Nhiều doanh nghiệp Việt còn chưa quan tâm tới vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Doanh nhân, Xây dựng thương hiệu | 17:35:00 29/12/2020

TNV - Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Khai thác quyền sở hữu Trí tuệ phối hợp với Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu Cạnh tranh và Doanh nghiệp cùng các đơn vị liên quan tổ chức “Hội nghị Quốc tế về xây dựng hình ảnh doanh nghiệp gắn với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ” vào sáng ngày 29 tháng 12 tại Hà Nội.

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp đang phát triển ngày một mạnh mẽ. Tuy nhiên, có một thực trạng chung đó là rất nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà chưa nghĩ đến việc đăng ký quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ hoặc ngại đăng ký vì nhiều lý do.

Đôi khi điều này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về kiến thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp, vì vậy các doanh nghiệp này thường không nắm được tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ và vẫn còn thờ ơ với việc đăng ký sở hữu trí tuệ. Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho xã hội về sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo là hết sức quan trọng, đặc biệt là việc tuyên truyền sâu rộng về vai trò và gắn kết giữa đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp. Để đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp thực thi có hiệu quả các cam kết về sở hữu trí tuệ trong bố cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu với quốc tế, chúng ta cần tiếp tục triển khai các chính sách để nâng cao năng lực và hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Ninh Giang, Giám đốc IPTA cho biết: Ở nước ta hiện nay có thực trạng chung đó là rất nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà chưa nghĩ đến việc đăng ký quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ hoặc ngại đăng ký vì nhiều lý do.

Thực tế cho thấy, trong khi các doanh nghiệp đa quốc gia trên thế giới đều đầu tư nhiều nguồn lực cho việc đăng ký bảo hộ độc quyền tài sản trí tuệ của doanh nghiệp thì tại nước ta hiện nay chưa có nhiều doanh nghiệp hiểu đúng tầm quan trọng của vấn đề này.

Theo ông Giang, đã có nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư rất nhiều vào xây dựng thương hiệu của mình ở trong nước, giúp sản phẩm tốt được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến, tuy nhiên khi ra thị trường quốc tế lại trở nên vô danh, thậm chí bị “cướp” thương hiệu do bị một doanh nghiệp nước ngoài khác đăng ký trước. Điều này đã gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp.

Quá trình phát triển kinh doanh phải đi kèm với khả năng khuyến khích, thúc đẩy và duy trì đổi mới sáng tạo. Để tối ưu hóa giá trị của đổi mới sáng tạo, mỗi nền kinh tế cần tập trung xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng, trong đó ghi nhận vai trò của sở hữu trí tuệ. “Hiện số DNNVV hiểu đúng về SHTT chỉ 18%; chỉ có 6% DNNVV có bộ phận thực thi về SHTT. Nhiều doanh nghiêp còn chưa liệt kê được tài sản thuộc SHTT. Con số này cho thấy, thực trạng tại nước ta hiện nay chưa có nhiều doanh nghiệp hiểu đúng tầm quan trọng của vấn đề này” – ông Giang chia sẻ thêm.

Minh chứng là nhưng vụ việc như: chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho nước mắm bị đăng ký làm nhãn hiệu ở nhiều nước, mất thương hiệu thuốc lá Vinataba ở nhiều lãnh thổ, mất sáng chế/kiểu dáng công nghiệp võng xếp Duy Lợi ở Nhật Bản năm 2001, mất chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột ở Trung Quốc năm 2011…

Theo LS. Lê Quang Vinh, Công ty Luật Bross và cộng sự, nếu không bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ mất cơ hội xuất khẩu và mở rộng thị trường, đối mặt với rủi ro về pháp lý. Song song với đó là sẽ mất lợi ích từ các Hiệp định Thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP…

Còn theo LS. Phạm Duy Khương, Công ty Luật SB Law, doanh nghiệp Việt cần có chiến lược đăng ký nhãn hiệu ra quốc tế để bảo vệ thương hiệu của mình cũng như nâng cao uy tín trên thị trường quốc tế.

Theo đó, doanh nghiệp phải cân nhắc về chi phí, thời gian, số lượng và quốc gia đăng ký. Cụ thể, có thể đăng ký trên 4 quốc gia, so sánh thời gian đăng ký trực tiếp và đăng ký qua định thư hay thỏa ước. Một số quốc gia đã cho phép đăng ký với thủ tục rút gọn mà doanh nghiệp có thể cân nhắc như: Campuchia, Úc, Hàn Quốc…

Cũng tại Hội nghị, các chuyên gia đã thảo luận và đưa ra được những vấn đề cốt lõi trong vấn đề xây dựng thương hiệu hình ảnh thông qua việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Ông Lê Huy Anh, Trưởng phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại (Cục SHTT – Bộ KHCN) cho biết: Trong nền kinh tế hiện đại, tài sản trí tuệ đóng vai trò ngày càng quan trọng bởi bản chất không hạn định, không cạn kiệt của trí tuệ con người. SHTT đóng vai trò then chốt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Bảo hộ SHCN, đặc biệt là bảo hộ độc quyền sáng chế, là cơ chế hợp pháp để tạo ra độc quyền; giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh: độc quyền công nghệ, độc quyền sản xuất và phân phối, độc quyền giá, độc chiếm thị trường, tăng cường danh tiếng, ngăn ngừa tranh chấp…

Hải Hà

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam