ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam, tích cực mở rộng các hoạt động phát triển ngành công nghiệp phụ trợ theo các lĩnh vực chuyên sâu hơn nữa trong thời gian tới.

Samsung đang phối hợp với Bộ Công Thương triển khai chương trình đào tạo 200 chuyên gia khuôn mẫu ưu tú, hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực trong lĩnh vực khuôn - một lĩnh vực được coi là gốc rễ của ngành công nghiệp chế tạo.

Samsung cam kết việc ký kết là tiền đề để Samsung chia sẻ những kinh nghiệm dày dặn của mình cho các doanh nghiệp phụ trợ tại Bắc Ninh, hỗ trợ các doanh nghiệp bảo đảm năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất, vươn tầm quốc tế.

Trước đó, từ năm 2018-2020, Bộ Công Thương đã phối hợp với Samsung Việt Nam triển khai dự án hợp tác đào tạo tư vấn và tổ chức cải tiến sản xuất chất lượng cho doanh nghiệp chế biến, chế tạo, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với sự tham gia của của 140 doanh nghiệp trên cả nước.

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác ba bên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát huy vai trò của doanh nghiệp "đầu tàu"

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc ngày càng tốt đẹp, 2 nước đã trở thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược từ năm 2009. Mối quan hệ đó không chỉ thể hiện ở sự tin cậy về chính trị cao giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, mà còn hợp tác thực chất trên lợi ích 2 dân tộc; đặc biệt trên các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật... Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng về văn hóa, ngoại giao nhân dân tốt đẹp, đông đảo công dân Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc ở Hàn Quốc và ngược lại.

Hàn Quốc hiện là đối tác đầu tư FDI lớn nhất, là đối tác thương mại lớn thứ hai và cung cấp vốn ODA lớn thứ hai của Việt Nam. Hết tháng 8/2020, trong tổng số 136 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc đứng thứ nhất với tổng vốn đăng ký 70,2 tỷ USD, hơn 8.000 dự án còn hiệu lực (chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư và 25% tổng dự án FDI). Riêng năm 2019, Hàn Quốc đứng đầu với vốn đăng ký cấp mới đạt 7,92 tỷ USD (chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư).

Trong đó, Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với 6 nhà máy và 1 trung tâm nghiên cứu phát triển, tổng mức đầu tư hơn 17 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 59 tỷ USD, thu hút gần 130.000 lao động. Thời gian qua, Samsung đã hưởng ứng mạnh mẽ bằng những chương trình hành động thực tế, hiệu quả để cùng Chính phủ Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực hoạt động của Samsung và có đóng góp lớn cho sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam; tạo ra nhiều việc làm; tham gia tích cực vào các hoạt động an sinh xã hội...

"Những kết quả đó thể hiện trách nhiệm của Samsung. Cùng với thúc đẩy sản xuất, tạo ra các sản phẩm thương hiệu toàn thế giới, Samsung có nhiều đóng góp, tham gia việc hỗ trợ các doanh Việt Nam với vai trò doanh nghiệp đầu tàu, rất nhiệt tình, trách nhiệm và hiệu quả",- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Samsung đã hoàn thành chương trình đào tạo 207 chuyên gia tư vấn người Việt Nam để giúp cho các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển; đồng thời đang phối hợp với Bộ Công Thương đào tạo 200 chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trong thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh rất quan tâm đến đổi mới môi trường đầu tư, là một trong những tỉnh thu hút đầu tư lớn nhất của Việt Nam.

"Từ một tỉnh có quy mô kinh tế nhỏ trong vùng đồng bằng sông Hồng, sau vài năm, Bắc Ninh đã trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về thu hút đầu tư, đặc biệt là quy mô kinh tế, giá trị công nghiệp, giá trị xuất khẩu, đời sống người dân không ngừng nâng cao; thúc đẩy quá trình đô thị hóa... Những kết quả đó đưa Bắc Ninh trong tương lai không xa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương", Phó Thủ tướng đánh giá.

Theo Phó Thủ tướng, nhận thức được tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, doanh nghiệp (Nghị quyết số 10-NQ/TW, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...). Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành nhằm thúc đẩy và phát triển ngành này, mà gần đây nhất là Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ.

Những quan điểm, cơ chế, chính sách này đã khuyến khích một số doanh nghiệp lớn tích cực, chủ động tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị của mình, một mặt vừa chủ động nguồn cung, giảm chi phí, đồng thời mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp khác cùng phát triển.

Doanh nghiệp Việt cần dũng cảm để tự đổi mới

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, thời gian qua, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, cả về quy mô, chất lượng, từ đó nâng cao tỉ lệ nội địa hóa ở một số lĩnh vực công nghiệp quan trọng.

Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Mà thách thức lớn nhất là năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Trong đó, công nghiệp hỗ trợ quy mô còn nhỏ, sản phẩn còn ít, giá thành cao, thiếu cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài ngay trong nội địa. Năng lực về quản trị, nguồn vốn còn thua kém với các nước đã phát triển đi trước...

"Do đó, chương trình ký hợp tác về công nghiệp hỗ trợ lần này là giải pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại. Đây là hình mẫu để các doanh nghiệp khác học tập", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là về nguồn lực vốn, nhân lực...; tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài. Bộ có trách nhiệm phát triển mở rộng thị trường nội địa, truyền thống và tìm thị trường mới cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Sau lễ ký kết, Bộ Công Thương sớm có các chương trình cụ thể để triển khai thòa thuận hợp tác này.

Đối với UBND tỉnh Bắc Ninh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ tránh phong trào, hình thức; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, trong đó xây dựng, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch để tạo điều kiện thu hút đầu tư... Tỉnh tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, giao thông, công nghệ thông tin, hạ tầng số... để tạo điều kiện thu hút nguồn lực.

Tỉnh cần chủ động bố trí quỹ đất nhằm thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện rà soát, bãi bỏ các quy định, thủ tục chồng chéo… để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng lưu ý, tỉnh Bắc Ninh tập trung chăm lo đời sống người dân, người lao động; trong đó chú trọng chăm lo nhà ở cho người lao động. Đây là giải pháp thực hiện mục tiêu kép vừa bảo đảm đời sống cho người lao động yên tâm sản xuất; đồng thời góp phần vào quá trình đô thị hóa.

Đối với Tập đoàn Samsung, Phó Thủ tướng mong muốn Tập đoàn tiếp tục thể hiện trách nhiệm, hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển, xây dựng nhiều doanh nghiệp hỗ trợ, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng tỉ lệ các sản phẩm nội địa trong sản xuất. Mục tiêu hướng tới, Việt Nam có thể trở thành một trong những nhà cung ứng chiếm tỷ trọng cao trong chuỗi sản xuất của Samsung.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn, các doanh nghiệp trong nước sẽ không ngừng nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường khu vực và quốc tế để trở thành những nhà cung ứng cấp 1 và cấp 2 của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.

“Ngoài khát vọng, nỗ lực, doanh nghiệp Việt Nam cần phải dũng cảm để tự đổi mới, tự nâng cao năng lực của mình”, Phó Thủ tướng nói.

"Chính phủ Việt Nam cam kết luôn ủng hộ sự hợp tác giữa các bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các tập đoàn lớn trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, Phó Thủ tướng yêu cầu, công tác phòng chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu, nên chính quyền, các doanh nghiệp phải thực hiện tốt các chỉ thị, yêu cầu của Chính phủ, bảo vệ sức khoẻ, an toàn của người dân, người lao động...

Bên cạnh việc ký kết chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, buổi lễ cũng tiến hành ký kết thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà cung ứng tiềm năng tại tỉnh Bắc Ninh.

Nhật Bắc/Chinhphu

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam