TNV - Thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Trung ương Đoàn lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020- 2025. Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Văn phòng Đề án 844 - Bộ KHCN, Cục Phát triển DN - Bộ KHĐT tư tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST tại 09 tỉnh thành, trong đó Nghệ An là địa phương được chọn.
Chương trình nằm trong khuôn khổ Hành trình Thanh niên Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020 với chủ đề:“Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp và tận dụng thời cơ để bứt phá từ đại dịch”. Ngày hội tại Nghệ An bao gồm rất nhiều các hoạt động ý nghĩa như: Hội nghị kết nối khởi nghiệp, đào tạo cho đoàn viên thanh niên, startup về khởi nghiệp ĐMST, Tham quan mô hình khởi nghiệp thành công tại địa phương. Tại Hội nghị kết nối, các chuyên gia, các chủ doanh nghiệp, các bạn startup đã trao đổi, tư vấn, nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của địa phương;
Theo báo cáo của đại diện địa phương trong Hội nghị, Giai đoạn 2016- 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Bức tranh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã thật sự khởi sắc trong mọi lĩnh vực như tài chính, du lịch, nông nghiệp, giáo dục, logistics và hàng loạt các lĩnh vực khác có liên quan đến công nghệ. Trong đó, với lợi thế về đất đai, khí hậu và điều kiện tự nhiên thuận lợi số lượng các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp nông nghiệp vượt trội hẳn sao với những lĩnh vực khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây những ảnh hưởng đến tình hình kinh tế nói chung và đặc biệt là lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp đã gặp ít nhiều những khó khăn.
Về hệ sinh thái khởi nghiệp của Nghệ An hiện nay, cả tỉnh có 22.000 doanh nghiệp, trong đó chỉ có 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động và trong 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động này chỉ có 8.500 doanh nghiệp đang đóng thuế. Trước thực trạng đó, vai trò của chính quyền cũng như lãnh đạo các bộ, ban ngành địa phương là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh Nghệ An.
Cụ thể, năm 2016 - 2017, Sở KHCN tỉnh Nghệ An đã triển khai cuộc thi về sáng tạo khoa học công nghệ dành cho thanh niên. Trong hai năm liên tục, tỉnh đã có khoảng 8 dự án được hỗ trợ thông qua quỹ. Đến năm 2018, trên địa bàn tỉnh chính thức triển khai cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nghệ An. Từ năm 2018 đến nay, Sở KHCN tỉnh đã hợp tác với VSV để triển khai công tác đào tạo một số cán bộ trong hệ sinh thái để làm công tác tham mưu cũng như triển khai một số các hoạt động. Ví dụ như các cuộc thi để cho các bạn khởi nghiệp và các doanh nghiệp khởi nghiệp làm quen dần với cách kêu gọi vốn đầu tư.
Ngoài ra, Sở KHCN cũng đưa vào chương trình của tỉnh một số chính sách hỗ trợ khởi nghiệp như: hỗ trợ giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ để truyền thông, quảng bá thông tin về các sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Sở KHCN đã hình thành một trung tâm thông tin khoa học và công nghệ của tỉnh cùng với Co-working Space để các bạn trẻ khởi nghiệp có thể đến đó để làm việc. Đó cũng là một sự hỗ trợ để giúp cho các Startup có địa diểm để tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn cũng như là không gian cho các Mentor làm việc với Mentee. Năm 2018 - 2019 Nghệ An đã có 05 Startup được chấp thuận đầu tư góp vốn và hỗ trợ phát triển với số tiền từ 10.000 đến 40.000 USD/Startup.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trao giải Đặc biệt
cho nhóm tác giả sáng tạo Khoa học - Công nghệ Nghệ An năm 2020. Ảnh: Phạm Bằng
Tổ chức thành công 04 cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh và là đơn vị chủ trì tổ chức Techfest 2018 khu vực Bắc Trung Bộ thu hút được gần 400 ý tưởng/dự án khởi nghiệp tham gia và kết quả đã có trên 30 Startup đang hoạt động tại Nghệ An.
Ngày hội KNĐMST tại Nghệ An đã thu hút được đông đảo các thành phần trong Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tại đây, các chuyên gia, các chủ doanh nghiệp, các nhà khởi nghiệp đã trao đổi, tư vấn, nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của địa phương. Hội nghị đã hỗ trợ các Startup mở rộng mạng lưới kết nối của mình và đồng thời cũng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ chuyên gia với các phiên chuyên đề tập trung vào thúc đẩy lĩnh vực Nông nghiệp Thông minh. Các nhóm vấn đề chính tại hội nghị được thiết kế xoay quanh các chủ đề: Thủy Hải sản, Nông Lâm nghiệp và Nông nghiệp kết hợp với Du lịch, logistic.
Theo chuyên giatại Hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp Nghệ An còn một số hạn chế (1) hơn 98% doanh nghiệp tại Nghệ An là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, trong đó số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm trên 90%, công nghệ lạc hậu, am hiểu thị trường ít, sức cạnh tranh thấp, thiếu lao động kỹ thuật, trình độ quản lý doanh nghiệp còn hạn chế, hiệu quả thấp và chưa có các thương hiệu mạnh đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực. Xét về quy mô vốn, có 233 doanh nghiệp có số vốn điều lệ >100 tỷ, chỉ chiếm 1,98% tổng số doanh nghiệp, do đó khó có khả năng đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất,… (2) Sự liên kết giữa các doanh nghiệp còn yếu, nhất là liên kết giữa doanh nghiệp quy mô nhỏ và doanh nghiệp quy mô lớn hơn. Số lượng doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực ít. Hiệu quả sản xuất - kinh doanh còn thấp. (3) Môi trường kinh doanh của Nghệ An chưa thực sự thuận lợi, chưa được cải thiện vững chắc; Hiệu quả triển khai các chính sách, biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh trên thực tế còn hạn chế.
Nhằm phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tại Nghệ An, Chuyên gia đưa ra giải pháp (1) Tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh CPI; (2) Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong tỉnh bằng thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung trước mắt vào đầu tư xây dựng hạ tầng, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hình thành các trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. (3) Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 và các nghị định hướng dẫn số 38/2018/NĐ-CP, 39/2018/NĐ-CP nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển; Tập trung vào các giải pháp khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển mở rộng thị trường thông qua tham gia chuỗi giá trị.
Ngoài những phiên tọa đàm cùng các khách mời được xây dựng với nội dung chuyên sâu, phù hợp với đặc thù riêng của từng địa phương của Nghệ An, sẽ kết hợp các buổi tham quan mô hình khởi nghiệp tại địa phương cùng với sự tham gia của các lãnh đạo địa phương với mục tiêu lắng nghe những khó khăn và giúp đỡ Startup nông nghiệp còn non trẻ, giúp họ tập huấn nâng cao năng lực quản trị và làm kinh tế.
Năng lực tài chính là yếu tố sống còn với bất cứ doanh nghiệp nào. Ngày Hội sẽ tổ chức một không gian riêng dành cho các nhà đầu tư và startup có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu nhau, những màn pitching của founders, CEO của các dự án nông nghiệp gọi vốn trực tiếp với các “Shark” là những nhà đầu tư tiềm năng, sẵn sàng đồng hành cùng các dự án chất lượng cao. Thời gian qua, những màn gọi vốn từ các startup thuộc lĩnh vực dịch vụ và công nghệ chiếm đa số, cơ hội dành cho các startup nông nghiệp tiếp cận với các nhà đầu tư còn khá khiêm tốn. Đây là sân chơi cho các Startup thực sự có tiềm năng để cọ xát và thử thách, chứng minh tiềm năng của Startup. Việc đánh giá tính khả quan của mô hình không ai phù hợp hơn là các nhà đầu tư.
Ngày hội khởi nghiệp ĐMST được hi vọng đoàn viên thanh niên và các thành phần của Hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương tham gia hưởng ứng. Đây như một cú hích đối với hoạt động khởi nghiệp của Nghệ An mang lại giá trị cho các Startup đặc biệt trong đó phải kể đến việc các nhà khởi nghiệp trẻ được gặp gỡ, học hỏi, đào tạo và tham khảo góp ý từ các chuyên gia từ Hội nghị.
Hoàng Hà