Trình tự, thủ tục sang tên sổ đỏ nhà đất thừa kế

Bất động sản | 16:16:03 03/11/2020

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) được sang tên dưới nhiều dạng khác nhau như được tặng cho, được thừa kế, mua bán, chuyển nhượng đất. Vậy đối với trường hợp nhà đất thừa kế thì thủ tục sang tên sổ đỏ như thế nào?

Sang tên sổ đỏ là gì?

Sang tên sổ đỏ là cách gọi của người dân để chỉ thủ tục đăng ký biến động khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế nhà, đất. Việc đăng ký biến động được thể hiện rõ trong Giấy chứng nhận.

Khoản 1, Điều 20, Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định trang 3 và trang 4 của Giấy chứng nhận được sử dụng để xác nhận thay đổi trong các trường hợp người sử dụng đất thực hiện quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Theo đó, sang tên sổ đỏ thực chất là thủ tục đăng ký biến động khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Khi đó người nhận chuyển nhượng (người mua), nhận tặng cho, người thừa kế sẽ được đứng tên trong Giấy chứng nhận.

Dưới đây là hướng dẫn thủ tục sang tên sổ đỏ khi nhận nhà đất thừa kế.

Chuẩn bị hồ sơ

Theo Khoản 2, Điều 9, Thông tư 24/2014/TT-BTNMT (sửa đổi bởi Khoản 2, Điều 7, Thông tư 33/2017/TT-BTNMT), người được nhận thừa kế nhà đất cần chuẩn bị một bộ hồ sơ, bao gồm các loại giấy tờ sau:

  • Bản gốc Giấy chứng nhận;

  • Giấy tờ về quyền hưởng di sản thừa kế

Trường hợp hưởng thừa kế theo di chúc

  • Di chúc hợp pháp.

  • Biên bản mở di chúc có người chứng kiến và xác nhận của UBND cấp xã nơi có đất;

Trường hợp hưởng thừa kế theo pháp luật

  • Bản án, quyết định của Tòa án.

  • Văn bản thỏa thuận của các đồng thừa kế, có xác nhận của UBND cấp xã hoặc Phòng/Văn phòng công chứng về việc hưởng thừa kế.

Một số vấn đề cần lưu ý:

Nếu người thừa kế là duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế;

Nếu có nhiều người cùng hưởng di sản thừa kế là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng từ chối hưởng, thì phải có văn bản từ chối hưởng quyền thừa kế.

hình ảnh cận cảnh một người đàn ông đang viết vào giấy tờ, cạnh đó là cuốn đỏ đỏ
Sang tên sổ đỏ là thủ tục bắt buộc khi tặng cho, thừa kế nhà đất. Ảnh minh họa

Trình tự, thủ tục sang tên sổ đỏ khi nhận thừa kế nhà đất

Bước 1. Nộp hồ sơ

Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của UBND cấp tỉnh;

Cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nếu có nhu cầu.

Lưu ý là, trường hợp hưởng di sản thừa kế là một phần thửa đất thì người sử dụng đất đề nghị Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích được hưởng thừa kế trước khi nộp hồ sơ.

Bước 2. Tiếp nhận hồ sơ

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ

Trong thời gian tối đa 3 ngày, cơ quan tiếp nhận hồ sơ, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định hiện hành.

Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, trao phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ sang tên sổ đỏ nhà đất nhận thừa kế.

Nếu người sử dụng đất nộp hồ sơ tại UBND cấp xã thì trong thời hạn 3 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp xã có trách nhiệm chuyển hồ sơ tới Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

Bước 3. Xử lý hồ sơ

Trách nhiệm của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất là kiểm tra hồ sơ sang tên sổ đỏ. Nếu hồ sơ đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định hiện hành thì cơ quan này sẽ thực hiện những công việc sau:

  • Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

  • Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp.

  • Nếu phải cấp Giấy chứng nhận thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.

  • Chỉnh lý và cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.

  • Trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi UBND cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ sang tên sổ đỏ tại cấp xã.

hình ảnh minh họa cho việc sang tên sổ đỏ nhà đất thừa kế vớ mô hình ngôi nhà, chìa khóa trên lòng bàn tay, sổ đỏ tượng trưng
Khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất phải đăng ký biến động (sang tên sổ đỏ). Ảnh minh họa

Thời hạn giải quyết hồ sơ sang tên sổ đỏ

Thời hạn giải quyết hồ sơ, thủ tục sang tên sổ đỏ khi nhận thừa kế được quy định tại Khoản 40, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP như sau:

  • Không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ;

  • Thời hạn 10 ngày không tính ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

  • Thời gian thực hiện tăng thêm 10 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

  • Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải trả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc, tính từ ngày có kết quả giải quyết.

Các loại thuế, phí phải nộp khi sang tên sổ đỏ nhà đất nhận thừa kế

Khi sang tên sổ đỏ nhà đất nhận thừa kế, người sử dụng đất phải nộp thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ. Cụ thể, mức thuế thu nhập cá nhân phải nộp bằng 10% giá trị bất động sản được nhận thừa kế. Lệ phí trước bạn phải nộp bằng 0,5% giá trị bất động sản được nhận thừa kế.

Theo Khoản 10, Điều 9, Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ và điểm D, Khoản 1, Điều 3, Thông tư 111/2013/TT-BTC về hướng dẫn luật Thuế thu nhập cá nhân, những trường hợp khi nhận thừa kế nhà đất không phải nộp thuế, phí trước bạ gồm: Thừa kế nhà đất giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.

An Thanh

 

>> Không sang tên sổ đỏ khi tặng cho nhà đất bị xử phạt như thế nào?

>> Nguy cơ "trắng tay" khi mua đất không sang tên sổ đỏ ngay?

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam