Tiêu chuẩn thiết kế lan can ban công chung cư, nhà phố bạn nên biết

Thứ ba, 02/03/2021 - 19:19

Thiết kế lan can ban công sao cho đúng chuẩn, vừa đảm bảo an toàn vừa giàu tính thẩm mỹ? Đây là vấn đề luôn được các bậc phụ huynh quan tâm, chú trọng, nhất là sau vụ việc bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.

Vậy lan can ban công là gì? Các tiêu chuẩn thiết kế lan can ra sao? Có nên làm lưới an toàn cho ban công chung cư, nhà phố hay không? Hãy cùng Dothi.net tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Lan can là gì? Vai trò của lan can ban công?

Theo Wikipedia, lan can (tay vịn) là một công trình kiến trúc xây dựng tương đối vững chắc và kiên cố. Vai trò của lan can là rào cản, một "tấm khiên" kiên cố ở phần rìa của bức tường được xây dựng dưới mái nhà hoặc ở cầu thang, ban công, sân thượng hoặc cấu trúc khác. Nếu lan can được xây dựng hoặc lắp đặt trên gác mái ngôi nhà thì chúng chỉ đơn giản là một phần của bức tường bên ngoài liên tục, xây liền theo bề mặt của mái nhà.

Được biết, từ lan can bắt nguồn từ tiếng Ý - "Parapetto". Trong đó, "parare" có nghĩa là trang trải, dài; còn "petto" có nghĩa là bảo vệ. Ban đầu, lan can được xây dựng với mục đích bảo vệ tòa nhà trước sự tấn công quân sự. Theo thời gian, vai trò của lan can nói chung và lan can ban công dần thay đổi.

hình ảnh cận cảnh lan công ban công sắt nhà phố
Thiết kế lan can ban công nhà phố, chung cư trước hết cần đảm bảo yếu tố an toàn.

Ngày nay, lan can ban công chung cư, nhà phố được sử dụng để đảm bảo an toàn cho các thành viên gia đình khi đứng ở một độ cao nhất định. Đồng thời, ngăn chặn sự lây lan của đám cháy và góp phần tạo điểm nhấn ấn tượng, sang trọng cho không gian sống, tăng giá trị thẩm mỹ tổng thể của ngôi nhà.

2. Nên chọn vật liệu nào để làm lan can ban công?

Thị trường hiện có rất nhiều mẫu lan can đẹp với kiểu dáng, chất liệu, màu sắc, hoa văn đa dạng. Riêng với lan can ban công, có 3 kiểu phổ biến như sau:

Lan can sắt

Kiểu lan can ban công này rất phổ biến, được nhiều gia đình và chủ đầu tư chung cư lựa chọn. Lan can sắt sở hữu những ưu điểm vượt trội như độ bền, độ cứng cao, dễ tạo hình, kiểu dáng, hoa văn bắt mắt, nhất là kiểu lan can sắt mỹ thuật. Nhược điểm của lan can sắt là chúng dễ bị oxy hóa, bị ăn mòn, tuy nhiên có thể khắc phục bằng cách sơn tĩnh điện.

Mẫu lan can sắt đơn giản, thanh thoát dành cho nhà phố phong cách hiện đại., ghé ngồi, đệm màu hồng, cây xanh
Mẫu lan can sắt đơn giản, thanh thoát dành cho nhà phố phong cách hiện đại.

Lan can inox

Đây cũng là kiểu lan can chung cư, nhà phố phổ biến hiện nay với nhiều ưu điểm như chịu nhiệt tốt, độ sáng bóng cao, không bị rỉ sét, không bị ảnh hưởng bởi tác động của điều kiện thời tiết hay mối mọt. Hơn nữa, giá thành lan can inox cũng rất phải chăng, phù hợp với khả năng chi trả của nhiều người. Điểm hạn chế của lan can inox là khi chịu tác động lực quá mạnh sẽ bị biến dạng, ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ chung của công trình.

>>> Xem thêm: 10 mẫu lan can ban công bằng inox phổ biến hiện nay

Mẫu lan can inox với chiều cao đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế theo quy định hiện hành.
Mẫu lan can inox với chiều cao đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế theo quy định hiện hành.

Lan can kính cường lực

Mẫu lan can ban công này có độ bền cao, an toàn, chắc chắn, chịu được áp lực lớn và tạo cảm giác thông thoáng, sang trọng cho không gian ngoại thất ngôi nhà/căn hộ. Với những căn hộ chung cư có diện tích khiêm tốn, lan can kính trong suốt còn góp phần "nới rộng" về mặt thị giác.

Khác với lan can sắt và lan can inox, lan can kính cường lực không có khe hở, khe thoáng nên rất an toàn cho người sử dụng, đặc biệt là trẻ nhỏ. 

>>> Xem thêm: Những mẫu lan can ban công kính âm sàn "hot rần rần" 

Lan can ban công bằng kính cường lực đảm bảo an toàn, đồng thời mang lại vẻ đẹp sang trọng, hiện đại cho ngoại thất công trình.
Lan can ban công bằng kính cường lực đảm bảo an toàn, đồng thời mang lại vẻ đẹp sang trọng, hiện đại cho ngoại thất công trình.

Để lựa chọn được kiểu lan can ban công phù hợp, gia chủ nên căn cứ vào nhu cầu, mục đích sử dụng và khả năng tài chính của gia đình mình. Mỗi người sẽ có sự lựa chọn khác nhau, tuy nhiên giới chuyên gia khuyến nghị nên dùng lan can kính cường lực bởi chất liệu này vừa đảm bảo công ăn, tính an toàn cũng như yếu tố thẩm mỹ

3. Quy định về chiều cao lan can ban chung cư, nhà phố

Thiết kế, thi công xây dựng nhà ở như thế nào cho đúng chuẩn và giàu tính thẩm mỹ là việc của kiến trúc sư cũng như nhà thầu. Tuy nhiên, gia chủ cũng nên nắm rõ những quy định, những nguyên tắc cơ bản nhất về kiến trúc, xây dựng để có thể góp ý trong quá trình thiết kế, giám sát khâu thi công của đội thợ. Mục đích cuối cùng là sở hữu ngôi nhà/căn hộ ưng ý nhất.

Và tất nhiên, việc thiết kế ban công chung cư, ban công nhà phố cũng vậy. Gia chủ nên nắm rõ một số tiêu chuẩn và quy định cụ thể về chiều cao lan can, các giải pháp đảm bảo an toàn, nhất là đối với những gia đình có trẻ nhỏ.

Công trình dưới 9 tầng, chiều cao lan can ban công là bao nhiêu?

Để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng, chiều cao lan can ban công đối với những công trình dưới 9 tầng cần được thiết kế tuân thủ các tiêu chuẩn quy định. Chiều cao lan can phù hợp thường từ 1-1,1m. Cùng với đó, phong cách thiết kế lan can ban công cũng là yếu tố quan trọng góp phần quyết định tính an toàn của công trình.

hình ảnh phòng khách nhìn ra ban công căn hộ chung cư
Với lan can sắt hoặc inox như này, gia chủ nên lắp thêm lưới an toàn.

Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - QCXDVN 05 : 2008/BXD được ban hành bởi Bộ Xây dựng năm 2008, với những công trình, nhà ở có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì thiết kế lan can cần đảm bảo những cầu như khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm, cấu tạo của lan can không tạo điều kiện cho trẻ em dễ dàng trèo qua.

Lưu ý, với lan can sắt và lan can gỗ, khoảng cách giữa các ô thoáng cần đảm bảo không để trẻ con chui lọt qua, rất nguy hiểm. Trong khi đó, với lan can kính, nhất là lan can kính cường lực, gia chủ nên chọn loại kính có độ dày 10mm bởi giá thành vừa phải, đảm bảo an toàn và tạo độ thoáng sáng cho không gian.

Công trình từ 9 tầng trở lên, chiều cao lan can ban công tối thiểu 1,4m

Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - QCXDVN 05 : 2008/BXD, đối với các công trình trường học, cơ quan, nhà ở từ 9 tầng trở lên, chiều cao lan can ban công cần đảm bảo tối thiểu là 1,4m.

Mặt khác, lan can ban công còn phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang theo quy chuẩn liên quan. Cũng nên tránh làm lan can có bề mặt trên rộng nhằm tránh trường hợp người nằm hoặc ngồi, rất nguy hiểm. Đối với lan can kính cường lực, cần tuân thủ quy định không có khe hở nào đút lọt quả cầu có đường kính 75mm.

Đặc biệt, với những công trình có trẻ em dưới 5 tuổi hay lui tới thì cấu tạo lan can không để trẻ dễ dàng trèo qua được. Kinh nghiệm cho thấy, gia chủ không nên bố trí các thanh ngang ở lan can để trẻ tựa chân trèo qua. Khoảng cách giữa các ô thoáng của lan can inox, lan can sắt mỹ thuật cũng cần đảm bảo không đút lọc quả cầu đường kính 100mm.

ban công chung cư ngập tràn cây xanh
Chiều cao lan can ban công tòa nhà từ 9 tầng trở lên tối thiểu là 1,4m.

Với những khe hở lan can, gia chủ có thể sử dụng phụ kiện trang trí, chậu cây, hoa che phủ. Đây là giải pháp đơn giản, dễ thực hiện, góp phần đảm bảo an toàn cho người dùng, đồng thời mang lại vẻ sinh động, hấp dẫn, bắt mắt cho khu vực ban công chung cư, nhà phố hiện nay.

Như vậy, các tiêu chuẩn thiết kế lan can ban công được quy định khá rõ ràng và chặt chẽ. Nếu chủ đầu tư phớt lờ những quy định này, thiết kế không đúng chuẩn thì cư dân sinh sống trong tòa nhà, căn hộ đó sẽ phải đối mặt với nguy cơ chịu hậu quả nghiêm trọng khi tai nạn xảy ra.

4. Lắp lưới an toàn cho ban công chung cư - nên hay không?

Lắp lưới an toàn cho ban công chung cư là vấn đề được nhiều gia chủ quan tâm, nhất là những người đang sống trong nhà phố, căn hộ chung cư cao tầng. Thực tế cho thấy, sau nhiều vụ tại nạn thương tâm xảy ra với trẻ nhỏ sống ở chung cư cao tầng, việc lắp lưới an toàn cho ban công căn hộ trở nên cấp thiết. Với những ưu điểm sau đây, lưới an toàn ngày càng được ưa chuộng.

Lưới ban công đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, thú cưng

Trẻ nhỏ vốn hiếu động nên chỉ cần lơ là một chút là tai nạn có thể xảy ra bất cứ khi nào. Nếu không có hệ thống bảo vệ an toàn thì việc trẻ con chơi đùa ngoài ban công rất nguy hiểm, có thể xảy ra những sự cố đau lòng. Vấn đề này có thể được giải quyết nếu bạn chọn lắp lưới an toàn cho ban công chung cư.

Dễ thoát ra ngoài khi xảy ra cháy nổ

Hiện nay, lưới an toàn cho ban công chung cư là giải pháp hữu hiệu, thay thế cho hàng rào sắt, "chuồng cọp" trước đây. Với lưới an toàn, người trong nhà sẽ dễ dàng thoát ra ngoài khi xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ. Mặt khác, lực lượng cứu hộ cũng dễ tiếp cận ngôi nhà/căn hộ hơn để ứng cứu kịp thời, giảm thiểu tối đa thương vong.

ban công chung cư lắp lưới an toàn
Lưới an toàn là thứ không thể thiếu đối với ban công căn hộ chung cư.

Khả năng chống trộm cực tốt

Với hệ thống lưới thép bền chắc, lưới an toàn ban công có khả năng chống trộm hiệu quả. Tính năng này có thể được nâng cấp bằng cách lắp đặt thêm thiết bị chống trộm, chuông báo. Hệ thống sẽ tự động phát tín hiệu cảnh báo khi dây cáp bị cắt. Thế nên, lưới an toàn còn giúp gia chủ hạn chế nguy cơ kẻ xấu, trộm cướp xâm nhập vào nhà.

Tính thẩm mỹ cao

Lưới an toàn cho ban công không làm mất đi vẻ đẹp vốn có của căn hộ, nhà phố mà còn tăng tính thẩm mỹ cho công trình. Với khoảng cách 15m trở lên, đứng từ dưới nhìn lên, bạn không hề nhận thấy sự hiện diện của lưới an toàn này. Căn hộ nhờ đó vẫn rất thông thoáng và đẹp mắt. Lưới an toàn có thể trở thành một giá treo "mini" để bạn thỏa sức trang trí hoa, dây leo xanh mát, thân thiện và gần gũi với thiên nhiên.

Ngoài ra, lưới ban công chung cư còn là giúp giữ cho quần áo, đồ đạc ở ban công không bị rơi ra ngoài bởi tác động của điều kiện thời tiết, ngoại lực.

Như vậy, với những kiến thức về lan can ban công trên đây, hy vọng sẽ giúp ích cho bạn trong việc lựa chọn kiểu lan can nhà phố, căn hộ phù hợp, đảm bảo cả về công năng, độ an toàn cũng như tính thẩm mỹ.

 

Lam Giang (TH)

 

>> Những mẫu lan can ban công bằng sắt được tìm kiếm nhiều nhất

>> Học ngay 6 ý tưởng bài trí ban công thành không gian cực hữu ích