Thăm vườn cây trái thu trăm triệu mỗi năm của cựu chiến binh bản Thịnh Lang 1

Thời sự, Kinh tế | 10:25:00 07/10/2020

TNV - Đi trên con ngõ nhỏ đổ bê tông phẳng phiu sạch sẽ, hai bên lối đi xanh mướt những vườn cây ăn trái, chủ yếu là bưởi da xanh, bưởi diễn lúc lỉu quả trên cành, mang đến cho tôi cảm giác như lạc vào miệt vườn ở một làng quê Nam bộ trù phú. Quả vậy, dăm năm trở lại đây bản Thịnh Lang 1 (xã Tân Lang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) đã trở thành điển hình của xã với diện tích 40ha cây ăn quả các loại (bưởi, cam, thanh long...), và khoảng 80 hộ có thu nhập từ 50 đến 200 triệu đồng mỗi năm từ trồng cây ăn quả.

Ở đâu cũng thấy một màu xanh và trái quả trông thật thích mắt

Căn nhà gỗ cũ kỹ nhưng vững chãi của vợ chồng ông Tân – người đảng viên, cựu chiến binh, cán bộ xã hưu trí tuổi ngót 70 (ông Tân sinh năm 1952) - nằm ở cuối con ngõ nhỏ và lọt thỏm giữa màu xanh bát ngát của những vườn bưởi, thanh long, na... là một trong những hộ điển hình của bản.

Nghe tiếng người gọi, phải mươi phút sau ông Tân mới từ khu vườn rộng mênh mông um tùm cây trái về đến nơi. Mời khách ngồi uống trà luôn ở bộ bàn ghế kê sẵn ngoài sân bên gốc cây lộc vừng vươn cành rợp tán mát mẻ, gương mặt chất phác, đôn hậu của ông ánh lên niềm vui của lão nông dân vui thú chốn điền viên thôn dã.

Mang những trái thanh long đỏ au ra giục dã khách bổ ăn tự nhiên, vừa giục vợ ra vườn lựa mấy trái bưởi đầu mùa về mời khách, ông khề khà chia sẻ: đều là của nhà trồng được, làm ra chủ yếu để nhà dùng và cung cấp cho gia đình các con cháu, nên sản phẩm rất an toàn, không phải lo sợ thuốc men gì đâu nhá.

Vừa thư thả uống trà, ăn trái cây, ngắm nhìn bốn phía ở đâu cũng thấy một màu xanh và trái quả trông thật thích mắt. Nhìn những hơn trăm chú gà ta chặc nịch, phởn phở tìm sâu trong vườn bưởi, tôi buộc miệng hỏi: Ngoài trái cây, mỗi năm bác thu được bao nhiều tiền bán gà? “Nuôi gà để cải thiện đời sống cho gia đình là chính chứ bán chác ít thôi; tuần nào tôi chả mổ mấy con gửi cho các cháu”, ông Tân giãi bày.

Được biết, vợ chồng ông Tân có 04 người con đều đã lập gia đình và ở riêng, một người con trai ở ngay thổ bên cạnh, còn gia đình 03 người con nữa thì cũng công tác, làm ăn ở trong huyện, cách nhà xa nhất gần 30 cây, nên hàng tuần các con cháu đều quây quần tụ tập về thăm ông bà và lấy trái cây, gà... mang đi dự trữ ăn cả tuần.

Đưa chúng tôi vào thăm khu vườn, ngợp mình giữa màu xanh ngút ngàn của hàng trăm cây bưởi đang lủng lẳng quả trên cành nên ai lấy đều tỏ ra phấn chấn, chủ và khách cùng thích thú tạo dáng chụp hình bên những chùm bưởi sắp đến ngày thu hái. Dưới chân từng khóm mùi tàu gai mọc tự nhiên tỏa hương thơm nức, gợi nhớ về món chuối xanh nấu cá quê nhà. Vài cây na tuy đã cuối mùa nhưng còn ối quả chín ngọt lịm trên cành, nhưng ông Tân cũng chẳng thiết hái, cứ để mặc cho lũ chim rừng kéo về ăn hót líu lo cho vui cảnh tuổi già.


Ngợp mình giữa màu xanh ngút ngàn của hàng trăm cây bưởi đang lủng lẳng quả trên cành. Ảnh: P. Quỳnh

Cuối khu vườn là những giàn thanh long phủ tầng tầng, lớp lớp che khuất đi mấy trăm mét vuông những mỏm đá tai mèo lởm chởm, làm lên những bức tường xanh khẽ dập dềnh trong gió nom tựa như những con sóng trông rất đẹp mắt. Thế mới thấy hết sức sáng tạo, và công sức khai phá khu đồi hoang khô cằn sỏi đá suốt gần 50 năm của gia đình ông lớn đến nhường nào!

Là đảng viên mình phải gương mẫu để nhân dân nhìn vào

Ông Tân thủ thỉ tâm sự, năm 1966 khi mới 14 tuổi ông rời xa quê hương Hưng Yên theo bố mẹ lên đất rừng xa xôi heo hút này xây dựng kinh tế mới; năm 1972 ông lập gia đình riêng và năm 1973 lên đường đi bộ đội. Mặt trận Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh, mặt trận phía Bắc ông đều tham gia, nhưng may mắn vẫn còn lành lặn trở về. Năm 1980 ông phục viên về với gia đình và tham gia công tác tại xã, đảm nhiệm cương vị phó bí thư rồi bí thư đảng ủy xã, đến năm 1995 thì nghỉ hưu. “Nhưng về bản được bà con quần chúng, đảng viên tiến cử tôi lại tham gia công tác chi bộ, cựu chiến binh rồi mặt trận của bản đến tháng 4/2020 mới thực sự nghỉ hẳn để vui thú điền viên cùng gia đình, con cháu, vườn tược” – ông Tân kể.

Ông Tân bên những trái bưởi da xanh sắp được thu hái. Ảnh: P. Quỳnh

Hiện nay, khu vườn gia đình ông có diện tích chừng hơn 10.000 m2 trồng chủ yếu là các giống bưởi da xanh, bưởi hoàng, bưởi diễn; ngoài ra, ông còn trồng thanh long, ổi, na, khế, roi để mùa nào thức lấy phục vụ sinh hoạt gia đình tươm tất. Theo ông Tân, mấy năm nay sau khi ăn uống thoải mái, cho la con cháu, họ hàng... thì vườn cây trái và chăn nuôi còn cho thu nhập được khoảng hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

Người đảng viên 43 tuổi đảng vui vẻ nói tiếp: “Vợ chồng tôi già rồi chi tiêu cũng không nhiều, lại có chút lương hưu, nhưng vẫn phải tăng gia sản xuất cho khỏe người, vui thú tuổi già và có đồ sạch cho gia đình, con cháu sử dụng để đảm bảo sức khỏe; hơn nữa mình là cán bộ hưu trí, đảng viên nên phải gương mẫu trong cuộc sống và phát triển kinh tế để nhân dân nhìn vào”.

Ông Trần Văn Đại (Phó trưởng bản Thịnh Lang 1) thêm lời, bác Tân không chỉ là tấm gương mẫu mực trong gia đình và cư xử với bà con quần chúng trong bản, mà còn là điển hình trong lao động sản xuất, trồng trọt chăn nuôi phát triển kinh tế để bà con trong bản, xã học hỏi và phấn đấu làm theo.

Những giàn thanh long phủ tầng tầng, lớp lớp che khuất đi những mỏm đá tai mèo lởm chởm. Ảnh: P. Quỳnh

Chủ tịch xã Nguyễn Văn Sỹ chia sẻ: Nhờ có những điển hình như gia đình ông Tân, ông Tý, ông Mùi, bà Ánh... mà phong trào trồng cây ăn quả, đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế của các hộ trong bản Thịnh Lang 1 chuyển biến tích cực; xuất hiện hàng chục hộ gia đình có thu nhập cao, chỉ còn 02 hộ nghèo và 01 hộ cận nghèo trong tổng số 145 hộ cả bản. Đặc biệt, bản Thịnh Lang 1 nằm trong tốp đầu của xã về tiêu chí thu nhập và xây dựng nông thôn mới./.

 Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam