Người con làng chài giúp ngư dân vươn khơi, bám biển

Giới trẻ, Nhịp sống trẻ | 14:33:00 30/03/2021

TNV - Đó là tấm gương về chị Bùi Thị Bình, người con của làng chài  Thủy Giang đã giúp hàng chục hộ ngư dân tháo gỡ bài toán khó khăn về vốn để phát triển sản xuất, vươn khơi bám biển; tìm đầu ra ổn định, thu mua chế biến hải sản tại chỗ, tạo thuận lợi cho tiêu thụ và gia tăng giá trị sản phẩm; góp phần tạo thêm hàng trăm việc làm, cải thiện đời sống cho bà con địa phương.

Giải bài toán khó khăn về vốn, tiêu thụ sản phẩm; tạo việc làm, sinh kế ổn định cho bà con địa phương

Từ xã lên phường từ năm cuối năm 2008, nhưng tổ dân phố nơi chị sinh ra, lớn lên và hiện đang làm ăn sinh sống về thực chất vẫn là làng chài nhỏ (100% người dân theo đạo Công giáo) thuộc phường Hải Thành, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng, nằm ven con sông Lạch Tray gần cửa biển. Theo chị Trịnh Thị Anh (Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Dương Kinh), đây là làng chài duy nhất ở quận, và Cơ sở thu mua thủy hải sản Bình Phương do chị Bùi Thị Bình làm chủ đặt ở làng chài Thủy Giang cũng là cơ sở đầu tiên và lớn nhất của quận, với sản lượng tép, duội, sứa thu mua chế biến lên tới hàng ngàn tấn, đạt doanh thu vài chục tỷ đồng mỗi năm.

Chị Bình bên những thùng tép trắng ướp muối đang chờ xuất đi Hàn Quốc

“Với ý chí dám nghĩ dám làm, nỗ lực vượt qua khó khăn vươn lên trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc và giúp đỡ bà con quê hương cùng phát triển kinh tế, cải thiện đời sống; chị Bình là tấm gương điển hình tiên tiến “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cũng như phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” của quận Dương Kinh. Chị xứng đáng với phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới”, Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Dương Kinh thông tin thêm.

Mặc cho tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, song cái tên làng chài Thủy Giang đã gắn bó, thân thuộc với hầu hết người dân ở đây. Ông Đỗ Văn Lạc (Tập đoàn trưởng Tập đoàn đánh cá Thủy Giang, Tổ trưởng Tổ dân phố Thủy Giang) tâm sự, làng hiện có 297 hộ thì vẫn còn tới 70% số hộ chuyên sống bằng nghề chài lưới đánh bắt thủy sản. Trong số 46 phương tiện khai thác hải sản của cả làng thì có 25 phương tiện được chị Bình cấp vốn đầu tư hoạt động.

Cũng theo ông tổ trưởng Lạc – một ngư dân lão luyện sinh ra và lớn lên ở làng Thủy Giang, có hơn 50 năm tuổi nghề và 71 năm tuổi đời – bà con làng chài di cư về Thủy Giang làm ăn sinh sống vào khoảng năm 1938. Đến năm 1980, chính quyền địa phương tổ chức quai đê lấn biển, thành ra con đê ngày nay chạy cắt qua làng, nên chỉ còn 81 hộ sinh sống ngoài đê. Đây cũng là khó khăn mà nhiều năm trôi qua các hộ dân ngoài đê chưa được cấp sổ đỏ, không có điều kiện thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế. Bởi vậy, việc cấp vốn (không lãi) của gia đình chị Bình rất có ý nghĩa đối với cuộc sống bà con làng chài Thủy Giang.

 Tấp nập thu mua thủy hải sản của bà con làng chài

Là người cùng làng được chị Bình cho mượn 220 triệu đồng từ năm 2014 tính đến nay đã 7 năm, nhờ vậy cũng là 7 năm anh Trần Văn Phú (43 tuổi) đã đổi từ con thuyền nhỏ chạy buồm quanh quẩn ven bờ sang tàu máy to cùng nhiều phương tiện đánh bắt hiện đại. Kể từ đó tới nay mức thu nhập của gia đình anh cao hẳn lên, đời sống đổi thay trông thấy. Gia đình anh đã xây được ngôi nhà mới rộng rãi, khang trang cùng với nhiều tiện nghi sinh hoạt đầy đủ. Buổi tối, đang mùa đi biển khai thác sứa, nên trao đổi qua điện thoại, anh Phú vội nói: Doanh thu mỗi năm từ 500 – 700 triệu đồng, sau khi trừ chí phí thuê mướn 4 – 5 lao động hàng tháng và tiền dầu máy, còn thu về trung bình 300 triệu đồng/năm; riêng năm 2020, bị thiệt hại nặng bởi dịch Covid-19, nên thu nhập chỉ còn khoảng 200 triệu đồng.

Từ một làng chài nghèo có mức sống thấp nhất của phường, đến năm 2020, làng chài Thủy Giang đã không còn hộ nghèo, trở thành khu dân cư có đời sống được cải thiện rõ rệt, xuất hiện nhiều hộ có kinh tế khá giả. “Thành quả này có được là nhờ công rất lớn của chị Bình – người đã giải được bài toán về vốn cho hàng chục hộ ngư dân phát triển sản xuất, bài toán về thị trường tiêu thụ và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương” - ông Trần Anh Tuấn (Phó Chủ tịch UBND phường Hải Thành) chia sẻ.

Được biết, bên cạnh nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ bà con phát triển sản xuất, chị Bình còn tích cực tham gia hoạt động nhân đạo từ thiện của địa phương, của Hội Phụ nữ như: ủng hộ xây dựng “Mái ấm tình thương”, quỹ “Vì người nghèo”, tặng quà cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… với số tiền từ 20-30 triệuđồng mỗi năm.

Được nhận Giải thưởng Lê Chân - Giải thưởng cao quý nhất của Phụ nữ Hải Phòng

Một ngày trung tuần tháng Ba (năm 2021), tôi có dịp về thăm Cơ sở thu mua chế biến của chị Bình tại làng chài Thủy Giang. Nhanh nhẹn, tháo vát và trẻ hơn rất nhiều so với độ tuổi 47 của những người phụ nữ miền biển là cảm nhận đầu tiên dễ nhận thấy ở chị. Bên hàng trăm thùng tép trắng ướp muối xếp thành hàng đang chờ xuất đi Hàn Quốc, chị Bình cho biết, ngay từ nhỏ đã quen với nghề chài lưới, khi trưởng thành thì buôn bán nhỏ lẻ hải sản của bà con trong làng sau đó bán lại cho các thương lái. Đến năm 2008, thấy tép của bà con làm về không tiêu thụ được, xót xa trước cảnh được mùa biển nhưng thiếu đầu ra nên đời sống của bà con vẫn bấp bênh, chị quyết tâm đứng ra thành lập cơ sở thu mua chế biến và tìm đối tác tiêu thụ, giải cứu hải sản cho bà con.

Cá duội khô

Nghĩ là làm, chị sang Cát Hải, vào Thanh Hóa, liên kết với một số công ty sản xuất nước mắm, đứng ra làm đại lý thu mua tiêu thụ sản phẩm giúp bà con, chỉ hưởng 200 nghìn đồng mỗi đầu tấn từ các công ty liên kết. Cũng từ năm 2008, chị tìm được mối tiêu thụ con sứa xuất đi Trung Quốc. Do bà con chưa có ngư cụ chuyên dụng đánh bắt sứa, chị gom số tiền buôn bán nhỏ bấy lâu và vay 10.000 USD của chị gái chồng đang làm ăn ở Đan Mạch, cho 56 hộ dân trong làng mượn (không tính lãi), người ít thì 5 - 10 triệu, người nhiều 20 triệu đồng để đầu tư lưới khai thác sứa về bán cho chị, mở ra sinh kế mới cho cả làng nâng cao thu nhập.

Nhờ có đầu ra ổn định, đời sống bà con làng chài tươm tất hơn, có tích lũy, nhiều hộ muốn đóng tàu to, mở rộng sản xuất. Thấy vậy, chị Bình bàn với gia đình, dốc toàn bộ vốn liếng cộng với sổ đỏ gia đình, sổ đỏ mượn của mẹ đẻ và chị gái đem thế chấp ngân hàng được cả thảy khoảng 6 tỷ đồng, đưa tất cho 25 hộ trong làng mượn (không lãi xuất) để mua sắm tàu to, máy mới, tời, lưới…, vươn khơi dài ngày trên biển. Đó là thời điểm năm 2009, chị Bình nhớ lại.

Không chỉ giúp bà con làng chài có vốn để mua sắm phương tiện đánh bắt, phát triển kinh tế, có thị trường tiêu thụ ổn định, mà chị còn xây dựng được nguồn cung ứng nguyên liệu vững vàng, hiệu quả. Được sự khuyến khích của chính quyền địa phương, chị bắt tay vào củng cố, đầu tư xây dựng cơ sở thu mua chế biến. Hiện, Cơ sở thu mua thủy hải sản Bình Phương của gia đình chị gồm 02 bến sản xuất: một ở Đồ Sơn, một ở tại làng chài – nơi gia đình chị đã nhiều đời gắn bó. Riêng bến tại làng chài Thủy Giang, có 2 xưởng chế biến rộng 8.000 m2, được đầu tư hạ tầng chắc chắn, đường xá rộng rãi, thuận lợi cho xe tải trọng lớn vào ăn hàng, chứ không còn nhỏ hẹp, gập ghềnh chỉ đủ chỗ cho xe cải tiến mấy người ì ạch đẩy kéo như thời gian đầu mới lập bến.

Sản phẩm sứa sau khi chế biến.

Chị Bình bật mí, hiện nay cơ sở đang chế biến xuất bán các sản phẩm như: tép trượp làm mắm hoặc thức ăn chăn nuôi, tép đóng đá xuất đi sấy khô, tép ướp muối xuất đi Hàn Quốc, làm mắm đặc (mắm tôm), cá duội khô và sứa muối xuất khẩu. Với sản lượng trung bình hàng năm: tép 1.500 tấn, cá duội 200 tấn, sứa 300 – 400 tấn; tổng doanh thu khoảng 20 tỷ đồng/năm.

Với tâm niệm sống “tốt đời, đẹp đạo”, luôn học theo Bác Hồ kính yêu làm những việc “ích nước, lợi nhà”, chị Bình đang ấp ủ kế hoạch sản xuất thêm sản phẩm nước mắm, nhằm phát triển kinh tế gia đình, gia tăng giá trị cho hải sản địa phương và tạo thêm nhiều việc làm mới giúp bà con quê hương cải thiện đời sống. Hiện sản phẩm sứa do Cơ sở chế biến Bình Phương của chị sản xuất tự hào là một trong hai sản phẩm OCOP của quận Dương Kinh.

Ngoài ra, cơ sở sản xuất của chị còn tạo việc làm thường xuyên theo con nước (15 ngày/tháng) cho 10 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định  từ 7-10 triệu đồng/người/tháng; tạo việc làm thời vụ cho 25 - 30 lao động với thu nhập 7-9 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, nhờ chị cấp vốn làm ăn mua sắm ngư cụ, đóng tàu mở rộng sản xuất và bao tiêu sản phẩm mà hơn hai chục tàu cá lớn, nhỏ trong vùng cùng với hơn 100 ngư dân trong làng có điều kiện theo nghề bám biển, vươn khơi đánh bắt hải sản, thu nhập ổn định, góp phần xây dựng khu dân cư ngày một khang trang, phát triển.

Là giáo dân kính Chúa, yêu nước, chị vinh dự được UBMTTQVN thành phố Hải Phòng tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo; được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi toàn quốc; được UBND thành phố Hải Phòng tặng Bằng khen về thành tích học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Vinh dự và tự hào hơn khi chị là một trong 07 phụ nữ được nhận Giải thưởng Lê Chân năm 2016 do UBND thành phố trao tặng. Đây là Giải thưởng cao quý nhất của Phụ nữ Hải Phòng, trao tặng hàng năm cho những phụ nữ có những đóng góp đặc biệt tích cực, xuất sắc trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố./.

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam