Hội thảo “Kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhiệt đới nhập khẩu”

Doanh nhân, | 21:40:00 20/04/2021

TNV - Chiều ngày 20/4, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) phối hợp với Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương, Hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai, Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định và Tổ chức Forest Trends tổ chức Hội thảo “Kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhiệt đới nhập khẩu”.

Quang cảnh Hội thảo

Việt Nam hiện đã trở thành công xưởng sản xuất đồ gỗ trên thế giới. Hiện quốc gia đứng thứ 2 ở châu Á và thứ 5 trên giới về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gô. Kim ngạch xuất khẩu đang trên đà mở rộng, đặc biệt tại Mỹ - thị trường cung cấp trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ cho Việt Nam năm 2020. Việt Nam đặt ra mục tiêu hết 2021 kim ngạch xuất khẩu đạt 15 tỷ USD và 20 tỷ năm 2025”. Một số ý kiến trong ngành cho rằng với tốc độ tăng trưởng trong xuất khẩu như hiện nay, các mục tiêu này của ngành hoàn toàn có thể thực hiện.

Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 2-2,5 triệu m3 gỗ quy tròn là gỗ nhiệt đới. Nguồn gỗ này được nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu được sử dụng phục vụ tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, những rủi ro về tính pháp lý của nguồn cung gỗ nhiệt đới nhập khẩu đang đe dọa đến sự bền vững của toàn ngành.

Nghị định 102/2020-NĐ-CP được Chính phủ ban hành tháng 9 năm 2020 quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp. Nghị định và các quyết định đi kèm đưa ra các tiêu chí xác định gỗ rủi ro nhập khẩu từ đó đưa ra các cơ chế nhằm kiểm soát rủi ro. Trong khâu kiểm soát nhập khẩu, các hoạt động kiểm soát của các cơ quan chức năng theo tinh thần của Nghị định 102 hiện đang gặp khó khăn, chủ yếu là do thiếu thông tin về chuỗi cung gỗ xuất khẩu tại các quốc gia cung gỗ cho Việt Nam. Kết quả là các rủi ro đối với luồng cung nhập khẩu này vẫn đang tồn tại mà chưa được giải quyết triệt để. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của ngành.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch VIFOREST cho biết: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ngành gỗ tăng trưởng ở mức 2 con số tính về kim ngạch xuất khẩu. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu 2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành đã đạt tương đương với 20% trong tổng kim ngạch của cả năm 2020. Nếu duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay, con số mục tiêu 14 - 14,5 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu mà Chính phủ đặt ra cho ngành trong năm 2021 là hoàn toàn có thể kỳ vọng.

Bình quân mỗi năm chúng ta nhập khẩu khoảng 2-2,5 triệu m3 gỗ quy tròn là gỗ nhiệt đới. Một con số rất lớn, tương đương 40-50% trong tổng lượng gỗ tròn và xẻ nhập khẩu. Theo tiêu chí phân loại gỗ nhập khẩu của Nghị định 102 thì đây là nguồn gỗ rủi ro cao. “Nguồn gỗ này được nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu được sử dụng phục vụ tiêu dùng nội địa. Thói quen sử dụng gỗ tự nhiên, gỗ thịt, đặc biệt là các loài gỗ quý vẫn còn tồn tại tương đối phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, thói quen này đang gây ra những tổn hại về mặt môi trường và cho cả ngành gỗ", ông Đỗ Xuân Lập cho biết.

Còn theo ông Tô Xuân Phúc- chuyên gia của tổ chức Forest Trends: nguy cơ gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam không tuân thủ được toàn bộ các yêu cầu của quốc gia khai thác và quốc gia xuất khẩu là rất lớn.

Nghiên cứu mà Forest Trends và VIFOREST đang thực hiện về sử dụng gỗ châu Phi tại Việt Nam cho thấy, chỉ tính riêng cho nguồn gỗ nhập khẩu từ châu Phi, năm 2020 Việt Nam có khoảng 240 DN trực tiếp tham gia nhập khẩu. DN có quy mô nhỏ và rất nhỏ đóng vai trò chủ đạo về số lượng DN tham gia khâu nhập khẩu gỗ châu Phi vào Việt Nam. Nghiên cứu này chỉ ra rằng hầu hết các giao dịch giữa người mua (công ty nhập khẩu tại Việt Nam) và người bán (công ty xuất khẩu tại châu Phi) là các giao dịch online, thông qua việc trao đổi hình ảnh của gỗ qua mạng xã hội như Zalo hay Facebook. Các DN, đặc biệt là các DN nhỏ, không có điều kiện và tài chính và con người hầu như không có các hoạt động kiểm tra thực địa về các hoạt động trong chuỗi cung xuất khẩu. Các loại giấy tờ trong bộ hồ sơ xuất khẩu cũng không được kiểm chứng về tính xác thực.

Nhằm tăng cường tính xác thực của hồ sơ giấy tờ trong bộ hồ sơ xuất/nhập khẩu, Chính phủ Việt Nam nên thiết lập kết nối chính thức với Chính phủ của các quốc gia cung gỗ nguyên liệu rủi ro cho Việt Nam. Kết nối này giúp cho các cơ quan chức năng của Việt Nam nắm rõ được quy trình trong chuỗi cung xuất khẩu, các yêu cầu pháp lý có liên quan tới các hoạt động của chuỗi và tính xác thực của các giấy phép, tài liệu nằm trong bộ hồ sơ xuất khẩu. Kết nối này cũng có thể giúp cho Chính phủ Việt Nam tiếp cận đối với nguồn thông tin về các DN được phép khai thác, chế biến và được phép xuất khẩu tại quốc gia xuất khẩu.

“Mục tiêu cuối cùng là phải tạo ra hành lang pháp lý để nhập khẩu gỗ về Việt Nam đặc biệt là gỗ rừng nhiệt đới phải là gỗ hợp pháp. Để thực hiện phát triển ngành gỗ, về lâu dài đó là văn hóa trong việc sử dụng sản phẩm gỗ của người dân. Bên cạnh đó, tìm giải pháp thay thế nguồn cung gỗ rừng nhiệt đới cũng cần sự xem xét đến”, ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, thông qua báo cáo của Hiệp cũng đã kiến nghị Chính phủ và cộng đồng ngành gỗ tiến hành các biện pháp đồng bộ, nhằm tăng cường tính hiệu quả trong việc thực hiện Nghị định 102. Các biện pháp này bao gồm Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ nguồn rủi ro bổ sung các bằng chứng minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu và thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Bên cạnh đó, Chính phủ và các hiệp hội gỗ thiết lập các kênh kết nối với các quốc gia cung gỗ cho Việt Nam, nhằm tìm hiểu các thông tin về chuỗi cung, bao gồm các quy định cụ thể trong các khâu của chuỗi và các rủi ro trong chuỗi. Ngoài ra, Chính phủ và cộng đồng ngành gỗ Việt Nam cần thực hiện các chương trình truyền thông với mục thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng tại thị trường nội địa theo hướng giảm sử dụng gỗ rừng tự nhiên, khuyến khích sử dụng gỗ rừng trồng trong nước. Ngành gỗ chỉ có thể đạt được ổn định và phát triển khi rủi ro về tính pháp lý của nguồn cung gỗ nhập khẩu được giải quyết dứt điểm.

Nhà nước nên đi tiên phong trong việc thay đổi thói quen sử dụng gỗ tự nhiên. Chính phủ cần ban hành chính sách mua sắm công về các sản phẩm gỗ. Chính sách cần phát triển theo hướng loại bỏ hoàn toàn gỗ tự nhiên nhập khẩu từ cá nguồn rủi ro ra, ưu tiên sử dụng các loại gỗ rừng trồng trong nước trong tất cả các dự án sử dụng vốn ngân sách và cả đối với các cơ quan nhà nước không sử dụng ngân sách. Ngành gỗ Việt Nam sẽ chỉ có thể phát triển bền vững chừng nào các rủi ro trong khâu nhập khẩu gỗ nguyên liệu, đặc biệt là đối với các nguồn gỗ tự nhiên được giải quyết triệt để.

Hoàng Hà

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam