Yên Bái: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng

Thời sự, Xã hội | 19:05:00 24/09/2020

TNV- Với phương châm "Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển", 325 đại biều về dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 diễn ra từ ngày 22 – 24/9/2020 đã thảo luận và thống nhấtquyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.

Thực hiện 03 đột phá chiến lược đạt kết quả rõ nét

Theo đó, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc, không chỉ là chủ đề xuyên suốt của Đại hội mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ cốt lõi quan trọng để toàn thể cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái cùng chung sức, đồng lòng tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tham dự và chỉ đạo Đại hội.

Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, thu hút mọi nguồn lực, khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh, phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm; triển khai giải quyết hợp lý, hiệu quả các mối quan hệ lớn cho phát triển, nhất là mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; tập trung giải phóng tư tưởng, tích cực khơi thông những điểm nghẽn, đẩy mạnh sức sản xuất xã hội, huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, tạo những dấu ấn nổi bật; hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu nhiệm kỳ 19/21 chỉ tiêu chủ yếu.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên; thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa vùng thấp và vùng cao, giữa đô thị và nông thôn; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả quan trọng, tạo nền tảng cho phát triển bền vững; thu ngân sách trên địa bàn tăng nhanh, tạo thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển.

 Du khách khám phá mùa vàng ở Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

Đặc biệt, việc thực hiện 03 đột phá chiến lược đạt kết quả rõ nét: (1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động và khơi dậy các nguồn lực, thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội và sắp xếp lại hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách hành chính có nhiều tiến bộ, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược vào tỉnh; (2) Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, hiệu quả, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng và liên vùng, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo đô thị và nông thôn ngày càng đổi thay, khang trang, tươi đẹp; (3) Quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thành tựu nổi bật so với nhiệm kỳ trước là đã xây dựng và triển khai tích cực kiến trúc chính quyền điện tử gắn với Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh; đưa Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh và Bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã hoạt động liên thông, giải quyết 100% thủ tục hành chính với tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên 99%; từ đó môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh không ngừng được cải thiện, xếp hạng của tỉnh về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh hằng năm đều tăng từ 06 - 08 bậc.

Trồng dâu nuôi tằm – một trong những thế mạnh của huyện Trấn Yên – huyện nông thôn mới
đầu tiên khu vực Tây Bắc.

Trở thành điểm sáng xây dựng nông thôn mới vùng Tây Bắc

Trên 50.000 tỷ đồng đã được huy động vào đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng 45% so với nhiệm kỳ trước. Nhờ đó, đã hoàn thành và đưa vào khai thác gần 1.200 công trình hạ tầng đô thị, nông thôn mới, thủy lợi, trường học, y tế; hoàn thành 02 cầu bắc qua sông Hồng, gần 300 km đường tỉnh lộ, quốc lộ, đường đô thị; bê tông hóa gần 1.800 km đường giao thông nông thôn, nâng 85% số thôn, bản có đường giao thông được bê tông hóa; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 20,8%; hoàn thành 11/18 dự án trọng điểm, nhất là các công trình hạ tầng giao thông huyết mạch, đẩy nhanh liên kết các vùng, miền trong tỉnh cũng như kết nối Yên Bái với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội.

Về mùa cốm nếp Tú Lệ.

Tốc độ tăng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 6,64%/năm, cao hơn giai đoạn trước (5,71%/năm). Quy mô kinh tế tăng nhanh, đến năm 2020 ước đạt trên 33.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21,13% (giảm 4,48%); tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 26,88% (tăng 1,43%); tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 47,21% (tăng 3,09%). GRDP bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015.

Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (3%/năm); cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng lâm nghiệp, thủy sản; giá trị sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản bình quân tăng khá, nhiều diện tích canh tác cho thu nhập khá cao.

Trại gà quy mô lớn của Vàng A Công - chàng trai bản Mông xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải.

Đáng chú ý, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, toàn diện, trở thành điểm sáng trong các tỉnh vùng Tây Bắc. 05 năm qua tỉnh Yên Bái có thêm 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới lên 76 xã, chiếm trên 50% số xã của tỉnh, gấp hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết; thành phố Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Trấn Yên trở thành huyện miền núi đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 32 triệu đồng/năm, gấp 2 lần so với năm 2015.

Tốc độ tăng trưởng bình quân vượt 20% mục tiêu Nghị quyết

Công nghiệp có bước phát triển khá, hình thành và mở rộng thị trường tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực, lợi thế.Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 (giá so sánh 2010) ước đạt 13.000 tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2015, đạt mục tiêu Nghị quyết; chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 8,6%, cao hơn giai đoạn trước.

 Lễ hội xòe thị xã Nghĩa Lộ.

Thương mại, dịch vụ phát triển nhanh và khá đa dạng.Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước đạt 20.500 tỷ đồng, gấp gần 2 lần năm 2015, vượt 10% mục tiêu Nghị quyết; tốc độ tăng trưởng bình quân 6,07%/năm, cao hơn giai đoạn trước 1,06%. Thị trường xuất khẩu sản phẩm hàng hóa không ngừng được mở rộng đến gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ với giá trị năm 2020 ước đạt 210 triệu USD, gấp 3 lần năm 2015, vượt 5% mục tiêu Nghị quyết.

04 vùng du lịch trọng điểm được hình thành và bước đầu phát huy hiệu quả, đặc biệt đã có những sản phẩm du lịch nổi trội, đặc sắc như: Tuần văn hóa du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Lễ hội Đền Đông Cuông, du lịch Hồ Thác Bà, du lịch Suối Giàng, khu nghỉ dưỡng Le Champ Tú Lệ, suối nước nóng Trạm Tấu, các sản phẩm du lịch cộng đồng, home stay...;một số sự kiện, điểm đến đã có chỗ đứng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách; lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh bình quân tăng 20%/năm, gấp gần 5 lần giai đoạn trước.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 ước đạt trên 3.600 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 23%, vượt 20% mục tiêu Nghị quyết.

Bảo tàng tỉnh Yên Bái – công trình trọng điểm mới hoàn thành.

Từ đây, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 ước đạt 62.500 tỷ đồng, gấp 1,5 lần giai đoạn trước, vượt 3,3% mục tiêu Nghị quyết; trong đó tỷ trọng vốn đầu tư khu vực nhà nước giảm mạnh, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh; nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong nước như: Vingroup, TH, SunGroup, Eurowindow, Hoa Sen, APEC, Bảo Lai... đã lựa chọn Yên Bái là điểm đầu tư quan trọng.

Nhờ vậy, giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh Yên Bái đã tạo việc làm mới cho gần 94.500 lao động, vượt 7,8% kế hoạch; kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp ở mức 1,2% (thất nghiệp thời vụ 2 - 3%). Đồng thời, hoàn thành hỗ trợ xây dựng gần 3.600 nhà cho 100% người có công và hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở; thực hiện chính sách bảo trợ và trợ giúp xã hội cho trên 24.000 người; tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 4,93%/năm (cao hơn 0,93% giai đoạn trước), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 32,21% năm 2016, xuống còn 7,56% năm 2020, hoàn thành trước 01 năm so với kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016-2020./.

 Niềm vui sau giờ học của học sinh bán trú.

 Phạm Quỳnh

Nguồn ảnh: Báo Yên Bái & P. Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam