PSG.TS Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT phát biểu khai mạc hội thảo
Xu thế phát triển chung của các thành phố lớn trên thế giới bao giờ cũng hướng đến hệ thống giao thông công cộng hiện đại, thuận tiện, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị. Hệ thống đường sắt đô thị có mật độ chạy tàu cao, năng lực vận chuyển lớn sẽ đáp ứng được căn bản nhu cầu đi lại của người dân khi có sự kết nối giữa các tuyến và với các loại hình giao thông công cộng khác. Hệ thống này đòi hỏi chi phí đầu tư cao cùng với yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, quản lý khai thác và vận hành.
PSG.TS Nguyễn Ngọc Long tặng quà lưu niệm các diễn giả tại hội thảo
Đối với thế giới, hệ thống đường sắt đô thị đã có lịch sử phát triển lâu dài nhưng với Việt Nam do công nghệ đường sắt đô thị còn khá mới mẻ. Hiện nay, chúng ta đang triển khai một số tuyến đầu tiên tại Hà Nội và TP. HCM.Với hệ thống này, chúng ta chưa có kinh nghiệm trong công tác thiết kế, xây dựng, quản lý, bảo trì nên quá trình thực hiện các dự án đường sắt đô thị gặp không ít khó khăn. Đặc biệt việc lựa chọn giải pháp phù hợp với các đô thị ở Việt Nam là một vấn đề phức tạp thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
TS. Ngỗ Xuân Hùng giới thiệu kinh nghiệm tham gia các dự án về hạ tầng đường sắt đô thị trên thế giới
Tại hội thảo, TS. Ngỗ Xuân Hùng, Trưởng đại diện Tập đoàn Siemens tại Việt Nam giới thiệu kinh nghiệm tham gia các dự án về hạ tầng đường sắt đô thị trên thế giới ở Singapore, Đan Mạch, Đức; về giải pháp đa phương thức ở Đan Mạch, Luxemburg; các dự án chìa khóa trao tay ở Ả rập xê út, Thái Lan; các loại hình toa xe hiện đại ở Đức, Anh Quốc, Mỹ; và dịch vụ khách hàng ứng dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, hệ thống giao thông thông minh (ITS) cho các dự án ở Nam Kinh-Trung Quốc, Luân Đôn-Anh Quốc, tuyến Velaro và Desiro ở Nga, tuyến Barcelona-Madrid ở Tây Ban Nha.
Hội thảo có sự tham gia của các điểm cầu tại TP Hồ chí Minh, Đức, Đài Loan
Tại điểm cầu Cộng hòa Liên bang Đức, TS. Gregor Wessels đến từ Tập đoàn Dorsch, với báo cáo chuyên đề “Biến Hà Nội thành một đô thị bền vững, có vị trí trên thế giới, có định hướng chuyển tiếp” đã trình bày về định hướng chuyển tiếp bền vững, hệ thống đường sắt có cấu trúc phân cấp và thiết kế "hiện đại" của hệ thống đường sắt đã được ứng dụng trong thiết kế các hệ thống đường sắt đô thị ở Châu Âu.
Chuyên gia tới từ Tập đoàn CECI của Đài Loan, ông Hung-I Chan đã giới thiệu về quy hoạch và phát triển hệ thống MRT ở Đài Loan.
Những kinh nghiệm về kết nối các tuyến đường sắt đô thị cũng đã được ông Shigeyuki Sakakiđiều phối viên về lĩnh vực giao thông của World Bank trình bày tại hội thảo.
Cũng tại hội thảo này chúng ta hiểu hơn về thực trạng hiện nay và các giải pháp cho đường sắt đô thị đã được đề xuất tại 2 thành phố lớn của nước ta là Hà Nội và Tp HCM.
Đông đảo chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự hội thảo
Vấn đề đào tạo nhân lực cho ngành đường sắt đô thị cũng đã được các chuyên gia của Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội thảo luận tại hội thảo. Hiện nay; nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành đường sắt đô thị hiện chưa tới 1000 nhân sự. Với tình hình này, công tác đào tạo nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự cho ngành là rất cần thiết, cần có một định hướng đúng đắn từ các cơ quan quản lý nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ của các trường đại học để đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực cho ngành này trong thời gian tới.
Những nội dung mà các chuyên gia đã trao đổi tại hội thảo sẽ là những cơ sở khoa học và thực tiễn thiết thực để chúng ta có định hướng trong việc lựa chọn các giải pháp phù hợp cho các đô thị ở nước ta trong tương lai.
Trường Đại học Giao thông vận tải hướng tới mục tiêu trở thành trường Đại học theo mô hình đa ngành về kỹ thuật, công nghệ và kinh tế; trở thành đại học trọng điểm, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước; là trung tâm nghiên cứu khoa học có uy tín; có vị thế trong khu vực và hội nhập quốc tế. Đây là một cơ sở giáo dục đi đầu trong đào tạo, nghiên cứu về giao thông vận tải tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực đường sắt.
Hòa An