Sơn La và mục tiêu trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc

Thời sự, Chính trị | 14:03:00 28/09/2020

TNV - Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong giai đoạn 2015 - 2020, mà đặc biệt là việc đưa Sơn La trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc và lớn thứ 2 cả nước, có 147 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và16 mặt hàng nông sản được xuất khẩu sang thị trường 12 nước,nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ tỉnh Sơn La đã xây dựng mục tiêu“trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc”.

Hình thành 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Với 19/24 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2015 – 2020 mà Đảng bộ tỉnh Sơn La đã hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu, đưa tốc độ tăng tổng sản phẩm toàn tỉnh bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 5,46%/năm; quy mô kinh tế tăng mạnh, ước thực hiện năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá hiện hành đạt 56.009 tỷ đồng, tăng 1,54 lần so với năm 2015, đứng thứ 5/14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ; GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 44,1 triệu đồng/người/năm, tăng 13,3 triệu đồng so với năm 2015, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIV đề ra.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 diễn ra thành công tốt đẹp - Ảnh: Báo Sơn La

Đặc biệt, đến hết năm 2020, Sơn La có diện tích cây ăn quả và cây sơn tra 80.515 ha, tăng 311% so với năm 2015, đạt 400% mục tiêu kế hoạch; có 147 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; xuất khẩu được 16 mặt hàng nông sản sang thị trường 12 nước (Úc; Pháp; Mỹ; Nhật,...). Một số loại nông sản, thủy sản của tỉnh có diện tích, sản lượng lớn nhất trong vùng Tây Bắc và vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ (quả các loại như: xoài, nhãn, mận hậu, chanh leo, cam…; bò sữa; bò thịt; sắn; ngô;…).Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt đến năm 2020 ước đạt 47 triệu đồng/ha, tăng 83% so với năm 2015; giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản ước đạt 100 triệu đồng/ha, tăng 4% so với năm 2015; góp phần đưa Sơn La trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc và lớn thứ 2 cả nước.

Trên cơ sở ấy, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ tỉnh Sơn La xây dựng mục tiêu “trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc”.

Lãnh Đảng, Nhà nước thăm Nhà máy chế biến hoa quả và dược liệu của Tập đoàn TH
đặt tại bản Co Chàm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ - Ảnh: TH

Theo đó, bên cạnh việc tập trung thực hiện 03 khâu đột phá và 09 nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh Sơn La chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản tập trung; khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc, nhất là ở vùng cao; đối với ngành trồng trọt tăng diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu,… giảm diện tích cây trồng hàng năm kém hiệu quả.

Đồng thời, xây dựng và hình thành 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Gắn đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật với khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo ra các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ có năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh cao…

Sản phẩm OCOP mận sấy dẻo của HTX 19/5 - Ảnh: K. Anh

Thu hút các doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp vào đầu tư 

 Những giải pháp chủ yếu được tỉnh quan tâm chỉ đạo là: Tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chuyển đổi mạnh mẽ cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng chuyên canh, các vùng nguyên liệu lớn, tạo thuận lợi cho đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nông sản, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; mở rộng vững chắc thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu;.. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân 5%/năm, giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt tăng khoảng 10-15%/ha/năm.

Các đại biểu Quốc hội thăm dây chuyền chế biến nông sản của HTX 19/5- Ảnh: K. Anh

Mặt khác, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp đầu tư trồng, chế biến, bảo quản, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm; phấn đấu xây dựng Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu, du lịch của vùng Tây Bắc; nghiên cứu lộ trình xây dựng Trung tâm quốc gia nghiên cứu về khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp tại huyện Mộc Châu.

Tiếp đến là đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, đào tạo nghề, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ quản lý tiên tiến, quy trình sản xuất tốt, tự động hóa, cơ giới hóa trong sản xuất nông, lâm, thủy sản. Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, nhân rộng các mô hình nuôi trồng, chế biến thủy sản có hiệu quả kinh tế cao, nhất là vùng lòng hồ các thủy điện. Phát triển chăn nuôi tập trung theo quy mô doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, chăn nuôi hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị. Khuyến khích, hỗ trợ các hình thức liên kết hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất gắn với chế biến sâu, xây dựng quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

 Bà con bản Mông xã Tân Lập được mùa chanh leo - Ảnh: P. Quỳnh

Ngoài ra, Sơn La cũng chú trọng khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương gắn với tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao hàm lượng khoa học, công nghệ và giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp. Xây dựng Sơn La thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc.

Cùng với đó tỉnh Sơn La sẽ tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học thân thiện môi trường, chế biến sâu nông, lâm, thủy sản và dược liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa. Ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở khu vực, địa bàn, địa hình phù hợp và đầu tư hiệu quả, nhất là điện gió, điện mặt trời (thực hiện tốt quy hoạch phát triển điện mặt trời trên lòng hồ thủy điện bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch). Có cơ chế, giải pháp phù hợp thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Khuyến khích phát triển các cơ sở tiểu thủ công nghiệp vùng nông thôn. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân/năm ngành công nghiệp đạt 5%/năm.

Xoài Yên Châu xuất khẩu ra thị trường Anh, Mỹ, Úc... - Ảnh: P. Quỳnh

Mở ra vận hội mới cho bà con nông dân gia tăng giá trị cho nông sản

Tính đến đầu năm 2020, toàn tỉnh Sơn La hiện có 47 cơ sở, nhà máy sản xuất chế biến nông sản, với sản lượng trên 150.000 tấn sản phẩm/năm; trong đó, 80% lượng sản phẩm tham gia xuất khẩu.

Hồng giòn, chuối, xoài,... sấy dẻo của HTX nông nghiệp Quyết Thanh Mộc Châu
đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên - Ảnh: H. Ngọc

Tiêu biểu là Nhà máy chế biến hoa quả và dược liệu của Tập đoàn TH đặt tại bản Co Chàm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, mới khánh thành ngày 20/9 vừa qua, có công suất chế biến 300 tấn rau, củ, quả/ngày. Giai đoạn 1 của nhà máy được đầu tư 1.200 tỷ đồng với dây chuyền công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới, bảo đảm tiêu thụ nông sản cho 15.000 ha. Đây cũng là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam sử dụng công nghệ trích ly hoàn toàn tự động và công nghệ áp suất cao HPP hiện đại nhất thế giới hiện nay để chế biến nước cam, nhãn cô đặc; mở ra vận hội mới cho bà con nông dân tỉnh Sơn La trong tiêu thụ sản phẩm, gia tăng giá trị cho nông sản và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Trước đó, năm 2019, Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Nafood Tây Bắc tại Khu công nghiệp Bó Bun, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu có trị giá đầu tư 200 tỷ đồng, công suất 120 tấn rau, củ, quả/ngày cũng đi vào hoạt động. Ngoài ra, còn có một số hợp tác xã đầu tư dây chuyền chế biến hoa quả cho sản phẩm chất lượng cao như: Mận sấy dẻo của HTX 19/5 (Mộc Châu); hồng giòn, ổi sấy của HTX nông nghiệp Quyết Thanh; thanh long sấy của HTX Ngọc Hoàng,...

Na dai Mai Sơn được khách hàng gần xa ưa chuộng, tin dùng - Ảnh: P. Quỳnh

Theo thông tin từ tân Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Lò Minh Hùng, chiều ngày 29/9/2020 tới đây, tại huyện Mai Sơn của tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục khởi công thêm Trung tâm chế biến rau quả khép kín hiện đại nhất hiện nay thuộc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Được biết, Trung tâm có diện tích gần 09 ha, gồm 03 nhà máy: Nhà máy chế biến nước quả cô đặc và Puree, công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ Italia; Nhà máy chế biến rau quả đông lạnh, công suất 10.000 tấn/năm, công nghệ Nhật Bản; Nhà máy chế biến rau quả đồ hộp, công suất 20.000 tấn/năm, công nghệ Đức và Italia.

Nhãn quả Sơn La được người tiêu dùng Thủ đô hồ hởi đón chào - Ảnh: P. Quỳnh

Dự kiến, tháng 12/2021 Trung tâm đi vào hoạt động, mỗi năm tiêu thụ hàng trăm ngàn tấn nông sản (chanh leo,xoài, dứa, bơ, chuối, ngô ngọt, rau chân vịt, đậu tương rau...) cho bà con; doanh thu ước khoảng 2.000 tỷ đồng/năm, kim ngạch xuất khẩu 90 triệu USD/năm, nộp ngân sách địa phương 100 tỷ đồng/năm.

Đây là những tín hiệu tốt lành, tạo tiền đề thuận lợi để tỉnh Sơn La hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc cũng như trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắcgiai đoạn 2020 - 2025./.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam