Góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội XIII: Xây dựng con người là vấn đề cốt lõi

Lý luận trẻ | 15:00:00 31/10/2020

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII đặc biệt nhấn mạnh về nguồn lực con người, coi đó là động lực cốt yếu, đột phá chiến lược để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh...

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII đã xác định đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, nhấn mạnh về nguồn lực con người, coi đó là động lực cốt yếu, là nội dung đột phá chiến lược để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là mục tiêu hướng đến năm 2045 đưa nước ta thành nước phát triển có thu nhập cao.

Góp ý vào nội dung này, nhiều chuyên gia cho rằng, xây dựng và phát huy nguồn lực con người là động lực quan trọng, một yếu tố quyết định với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Yêu cầu đặt ra là nhanh chóng hoàn thiện thể chế phát triển chung, trong đó có thể chế cho sự phát triển toàn diện của con người.


Ông Nguyễn Viết Chức (Ảnh: Thi Uyên)

Ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa-Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là “Tăng cường xây dựng con người và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Tuy nhiên, Báo cáo Chính trị cũng nghiêm khắc chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót trong lĩnh vực xây dựng và phát huy nguồn lực con người. Đó là “vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm”, môi trường văn hóa xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, các hiện tượng tham nhũng, cực đoan.

Ông Nguyễn Viết Chức góp ý: “Vấn đề xây dựng con người là vấn đề cốt lõi. Không có con người thì làm sao xây dựng được đất nước. Lý luận thì con người là nhân tố quyết định. Nhưng về mặt thực tiễn, con người mà ganh đua, tham nhũng… thì sao giải quyết được. Văn hóa ở đây chính là con người, xây dựng con người phải đặt lên hàng đầu. Rất tiếc dự thảo lần này không nói rõ, nói mờ nhạt so với dự thảo lần thứ XII của Đảng”.

Đáng chú ý, Dự thảo Báo cáo Chính trị nhấn mạnh việc “Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển tài năng, trí tuệ, phẩm chất con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng của đất nước”.

GS, TSKH Phan Xuân Sơn, Giảng viên Cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh chung của thế giới, Đại hội 13 của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển (hoặc nước công nghiệp hiện đại) có thu nhập cao. Để có thể đạt được mục tiêu đó, yếu tố quyết định chính là xây dựng và phát huy được nguồn lực con người Việt Nam, làm cho con người Việt Nam được phát triển tự do, toàn diện, có đạo đức trong sáng, có lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

“Trên thế giới hiện nay xu hướng trong phát triển là phát huy được giá trị văn hóa, quyền lực mềm và thương hiệu quốc gia. Đó là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó đặt vấn đề con người là trung tâm, nếu không có con người làm trung tâm thì tất cả các mục tiêu đó không đạt được. Việc đặt con người làm trung tâm qua nhiều kỳ đại hội hiện đã đạt những thành tựu rất to lớn, giảm nghèo đa chiều hiện xuống dưới 3%. Đây là thành tích rất lớn có thể chúng ta không tưởng tượng được khi bước vào công cuộc đổi mới”, GS,TSKH Phan Xuân Sơn bày tỏ.

Trên cơ sở định hướng và yêu cầu đặt ra cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới, Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đảng cũng chỉ ra một trong ba đột phá chiến lược là “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực then chốt….”.

Vấn đề then chốt của việc xây dựng và phát huy nguồn lực con người trong thời kỳ mới, chính là việc nhận thức rõ hơn vấn đề con người và con người của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Yêu cầu đặt ra là nhanh chóng hoàn thiện thể chế phát triển chung, trong đó có thể chế cho sự phát triển toàn diện “quyền con người”.

Ông Võ Khánh Vinh

Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Võ Khánh Vinh góp ý: “Phần đánh giá về 3 đột phá liên quan đến nhân lực rất ít. Vấn đề này liên quan chằng chịt với nhau, con người là liên quan đến nhân lực. Cho nên tôi kiến nghị trong định hướng chiến lược có một phần nhưng rõ hơn nữa. Đặc biệt trong con người, cái gì là cao nhất, đó là “quyền con người”. Chúng ta làm được nhiều cái nhưng còn đó những vấn đề rất lớn cần nêu. Trong đột phá, tôi đề nghị đảo thứ tự. Đột phá không phải “thể chế” trước mà “con người” trước. Con người là động lực, mục tiêu, nhân tố… Tại sao chúng ta không đưa “con người” - đột phá về nhân lực lên trước “thể chế”.

Trong bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Động lực và nguồn lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”.

Bởi vậy, xây dựng và phát huy nguồn lực con người là động lực quan trọng, là yếu tố quyết định với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Đó cũng là công việc phức tạp đòi hỏi cách tiếp cận vừa khoa học, vừa thực tế, vừa thận trọng nhưng phải sáng tạo, quyết liệt. Chỉ có xây dựng, tạo ra môi trường, điều kiện phát triển tốt nhất cho con người mới có điều kiện để khơi dậy những sức mạnh to lớn, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ nặng nề của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới./.

Lại Hoa/VOV

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam