Những năng lực cần thiết của cán bộ thủ lĩnh Thanh niên trong giai đoạn hiện nay

TNV - Cán bộ thủ lĩnh thanh niên là những người giữ vai trò rất dẫn dắt, định hướng thanh niên trong các phong trào, hoạt động. Chính vì vậy, họ phải là những người có phẩm chất, năng lực, uy tín đạo đức nhất định để xứng đáng trở thành tấm gương được thanh niên mến phục, noi theo...

TS. Hoàng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam 

Tóm tắt: Cán bộ thủ lĩnh thanh niên là những người giữ vai trò rất dẫn dắt, định hướng thanh niên trong các phong trào, hoạt động. Chính vì vậy, họ phải là những người có phẩm chất, năng lực, uy tín đạo đức nhất định để xứng đáng trở thành tấm gương được thanh niên mến phục, noi theo. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xác định hệ thống cấu trúc các năng lực cần thiết của cán bộ thủ lĩnh thanh niên trong giai đoạn hiện nay để làm căn cứ cho cán bộ Đoàn phụ trách công tác Hội không ngừng rèn luyện, nâng cao.

Từ khoá: Cán bộ làm công tác thanh niên; Cán bộ thủ lĩnh thanh niên; Cán bộ Đoàn phụ trách công tác Hội; Năng lực cán bộ Đoàn, Hội.

  1. 1.      Đặt vấn đề

Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện theo quan điểm của Đảng, Hội LHTN Việt Nam đã và đang không ngừng đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất và uy tín. Đội ngũ cán bộ Hội được xem là những người thủ lĩnh thanh niên, trưởng thành từ phong trào thanh niên, được trải qua quá trình học tập và rèn luyện từ thực tế. Họ không chỉ là những người phải có kiến thức, kỹ năng chuyên môn mà còn phải thực sự tâm huyết, dám đứng đầu mọi phong trào, là người đứng mũi chịu sào, có tinh thần trách nhiệm cao và biết quản lý điều tiết hoạt động sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, người cán bộ thủ lĩnh thanh niên không chỉ là một người cán bộ Hội mà họ còn giữ vai trò nòng cốt chính trị của người cán bộ Đoàn để dẫn dắt thanh niên phấn đấu theo mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ thủ lĩnh thanh niên hiện nay mặc dù đã có sự nâng cao về trình độ chuyên môn song năng lực quản lý, kỹ năng xã hội và năng lực ngoại ngữ, tin học vẫn còn hạn chế. Mặt khác, vẫn còn tình trạng cán bộ Đoàn tham gia làm công tác Hội chưa tâm huyết, trách nhiệm với công việc, tham gia phong trào hời hợt và mang tính hình thức. Điều này đặt ra yêu cầu cho các cấp bộ Hội cần phải đánh giá đúng những năng lực cần thiết của cán bộ thủ lĩnh thanh niên nhằm xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng sao cho phù hợp, kịp thời.

Chính vì vậy, bài viết dưới đây nghiên cứu về những năng lực cần thiết của cán bộ thủ lĩnh thanh niên trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Qua đó, giúp các cấp bộ Hội định hướng những tố chất, năng lực cho cán bộ thủ lĩnh thanh niên phù hợp theo từng vị trí, giúp mỗi cán bộ không ngừng trưởng thành, nâng cao uy tín, trách nhiệm, góp phần xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh.

  1. 2.   Nội dung nghiên cứu

2.1.  Các khái niệm cơ bản

2.1.1.     Năng lực

Theo Từ điển Tiếng Việt (2003), năng lực là “Phẩm chất tâm lí và sinh lí tạo cho con người khả năng hoàn thành một loại hoạt động nào đó với chất lượng cao”[1].

Theo Từ điển năng lực của Đại học Harvad (2012), thuật ngữ chung về năng lực “là những thứ mà một người phải chứng minh có hiệu quả trong việc làm, vai trò, chức năng, công việc hoặc nhiệm vụ”[2].

Tác giả Phạm Văn Thuần (2015) khẳng định: “Năng lực là khả năng tiếp nhận và vận dụng tổng hợp, có hiệu quả mọi tiềm năng của con người (tri thức, kinh nghiệm, thái độ, thể lực, niềm tin…) để thực hiện có chất lượng và hiệu quả công việc hoặc đối phó với một tình huống, trạng thái nào đó trong cuộc sống và lao động nghề nghiệp của mỗi cá nhân theo các chuẩn mực nhất định”[3].

Tóm lại, “năng lực là tổ hợp các thuộc tính có thể đo lường được bằng kiến thức, kỹ năng, thái độ của cá nhân để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo các chuẩn mực nhất định”. Cấu trúc của năng lực được thể hiện bằng các thành tố kiến thức, kỹ năng, thái độ của cá nhân, trong đó:

- Kiến thức được hiểu là nhận thức về quy luật vận động của thế giới khách quan. Kiến thức biểu hiện thông qua những năng lực về thu thập thông tin, năng lực hiểu biết các vấn đề, năng lực ứng dụng, năng lực phân tích, năng lực tổng hợp, năng lực đánh giá.

- Kỹ năng được biểu hiện thông qua các năng lực hành vi, bao gồm kinh nghiệm và mức độ thành thạo trong xử lý công việc.

- Thái độ thường bao gồm các nhân tố thuộc về thế giới quan tiếp nhận và phản ứng lại thực tế, xác định giá trị, giá trị ưu tiên. Đây là yếu tố đóng vai trò quyết định đến thành công dài hạn hay phát triển bền vững của tổ chức.

Mỗi năng lực sẽ bao gồm nhiều cấp độ khác nhau, thể hiện lần lượt các khả năng làm chủ năng lực đó. Thông thường, các cấp độ được chia dựa trên mức độ thuần thục và mỗi cấp độ sẽ được mô tả dưới dạng một tập hợp các hành vi, cấp độ sau bao gồm các năng lực của cấp độ trước đó.

2.1.2.     Cán bộ

Theo Từ điển Tiếng Việt (2003), cán bộ được hiểu theo hai nghĩa: “1. Người làm công tác có nghiệp vụ chuyên môn trong cơ quan nhà nước; 2. Người làm công tác có chức vụ trong một cơ quan, một tổ chức, phân biệt với người thường, không có chức vụ”[4].

Tác giả Nguyễn Phú Trọng, Trần Xuân Sâm (2001) định nghĩa: “Cán bộ là một khái niệm dùng để chỉ những người có chức vụ, vai trò và cương vị nòng cốt trong một tổ chức, có tác động, ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức và các quan hệ trong lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, điều hành, góp phần định hướng cho sự phát triển của tổ chức[5].

Tại khoản 1 và 3, Điều 4, Luật Cán bộ, công chức (2008) quy định: “Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước” [6].

2.1.3.     Cán bộ thủ lĩnh thanh niên

Cán bộ thủ lĩnh thanh niên là người được bầu cử và bổ nhiệm vào cơ quan chuyên trách hoạt động trong các tổ chức thanh niên, có năng lực quy tụ nhân tài, có khả năng dẫn dắt và phát huy được sức mạnh của thanh niên, của tập thể để hoàn thành tốt nhiệm vụ của tổ chức giao cho.

Người cán bộ thủ lĩnh thanh niên được biết đến thống qua những đặc trưng:

-  Là những người trẻ, trong độ tuổi thanh niên, có suy nghĩ, tác phong trẻ trung, sôi nổi, nhiệt huyết;

-  Là những người hoạt động trong các tổ chức thanh niên;

-  Phẩm chất, năng lực của người thủ lĩnh thanh niên được thể hiện thông qua hoạt động thực tiễn, chứng tỏ là người ưu tú, được thanh niên mến phục.

-  Thủ lĩnh thanh niên phải là tấm gương trong lao động, học tập, ứng xử, lối sống để thanh niên noi theo.

-  Thủ lĩnh thanh niên phải là người có năng lực quy tụ, bồi dưỡng nhân tài, phát huy được sức mạnh của thanh niên, của tập thể để hoàn thành tốt nhiệm vụ của tổ chức giao cho.

Thanh niên Việt Nam luôn đi đầu trong các phong trào

2.2.   Cơ sở xác định những năng lực cần thiết của cán bộ thủ lĩnh thanh niên giai đoạn hiện nay

Một là, căn cứ theo quy định của Đảng về công tác cán bộ: Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Quyết định số 50-QĐ/TW ngày 03/5/1999 về Quy chế đánh giá cán bộ, công chức; Quyết định 286-QĐ/TW ngày 08/02/2010 về việc ban hành quy chế đánh giá cán bộ, công chức; Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017 về Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ…

Hai là, căn cứ theo quy định của Nhà nước về cán bộ, công chức: Luật cán bộ, công chức được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2008. Qua quá trình thực hiện, đến ngày 25/11/2019,Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và Luật Viên chức số 58/2010/QH12.

Ba là, căn cứ theo quy định về công tác cán bộ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, điển hình là Quy chế cán bộ Đoàn kèm theo quyết định số 289-QĐ/TW, ngày 8/02/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định về tiêu chuẩn của cán bộ Đoàn.

Bốn là, căn cứ theo yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với người cán bộ thủ lĩnh thanh niên, “Cán bộ nào phong trào ấy”, từ thực tiễn đã chỉ ra rằng chất lượng đội ngũ cán bộ thủ lĩnh thanh niên là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng công tác thanh niên ở cơ sở. Chính vì vậy, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2019 - 2024 khẳng định quyết tâm: “Xây dựng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vững mạnh về tổ chức và hành động. Trong công tác xây dựng tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, chất lượng cán bộ Hội là trọng tâm, nâng cao chất lượng cơ sở Hội là đột phá”[7].

2.3.   Các năng lực cần thiết của cán bộ thủ lĩnh thanh niên giai đoạn hiện nay

2.3.1.     Nhóm năng lực chung

Nhóm năng lực chung là những năng lực đáp ứng yêu cầu về chuẩn mực đạo đức, thái độ trong công việc và hành vi ứng xử. Qua đó, thể hiện những thuộc tính tâm lý của người cán bộ thủ lĩnh thanh niên, bao gồm quan điểm, ý chí, lý tưởng, tư tưởng, tình cảm, phong cách, lối sống phù hợp với yêu cầu đặt ra của xã hội. Nhóm năng lực chung gồm hệ thống các năng lực:

Về phẩm chất chính trị: Có tinh thần yêu nước và lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng.

Về đạo đức: Có đạo đức cách mạng và ý thức tổ chức kỷ luật

Về thái độ: Có trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với thanh niên và trách nhiệm với bản thân.

Về hành vi: Đấu tranh, tự phê bình và phê bình; Gương mẫu, đi đầu trong các mặt công tác của Đoàn, Hội; Học tập, nghiên cứu và rèn luyện qua phong trào của Đoàn, Hội.

2.3.2.     Nhóm năng lực chuyên môn

Nhóm năng lực chuyên môn là những kiến thức và kỹ năng cần thiết, bắt buộc phải có nhằm thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của một người cán bộ Đoàn phụ trách công tác Hội. Trong đó, không chỉ đáp ứng yêu cầu theo vị trí cán bộ, công chức Nhà nước, đảm bảo các quy định của Đảng, Nhà nước mà còn đảm bảo các tiêu chuẩn đặc thù của một người phụ trách công tác thanh niên. Nhóm năng lực chuyên môn gồm hệ thống các năng lực:

Về kiến thức: Kiến thức về lý luận chính trị; Kiến thức về tình hình thực tiễn của đất nước; Hiểu biết về vị trí công tác; Kiến thức lý luận và nghiệp vụ về công tác thanh niên; Hiểu biết các vấn đề hỗ trợ thanh niên trong thời kỳ mới.

Về kỹ năng: Kỹ năng lãnh đạo, quản lý; Kỹ năng sử dụng tin học và ngoại ngữ; Kỹ năng tư vấn, tập huấn; Kỹ năng truyền thông trong công tác thanh niên; Kỹ năng tổ chức hoạt động thanh niên; Kỹ năng tham mưu, phối hợp.

2.3.3.     Nhóm năng lực bổ trợ

Nhóm năng lực bổ trợ là những năng lực cần thiết để người cán bộ thủ lĩnh thanh niên thuận lợi làm việc với các đối tượng thanh niên khác nhau, linh hoạt, thích ứng với những hoàn cảnh, môi trường làm việc cụ thể. Các năng lực này góp phần bổ trợ cho năng lực chuyên môn, tăng cường khả năng đoàn kết, tập hợp thanh niên, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.Nhóm năng lực bổ trợ gồm hệ thống các năng lực:

Về kiến thức: Hiểu biết về các nhóm đối tượng thanh niên đặc thù nơi làm việc, công tác; Hiểu biết về tình hính chính trị, kinh tế, văn hoá, con người địa phương nơi làm việc, công tác.

Về kỹ năng: Kỹ năng thu thập và xử lý thông tin; Kỹ năng xây dựng mạng lưới; Kỹ năng làm việc nhóm; Kỹ năng thuyết trình; Kỹ năng giao tiếp; Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ địa phương; Kỹ năng quản lý sự thay đổi; Kỹ năng quản lý thời gian; Kỹ năng sử dụng phần mềm, thiết bị chuyên dụng; Kỹ năng biên đạo và dàn dựng.

  1. 3.      Kết luận

Để phát huy được hiệu quả trong công tác thanh niên, việc bồi dưỡng, rèn luyện các năng lực nói trên là rất cần thiết. Việc xác định cấu trúc ba nhóm năng lực chung, năng lực chuyên môn và năng lực bổ trợ là căn cứ để nhóm tác giả tiếp tục nghiên cứu xây dựng khung năng lực của cán bộ thủ lĩnh thanh niên cấp xã trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, làm cơ sở để Hội LHTN Việt Nam xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đảm bảo theo tiêu chuẩn của khung năng lực.

Tài liệu tham khảo

  1. Ban Bí thư Trung ương Đoàn (2020), Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (kèm theo Quyết định số 289-QĐ/TW, ngày 08/02/2010).

  2. Harvard University, Competency Dictionary(2012),

http://campusservices.harvard.edu/system/files/documents/1865/harvard_competency_dictionary_complete.pdf, p.4.

  1. Hoàng Phê (chủ biên) (2003), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr. 660-661.

  2. Quốc Hội (2020), Luật Cán bộ, công chức (hiện hành) (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Nxb Chính trị Quốc gia.

  3. Phạm Văn Thuần (2015), Xây dựng khung năng lực của cán bộ quản lý cấp phòng chức năng trong các trường đại học đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, Tạp chí Giáo dục, Số 365, tr.15-18.

  4. Nguyễn Phú Trọng, Trần Xuân Sâm (2001), Luận cứ khoa học cho việc nâng cao chất lượng cán bộ cho thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Nxb Chính trị, tr.20.

  5. Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam khoá VII (2019), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 – 2024.


[1]Hoàng Phê (chủ biên) (2003), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr. 660-661.

[2]Harvard University, Competency Dictionary(2012),

http://campusservices.harvard.edu/system/files/documents/1865/harvard_competency_dictionary_complete.pdf, p.4.

[3]Phạm Văn Thuần (2015), Xây dựng khung năng lực của cán bộ quản lý cấp phòng chức năng trong các trường đại học đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, Tạp chí Giáo dục, Số 365, tr.15-18.

[4]Hoàng Phê (chủ biên) (2003), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr. 109.

[5]Nguyễn Phú Trọng, Trần Xuân Sâm (2001), Luận cứ khoa học cho việc nâng cao chất lượng cán bộ cho thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Nxb Chính trị, tr.20.

[6]Quốc Hội (2020), Luật Cán bộ, công chức (hiện hành) (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Nxb Chính trị Quốc gia.

[7]Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam khoá VII (2019), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 – 2024.

 

TS. Hoàng Minh Tuấn

ThS. Nguyễn Diệu Linh[1]



[1]Khoa Công tác Thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam