Giáo dục sớm phát triển năng lực trẻ em trong những năm đầu đời – Vấn đề lý luận và thực tiễn

Giáo dục, Hướng nghiệp | 14:55:00 26/11/2020

TNV - Ngày 26/11 tại Thủ đô Hà Nội, Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (VACHE) phối hợp với Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người IPD tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc: “Giáo dục sớm phát triển năng lực của trẻ em trong những năm đầu đời: Lý luận và thực tiễn”.

Trong 10 năm qua, cụm từ “Giáo dục sớm” đã được truyền bá sâu rộng hơn, các phương pháp giáo dục sớm tiên tiến, hiện đại của các Nhà giáo dục sớm thế giới đã được giới thiệu tại Việt Nam và được nhiều tổ chức, cá nhân nghiên cứu, áp dụng cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi ở gia đình và các cơ sở giáo dục mầm non (chủ yếu ngoài công lập) dưới nhiều hình thức khác nhau. Các lớp đào tạo, các ấn phẩm, tài liệu giới thiệu về nội dung, phương pháp và những thành tựu giáo dục sớm của các nước và của Việt Nam cũng ngày càng phổ biến và phong phú.

Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội GDCSSKCĐ Việt Nam về: Đưa triết lý giáo dục sớm vào cộng đồng góp phần nâng cao chất lượng nòi giống, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong 10 năm qua Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD) đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến nghiên cứu, thực nghiệm, chuyên giao công nghệ Giáo dục sớm, tư vấn, tham gia đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến và ứng dụng tri thức khoa học nhằm giáo dục phát triển toàn diện tiềm năng, tố chất con người về thể lực, trí lực và tinh thần cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi. Do đó, đến nay Giáo dục sớm đã trở thành trào lưu sâu rộng trong cộng đồng.

Với mong muốn nhìn lại những điều đã làm được, định hướng phát triển cho tương lai, góp phần đổi mới giáo dục trẻ em sớm ở những năm đầu đời, Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, đại diện các tổ chức, cá nhân quan tâm đến giáo dục sớm tham dự với mục đích:

Giới thiệu và trao đổi kết quả nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn ứng dụng giáo dục sớm đang được thực hiện ở nước ta. Từ đó xác định giá trị, nhu cầu, định hướng chiến lược, phương thức hoạt động để không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ em trong những năm đầu đời.

Gặp gỡ, giao lưu, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ giáo dục sớm.

Hướng tới cơ hội hợp tác giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục sớm với các cơ sở giáo dục mầm non công lập và tư thục, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý các cấp, các doanh nghiệp và doanh nhân liên quan đồng lòng, chung sức thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, đảm bảo công bằng xã hội, góp phần vào công cuộc bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng nòi giống, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài tương lai của đất nước.

Tại Hội thảo đã đề cập đến nhiều nội dung quan trọng và thiết thực như: Kết quả nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng thực tiễn giáo dục sớm đối với các giai đoạn phát triển của trẻ em từ thai nhi đến 6 tuổi; Hiệu quả các mô hình giáo dục sớm đã được triển khai đối với trẻ và các bậc phụ huynh; Kết quả lồng ghép nội dung, phương pháp giáo dục sớm với chương trình giáo dục mầm non hiện hành; Kết quả tổ chức tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ, cộng đồng xã hội về giáo dục sớm để phát triển toàn diện tiềm năng, tô chất con người ngay từ tuổi ấu thơ; Hiệu quả của các chương trình, tài liệu, đồ dùng dạy học được sử dụng để tiến hành giáo dục sớm cho trẻ và đào tạo đội ngũ giáo viên, chuyên gia tư vấn giáo dục sớm…; Cung cấp dịch vụ Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực giáo dục sớm – phát triển tiềm năng, tố chất của trẻ.

Trong một tham luận tại Hội thảo, ông Vũ Oanh – Chủ tịch danh dự Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, Nguyên ủy viên Bộ Chính trị chia sẻ: Việt Nam đã đi sau thế giới hơn 40 năm trong lĩnh vực giáo dục sớm. Chúng ta cần có một giải pháp rút ngắn, sáng tạo ra cách làm riêng của Việt Nam để vượt lên: “đi sau về trước”, tạo ra sản phẩm giáo dục đẳng cấp quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh nhân lực chất lượng cao toàn cầu.

Ông cũng đưa ra kiến nghị: Trước mắt, cần tuyên truyền sâu rộng về giáo dục sớm trong cộng đồng dân cư, để giáo dục sớm trở thành một nét văn hoá trong đời sống gia đình Việt Nam. Các đoàn thể nhân dân như: Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, Hội Khuyến học,... cần phải vào cuộc thực hiện Chiến lược của Đảng về giáo dục và đào tạo, xây dựng các Câu lạc bộ gia đình, Câu lạc bộ ở thôn, xã, Câu lạc bộ của ngành mình, giới mình về giáo dục sớm.

Để đảm bảo cho sự thành công của Chương trình giáo dục sớm, nâng cao chất lượng nòi giống, nhằm nuôi dưỡng, đào tạo ra các tài năng cho dân tộc Việt Nam, việc đầu tư xây dựng một “Tổ hợp hệ thống trường đào tạo nhân tài Việt Nam và các cơ sở nghiên cứu thực nghiệm từ mầm non đến phổ thông” là hết sức cần thiết và làm càng sớm càng tốt. Vì theo mô hình giáo dục sớm thì chỉ cần từ 15 đến 20 năm chúng ta đã có một thế hệ công dân Việt Nam có trí lực và thể lực vượt trội để sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong đợi.

B. Hạnh

 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam