Hội thảo “Tuổi trẻ Bộ Xây dựng với việc nâng cao hiệu quả trong thiết kế điển hình hóa nhà tránh lũ và ứng phó biến đổi khí hậu”

Giới trẻ, Đoàn, Hội, Đội | 20:01:00 24/11/2020

TNV - Sáng ngày 24/11 tại Hà Nội, Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức tổ chức Hội thảo chuyên đề “Tuổi trẻ Bộ Xây dựng với việc nâng cao hiệu quả trong thiết kế điển hình hóa nhà tránh lũ và ứng phó biến đổi khí hậu”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Bùi Chí Hiếu – Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Xây dựng chia sẻ: Mục tiêu của Hội thảo là tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tình hình Biến đổi khí hậu tại các đô thị trên thế giới và Việt Nam; Trao đổi và thảo luận các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai tại các đô thị trên thế giới và Việt Nam; nghiên cứu mô hình nhà chống bão, lũ cho các đô thị (miền núi phía Bắc và ven biển). Thông qua Hội thảo tạo diễn đàn trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đoàn viên thanh niên về việc triển khai áp dụng các giải pháp của ngành xây dựng ứng phó biến đổi khí hậu.

Đồng chí Bùi Chí Hiếu – Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Xây dựng phát biểu khai mạc Hội thảo

Trong những năm vừa qua, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã được nhận thấy qua nhiều dấu hiệu, bằng chứng với nhiều loại thiên tai có cường suất lớn, tính chất nghiêm trọng. Việt Nam là nước dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH. Theo đánh giá hàng năm về những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoạn giai đoạn 1997-2016, Việt Nam đứng thứ 5 về Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2018 và thứ 8 về Chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn (CRI). Thời gian gần đây các cụm từ “mưa lớn kỷ lục”, “nắng nóng kỷ lục”, “kỷ lục về lũ lụt” đã và đang xuất hiện ngày càng phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam. Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường trên nhiều vùng miền cả nước, đã xảy ra 16 loại hình thiên tai: 10 cơn bão trên biển Đông, 263 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh/TP, trong đó 09 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, TP Bắc Bộ và Trung Bộ; 15 trận lũ quét, sạt lở đất; 72 trận mưa lớn, ngập úng, lũ; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6/10 đến nay tại khu vực Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Tại Hội thảo đồng chí Nguyễn Dư Minh – Trưởng phòng thẩm định Dự án ĐT PTĐT, Cục Phát triển Đô thị cho biết: Trước những diễn biến bất thường và mạnh mẽ của BĐKH tới cuộc sống của người dân, giải pháp nhà ở được nhận định là cấp bách và thiết thực nhất. Nhà chống lũ hay nhà chống ngập là mô hình thiết kế nhà thích ích với mưa lũ, giảm thiểu hậu quả của thiên tai đến con người và tài sản.

Tại Việt Nam, nhà chống lũ xuất hiện từ năm 2013. Đây là giải pháp tuyệt vời trước tình hình thời tiết thất thường lại miền Trung. Bên cạnh đó, mô hình này còn phù hợp với vùng ngập lũ miền Tây, đặc biệt khi khí hậu đang thay đổi thất thường. Hiện nay, mô hình nhà chống lũ gồm 3 loại chính: Nhà kê nền, nhà có gác và nhà phao. Thực tế, đã có không ít thiết kế nhà chống lũ được triển khai, từ đơn giản, giá rẻ cho đến những mô hình hiện đại, sáng tạo đột phá.

Mặc dù nhà ở chống bão, lũ có hiệu quả thiết thực, chi phí hợp lý và chính là phao cứu sinh giúp bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, những mô hình thiết kế nhà ở này cho đến nay vẫn chưa được nhân rộng. Vì vậy tại Hội thảo này đồng chí Nguyễn Dư Minh cũng đưa ra một số giải pháp để hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở tránh bão, lũ: Huy động đa dạng nguồn vốn xã hội hóa, vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nhằm tăng cường hỗ trợ giúp người nghèo có thêm kinh phí để họ xây được nhà thêm một chỗ dựa vững chắc để họ vươn lên thoát nghèo bền vững, không bị tổn thương trước thiên tai. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để không chỉ người nghèo mà tất cả các tầng lớp nhân dân thấy rõ, ý thức được sự cấp thiết phải xây dựng nhà tránh bão, lũ để cuộc sống được an toàn trong điều kiện biến đổi khí hậu thất thường như hiện nay, từ đó người dân có sự đầu tư đúng mức cho ngôi nhà để an cư lạc nghiệp. Bên cạnh đó ngoài thiết kế mẫu, các địa phương phải có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp cải tạo, nâng tầng làm sàn nhà phòng tránh bão, lụt và phù hợp với địa hình cụ thể từng địa phương.

Cũng tại Hội thảo, Ths. KTS. Nguyễn Quốc Hoàng – Viện Kiến trúc Quốc gia chia sẻ: Biến đổi khí hậu tác động đến mọi ngành, mọi lĩnh vự trong đó có lĩnh vực xây dựng, kiến trúc đặc biệt là mô hình cư trú của người dân khu vực ven biển. Đây là mối quan hệ có tác động qua lại hai chiều. Một mặt xây dựng, kiến trúc cần thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội nhưng mặt khác các hoạt động cư trú, xây dựng cũng có sự tác động đến sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng mô hình nhà ở chống bão lũ cho các khu vực ven biển tại Việt Nam đã trở thành nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết.

Ths. KTS. Nguyễn Quốc Hoàng – Viện Kiến trúc Quốc gia phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Nhà ở vùng thiên tai mang sắc thái riêng biệt thay đổi tùy theo tập quán, lối sống của cư dân vùng miền. Việc nghiên cứu các khối không gian chức năng cơ bản (không gian ngủ, sinh hoạt, phục vụ …) nhằm thỏa mãn yêu cầu sử dụng, đặc biệt là khả năng chống, chịu trước thiên tai (gió, bão, lũ lụt…) đồng thời tạo khả năng vận dụng linh hoạt cho từng địa phương là yếu tố quan trọng.

Thông qua Hội thảo lần này, Đoàn thanh niên Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai toàn diện các mặt công tác đoàn và phong trào thanh niên năm 2020 và nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong công tác xây dựng đô thị ứng phó biến đổi khí hậu.

Một số mô hình nhà ở chống biến đổi khí hậu:

 

 

Quyết Phan

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam