Nữ ứng viên “all kill” thắng tuyệt đối 7 bình chọn, 6 đèn xanh từ 6 sếp, trúng tuyển PNJ lương hơn 30 triệu

Giải trí, Văn hóa | 19:30:00 22/11/2020

TNV - Tập 3 “Cơ hội cho ai? – Whose chance?” vừa lên sóng trên kênh VTV3 – Đài truyền hình Việt Nam vào lúc 12h00 ngày 21/11/2020, là cuộc đối đầu giữa một chuyên viên và một quản lý cấp cao trong lĩnh vực Nhân sự có sự cách biệt khá lớn về số năm kinh nghiệm lẫn vị trí chuyên môn công tác. 

Trương Thị Hà Trang về đội sếp Thông với mức lương 30.201.011 đồng 

Trong đó, ứng viên Bùi Đoàn Chung là người có nhiều năm làm việc hơn. Năm nay anh 35 tuổi, là cử nhân nghành Quản trị Kinh Doanh, sở hữu đồng thời chứng chỉ Nghiệp vụ Sư phạm Giảng viên tại Đại học Sư phạm TPHCM và chứng chỉ Nghiệp vụ Pháp chế Đại học Luật Hà Nội. Anh từng là Quản trị kinh doanh cao cấp tại Trung tâm Phát triển Kinh tế (CED). Bùi Đoàn Chung có 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự tổng hợp, hành chính, trong đó có 7 năm ở lĩnh vực Quản lý. Vị trí công tác gần nhất của anh là Giám đốc Nhân sự. 

Ứng viên có số năm làm việc ít hơn là Trương Thị Hà Trang, 25 tuổi, cử nhân Kinh tế học Đại học Kinh tế Quốc dân. Cô có 4 năm kinh nghiệm trong 2 công ty khởi nghiệp về lĩnh vực công nghệ, ẩm thực và đồ uống. Năm 2019, cô xây dựng và phát triển đội ngũ nhân sự từ 7 lên hơn 45 thành viên với phương pháp 0 đồng. Cô cũng thành công trong việc phát triển cộng đồng sinh viên tài năng hơn 27.000 thành viên. 

Bùi Đoàn Chung và Trương Thị Hà Trang đối đầu ở vòng 1 của chương trình với chủ đề tranh luận: “Trong môi trường công sở, bạn nhận định về việc “ma cũ bắt nạt ma mới” như thế nào?”. Đây được đánh giá là chủ đề “đo ni đóng giày” cho cặp đôi ứng viên có chuyên môn về quản trị nhân sự, xây dựng văn hóa doanh nghiệp. 

Là người trình bày quan điểm đầu tiên, Đoàn Chung chia sẻ: “Đây là một hiện tượng phổ biến trong môi trường công sở. Nguyên nhân của vấn đề này là chúng ta đã không có một cơ chế kiểm soát chặt chẽ về nội quy lao động, cho đến những vấn đề đào tạo nhân viên trong giai đoạn đầu tiên. Đặc biệt là những môi trường mà chúng ta thiếu quy trình đón tiếp ứng viên. Và giải pháp là công ty phải xây dựng hệ thống, quá trình hội nhập cho nhân viên một cách bài bản, tránh việc các bạn cảm thấy bơ vơ, lạc lõng trong những ngày đầu, để họ cảm nhận được là đây mới chính là ngôi nhà của họ và họ cảm nhận được đối với công ty này, họ là một phần quan trọng”. 

Có một cách nhìn nhận sự việc khác với đối thủ, Hà Trang tiếp lời: “Tôi có một góc nhìn khác. Có những vấn đề mà quy trình không thể trình bày được rõ hết. Những nhân sự trong công ty, họ hoàn toàn đã hiểu về văn hóa, cách làm việc, bộ máy, chỉ là cách họ giao việc như thế nào cho phù hợp. Vấn đề là ai là người giao việc để việc đấy được thực thi tốt nhất. Và ai sẽ là người đánh giá công việc đó. Đôi khi, cách bắt nạt này được chuyển đổi một cách tích cực hơn. Các bạn được phân bố nhiều công việc, các bạn chủ động hơn trong việc tìm kiếm nhóm công việc này để làm. Với những bạn thuộc thế hệ Gen Z và Millennials, các bạn sẽ hình dung là muốn đón nhận càng nhiều công việc càng tốt, nên các bạn rất sẵn lòng với điều đó”. 

Phản biện đối thủ, Đoàn Chung đặt câu hỏi chất vấn: “Khi những nhân viên cũ giao việc cho nhân viên mới, thậm chí là sai vặt như trong tình huống, thì Hà Trang phải làm sao để người mới không có cảm giác bị sai vặt và sẵn sàng đón nhận công việc đó?”. 

Tự tin thể hiện suy nghĩ cá nhân, Hà Trang khẳng định: “Đôi khi một nhân viên mới vào công ty, họ bị choáng ngợp bởi nhiều công việc quá, quy trình quá nhiều mà đôi khi người ta không thể nào nắm bắt hết được, thì họ sẽ cảm giác không được tích cực lắm. Làm thế nào để giao việc không bị quá thẩm quyền, thứ nhất là quy trình đón tiếp nhân sự trong ngày đầu tiên, thứ hai là phải phân công được công việc của các nhóm nhân sự, thứ ba là quy trình đánh giá trước – trong – sau quá trình làm việc. Như vậy sẽ kiểm soát được chất lương công việc, đánh giá được đúng vai trò, đúng chức năng của mỗi nhân sự”. 

Sau đó, nữ ứng viên tiếp lời, đặt câu hỏi chất vấn đàn anh: “Theo anh Đoàn Chung, trong quy trình đón tiếp nhân sự mới trong ngày đầu tiên, bước nào là quan trọng nhất?”. 

Là một Quản lý Nhân sự lâu năm, Đoàn Chung chia sẻ quy trình đón tiếp một cách bài bản: “Bước đầu tiên là bước chuẩn bị. Trước ngày ứng viên nhận việc, chúng tôi có sự phân công rõ ràng người nào chuẩn bị việc gì. Ví dụ bộ phận IT phải chuẩn bị máy tính, bộ phận office chuẩn bị văn phòng phẩm, chỗ ngồi, có thể mua thêm hoa để tặng, có những tấm thiệp hoặc món quà để cho các bạn thấy mình được đón tiếp chu đáo và để lại ấn tượng cho ứng viên”. 

Khá đồng tình với cách xử lý của Đoàn Chung, tuy nhiên, là một bạn trẻ 9x, Hà Trang bổ sung việc có thể áp dụng Công nghệ vào để tiết kiệm thời gian: “Ở thời kỳ 4.0 thì có thể áp dụng những phương pháp hiện đại hơn, tiên tiến hơn, đơn thuần hơn, hiện đại hơn, làm đơn giản, qua email thôi nhưng hiệu quả và có thể áp dụng vào hệ thống”. 

Không cho là đúng, Đoàn Chung mạnh mẽ phản ứng: “Khi làm việc với con người, phần lớn là phải tương tác trực tiếp với họ để xem cảm xúc của họ như thế nào. Dù công nghệ có phát triển như thế nào, thì tương tác trực tiếp luôn mang lại nhiều giá trị hơn. Đặc biệt là các bạn mới trong việc hòa nhập với môi trường công ty”. 

Phần tranh luận, chất vấn của cặp đôi ứng viên lĩnh vực Nhân sự mang lại cho khán giả nhiều thông tin và các góc nhìn đa chiều trong Quản trị nguồn Nhân lực, cũng như xây dựng văn hóa Doanh nghiêp. 

  6 sếp quyền lực đặt câu hỏi để tìm hiểu thêm về ứng viên. 

Kết thúc phần tranh luận của các ứng viên, 6 sếp quyền lực sẽ đặt câu hỏi để tìm hiểu thêm về ứng viên, thông qua đó có đủ dữ liệu để ra quyết định có nhấn đèn xanh lựa chọn hay không ở vòng tiếp theo. 

Sếp Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận – PNJ là người đầu tiên đặt câu hỏi cho Hà Trang. “Em sẽ là ai trong 15 năm nữa? – Ông hỏi”. 

Nữ ứng viên ngay lập tức đáp lời: “Bức tranh mà tôi rõ ràng nhất là bức tranh trong 5 năm tới. Không phải câu chuyện mình sẽ trở thành manager hay director, mà là câu chuyện tôi truyền cảm hứng nhiều hơn, giúp đỡ được nhiều hơn, không chỉ trong ngành nhân sự. Tôi đang vận hành 1 tổ chức với 27.000 thành viên, là các bạn trẻ, thông qua các chương trình học. Đồng thời, tôi cũng kết nối các bạn với các Doanh nghiệp, Tập đoàn lớn về Nhân sự. Tôi truyền cảm hứng, tôi giúp nhiều người tiếp cận với cơ hội công việc hơn. Tôi giúp các Doanh nghiệp đến gần hơn với các bạn sinh viên vừa giỏi, vừa tiềm năng trong tương lai”. 

Để tìm hiểu xem có sự tương thích giữa ứng viên với một Doanh nghiệp về Công nghệ hay không, Sếp Nguyễn Tuấn Lương, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam – VNPAY, là người tiếp theo đặt câu hỏi cho Hà Trang: “Là một công ty về Fintech, bạn sẽ đào tạo kỹ năng gì đầu tiên cho nhân sự. Và tại sao bạn lại đào tạo kỹ năng đó?”. 

Tự tin trả lời, cô gái 25 tuổi cho biết: “Điều đầu tiên không phải chỉ riêng đội ngũ nhân sự mà tất cả các nhân viên đều phải hiểu được khách hàng của mình là ai? Thứ hai phải hiểu được sản phẩm, giá trị sản phẩm của Tập đoàn mình, là Công nghệ.  Thứ ba, bạn mang lại giá trị gì cho Doanh nghiệp và ngược lại. Câu chuyện không chỉ về tiền lương, lợi ích, mà còn là câu chuyện đồng hành dài hạn hơn, cho sự phát triển của cả hai”. 

Kết thúc vòng Đối mặt, Hà Trang nhận được số điểm tuyệt đối 7/7 từ 6 sếp và khán giả tại trường quay, giành chiến thắng trước Đoàn Chung và bước tiếp vào vòng tiếp theo – vòng Chinh phục. 

Chia sẻ trước khi rời chương trình, Đoàn Chung tiếc nuối cho biết: “Hôm nay tôi dừng bước ở đây, tôi thừa nhận là chuẩn bị chưa tốt và chưa làm được những gì mà mình mong muốn. Bạn Hà Trang hoàn toàn xứng đáng đi tiếp vào vòng sau. Cảm ơn cơ hội ngày hôm nay đã cho tôi gặp được các sếp và để tôi có thể đứng trên sân khấu ngày hôm nay”. 

Ờ vòng Chinh phục, Hà Trang nhập mức lương kỳ vọng vào chiếc “va-ly bí mật” mà ban tổ chức cung cấp. Sau đó, 6 sếp quyền lực sẽ đặt câu hỏi để thẩm định về kinh nghiệm làm việc, năng lực chuyên môn, kiến thức xã hội lẫn trải nghiệm thực tế của ứng viên. 

Sếp Dương Long Thành, Chủ tịch HĐQT Thắng Lợi Group, đặt câu hỏi đầu tiên: “Nếu có 30 giây để thể hiện với các sếp ở đây tình yêu Quê hương – Đất nước, bạn sẽ nói gì?”. 

Hà Trang ngay sau đó đã có câu trả lời khá thuyết phục: “Tôi nghĩ việc phát triển bản thân đầu tiên chính là đóng góp tốt nhất cho Đất nước. Điều thứ 2 là làm thế nào để những cống hiến của tôi được lan tỏa đến nhiều người hơn. Đặc biệt là thế hệ giống tôi, hoặc thế hệ tiếp sau tôi. Thứ ba là đóng góp cho các Doanh nghiệp, Tập đoàn. Doanh nghiệp ấy họ làm ra những sản phẩm có giá trị cho xã hội, thì đó là những điều mà tôi có thể làm cho Đất nước”. 

Thông thường, khi đi làm, sếp luôn là người lựa chọn nhân viên, thế nhưng, Sếp Thông dường như có quan điểm ngược lại khi tìm hiểu ứng viên: “Bạn mới 25 tuổi. Chặng đường của bạn phía trước còn dài. Đi hành trình đó, bạn cần những người sếp. Vậy tiêu chuẩn chọn sếp của bạn là gì?”. 

Hà Trang thoáng ngạc nhiên, cô nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và trả lời: “Thật ra chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ đi tuyển sếp. Người sếp rất quan trọng vì đó là người đồng hành. Tôi hy vọng được học hỏi. Đối với tôi, mọi thử thách được coi là cơ hội”. 

Hoàn thành phần hỏi – đáp, 6 sếp sẽ quyết định nhấn đèn xanh nếu hài lòng về ứng viên, nhấn đèn vàng là có điều còn băn khoăn và đưa ra lời cảnh báo cho ứng viên, nhấn đèn đỏ là không hài lòng và từ chối tuyển dụng. 

Kết quả, Hà Trang lại một lần nữa sở hữu tuyệt đối 6 đèn xanh từ 6 sếp, hoàn toàn đủ điều kiện để bước tiếp vào vòng cuối cùng – vòng Cơ hội cho ai. 

Lần đầu tiên tại “Cơ hội cho ai? – Whose chance?” xuất hiện ứng viên “all kill” thắng tuyệt đối và hoàn toàn chiếm trọn tình cảm từ 6 sếp quyền lực. Chính vì là ứng viên được “săn đón”, cô gái 25 tuổi được các sếp thay nhau dùng mọi chiến thuật, lời lẽ để thuyết phục về đội. 

Sếp Lê Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc - Bánh Bảo Ngọc, dùng sự tương đồng về sứ mệnh để thuyết phục ứng viên: “Sứ mệnh tôi đeo đuổi trong bao nhiêu năm nay là dám ước mơ và luôn luôn suy nghĩ tích cực. Tôi thấy bạn đang có một sứ mệnh nào đó rất gần với bên tôi. Tôi có chia sẻ với các sếp ở đây rằng chúng ta đều là thợ săn, xem ai săn được nhiều ứng viên trong chương trình này hơn”. 

Sếp Thành mang lại tầm nhìn phát triển cho Hà Trang: “Tôi tin rằng trong vòng 3-5 năm tới, bạn sẽ là 1 CEO. Những ước mơ, hoài bão, mong muốn của bạn lúc đấy sẽ thành hiện thực”. 

Sếp Lương dùng sự hoàn thành mục tiêu trong thời gian ngắn để chiêu dụ ứng viên: “Chắc rằng bạn cũng đã biết sự thành công của các công ty Công nghệ - Tài Chính, đạt được cái ngưỡng tự do về tài chính. Nếu bạn lựa chọn VNPAY, đây là con đường ngắn nhất để bạn đạt được những mục tiêu của mình”. 

Sếp Thông sử dụng tâm lý chiến, dùng sự gắn kết và cơ hội học hỏi để thuyết phục Hà Trang: “Tôi không phải đến đây để săn người. Tôi đến đây để tìm kiếm những cơ hội và đó phụ thuộc vào nhân duyên. Công ty tôi là doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất. Và ở đó, bạn có những người đồng đội để đi tìm sự nghiệp của mình”. 

Trước những chiến thuật chiêu dụ, lời lẽ ngon ngọt của các sếp chia sẻ trước, sếp Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom, dùng lý luận ngược để gây sự chú ý với ứng viên: “Tôi nghĩ tôi chẳng có gì để thuyết phục em cả. Nếu về công ty tôi thì lúc nào công việc cũng ngập đầu. Sếp của bạn về nhân sự thì vô cùng hà khắc. Bạn càng làm được việc thì lại càng được giao nhiều việc hơn. Chính sách của công ty thì yêu cầu nhân viên phải học suốt ngày, mà không học thì sẽ bị trừ lương. Quả thật là chẳng thấy có gì hay ho để bạn về với tôi cả. Nhưng có 2 điều tôi bổ sung thôi, không phải để thuyết phục. Một là Giám đốc nhân sự của FPT nhận chức năm 30 tuổi. Mà Tập đoàn FPT thì có 36.000 người thôi. Điều thứ hai là chúng tôi vừa nhận vị trí thứ nhất về nơi đáng làm việc nhất trong ngành Công nghệ. Tôi nghĩ chỗ đấy không phù hợp với em”.

 Sếp Lưu Nga, Nhà sáng lập – Chủ tịch HĐQT Công ty Thời trang ELISE, “thuận thế đẩy thuyền”, tiếp lời sếp Tiến: “Giám đốc Nhân sự của FPT nhận chức năm 30 tuổi là một điều rất tuyệt vời. Tôi chưa có giám đốc nhân sự, nhưng CEO của tôi chỉ mới 32 tuổi thôi và là một người vô cùng xuất sắc”. 

Màn hình điện tử công khai mức lương kỳ vọng của Hà Trang là 20.000.000 đồng. Cô nhận được lời mời làm việc tại: FPT Telecom của sếp Tiến, vị trí Trợ lý Trưởng ban Nhân sự với mức lương 16.789.000 đồng; Elise của sếp Nga, vị trí Truyền thông Nội bộ, mức lương 20.000.000 đồng; Bảo Ngọc của sếp Thuấn, vị trí Chuyên viên Nhân sự, mức lương 20.000.000 đồng; VNPAY của sếp Lương, vị trí Nhân sự, mức lương 20.000.000 đồng; Thắng Lợi Group của sếp Thành, vị trí Trưởng phòng phát triển nguồn Nhân lực và Văn hóa Doanh nghiệp – kiêm Trợ lý Ban Tổng Giám đốc với mức lương 25.999.999 đồng. 

Mức “mời lương” cuối cùng thuộc về sếp Thông cho vị trí Quản lý Đối tác Nhân sự - kiêm Trợ lý Phát triển Nhân tài Next với mức lương 30.201.011 đồng. 

Lý giải về con số “mời lương” khá trúc trắc, Sếp Thông cho biết: “Hà Trang mới 25 tuổi. Bạn còn trên đường băng để cất cánh. Sự nghiệp của bạn đang số 3, có thể có những khủng hoảng, có câu chuyện của số 0. Rồi bạn leo lên, lại gặp tiếp những sườn đồi bên kia. Và tôi chúc bạn cuối cùng sẽ về vơi vị trí số 1. Nhưng con đường đến đó, tôi không mong đợi nó là đường thẳng”. 

Theo quy định của chương trình, khi ứng viên nhận được nhiều hơn 2 mức “mời lương” cao hơn kỳ vọng, ứng viên có quyền lựa chọn 2 doanh nghiệp quan tâm nhất để tìm hiểu chi tiết hơn. 

Hà Trang quyết định lựa chọn sếp Thông và sếp Thành. Cô quan tâm đến vị trí công việc mà các sếp đang ướm cho bản thân cụ thể khi triển khai là gì? Cấp trên của cô là ai?. 

Sếp Thông đưa cho ứng viên thêm thông tin: “Vị trí mà tôi mời bạn làm việc là vị trí 2 trong 1, với chức năng của nhân sự liên quan đến nhân tài, liên quan đến Đào tạo – Tuyển dụng. Song song đó, tôi offer vị trí thứ hai, đó là vị trí phát triển nhân tài Next. PNJ đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ, mà chúng tôi gọi là “Nhấn nút tái tạo”, theo cái hướng là bớt đi những tầng nấc trung gian. Và những nhân viên của tôi sẽ trở nên đa năng hơn. Bạn là người hiểu các bạn ấy. Và bạn sẽ giúp các bạn ấy trở thành các Leader của công ty trong tương lai”. 

Sếp Thành chia sẻ thêm về lộ trình phát triển của Hà Trang: “Tôi có lộ trình cho bạn trong 3-5 năm tới. Đầu tiên bạn sẽ về làm việc tại các công ty thành viên. Tùy theo năng lực, sau đó bạn sẽ được rút về tập đoàn để làm việc ở các quy mô lớn hơn. Quyền quyết định cuối cùng là bạn lựa chọn”. 

Kết quả chung cuộc, Hà Trang quyết định gia nhập PNJ của sếp Thông ở vị trí Quản lý Đối tác Nhân sự - kiêm Trợ lý Phát triển Nhân tài Next với mức lương 30.201.011 đồng. 

Tập 4 của “Cơ hội cho ai? – Whose chance?” sẽ tiếp tục lên sóng vào lúc 12h00 ngày 28/11/2020 trên kênh VTV3 – Đài truyền hình Việt Nam.

Quang Văn

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam