"Kích cầu năm 2020": Đẩy mạnh tiêu dùng nội địa

Thời sự, Thời sự, Kinh tế | 09:25:00 12/12/2020

TNV - Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội. Nền kinh tế, sản xuất và thương mại tăng thấp nhất 10 năm qua. Trong đó, khu vực dịch vụ và bán lẻ 6 tháng đầu nă giảm tới 1,78% so với cùng kỳ năm 2019. Vì thế, chương trình kích cầu tiêu dùng 2020 ra đời nhằm đẩy mạnh công tác sản xuất, tìm đầu ra cho các doanh nghiệp và khuyến mãi tiêu dùng nội địa, góp phần hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Nhiều chính sách kịp thời

Để thực hiện "mục tiêu kép", Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương khắc phục tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhằm phục hồi nhanh và đẩy mạnh phát triển đất nước. Cụ thể tại Kết luận số 77-KL/TW ngày 05 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị đã nêu: Tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Theo chủ trương đó, thông qua Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt chính sách kịp thời, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, có biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu dùng. Nhờ đó, các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội của nước ta đang được khôi phục, tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực.

Chương trình kích cầu tiêu dùng 2020 được kỳ vọng thúc đẩy hơn nữa cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam

Triển khai các kết, Nghị quyết trên, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và tăng cường thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới. Bảo đảm thực hiện ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng của năm 2020. Hàng loạt các hoạt động, giải pháp, trong đó phải kể đến các hoạt động như: (i) Phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; (ii) Triển khai Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia áp dụng trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ Công thương đề nghị các tỉnh, thành hưởng ứng, tham gia, đồng thời phát động các chương trình kích cầu tại địa phương, gắn các hoạt động kích cầu tiêu dùng.

Mở đầu các hoạt động đó là ngày 1/7/2020, Bộ Công Thương tổ chức Lễ phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa và Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020. Tiếp đó nhiều địa phương đã có nhiều hoạt động cụ thể nhằm kích cầu tiêu dùng.

Tiêu biểu như Sở Công thương TPHCM tổ chức Tháng khuyến mãi 2020 với chủ đề "Khuyến mãi mùa vàng" từ ngày 22-11-2020 đến hết ngày 12-12-2020 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp  tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong những tháng cuối năm và thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". 

Khi tham gia chương trình "Khuyến mại mùa vàng", doanh nghiệp có thể tổ chức nhiều chương trình khuyến mại đa dạng với hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại lên đến 100%. Đồng thời, đây là chương trình đồng hành với các chương trình kích cầu tiêu dùng khác của Thành phố, như "Chương trình kích cầu du lịch nội địa - Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 10/2020 đến hết năm 2020" do Sở Du lịch tổ chức.

Sở Công Thương Hòa Bình phối hợp ban hành cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, tổ chức các kênh phân phối đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Sở Công Thương đã tổ chức nhiều hội chợ thương mại đưa hàng Việt về nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, tỉnh đã tổ chức 34 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện. Đồng thời, xây dựng 4 Điểm bán hàng Việt tại xã vùng cao, vùng xa của các huyện. Các doanh nghiệp đã thực hiện gần 15.000 chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.

Song song với đó, Sở Công Thương đã làm đầu mối phối hợp tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại tại tỉnh và tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong tỉnh ở ngoài tỉnh. Qua đó, một số sản phẩm tiêu biểu được tham gia kết nối cung - cầu như: Rượu Mường Đình, cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc, măng Kim Bôi, cao xạ đen, trà giảo cổ lam, chè Shan tuyết, hạt Sachi... được người tiêu dùng ưa chuộng.

Người dân tham quan, mua sắm tại Hội chợ triển lãm kích cầu tiêu dùng và Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn Quảng Ninh 2020

Ngày 10/12/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội chợ triển lãm kích cầu tiêu dùng và Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn Quảng Ninh 2020. Hội chợ triển lãm có quy mô gần 470 gian hàng, trong đó 270 gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tiêu biểu, hàng hóa thương mại - dịch vụ của các tỉnh/thành phố tại khu vực bên trong và 200 gian hàng. Qua hội chợ, người tiêu dùng sẽ có cơ hội tiếp cận, sử dụng các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, phong phú về kiểu dáng, chất lượng đảm bảo, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu. Hội chợ lần này sẽ là nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi những tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong nước, đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, thương hiệu qua đó người tiêu dùng thêm nhiều lựa chọn nhiều sản phẩm tiêu dùng trong nước.

Ngày 11/12/2020, Công đoàn Bộ Công Thương phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại thị trường trong nước. Đây là hoạt động triển khai chương trình kích cầu nội địa theo Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19.  Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tin tưởng: 10 năm trước đây, chúng ta hưởng ứng Cuộc vận động là “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thì hiện nay Cuộc vận động đã sang một giai đoạn mới, không chỉ dừng lại ở "ưu tiên" mà hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam và người Việt Nam tự hào khi dùng hàng Việt Nam.

Mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2%

Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong tháng 11, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương (ngày 6/11/2020) và Chương trình hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương năm 2020 trong các ngày 7-8/11/2020 tại Hà Nội; phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố” ngày 25 tháng 11 năm 2020 và chuỗi sự kiện “Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam” năm 2020 thu hút sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp sản xuất của gần 60 tỉnh, thành phố trong cả nước và hơn 100 đơn vị phân phối trong và ngoài nước; phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Long, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức các Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam với quy mô cấp vùng, miền…    

Thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn, một số mặt hàng như lương thực, đường, vật liệu xây dựng tăng nhẹ do nhu cầu tăng; một số mặt hàng như thực phẩm (thịt lợn), phân bón giá giảm nhẹ do nguồn cung tăng; các mặt hàng nhóm năng lượng giá có xu hướng tăng nhẹ do ảnh hưởng của giá thế giới trước các tác động của các yếu tố chính trị, xã hội.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tính đạt 464,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 365,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% và tăng 13,2%, chủ yếu do các cơ sở kinh doanh trong tháng đưa ra nhiều chương trình khuyến mại đã thu hút người tiêu dùng tới mua sắm; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 47,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% và giảm 6,5%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% và giảm 68,3%; doanh thu dịch vụ khác đạt 50 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% và giảm 0,7%.

Tính chung 11 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.590,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,1%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng đạt 3.630,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng năm nay ước tính đạt 461,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 10% tổng mức và giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,6%). Doanh thu du lịch lữ hành 11 tháng ước tính đạt 16,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 58,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,9%). Doanh thu dịch vụ khác 11 tháng ước tính đạt 482,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng mức và giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện đang vào dịp cuối năm, thị trường hàng hóa bắt đầu sôi động, nhiều chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại được triển khai trên cả nước, kích thích nhu cầu mua sắm của người dân.

Khánh Toàn

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam