Cụ Nguyễn Hữu Thân: người cán bộ tiền khởi nghĩa trọn đời theo Đảng

Thời sự, Tiêu điểm | 08:45:00 12/08/2021

TNV - Cụ ông Nguyễn Hữu Thân (Bí danh Nguyễn Tuận) sinh năm 1918, là cán bộ tiền khởi nghĩa, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu, Huy chương, Huân chương cao quý. Ông sống cả cuộc đời tràn đầy tinh thần nhiệt huyết cách mạng, ý chí kiên trung, tấm lòng trong sáng, đạo đức liêm khiết, giản dị, khiêm tốn, chung thủy và trí óc minh mẫn, là tấm gương ngời sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Chiều ngày 05/8 vừa qua, ông Nguyễn Hữu Thân đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 104 tuổi, trong niềm tiếc thương vô hạn của nhiều người. 

 

Giác ngộ cách mạng từ nhỏ

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho giáo, nghèo khó, đông con, tại làng Giao Tác, xã Nguyệt Ao cũ, nay là thôn Thuận Giang, xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), từ nhỏ được chứng kiến các phong trào đấu tranh chống lại các áp bức, bất công, đòi quyền tự do dân chủ cho nhân dân lao động, vì thế, cụ ông Nguyễn Hữu Thân đã sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản và chính thức tham gia hoạt động cách mạng từ năm 18 tuổi.

 Cụ Nguyễn Hữu Thân viết đơn tình nguyện không nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ (Ảnh: Thu Hằng – Thanh Trúc).

Năm 2020, cụ ông Nguyễn Hữu Thân tròn 75 năm tuổi Đảng, tuy đã bước sang tuổi 102, nhưng người cán bộ tiền khởi nghĩa kiên trung này vẫn còn mạnh khỏe và nhớ như in những chặng đường lịch sử hào hùng của cuộc đời mình đã trải qua, từ khi giác ngộ cách mạng, cho đến khi tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cũng như góp công kiến thiết quê hương sau ngày thống nhất đất nước.

Cụ Nguyễn Hữu Thân rành rọt kể lại, cuối năm 1944, cụ được giao làm Chỉ huy Phó, chịu trách nhiệm huấn luyện 150 tự vệcảm tử để xây dựng, chuẩn bị lực lượng chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 năm 1945 của Đảng ta.

Sau quá trình tổ chức tập luyện bí mật, ngày 14/8/1945, cụ Thân dẫn đầu đoàn biểu tình xã Nguyệt Ao đến nhà lý trưởng, chánh tổng để đấu tranh, bắt nộp lại tiền phi nghĩa, sưu cao thuế nặng, bóc lột của dân, sau đó, trao trả các viên quan về địa phương làm công dân lương thiện. Phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân thời điểm đó đã dấy lên rất cao, lan tỏa nhanh chóng ra các địa phương khác.

Vào 6 giờ sáng ngày 15/8/1945, cụ Nguyễn Hữu Thân tiếp tục chỉ huy lực lượng cảm tử vào bắt sống tri huyện Trần Mạnh Đàn, buộc y từ chức, giao trả lại ruộng, lúa, tiền bạc cho nhân dân và giao nộp con dấu, tài liệu, quân lính, vũ khí cho Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam.

Cụ Nguyễn Hữu Thân ký tên dưới Đơn tình nguyện không nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ.

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 01/10/1945, cụ Nguyễn Hữu Thân vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, cụ được cử đi học ở Trường Quân chính Nhượng Bạn, do cụ Hồ Tùng Mậu làm Giám đốc kiêm Chính ủy. 

Trưởng thành qua từng phong trào cách mạng

Khi hoàn thành lớp học tại Trường Quân chính Nhượng Bạn, những học viên được bổ sung vào làm cán bộ các đoàn tăng cường vào Nam Bộ chiến đấu. Cụ Thân được tỉnh xin ở lại, giao nhiệm vụ làm Chính trị viên tiểu đoàn ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), bắt đầu công cuộc kháng chiến chống Pháp trên các mặt trận Bình Trị Thiên, ở chiến khu Việt Bắc và trực tiếp tham gia chiến dịch Lê Hồng Phong II, tại thị xã Cao Bằng.

Cụ Nguyễn Hữu Thân tuy đã hơn 100 tuổi nhưng đầu óc vẫn minh mẫn, đang truyền ngọn lửa cách mạng cho cháu dâu Lê Quang Thục Quỳnh (vợ ông Nguyễn Anh Đức, cháu nội cụ Thân).

Ngày 25/12/1950, quân ta mở Chiến dịch Trần Hưng Đạo đánh vào phòng tuyến trung du từ Đông Việt Trì đến Tây sông Cầu. Cụ Thân tham gia mũi tiến công vào Thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), cụ đã cùng với đồng đội hoàn thành mục tiêu của Chiến dịch là ra sức tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng khu lương thực, phát triển du kích chiến tranh, tranh thủ thời gian phá kế hoạch củng cố của địch, tạo điều kiện mới để tiêu diệt sinh lực địch nhiều hơn nữa.

Từ ngày 25/5 đến 26/6/1951, cụ thân tham gia tham gia Chiến dịch Quang Trung và được giao nhiệm vụ đánh vào Ninh Bình. Chiến dịch đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng được nhiều đất đai và dân cư. Đồng thời, đẩy nhanh sự phát triển chiến tranh du kích, tạo bước ngoặt lớn, có lợi cho cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ thành công, cụ Thân được phân công tham gia phong trào cải cách ruộng đất tại các tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Đến năm 1957, cụ Nguyễn Hữu Thân chuyển công tác về Khu ủy Khu 4, rồi được điều về công tác tại Tỉnh ủy Hà Tĩnh, được phân công nhiều nhiệm vụ, trong đó có chức vụ Trưởng ban quản lý Hợp tác xã Nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1979. 

Trọn đời theo Đảng

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ lao động đối với xã hội, cụ Nguyễn Hữu Thân trở về sinh sống tại quê hương, tích tham gia công tác do cấp ủy và chính quyền địa phương phát động. Với sự trải nghiệm quý báu và tấm lòng hết lòng phục vụ cách mạng của mình, cụ Thân được Đảng ủy xã giao viết trực tiếp chương I, chương II và góp ý toàn văn lịch sử của Đảng bộ xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng (hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnhchúc mừng cụ Nguyễn Hữu Thân nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng (Ảnh: Văn Dũng).

Là người cán bộ tiền khởi nghĩa, trải qua bao rèn luyện, thử thách, phấn đấu, chiến công, cụ Nguyễn Hữu Thân được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng; Huân chương độc lập hạng III; Huân chương chiến thắng chống Pháp hạng II; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng I; Huân chương lao động hạng III; Huy chương gia đình có công giúp đỡ cách mạng; Huy chương vì sự nghiệp phát triển hợp tác xã, vì sự phát triển nông nghiệp nông thôn, vì sự nghiệp đại đoàn kết.

Ở độ tuổi thượng thượng thọ (104 tuổi), được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúc thọ, cụ Thân vẫn còn đong đầy tinh thần nhiệt huyết cách mạng, tình yêu quê hương, lòng trung thành sắt son với Đảng và không ngừng thực hiện truyền tải ngọn lửa cách mạng, lý tưởng cộng sản cao quý ấy cho con cháu trong gia đình.

Nhân dịp Lễ trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng của mình, cụ Nguyễn Hữu Thân đã chia sẻ: “Ngày nay, đất nước ngày càng phát triển, hội nhập sâu rộng, cuộc sống người dân không còn khó khăn, gian khổ như thời chiến tranh, theo tôi, đây là niềm tự hào chung của những người con đất Việt. Chính nhờ công ơn của Đảng, của Bác Hồ, mà đất nước ta mới có được hòa bình, độc lập như hôm nay, cũng chính vì thế mà tôi nguyện một lòng theo Đảng, theo Bác đến hết cuộc đời này”.

Mỗi một phong trào xây dựng tổ dân phố, phường, hay thị xã, dù nhỏ hay lớn, cụ Thân đều hăng hái đóng góp cả về tinh thần lẫn vật chất. Khi còn khỏe, nhiều lần cụ còn trực tiếp đi vận động bà con cùng tham gia.

 Gia đình tổ chức Lễ mừng đại thọ cho cụ Nguyễn Hữu Thân nhân dịp cụ nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Khi nhận được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ cho người có công với cách mạng, Thân đã tự tay viết đơn gửi chính quyền địa phương tự nguyện không nhận số tiền này, để ưu tiên dành cho các đối tượng khác có hoàn cảnh khó khăn hơn. Tinh thần trong sáng, nhiệt thành cách mạng của người bộ đội Cụ Hồ là thế, cứ dấn bước đi về phía trước để góp công xây đắp cho cuộc đời thêm tươi đẹp, còn quyền lợi của bản thân luôn tự nguyện lùi lại phía sau. 

Người cha gương mẫu, người chồng thủy chung

Những năm tháng cụ Nguyễn Hữu Thân biền biệt tham gia kháng chiến nơi tiền tuyến, cụ bà Nguyễn Thị Cháu ở hậu phương tần tảo nuôi con khôn lớn. Điều đặc biệt, cả 4 người con trai của cụ Thân đều nối gót theo cha, lên đường đánh Mỹ, trong đó, người con trai thứ 3 của cụ đã anh dũng hy sinh, được ghi tên vào danh sách liệt sĩ nước nhà.

Đáp lại những ân tình đó, vào năm 1992, cụ bà không may bị tai biến, nằm một chỗ, cụ Thân đã ân cần chăm sóc, lo từng bữa ăn, giấc ngủ, cho đến sinh hoạt hàng ngày cho người bạn đời trong 10 năm ròng.

Tính luôn 5 người con còn lại (3 trai, 2 gái), đại gia đình cụ Thân có tổng cộng 48 người, bao gồm con, cháu, chắt đều học giỏi, thành đạt, trong đó có 18 đảng viên, 6 sĩ quan bộ đội, 3 bác sĩ, 20 người có trình độ Cao Đẳng, Đại học và có 9 người có học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ. Trong đó, cụ Thân có người cháu nội, là ông Nguyễn Anh Đức, cũng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giống như cụ Thân trước khi về hưu, đang tham gia và gắn bó với ngành Hợp tác xã hơn 15 năm qua.

“Năm 1980, ông nội Nguyễn Hữu Thân đã hy sinh đời tư, đưa gia đình tôi vào thành phố Hồ Chí Minh, để tạo điều kiện cho con cháu được làm việc thuận lợi và học tập thành tài. Hôm nay, sau hơn 40 năm, tôi và các con cháu nguyện đưa ông về quê hương, đất tổ Nghệ An, đặc biệt, để ông được gặp lại và an nghỉ bên cạnh người bạn đời mà ông hằng luôn yêu quý”, Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức chia sẻ.

Cảm kích và tôn kính tấm gương cách mạng sáng ngời của cụ ông Nguyễn Hữu Thân, phóng viên của Tạp chí Thanh niên đã sáng tác 104 câu thơ lục bát, tương ứng với 104 đại thọ của cụ, để kính dâng lên hương hồn, tiễn biệt cụ an lạc về nơi cõi vĩnh hằng, trong đó có 8 câu:

“Cuộc đời đẹp tựa bài ca

Bảy lăm tuổi Đảng gần xa chúc mừng

Huân chương, huy hiệu lẫy lừng

Trọn đời cống hiến không ngừng, chẳng ngơi

 

Dạy dỗ con cháu nên người

Chuẩn mực liêm khiết, rạng ngời thanh cao

Sáng soi gia tộc ngàn sau

Mãi là chỗ dựa tự hào, thiêng liêng”

Lê Thanh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam